8 điều có thể bạn chưa biết về bộ cổ luật Hammurabi

dioriet-stella-hammurabi-E

Nguồn: “8 Things You May Not Know About Hammurabi’s Code“, History.com, 17/12/2013.

Biên dịch: Hoàng Thảo Anh

Gần 2000 năm trước Công Nguyên, Hoàng đế thứ 6 của Babylon là Hammurabi đã ban hành một đạo luật gồm 282 điều luật, thiết lập nên những tiêu chuẩn về đạo đức và công lý cho đế chế của mình ở vùng Lưỡng Hà. Được khắc trên một cột đá diorite cao khoảng 7,5 feet (2,4 m), những điều luật quy định hầu hết mọi vấn đề từ quyền sở hữu, hành vi phạm tội cho đến chế độ nô lệ và ly hôn, cũng như đưa ra những hình phạt tàn bạo đối với những ai làm trái. Bộ luật “tiền Kinh thánh” nổi tiếng này được xem là đã giúp đưa cuộc sống của người Babylon thời Hammurabi vào khuôn khổ, nhưng không dừng lại ở đó, sức ảnh hưởng của nó đã lan tỏa khắp thế giới cổ đại trong suốt hơn một thiên niên kỷ. Sau đây là những sự thật lịch sử thú vị đằng sau Bộ luật quan trọng nhất nhì thời cổ đại này.

1/ Không phải là bộ luật được biết đến sớm nhất

Sắc lệnh của vua Hammurabi thường được nhắc đến như bộ luật thành văn lâu đời nhất trong lịch sử. Tuy nhiên trước nó, đã có ít nhất hai bộ quy tắc ứng xử xuất hiện ở vùng Trung Đông. Ra đời sớm nhất vào khoảng thế kỷ 21 trước công nguyên là Luật của Ur-Nammu (khoảng 2050 TCN), vị vua cai trị người Sumer ở thành Ur. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy Luật của Lipit-Ishtar xứ Isin (khoảng 1870 TCN) được soạn thảo gần 2 thế kỷ trước khi vua Hammurabi lên nắm quyền. Những bộ cổ luật này đều có một sự tương đồng đáng chú ý với bộ luật của Hammurabi về văn phong và nội dung, cho thấy chúng có thể bị ảnh hưởng lẫn nhau hoặc thậm chí xuất phát từ cùng nguồn.

2/ Hình sự hóa các mối quan hệ dân sự

Bộ luật Hammurabi là một trong những minh chứng nổi tiếng nhất cho phương châm xét xử cổ đại “trả đũa tương xứng” – lex talionis (Hay cũng được biết đến với những tên gọi phổ thông khác như “mạng đổi mạng”, “ăn miếng trả miếng”…), cũng được gọi là luật quả báo, một hình thức trả đũa pháp luật mà pháp luật cho phép với câu nói “mắt đền mắt, răng đền răng”. Dưới hệ thống quy định này, nếu một người đàn ông đánh gãy xương của một người ngang hàng với mình, anh ta sẽ bị đánh lại y như thế. Nếu một đôi tình nhân có ý định giết vợ hoặc chồng của mình thì cả hai sẽ bị đâm chết. Ngay cả một tội phạm tương đối nhẹ cũng có thể khiến người phạm tội lãnh phải một hậu quả khủng khiếp. Ví dụ, nếu người con trai đánh cha của mình, anh ta sẽ bị chặt tay theo quy định của bộ luật.

3/ Những luật lệ thay đổi theo giai cấp và giới tính

Bộ luật Hammurabi có phương pháp tiếp cận công lý tàn bạo, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của hình phạt thường phụ thuộc vào địa vị xã hội của cả người phạm tội lẫn nạn nhân. Trong khi một điều luật quy định: “Nếu một người đàn ông đánh gãy răng của một người khác có cùng địa vị, răng anh ta sẽ bị đánh gãy trở lại”, thì nếu anh ta phạm vào cùng tội đó nhưng đối với người ở tầng lớp thấp hơn thì sẽ chỉ bị phạt tiền. Một số hình phạt khác thậm chí thể hiện rõ nét sự phân biệt giai cấp. Nếu một người đàn ông giết một “hầu gái” có thai, anh ta sẽ bị phạt tiền, nhưng nếu người có thai bị giết là một phụ nữ tự do, con gái anh ta sẽ bị giết như một sự trả thù.

