Sử dụng bình xịt hơi cay để phòng vệ có vi phạm pháp luật không?

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video bình xịt hơi cay có bị cấm không

Sử dụng bình xịt hơi cay để phòng vệ có vi phạm pháp luật không? (Ảnh minh họa)

1. Pháp luật có cho phép sử dụng bình xịt hơi cay không?

Theo khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì bình xịt hơi cay là một trong các công cụ hỗ trợ, cụ thể:

Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa được xác định là công cụ hỗ trợ: là phương tiện nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 cũng nêu rõ:

Nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

Như vậy, bình xịt hơi cay là một trong những công cụ hỗ trợ được nhà nước và các cơ quan chức năng quy định việc sử dụng và quản lý rất nghiêm ngặt. Do đó, pháp luật không cho phép cá nhân tự ý mua và sử dụng bình xịt hơi cay.

2. Đối tượng nào được phép sử dụng bình xịt hơi cay?

Pháp luật chỉ cho phép một số đối tượng nhất định được trang bị công cụ hỗ trợ trong đó có bình xịt hơi cay. Theo đó, tại khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định các đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ bao gồm:

– Quân đội nhân dân;

– Dân quân tự vệ;

– Cảnh sát biển;

– Công an nhân dân;

– Cơ yếu;

– Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

– Cơ quan thi hành án dân sự;

– Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;

– Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;

– Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường;

– An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;

– Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;

– Ban Bảo vệ dân phố;

– Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

– Cơ sở cai nghiện ma túy;

– Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BCA cũng quy định đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ gồm:

– Đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an;

– Trại giam, trại tạm giam;

– Học viện, trường Công an nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện;

– Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh);

– Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

– Công an xã, phường, thị trấn.

Như vậy, chỉ những ai thuộc các đối tượng nêu trên mới được phép sử dụng bình xịt hơi cay là công cụ hỗ trợ. Cá nhân nào không thuộc các đối tượng này mà tự ý sử dụng bình xịt hơi cay là vi phạm pháp luật.

3. Sử dụng bình xịt hơi cay trái phép bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định cụ thể các mức phạt liên quan đến tàng trữ, sử dụng trái phép bình xịt hơi cay như sau:

– Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác (điểm b khoản 4 Điều 7).

– Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ (điểm d khoản 3 Điều 11).

– Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép (điểm d khoản 3 Điều 11).

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm mà cá nhân sử dụng trái phép bình xịt hơi cay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép công cụ hỗ trợ.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY