Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng trong quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Hôn nhân và gia đình có những nguyên tắc riêng, là cơ sở cho việc xây dựng các quy phạm pháp luật về hôn nhân gia đình và việc áp dụng chúng. Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng trong quan hệ gia đình là một nguyên tắc cơ bản và quan trọng, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ vợ chồng.

I. Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng là gì?

Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng là kết quả của quá trình đấu tranh chống lại tư tưởng phong kiến lạc hậu có từ lâu đời. Quyền bình đẳng giữa vợ chồng được quy định chính thức trong những văn bản pháp luật của nước ta từ năm 1950 và Hiến pháp năm 1946. Về nguyên tắc, vợ và chồng là các bên chủ thể trong một quan hệ pháp luật có các quyền nhân thân và tài sản được pháp luật bảo vệ. Pháp luật không căn cứ vào giới tính để quy định cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ cho các bên mà chỉ quy định quyền và nghĩa vụ chung cho họ. Những quy định đó là khung pháp lý cho những ứng xử của chồng và vợ trong tất cả các trường hợp thực hiện quan hệ gia đình và là biểu hiện của sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình trên cơ sở nguyên tắc nam nữ bình đẳng mà Hiến pháp đã quy định. Theo quy định tại Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”.

II. Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng được thể hiện trên những phương diện nào?

Bình đẳng giữa vợ và chồng được thể hiện trên hai phương diện: 1. Về nhân thân Nam và nữ kết hôn dựa trên tình yêu, sự tin tưởng và ngang bằng nhau về địa vị pháp lý khi thực hiện các hành vi trong gia đình và ngoài xã hội. Ví dụ như vợ chồng yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau thực hiện các công việc trong gia đình (Điều 19); tôn trọng danh dự, uy tín nhân phẩm của vợ chồng (Điều 21) hay vợ chồng tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau (Điều 22)… Khi một trong hai ốm đau, bệnh tật thì người còn lại có nghĩa vụ chăm sóc, yêu thương, cùng nhau giữ gìn mái ấm. Trong các quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình, quan hệ nhân thân giữ vai trò chủ đạo, quyết định nội dung quan hệ tài sản. Duy trì đời sống và cùng nhau xây dựng, vun vén cho kinh tế gia đình là nghĩa vụ chung của vợ và chồng. Cả hai người đều bình đẳng với nhau trong việc thực hiện những nghĩa vụ đó cũng như cùng nhau hưởng các quyền tài sản. 2. Về tài sản Vợ, chồng bình đẳng với nhau về tài sản được thể hiện trên những phương diện sau: – Thứ nhất, vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc xây dựng và tạo lập khối tài sản chung. Tất cả những tài sản do chồng hoặc vợ tạo ra hợp pháp trong thời kì hôn nhân được quy định là tài sản chung của vợ chồng trừ những tài sản mà luật có quy định là tài sản riêng của vợ chồng. Ví dụ: Chồng đi làm mỗi tháng được 20 triệu, vợ ở nhà chăm con, lo việc nội trợ thì số tiền 20 triệu này là thu nhập chung của vợ và chồng trong thời kì hôn nhân dù nó không phải do người vợ trực tiếp làm ra. – Thứ hai, vợ và chồng có quyền, nghĩa vụ bình đẳng với nhau trong việc chiếm hữu, định đoạt và sử dụng tài sản chung, không phân biệt vào đóng góp của mỗi bên. Đối với những tài sản nhỏ, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như trả tiền điện nước, tiền mua thức ăn, đóng học phí cho con được xem là có sự đồng ý của người kia khi chi trả. Còn những tài sản lớn, hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình thì phải có sự thỏa thuận, đồng ý của người kia. Ví dụ như mua bán nhà, mua bán đất…. – Thứ ba, vợ chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau, có quyền được hưởng tài sản thừa kế khi một bên đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết. – Thứ tư, vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc phân chia tài sản chung. Luật hôn nhân và gia đình quy định 3 trường hợp phân chia tài sản chung: chia tài sản chung khi ly hôn; chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại, chia tài sản chung khi một bên đã chết. Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng trong quan hệ gia đình theo Luật hôn nhân gia đình là kết quả của quá trình đấu tranh tư tưởng, tư duy của các nhà lập pháp trong công cuộc cải cách tư pháp.

Luật Hoàng Anh