Bộ luật cũng liệt kê nhiều hình phạt khác nhau cho đàn ông và phụ nữ đối với vấn đề chung thủy trong hôn nhân. Đàn ông được phép có quan hệ bất chính với hầu gái và nô lệ, nhưng phụ nữ lăng nhăng có thể bị cột lại với tình nhân và cả hai sẽ bị ném xuống sông Euphrate.

4/ Bộ luật thiết lập một mức lương tối thiểu cho người lao động

Bộ luật Hammurabi đã bất ngờ đi trước thời đại khi đã pháp điển hóa những quy định nhằm giải quyết các vấn đề như ly hôn, quyền sở hữu và cấm loạn luân. Nhưng có lẽ, tiến bộ nhất chính là quy chế bắt buộc đối với hình thức sơ khai của tiền lương tối thiểu. Một số sắc lệnh trong Bộ luật tham chiếu đến từng ngành nghề cụ thể và quyết định số tiền mà người lao động được nhận là bao nhiêu. Nhân công trên các cánh đồng và người chăn gia súc được đảm bảo một mức lương “tám gur (đơn vị đo khối lượng thời cổ) ngô mỗi năm”, còn người lái bò và thủy thủ thì nhận được sáu gur. Trong khi đó, thầy thuốc được trả 5 đồng shekels (đơn vị tiền tệ cổ) để chữa cho một người đàn ông tự do khỏi gãy xương hoặc các vết thương khác, nhưng chỉ được 3 đồng shekels cho một nô lệ đã tự do và 2 shekels cho một nô lệ.

Một điều luật trong bộ luật Hammurabi cho thấy mức lương người lao động được hưởng trong 5 tháng đầu năm – (khoảng tháng 4-tháng 8 dương lịch đương đại) thời điểm vụ mùa của người Babylon với cường độ công việc đồng áng cao và thời gian ngày dài hơn đêm, cao hơn mức được nhận trong 6 tháng cuối năm.

Người nào thuê nhân công ban ngày thì phải trả cho người đó 6 hạt bạc (26mg) mỗi ngày từ đầu năm cho đến hết tháng thứ 5, và phải trả 5 hạt bạc (22mg) mỗi ngày kể từ tháng thứ 6 cho đến hết năm.

Những hình thức sơ khai của “mức tiền lương tối thiểu” đã được xuất hiện trong Bộ luật Hammurabi, trước khi chế định này được quy định trong pháp luật Úc và New Zealand vào những năm 1890. Và cho đến năm 1938, mức lương tối thiểu quốc gia mới lần đầu tiên được thiết lập tại Mỹ. Rõ ràng, Bộ luật Hammurabi đã quan tâm đến quyền lợi của người lao động trước nền pháp luật hiện đại đến hơn 3000 năm. Đến tận ngày nay, giới chính trị gia Hoa Kỳ vẫn đang còn tranh cãi về sự cần thiết tồn tại của mức lương tối thiểu.

5/ Bộ luật chứa đựng một trong những quy định sớm nhất về các giả định vô tội (presumption of innocence)

Tuy nổi tiếng bởi các khung hình phạt dã man, bộ luật Hammurabi cũng đã xây dựng một số nguyên tắc pháp lý có giá trị cho đến tận ngày nay. Bộ luật là một văn bản pháp lý thành văn sớm nhất đưa ra lý thuyết về “vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội”.

Người nào buộc tội người khác về bất kì tội phạm nào trước những bô lão mà không chứng minh được người đó phạm tội, thì sẽ bị xử tử.

