Tội phạm ngày nay đang dần trở thành vấn nạn đáng báo động khi thủ đoạn, hậu quả của hành vi phạm tội dần càng lớn. Do vậy, các kiến thức pháp lý liên quan đến tội phạm càng cần phải đẩy mạnh đến người dân, nhất là kiến thức về các yếu tố cấu thành tội phạm để xem xét hành vi gây thiệt hại của một người có phải là tội phạm hay không.
1.Cơ sở pháp lý quy định các yếu tố cấu thành tội phạm
Cơ sở pháp lý quy định các yếu tố cấu thành tội phạm là Bộ Luật Hình sự 2015; sửa đổi, bổ sung 2017.
Bạn đang xem: Các yếu tố cấu thành tội phạm là gì?
2. Khái niệm cấu thành tội phạm
Khái niệm cấu thành tội phạm là khái niệm mấu chốt trong tư vấn luật hình sự.
Cấu thành tội phạm là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Cấu thành tội phạm phải có đầy đủ 4 yếu tố, đó là: khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm. Nếu một trong 4 yếu tố đó không thỏa mãn thì hành vi không cấu thành tội phạm.
Cấu thành tội phạm có ý nghĩa quan trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự, định tội danh, định khung hình phạt.
3. Các yếu tố cấu thành tội phạm
Pháp luật hình sự quy định có rất nhiều loại tội phạm khác nhau dựa trên cơ sở phân chia về quan hệ xã hội, yếu tố về lỗi… Nhìn chung các tội phạm đều được hợp thành bởi các yếu tố nhất định. Điều này có ý nghĩa trong việc xác định một người đã thực hiện hành vi được cho là tội phạm hay chưa, hay việc thực hiện hành vi đó phạm tội ở mức độ nào.
Theo đó, có 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Đó là: chủ thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm, và khách thể của tội phạm. Bất kì một tội phạm nào, không phụ thuộc vào loại tội phạm, mức độ nghiêm trọng đều phải xem xét dưới 4 yếu tố cấu thành tội phạm kể trên. Cụ thể như sau:
a. Cấu thành tội phạm thứ nhất: Khách thể
Khách thể của tội phạm là một yếu tố trong cấu thành tội phạm quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm gây ra các hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Căn cứ vào khách thể của tội phạm để nhà làm luật quy định các tội phạm nào là gây ra hậu quả còn tội phạm nào là đe dọa gây ra hậu quả.
Thông thường, đối với loại khách thể nào tội phạm đe dọa gây ra hậu quả thì nhà làm luật quy định đối với các tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chỉ cần người phạm tội có hành vi chuẩn bị phạm tội là tội phạm đã hoàn thành và người thực hiện hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khách thể của tội phạm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm, quyết định tính nguy hiểm khách quan của tội phạm nhưng không phản ánh đầy đủ trong tất các các cấu thành tội phạm. Trong nhiều cấu thành tội phạm, khách thể của tội phạm chỉ được phản ánh qua các đặc điểm nhất định của đối tượng tác động của tội phạm. Vậy đối tượng tác động của tội phạm là gì?
“Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động và qua đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ”.
Có ba loại đối tượng tác động của tội phạm đó là:
- con người (hành vi giết người theo điều 123 Bộ Luật hình sự 2015 là hành vi tước đoạt mạng sống của con người)
- vật chất (hành vi cướp tài sản theo Điều 168 Bộ Luật hình sự 2015 là hành vi chiếm đoạt tài sản nạn nhân)
- hoạt động bình thường của các chủ thể (hành vi đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ Luật hình sự 2015 là hành vi nhằm làm biến dạng xử sự của người có chức vụ, quyền hạn).
b. Cấu thành tội phạm thứ hai: Mặt khách quan
Trong cấu thành tội phạm, tội phạm nào đều có những biểu hiện của mặt khách quan được thể hiện ra ngoài. Không biểu hiện ra bên ngoài đó thì không là tội phạm.
Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của bên ngoài tội phạm bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Mặt khách quan bao gồm ba biểu hiện cơ bản để xét về cấu thành tội phạm là:
- Hành vi khách quan
- Hậu quả thiệt hại
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả
Chúng tôi sẽ phân tích cụ thể sau đây:
Hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm: Hành vi khách quan nói chung được hiểu là biểu hiện của con người ra bên ngoài thế giới khách quan dưới hình thức cụ thể nhằm đạt được mục đích có chủ định và mong muốn. Hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm được biểu hiện dưới hai dạng chính là hành động (cầm dao giết người) và không hành động (không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng).
Theo luật hình sự, hành vi khách quan của tội phạm có đặc điểm sau:
- Tính gây thiệt hại cho xã hội: Hành vi khách quan phải có tính gây thiệt hại cho xã hội. Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt hành vi khách quan với hành vi khác. Tính gây thiệt hại có thể là đã gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại. Nếu thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra không đáng kể thì không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội và không bị coi là hành vi phạm tội.
Ví dụ: Trộm cắp tài sản có giá trị chưa đến 2 triệu đồng mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng hoặc chưa bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích thì không bị coi là tội phạm. Dù là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng hành vi đó không được quy định trong Bộ Luật hình sự thì cũng không phải là hành vi phạm tội.
- Tính được quy định trong luật hình sự: Đặc điểm này là đặc điểm về mặt pháp lý được quy định bởi đặc điểm “tính gây thiệt hại cho xã hội” của hành vi khách quan. Hành vi khách quan đã thực hiện chỉ được coi là hành vi khách quan của tội phạm nếu hành vi đó thỏa mãn đầy đủ những đặc điểm của hành vi khách quan được mô tả trong CTTP.
Hậu quả thiệt hại trong cấu thành tội phạm là các thiệt hại do hành vi khách quan gây ra cho quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự và cũng là khách thể của tội phạm. Thiệt hại có biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau như thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần, thiệt hại về thể chất hay các thay đổi khác như bị rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Thiệt hại gây ra cho khách thể của tội phạm được thể hiện qua sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm. Tính chất và mức độ của thiệt hại được xác định bởi tính chất và mức độ biến đổi của các đối tượng tác động của tội phạm. Tội phạm nào cũng có thể gây ra hậu quả thiệt hại, cũng có thể gây ra sự biến đổi tình trạng bình thường của các đối tượng tác động của tội phạm.
Mối quan hệ nhân quả: giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại
Xem thêm : XÂY NHÀ TRÊN ĐẤT LẤN, CHIẾM CÓ ĐƯỢC BỒI THƯỜNG KHI THU HỒI ĐẤT KHÔNG?
Những thiệt hại kể trên để bị coi là tội phạm bắt buộc phải xuất phát từ hành vi khách quan. Điều đó có nghĩa, giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại phải có quan hệ nhân quả với nhau. Mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng trong việc một người có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không hay mức độ hậu quả của hành vi của họ gây ra là như nào, trách nhiệm bồi thường đối với người bị hại là toàn bộ hay một phần.
Để xác định hậu quả thiệt hại là do hành vi khách quan gây ra cần phải chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại. Người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả thiệt hại do chính hành vi khách quan của họ gây ra. Một số cơ sở để xác định mối quan hệ nhân quả đó như sau:
- Hành vi khách quan phải xảy ra trước hậu quả thiệt hại về mặt thời gian: Căn cứ này tuy không có ý nghĩa quyết định nhưng là căn cứ đầu tiên để xem xét về mối quan hệ nhân quả. Thiệt hại có trước khi xảy ra hành vi thì đương nhiên sẽ không có mối quan hệ nhân quả. Ví dụ như hành vi cầm dao đâm liên tiếp vào người mà không biết người đó đã chết. Người đó không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội giết người (Điều 123 Bộ Luật hình sự 2015) mà có thể phạm tội xâm phạm thi thể (Điều 319 Bộ Luật hình sự 2015) .
- Hậu quả thiệt hại đã xảy ra là việc hiện thực hóa khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi khách quan. Trong những điều kiện trong trường hợp cụ thể mà hậu quả đã xảy ra, khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả trở thành hiện thực là tất nhiên, không tránh khỏi.
Ví dụ: A đâm B bị thương, trên đường đưa B đi cấp cứu thì bị tai nạn kết quả giám định cho thấy việc B chết là do tai nạn gây ra. Việc B chết không phải do A gây ra nên không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan của A với hậu quả B chết.
