ĐỐI CHIẾU CÔNG NỢ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

“Đối chiếu công nợ” là việc các bên trong hợp đồng tiến hành đối chiếu, xác nhận các khoản nợ mà một bên phải thanh toán cho bên còn lại dựa trên các số liệu trên hợp đồng, thực tiễn giao dịch và các bằng chứng về số liệu trên sổ sách là đúng thực tế. Tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều doanh nghiệp không đặt nặng việc đối chiếu công nợ, dẫn đến khó khăn trong việc chứng minh các khoản nợ mà doanh nghiệp yêu cầu Tòa án giải quyết khi phát sinh tranh chấp giữa các bên. Vì vậy, để có thể tiến hành giải quyết ổn thỏa nếu có tranh chấp phát sinh, các bên cần hiểu được vai trò quan trọng của việc đối chiếu công nợ trong tố tụng dân sự. Biên bản đối chiếu công nợ phải đáp ứng các điều kiện gì thì được coi là chứng cứ? Trong bài viết này, TNTP sẽ đưa ra những chia sẻ pháp lý và giải đáp thắc mắc về các vấn đề này.

1. Khái niệm của Biên bản đối chiếu công nợ/Xác nhận công nợ và Đề nghị thanh toán nợ

Biên bản đối chiếu công nợ/Xác nhận công nợ (Sau đây gọi là Biên bản đối chiếu công nợ) là văn bản (hoặc các hình thức khác tương đương) được xác lập giữa các bên để xác nhận các khoản nợ mà một bên có nghĩa vụ thanh toán cho bên còn lại. Biên bản đối chiếu công nợ thường được áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Đề nghị thanh toán nợ là văn bản do bên có quyền lập (thường là bên bán hàng hóa, bên cung ứng dịch vụ) và gửi đến bên có nghĩa vụ (thường là bên mua hàng hóa, bên sử dụng dịch vụ) để yêu cầu bên có nghĩa vụ tiến hành thanh toán khoản nợ theo thỏa thuận giữa các bên.

2. Điều kiện để Biên bản đối chiếu công nợ và Đề nghị thanh toán nợ được coi là chứng cứ

Điều 95.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định: “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”. Theo đó, Biên bản đối chiếu công nợ và Đề nghị thanh toán nợ là loại văn bản do các bên lập, ký, đóng dấu và xác nhận các khoản nợ theo hợp đồng nên chứng cứ mà các bên cung cấp phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực .

(i) Đối với Đề nghị thanh toán nợ:

Đề nghị thanh toán nợ là văn bản do bên có quyền đơn phương xác lập, ký và đóng dấu. Vì vậy, Đề nghị thanh toán nợ thông thường sẽ có đầy đủ chữ ký và con dấu của người đại diện theo pháp luật của bên có quyền và được coi là chứng cứ. Bên có quyền có thể nộp bản gốc hoặc bản sao công chứng, chứng thực cho Tòa án. Tuy nhiên, Đề nghị thanh toán nợ không có nhiều ý nghĩa trong việc chứng minh giá trị khoản nợ nếu không có chữ ký, con dấu xác nhận của bên có nghĩa vụ. Bên có nghĩa vụ hoàn toàn có thể phản đối về giá trị khoản nợ mà bên có quyền yêu cầu. Trong trường hợp này, Bên có quyền vẫn phải tiến hành các biện pháp khác để chứng minh cho giá trị khoản nợ mà bên có quyền yêu cầu thanh toán.

(ii) Đối với Biên bản đối chiếu công nợ:

Biên bản đối chiếu công nợ là văn bản được xác lập bởi các bên trong hợp đồng, có đầy đủ chữ ký, đóng dấu của cả hai bên. Ngoài ra, biên bản đối chiếu công nợ thường ghi rõ giá trị khoản nợ mà bên có nghĩa vụ phải thanh toán cho bên có quyền. Việc xác nhận, ký, đóng dấu vào Biên bản đối chiếu công nợ của bên có nghĩa vụ đồng nghĩa với việc bên có nghĩa vụ thừa nhận giá trị khoản nợ của mình. Vì vậy, Biên bản đối chiếu công nợ được coi là chứng cứ quan trọng trong việc xác định giá trị khoản nợ mà bên có nghĩa vụ phải thanh toán cho bên có quyền.

Tuy nhiên, Biên bản đối chiếu công nợ chỉ được coi là chứng cứ nếu có đầy đủ chữ ký, con dấu của cả hai bên. Nếu Biên bản đối chiếu công nợ không có chữ ký và con dấu của bên có nghĩa vụ thì không thể công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền, và cho dù bên khởi kiện nộp bản gốc tại Tòa án thì cũng không được chấp nhận là chứng cứ. Vì vậy, trường hợp phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp nên lưu ý về việc xác nhận của bên có nghĩa vụ trong quá trình lập Biên bản đối chiếu công nợ, yêu cầu bên có nghĩa vụ ký, đóng dấu khi vào Biên bản để nộp cho Tòa án.

Trường hợp bên có nghĩa vụ không chịu ký và đóng dấu xác nhận vào Biên bản đối chiếu công nợ để trốn tránh việc thanh toán, bên có quyền vẫn nên nộp Biên bản đã được lập cho Tòa án khi tiến hành khởi kiện. Khi đó, mặc dù Biên bản đối chiếu công nợ không được coi là chứng cứ nhưng vẫn có giá trị tham khảo để xác định được khoản nợ khi đối chiếu với các chứng cứ, tài liệu khác trong hồ sơ vụ án như các phiếu giao hàng, sao kê ngân hàng các lần thanh toán…

Về nguyên tắc, Biên bản đối chiếu công nợ phải do đại diện hợp pháp của các bên xác nhận, ký và đóng dấu. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp Biên bản đối chiếu công nợ được ký xác nhận bởi kế toán của bên có nghĩa vụ. Trong trường hợp này, kế toán đó có thể không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện khi xác lập Biên bản đối chiếu công nợ. Dù vậy, nếu bên có quyền chứng minh được người đại diện hợp pháp của bên có nghĩa vụ: (i) đã công nhận việc xác nhận công nợ của kế toán; (ii) đã biết nhưng không phản đối về việc xác nhận công nợ của kế toán; hoặc (iii) đã có văn bản ủy quyền cho người kế toán đó xác nhận công nợ, thì Tòa án vẫn sẽ chấp nhận việc xác nhận công nợ do kế toán của bên có nghĩa vụ xác nhận và Biên bản đối chiếu công nợ là chứng cứ. Đồng thời, bên có quyền nên gửi một văn bản đến bên có nghĩa vụ thông báo rằng kế toán của bên có nghĩa vụ đã xác nhận giá trị khoản nợ và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán. Văn bản nên được gửi bằng dịch vụ báo phát để có chứng cứ rõ ràng chứng minh việc nhận thông báo của bên có nghĩa vụ. Khi đó bên có nghĩa vụ sẽ không thể phản bác lại việc đại diện hợp pháp biết nhưng không phản đối kế toán ký xác nhận công nợ.

Từ những phân tích trên, có thể thấy việc đối chiếu công nợ có vai trò quan trọng trong quá trình các bên thực hiện hợp đồng mua bán hành hóa và cung ứng dịch vụ. Theo đó, TNTP mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn lưu ý hơn trong việc đối chiếu công nợ, đặc biệt trong việc xác lập Biên bản đối chiếu công nợ và Đề nghị thanh toán nợ để có chứng cứ hợp pháp trong việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Trân trọng.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự