Câu ca dao, tục ngữ về lòng yêu thương con người Việt Nam

Ca dao là gì? Tục ngữ là gì? Lòng yêu thương con người là gì? Biểu hiện và ý nghĩa của lòng yêu thương con người? Sưu tầm các câu ca dao tục ngữ về lòng yêu thương con người?

1. Ca dao là gì?

Ca dao là thơ ca dân gian Việt Nam được truyền miệng bởi những người nông dân chất phác, hiền lành dưới dạng những câu hát để diễn tả thế giới nội tâm của con người, những câu hát này không theo một nhịp điệu nhất định, được phổ biến theo thể thơ lục bát nên dễ thuộc, dễ nhớ. Ca dao là một từ Hán Việt, theo từ nguyên ca là bài hát có giai điệu, âm hưởng như lời nhạc; còn dao là những bài hát ngắn; ca dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc.

Đặc điểm của ca dao:

Về mặt nội dung: Ca dao diễn tả đời sống tinh thần, tư tưởng và tình cảm của người dân trong các mối quan hệ đôi lứa, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, … Bên cạnh đó, ca dao còn phản ánh lịch sử cũng như phản ánh các phong tục tập quán truyền thống của người dân Việt Nam. Trong đó, tiếng hát than thân với những lời ca thương yêu đầy nghĩa tình được cất lên từ cuộc đời đầy những điều cay đắng, xót xa nhưng đằm thắm nghĩa tình của người Việt Nam chính là chủ đề chính thường thấy trong ca dao.

Về mặt nghệ thuật: Với thể thơ lục bát, lời ca dao ngắn gọn, dễ nhớ, cùng cách diễn đạt mang đậm chất dân gian, ngôn ngữ giản dị, quen thuộc, gân gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ.

2. Tục ngữ là gì?

Tục ngữ là một thể loại văn học dân gian, là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có vần điệu, hình ảnh, thể hiện từ đúc kết những kinh nghiệm, tri thức của nhân dân từ xưa đến nay về mọi mặt như: tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội; được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Đặc điểm của tục ngữ:

Về mặt nội dung: Tục ngữ vô cùng phong phú về nội dung, chủ yếu là những lời đúc kết, nhận xét, phán đoán, những lời khuyên răn thiết thực, những phương châm, chân lý trong mọi lĩnh vực đời sống.

Về mặt nghệ thuật: Hình tượng ngôn ngữ được xây dựng từ những biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ…

Chủ yếu những câu tục ngữ đều có vần, bao gồm 2 loại là: vần liền và vần cách.

Các cách ngắt nhịp: trên yếu tố vần, cơ sở đối ý, tổ chức ngôn ngữ thơ ca… Yếu tố tạo sự cân đối, nhịp nhàng, cấu trúc vững chắc cho tục ngữ là sự hoà đối.

Hình thức đối: đối thanh, đối ý. Tục ngữ có thể có một vế, một phán đoán, hoặc gồm nhiều vế, nhiều phán đoán.

3. Lòng yêu thương con người là gì?

Lòng yêu thương con người đó là tình cảm thương yêu giữa người với người dành cho nhau, đó là những tình cảm yêu thương chia sẻ, cảm thông, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau để cùng nhau sống và tồn tại. Là thứ tình cảm rất thiêng liêng, xuất phát từ sâu trong tâm hồn, trái tim, sự thành tâm, thành ý.

Lòng yêu thương con người đại diện cho vẻ đẹp tâm hồn của mỗi con người. Mỗi người đều có cách thể hiện tình cảm yêu thương của mình khác nhau. Tình yêu thương ấy luôn được thể hiện trong mỗi lời nói, hành động hàng ngày của mỗi người. Đó là một đức tính tốt, cần được nhân rộng và chia sẻ. Cuộc sống đầy tình yêu thương sẽ khiến con người có cuộc sống tốt đẹp hơn, ai ai cũng sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lòng thương yêu, lòng nhân ái không chỉ được thể hiện giữa các thành viên trong gia đình mà nó cần được lan rộng tình cảm thương yêu giữa người với người. Đó còn là tình yêu đôi lứa, lòng thương cảm cho những mảnh đời bất hạnh,…

4. Biểu hiện và ý nghĩa của lòng yêu thương con người:

4.1. Biểu hiện lòng yêu thương con người:

Lòng yêu thương con người còn được thể hiện qua những hành động, đóng góp của mỗi người cho gia đình, cho xã hội.

Lòng yêu thương với gia đình:

– Lòng yêu thương con người được thể hiện rõ ràng và chân thật nhất trong mối quan hệ gia đình. Mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái, giữa ông bà với con cháu, giữa anh chị em với nhau,…

– Ông bà luôn yêu thương con cháu, bố mẹ thương yêu con cái và con cái thương yêu bố mẹ, ông bà.

– Bố mẹ luôn chấp nhận hi sinh, làm việc cực nhọc vất vả để nuôi dạy con cái nên người, mong cho con cái trở thành một người có ích cho gia đình, cho xã hội. Con cái có trách nhiệm nghe lời, chăm sóc, giúp đỡ, yêu thương bố mẹ của mình.

– Anh chị em trong nhà luôn luôn hòa thuận, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

– Khi có những khó khăn, hoạn nạn, mọi người trong gia đình luôn tâm sự, an ủi, động viên, chia sẻ, đồng hành cùng nhau.

Lòng yêu thương trong xã hội:

– Lòng yêu thương được thể hiện trong tình yêu đôi lứa.

– Sẵn sàng giúp đỡ bạn bè khi gặp hoạn nạ, khó khăn trong cuộc sống.

– Tình thương cảm cho những con người có số phận đau khổ bất hạnh: ủng hộ đồng bị bị thiên tai, lũ lụt; hiến máu nhân đạo, giúp đỡ nạn nhân bị chất độc màu da cam,…

– Lên án, đấu tranh chống lại những hành vi đày đọa, bóc lột, ngược đãi con người.

4.2. Ý nghĩa của lòng yêu thương con người:

Lòng yêu thương con người có rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống:

– Mang đến cho những con người cô đơn, đau khổ, bất hạnh,… có được sự hạnh phúc, truyền thêm sức mạnh, ý chí, nghị lực để họ vượt lên mọi hoàn cảnh.

– Lòng yêu thương con người được ví như sợi dây vô hình kết nối những trái tim, giúp cho những con người với con người đến gần nhau hơn

– Tình yêu thương con người chính là cơ sở xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, một xã hội có văn hóa, văn minh.

5. Sưu tầm các câu ca dao tục ngữ về lòng yêu thương con người:

1. “Thương người như thể thương thân.”

2. “Lá lành đùm lá rách.”

3. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no.”

4. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã.”

5. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.”

6.“Chị ngã, em nâng.”

7. “Nhường cơm, sẻ áo.”

8. “Yêu nhau chín bỏ làm mười.”

9. “Cứu một mạng người hơn xây 7 tháp phù đồ.”

10. “Chia ngọt sẻ bùi.”

11. “Kính già, già để tuổi cho.”

12. “Máu chảy ruột mềm.”

13. “Ngựa chạy có bầy, chim chạy có bạn.”

14. “Môi hở rang lạnh.”

15. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

16. “Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”

17. “Có anh có chị mới hay

Không anh không chị như cây một mình.”

18. “Chị em một ruột cắt ra

Chị không em có cũng là như không.”

19. “Dẫu xây chín bật phù đồ

Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người.”

20. “Thấy ai đói rách thì thương

Rét thường cho mặc đói thường cho ăn.”

21. “Đó nghèo thì đây cũng nghèo

Hai ta như bọt với bèo dưỡng nhau.”

22. “Tuy rằng xứ Bắc, xứ Đông

Khắp trong bờ cõi cũng dòng anh em.”

23. “Em thời đi cấy ruộng bông

Anh đi cắt lúa để chung một nhà

Đem về phụng dưỡng mẹ cha

Muôn đời tiếng hiếu người ta còn truyền.”

24. “Chị em như chuối nhiều tàu

Tấm lành che tấm rách đừng nói nặng lời.”

25. “Anh em như thể chân tay

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.”

26. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.”

27. “Anh em cốt nhục đồng bào

Kẻ sau người trước phải hào cho vui

Lọ là ăn thịt ăn xôi

Quý hồ ở nết tới lui bằng long.”

28. “Gương không có thủy gương mờ

Thuyền không có lái lửng lơ giữa dòng

Mong sao nghĩa thủy tình chung

Cho thuyền cập bến gương trong ngàn đời.”

29. “Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.”

30. “Khi đói cùng chung một dạ

Khi rét cùng chung một dòng.”

31. “Đôi ta cùng bạn chăn trâu

Cùng mặc áo vá nhuộm nâu một hàng

Bao giờ cho gạo bén sàng

Cho trăng bén gió cho nàng bén anh.”

32. “Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.”

33. “Anh em nào phải người xa

Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân

Yêu nhau như thể tay chân

Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.”

34. “Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

35. “Có câu tích đức tu nhân,

Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri.”

36. “Một hòn làm chẳng nên non

Ba hòn chụm lại nên cồn Thái Sơn.”

37. ” Vượt sông anh chở em sang

Bến trơn, em rắc trấu vàng anh qua

Đêm nay đường trải trăng già

Hành quân vẫn nhớ bến phà quê em.”

38. ” Sự đời nước mắt soi gương

Càng yêu nhau lắm, càng thương nhớ nhiều.”

39. ” Đêm nằm ở dưới bóng trăng,

Thương cha, nhớ mẹ không bằng nhớ em.”

40. “Yêu nhau chẳng quản lầm than,

Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.”