- Các biểu hiện khác của mặt khách quan
Ngoài ba biểu hiện cơ bản trên, mặt khách quan còn biểu hiện qua công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội….
- Về công cụ, phương tiện phạm tội: Phương tiện pháp tội là đối tượng được chủ thể của tội phạm sử dụng khi thực hiện hành vi phạm tội của mình. Công cụ phạm tội là dạng cụ thể của phương tiện phạm tội. Ví dụ như: dao, rìu, búa..
- Về phương pháp, thủ đoạn phạm tội: Phương pháp, thủ đoạn phạm tội là cách thức thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có cách thức sử dụng công cụ, phương tiện như: thủ đoạn lừa đảo, hành hạ, ngược đãi người khác, uy hiếp tinh thần….
- Về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội: Tính nguy hiểm cho xã hội của một số hành vi có thể phụ thuộc vào thời gian xảy ra. Thời gian vào mùa sinh sản thủy hải sản có thể ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đánh bắt thủy hải sản trái phép.
c. Cấu thành tội phạm thứ ba: Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là con người hoặc pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi xâm phạm đến khách thể của tội phạm. Nhưng không phải ai thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng đều là chủ thể của tội phạm, mà chỉ những người hoặc pháp nhân thương mại nhất định mới là chủ thể của tội phạm. Nếu các yếu tố về chủ thể không thỏa mãn thì không cấu thành tội phạm.
Chủ thể phải có năng lực trách nhiệm hình sự, nếu một người hoặc một pháp nhân thương mại không có năng lực trách nhiệm hình sự thì cũng không phải là chủ thể của tội phạm. Nhà nước xác định năng lực này dựa trên các cơ sở như:
- Người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi
- Người có năng lực trách nhiệm hình sự là người có độ tuổi phù hợp với chính sách hình sự của nhà nước trong giai đoạn cụ thể.
Nếu là con người thì phải ở độ tuổi nhất định, Bộ Luật hình sự 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm.
Người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ Luật hình sự có quy định khác. Ví dụ: Điều 145 Bộ Luật hình sự quy định chỉ người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Khoản 2 Điều 12 Bộ Luật hình sự 2015
Trong một số trường hợp, chỉ một hoặc một số người mới là chủ thể của tội phạm, khoa học luật hình sự gọi là chủ thể đặc biệt. Ví dụ: Chỉ có người mẹ mới là chủ thể của tội giết con mới đẻ quy định tại Điều 124 Bộ Luật hình sự hoặc chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới là chủ thể của các tội phạm quy định tại Chương XXIII (các tội phạm về chức vụ).
Riêng đối với pháp nhân thương mại thì chỉ pháp nhân thương mại nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân, có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân mới là chủ thể của tội phạm và cũng chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm chứ không phải tất cả các tội phạm quy định trong Bộ Luật hình sự.
Như vậy, các yếu tố về chủ thể có vai trò quan trọng trong cấu thành tội phạm.
d. Cấu thành tội phạm thứ tư: Mặt chủ quan của tội phạm
Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện về mặt tâm lý bên trong của người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi phạm tội hay còn gọi là mặt bên trong của tội phạm bao gồm: lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Trong đó lỗi là yếu tố quan trọng nhất.
Lỗi là thái độ tâm lý của một người hoặc của một pháp nhân thương mại đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
Khoa học luật hình sự coi lỗi là một dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Nếu một hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị coi là có lỗi thì người hoặc pháp nhân thương mại có hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (không đủ yếu tố cấu thành tội phạm).
Lỗi cố ý trực tiếp
Theo khoản 1 Điều 10 Bộ Luật hình sự 2015 quy định người cố ý phạm tội như sau:
“Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”.
Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra:
- Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình (tính gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho xã hội) và thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi đó.
- Về ý chí: Người phạm tội mong muốn cho hậu quả thiệt hại xảy ra. Có nghĩa là hậu quả thiệt hại của hành vi mà người phạm tội thấy trước hoàn cảnh phù hợp với mục đích – phù hợp với sự mong muốn của người đó.
Ví dụ: A thấy B đi với người yêu mình, nảy sinh ghen tuông nên muôn giết B, A về nhà lấy dao chém liên tiếp vào B dẫn đến B chết. Như vậy A nhận thấy rõ hành vi nguy hiểm và thấy trước hậu quả của mình.