Thực tế, với quy định này, luật Hammurabi đã đặt nghĩa vụ chứng minh lên người khởi tố một cách cực đoan. Nhưng dù sao, nó đã thể hiện được tinh thần về “giả định vô tội” và là ứng dụng thực tiễn sớm nhất của lý thuyết này. Điều này cũng được thể hiện ở trình tự thủ tục tư pháp hiện đại được đưa ra trong bộ luật, cho phép cả bên tố cáo lẫn bên bị buộc tội đưa ra bằng chứng trước quan tòa trong cuộc tranh chấp.

6/ Các sử gia vẫn chưa thể chắc chắn về vai trò của Bộ luật trong văn hóa của người Babylon

Luật Hammurabi đưa ra một cái nhìn có giá trị về những gì có thể xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày của người Babylon cổ đại, nhưng luật pháp vận hành trong xã hội đó như thế nào thì đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Bia đá Hammurabi có thể là một danh sách sửa đổi bổ sung của một bộ quy tắc chung được xây dựng sớm hơn và mở rộng hơn rất nhiều. Nhưng cũng có thể, những gì khắc lên đó là những tiền lệ pháp được đúc rút từ những vụ việc thực tế.

Một số sử gia thậm chí cho rằng bộ luật không phải là văn bản pháp lý có hiệu lực, mà chỉ là một phần của việc tuyên truyền Hoàng quyền được tạo ra để cung phụng Hammurabi như một vị hoàng đế vĩ đại và duy nhất. Tuy vậy, Bộ luật đã đi vào hoạt động. Có rất ít nghi vấn về việc liệu các trụ đá Hammurabi được xây dựng chỉ để phô bày nơi công cộng hay không. Ở phần kết của bộ luật, vua Hammurabi đã tự hào rằng bất kỳ ai tham gia vào cuộc tranh chấp đều có thể đọc luật của ngài để “… biết được phải-trái, đúng- sai, và thâm tâm ngài sẽ rất vui sướng…”

7/ Bộ luật vẫn tồn tại sau khi Babylon bị chinh phục

Đế chế của Hammurabi dần suy thoái sau cái chết của ông vào năm 1750 TCN, trước khi hoàn toàn bị xóa sổ vào năm 1595 TCN bởi đội quân Hittite. Dù vậy, luật Hammurabi đã chứng minh được tầm ảnh hưởng của nó khi sự tồn tại của bộ luật được xem như kim chỉ nam cho pháp luật khu vực trong nhiều thế kỉ. Thậm chí, bộ quy tắc này thống trị cả vùng Lưỡng Hà dưới phương thức chép tay. Việc sao chép Bộ luật dường như là nhiệm vụ phổ biến của các thư lại tập sự. Thực tế, các mảnh vỡ của các phiến đất sét có khắc nội dung bộ luật được tìm thấy có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 5 TCN – hơn 1000 năm sau triều đại của Hammurabi.

8/ Mãi cho đến thế kỉ 20, Bộ luật Hammurabi mới lại được khám phá

Các sắc lệnh của Hammurabi gắn liền với thế giới cổ đại, nhưng chúng đã bị chìm trong lịch sử và mãi cho đến năm 1901, một nhóm các nhà khảo cổ học người Pháp mới khai quật được bia đá dorite khắc văn bản luật nổi tiếng này tại thành cổ Susa, Iran – một thủ phủ của Đế quốc cổ Elam. Các nhà sử học tin rằng vị vua Elam Shutruk-Nahhunte đã cướp đi những phiến đá 4 tấn này trong thế kỉ 12 TCN khi tấn công thành phố Sippar của người Babylon và mang chúng về Susa như chiến lợi phẩm.

Người ta cho rằng Shutruk-Nahhunte đã xóa sổ nhiều cột đá Hammurabi từ các công trình di tích để dành chỗ cho những bản khắc của riêng mình, nhưng không có văn bản nào đã được khắc lên. Ngày nay, cột đá diorite trên được trưng bày ở bảo tang Louvre tại Paris.

Nguồn: Luatkhoa.org