Thời gian tối đa được hưởng chế độ ốm đau

Khi nghỉ việc, bà Hoàng đã lấy giấy xác nhận của bệnh viện và làm đơn xin nghỉ ốm. Cơ quan BHXH đã trả cho bà trợ cấp ốm đau 10 ngày, nhưng nhà trường không trả lương cho bà 20 ngày còn lại. Bà Hoàng muốn biết trường hợp của bà giải quyết như vậy có đúng quy định không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Hoàng hỏi như sau:

Khoản 1 Điều 22 Luật BHXH quy định, điều kiện hưởng chế độ ốm đau là bản thân người lao động bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở y tế.

Theo, khoản 1 Điều 23 Luật BHXH, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

– Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

– Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Chi trả chế độ ốm đau

Trường hợp bà Chu Thị Kim Hoàng là giáo viên THPT, bắt đầu làm việc, tham gia BHXH từ năm 2006, đến nay có 7 năm đóng BHXH. Theo quy định, bà Hoàng làm việc trong điều kiện bình thường, thì thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau của bà là 30 ngày trong một năm.

Trong tháng 4/2013 bà bị tai nạn rủi ro trong sinh hoạt, phải nghỉ việc, mà có Giấy xác nhận nghỉ ốm (nếu điều trị ngoại trú) hoặc Giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) tại cơ sở y tế, thì được BHXH chi trả chế độ ốm đau theo số ngày điều trị (không kể ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ hàng tuần).

Mức trợ cấp ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc, chia cho 26 ngày, sau đó nhân với số ngày thực tế nghỉ việc trong thời gian được nghỉ theo quy định.

Như vậy thời gian bà Hoàng nghỉ ốm đau, tai nạn rủi ro có xác nhận của cơ sở y tế thì bà Hoàng được BHXH chi trả trợ cấp ốm đau theo số ngày được xác nhận đó, nhưng không quá 30 ngày làm việc trong một năm (nếu trước khi bị tai nạn rủi ro, bà Hoàng đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau 20 ngày, thì số ngày nghỉ việc vì tai nạn rủi ro lần này chỉ còn được trợ cấp ốm đau 10 ngày).

Về tiền lương, trong thời gian nghỉ ốm đau bà Hoàng không làm việc, nhà trường không phải trả lương. Sau khi hết ngày nghỉ ốm đau, bà Hoàng phải đến trường làm việc mới được Nhà trường trả lương.

Về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy (thường gọi là phụ cấp đứng lớp), theo quy định tại điểm b, khoản 2, Mục II Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính, thì thời gian nghỉ ốm đau vượt quá thời hạn quy định của Luật BHXH sẽ không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi.

Trường hợp bà Hương nghỉ chế độ ốm đau không vượt quá thời hạn quy định, nên Nhà trường chi trả phụ cấp ưu đãi (phụ cấp đứng lớp) tháng 4/2013 cho bà Hương là đúng.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

– Bảo hiểm xã hội hướng dẫn việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản

– Quy định về thời gian nghỉ ốm

– Cách tính thời gian hưởng chế độ ốm đau của người lao động

– Giải đáp về chế độ ốm đau với người lao động

– Chế độ ốm đau đối với quân nhân