Lỗi cố ý gián tiếp
Theo khoản 2 Điều 10 Bộ Luật hình sự 2015 quy định:
Xem thêm : Top 15 món ngon từ đậu phụ dễ làm, cực kỳ thơm ngon
Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tính nguy hiểm co xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
So với lỗi cố ý trực tiếp, lỗi cố ý gián tiếp chúng ta thấy rằng trong hai trường hợp với lỗi cố ý, về mặt lý trí của người có lỗi về cơ bản thì không có gì khác biệt. Điểm khác biệt giữa hai loại lỗi cố ý này chủ yếu là về mặt ý chí. Người phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp “không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”. Người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp: ” mong muốn hậu quả xảy ra”.
Nếu trong trường hợp có lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội mong muốn hậu quả thiệt hại xảy ra thì trong trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không mong muốn mà chỉ có ý thức để mặc cho hậu quả thiệt hại xảy ra. Đối với người có lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả thiệt hại xảy ra hay không xảy ra đều không có nghĩa.
Từ những phân tích trên, chúng tôi có thể rút ra những dấu hiệu của lỗi cố ý gián tiếp như sau:
- Về lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hành vi đó có thể gây ra hậu quả thiệt hại.
- Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả thiệt hại xảy ra. Hậu quả thiệt hại mà người phạm tội thấy trước không phù hợp với mục đích của họ. Người phạm tội thực hiện hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội nhằm mục đích khác. Để đạt được mục đích này, người phạm tội chấp nhận hậu quả thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Người phạm tội với lỗi cố ý gián tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc đối với hậu quả thiệt hại của hành vi của mình mà họ thấy trước.
Ví dụ: Ruộng nhà A nhiều chuột, A giăng bẫy điện để bẫy chuột. Chị N đi đồng bị rơi mũ xuống và vào ruộng A nhặt, bị điện giật chết. A thấy trước hậu quả xảy ra, không mong muốn hậu quả nhưng vẫn có ý thức để mặc.
Lỗi vô ý vì quá tự tin
Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Bộ Luật hình sự 2015 quy định trường hợp vô ý vì quá tự tin là:
Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện và đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Từ định nghĩa trên có thể rút ra dấu hiệu của lỗi vô ý vì quá tự tin như sau:
- Về mặt lý trí: người phạm tội nhận thức được tính gây thiệt hại cho xã hội của hành vi của mình, thể hiện ở chỗ thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi của mình có thể gây ra.
Xét trong mặt lý trí, người có lỗi vô ý do quá tự tin với người có lỗi giống nhau một điểm là đều thấy trước hậu quả thiệt hại của hành vi của mình. Tuy nhiên, tính chất của việc thấy trước hậu quả vẫn có điểm khác nhau. Người phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin thấy trước hậu quả thiệt hại xảy ra nhưng đồng thời lại cho rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Có nghĩa rằng, trong trường hợp này, khả năng hậu quả thiệt hại xảy ra hay khả năng thiệt hại không xảy ra đều là khả năng trên thực tế nhưng người phạm tội đã chọn tin vào khả năng hậu quả thiệt hại không xảy ra. Chính vì sự tin tưởng này đã thể hiện người phạm tội không nhận thức được một cách đầy đủ tính năng gây thiệt hại cho xã hội của hành vi.
- Về ý chí: người phạm tội không mong muốn hành vi của mình gây ra hậu quả thiệt hại. Ý chí không mong muốn này khác với sự không mong muốn trong lỗi cố ý gián tiếp. Nếu trong trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội tuy không mong muốn nhưng mặc nhiên chấp nhận khả năng hậu quả thiệt hại xảy ra.
Trong trường hợp có lỗi vô ý do quá tự tin, sự không mong muốn đi đôi với việc người đó đã loại trừ khả năng hậu quả thiệt hại xảy ra nhưng nó vẫn xảy ra trên thực tế. Người phạm tội với lỗi vô ý do quá tự tin họ đã cân nhắc, tính toán xem liệu hậu quả này có xảy ra hay không. Nếu họ cho rằng hậu quả thiệt hại sẽ không xảy ra thì đa phần họ đều có căn cứ, cơ sở nào đó để tin vào điều này. Đó có thể là tay nghề, kinh nghiệm lâu năm, sự hiểu biết hay hoàn cảnh, tình hình tại thời điểm đó…
Ví dụ: A đi săn thú, thấy một con thỏ đi qua và một người đi lấy củi bên cạnh con thỏ. Vì tự tin về tài bắn súng của mình nên A vẫn bắn, do lệch tay bắn trúng người lấy củi. A thấy trước hậu quả có thể xảy ra nhưng tin rằng không xảy ra. Tuy rằng việc A có căn cứ để tin rằng sẽ không bắn nhầm vào người là kinh nghiệm, tài năng bắn súng nhưng cơ sở này đều không chắc chắn, không thể đảm bảo tính chính xác tuyệt đối.
Lỗi vô ý do cẩu thả
Theo khoản 2 Điều 11 Bộ Luật hình sự 2015 quy định
Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Căn cứ vào định nghĩa theo pháp luật hình sự, chúng tôi rút ra hai dấu hiệu của lỗi vô ý vì cẩu thả là:
- Thứ nhất: người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi của mình đã gây ra.
So với các lỗi kể trên, người phạm tội thấy trước được hậu quả thiệt hại thì người phạm tội với lỗi vô ý vì cẩu thả không thấy trước hậu quả thiệt hại. Việc người phạm tội không thấy trước được hậu quả có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là:
- Người phạm tội không nhận thức được mặt thực tế của hành vi của mình cũng không nhận thức được khả năng gây hậu quả thiệt hại của hành vi của mình. Chẳng hạn như do vội vàng, bác sĩ đã lấy nhầm thuốc để tiêm cho bệnh nhân. Trong trường hợp này, bác sĩ không nhận thức được hành vi của mình là hành vi tiêm nhầm thuốc, vì vậy cũng không nhận thức được hành vi của mình có khả năng gây ra hậu quả thiệt hại.
- Người phạm tội tuy nhận thức được về mặt thực tế nhưng hoàn toàn không nhận thức được khả năng gây ra hậu quả thiệt hại. Ví dụ như: khi đi đổ xăng, người mua xăng theo thói quen đã tiện tay vứt luôn mẩu thuốc lá xuống đất và gây ra cháy lớn. Trong trường hợp này, người thực hiện hành vi chưa kịp nghĩ đến khả năng gây cháy nổ.
- Thứ hai: người phạm tội phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Đặc điểm này cho phép chúng ta phân biệt lỗi vô ý vì cẩu thả với trường hợp không có lỗi. Nguyên nhân chính của lỗi này là do sự cẩu thả, thiếu cẩn trọng cần thiết hoặc không tuân theo quy tắc nghề nghiệp của mình.
Người phạm tội có trách nhiệm, nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả thiệt hại và điều kiện cụ thể để có thể thấy trước hậu quả thiệt hại do hành vi của mình gây ra. “Phải thấy trước” có nghĩa là họ phải tuân thủ các quy tắc mà họ đã vi phạm, là nghĩa vụ của chính bản thân họ nên pháp luật yêu cầu buộc phải thấy trước. “Có thể thấy trước” là người phạm tội có đủ điều kiện về khách quan và chủ quan để có thể thấy trước hành vi vi phạm của mình có thể gây ra hậu quả thiệt hại.
Lưu ý: Khi xác định dấu hiệu của lỗi vô ý vì cẩu thả là trong một số hoạt động chuyên môn, ngành nghề nhất định, sự hiểu biết về các quy tắc đảm bảo an toàn đòi hỏi phải có sự hướng dẫn, học hỏi. Vì vậy, việc xác định các đặc điểm về chủ quan người phạm tội về trình độ nghề nghiệp là một điều kiện cần thiết.
Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật Thái An về các yếu tố cấu thành tội phạm. Xin lưu ý là sau thời điểm chúng tôi viết bài này, luật pháp đã có thể thay đổi các quy định liên quan. Hãy gọi tới Tổng đài tư vấn Luật Hình Sự. Bạn sẽ được tư vấn trực tiếp và chính xác nhất về các vấn đề liên quan tới tội phạm hình sự.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp