1- Các kiểu nhà nước
Lý luận Mác – Lênin về nhà nước và pháp luật đã đưa ra khái niệm kiểu nhà nước trong lịch sử: Kiểu nhà nước là tổng thể những dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản, đặc thù của nhà nước, thể hiện bản chất giai cấp và những điều kiện tồn tại và phát triển của nhà nước trong một hình thái kinh tế xã hội nhất định. Cơ sở để xác định kiểu nhà nước là học thuyết Mác – Lênin về các hình thái kinh tế xã hội. Mỗi kiểu nhà nước phù hợp với một chế độ kinh tế nhất định của một xã hội có giai cấp. Đặc điểm chung của mỗi hình thái kinh tế xã hội sẽ quyết định những dấu hiệu cơ bản, đặc thù của một kiểu nhà nước tương ứng.
Bạn đang xem: Các kiểu nhà nước và các hình thức nhà nước
Trong lịch sử xã hội có giai cấp đã tồn tại bốn hình thái kinh tế xã hội: Chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Phù hợp với bốn hình thái kinh tế xã hội đó đã có bốn kiểu nhà nước: (i) Kiểu nhà nước chủ nô; (ii) Kiểu nhà nước phong kiến; (iii) Kiểu nhà nước tư sản; (iv) Kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Các kiểu nhà nước chủ nô, phong kiến, tư sản mặc dù có những đặc điểm riêng nhưng đều là những kiểu nhà nước bóc lột được xây dựng trên cơ sở của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Các nhà nước đó đều là “nhà nước theo đúng nghĩa”, là công cụ để bảo vệ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, duy trì sự thống trị của giai cấp bóc lột đối với đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước mới có bản chất khác với các kiểu nhà nước bóc lột. Nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa là thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội.
Sự thay thế kiểu nhà nước này bằng một kiểu nhà nước mới tiến bộ hơn là một quy luật tất yếu. Quy luật về sự thay thế các kiểu nhà nước phù hợp với quy luật về sự phát triển và thay thế của các hình thái kinh tế – xã hội. Cách mạng là con đường dẫn đến sự thay thế đó. Một kiểu nhà nước mới xuất hiện trong quá trình cách mạng khi giai cấp cầm quyền cũ bị lật đổ và giai cấp thống trị mới giành được chính quyền. Các cuộc cách mạng khác nhau diễn ra trong lịch sử đều tuân theo quy luật đó: Nhà nước phong kiến thay thế nhà nước chủ nô, nhà nước tư sản thay thế nhà nước phong kiến, nhà nước xã hội chủ nghĩa thay thế nhà nước tư sản.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một kiểu nhà nước mới tiến bộ nhất nhưng cũng là kiểu nhà nước cuối cùng trong lịch sử. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ tiêu vong và sau đó sẽ không còn một kiểu nhà nước nào khác nữa.
Xem thêm: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực đất đai, bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest
2- Hình thức nhà nước
Hình thức nhà nước là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng. Kết quả của việc tiến hành sự thống trị về chính trị phụ thuộc phần lớn vào việc giai cấp thống trị tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước theo hình thức nào.
Hình thức nhà nước là cách tổ chức quyền lực nhà nước và những phương pháp để thực hiện quyền lực nhà nước. Hình thức nhà nước là một khái niệm chung được hình thành từ ba yếu tố cụ thể: hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước và chế độ chính trị.
Thứ nhất, hình thức chính thể
Xem thêm : Cây có lọc không khí vào ban đêm hay không?
Đây là cách tổ chức và trình tự để lập ra các cơ quan tối cao của nhà nước và xác lập những mối quan hệ cơ bản của các cơ quan đó. Hình thức chính thể có hai dạng cơ bản là chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa.
(i) Chính thể quân chủ là hình thức trong đó quyền lực tối cao của nhà nước tập trung toàn bộ (hay một phần) trong tay người đứng đầu nhà nước theo nguyên tắc thừa kế.
(ii) Chính thể cộng hòa là hình thức trong đó quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về một cơ quan được bầu ra trong một thời gian nhất định.
Cả hai hình thức đều có những biến dạng của mình. Chính thể quân chủ được chia thành chính thể quân chủ tuyệt đối và chính thể quân chủ hạn chế. Trong các nước quân chủ tuyệt đối, người đứng đầu nhà nước (vua, hoàng đế …) có quyền lực vô hạn; còn trong các nhà nước quân chủ hạn chế người đứng đầu nhà nước chỉ nắm một phần quyền lực tối cao và bên cạnh đó còn có một cơ quan quyền lực khác nữa, như nghị viện trong các nhà nước tư sản có chính thể quân chủ.
Chính thể cộng hòa cũng có hai hình thức chính là cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc. Trong các nước cộng hòa dân chủ, quyền tham gia bầu cử để lập ra cơ quan đại diện (quyền lực) của nhà nước được quy định về mặt hình thức pháp lý đối với các tầng lớp nhân dân lao động (mặc dù trên thực tế, các giai cấp thống trị của các nhà nước bóc lột thường đặt ra nhiều quy định nhằm hạn chế hoặc vô hiệu hóa quyền này của nhân dân lao động). Trong các nước cộng hoà quý tộc quyền đó chỉ quy định đối với tầng lớp quý tộc. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, do nhiều yếu tố khác nhau tác động, các hình thức chính thể cũng có những đặc điểm khác biệt. Vì vậy, khi nghiên cứu hình thức chính thể của một nhà nước nhất định cần phải gắn nó với những điều kiện lịch sử cụ thể.
Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều là nhà nước cộng hoà dân chủ được đặc trưng bằng sự tham gia rộng rãi của nhân dân lao động vào việc thành lập các cơ quan đại diện của mình.
Thứ hai, hình thức cấu trúc nhà nước
Đây là sự cấu tạo nhà nước thành các đơn vị hành chính lãnh thổ và xác lập những mối quan hệ qua lại giữa các cơ quan nhà nước, giữa trung ương với địa phương. Có hai hình thức cấu trúc nhà nước chủ yếu là hình thức nhà nước đơn nhất và hình thức nhà nước liên bang.
– Nhà nước đơn nhất là nhà nước có chủ quyền chung, có hệ thống cơ quan quyền lực và quản lí thống nhất từ trung ương đến địa phương và có các đơn vị hành chính bao gồm tỉnh (thành phố), huyện (quận), xã (phường). Ví dụ: Việt Nam, Lào, Ba Lan, Pháp… là các nhà nước đơn nhất.
– Nhà nước liên bang là nhà nước có từ hai hay nhiều nước thành viên hợp lại. Nhà nước liên bang có hai hệ thống cơ quan quyền lực và quản lý; một hệ thống chung cho toàn liên bang và một hệ thống trong mỗi nước thành viên; có chủ quyền quốc gia chung của nhà nước liên bang và đồng thời mỗi nước thành viên cũng có chủ quyền riêng: Ví dụ: Myơ, Đức, ấn Độ, Malaixia… là các nước liên bang.
Cần phân biệt nhà nước liên bang với nhà nước liên minh. Nhà nước liên minh là sự liên kết tạm thời của các nhà nước với nhau nhằm thực hiện một số mục đích nhất định. Sau khi đã đạt được các mục đích đó, nhà nước liên minh có thể tự giải tán hoặc có thể phát triển thành nhà nước liên bang. Ví dụ: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ 1776 đến 1787 là nhà nước liên minh, sau đó trở thành nhà nước liên bang.
Xem thêm : Nhật Bản có nguy cơ cao bị nền kinh tế lớn nhất châu Âu soán ngôi thứ ba thế giới
Thứ ba, về chế độ chính trị
Chế độ chính trị là tổng thể các phương pháp, thủ đoạn mà các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước.
Trong lịch sử, từ khi nhà nước xuất hiện cho đến nay, các giai cấp thống trị đã sử dụng nhiều phương pháp và thủ đoạn để thực hiện quyền lực nhà nước. Những phương pháp và thủ đoạn đó trước hết xuất phát từ bản chất của nhà nước đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tố của mỗi giai đoạn trong mỗi nước cụ thể. Vì vậy, có rất nhiều phương pháp và thủ đoạn khác nhau nhưng tựu chung chúng được phân thành hai loại chính là: Phương pháp dân chủ va phương pháp phản dân chủ.
Những phương pháp dân chủ cũng có nhiều loại, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như những phương pháp dân chủ thật sự và dân chủ giả hiệu, dân chủ rộng rãi và dân chủ hạn chế; dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp… Cần phân biệt chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa được đặc trưng bằng việc sử dụng các hình thức dân chủ thật sự, rộng rãi với chế độ dân chủ tư sản đặc trưng bằng các phương pháp dân chủ hạn chế và hình thức. Các phương pháp phản dân chủ thể hiện tính chất độc tài cũng có nhiều loại, đáng chú ý nhất là khi những phương pháp này khi phát triển đến mức độ cao sẽ trở thành những phương pháp tàn bạo, quân phiệt và phát xít.
Hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước luôn có liên quan mật thiết với chế độ chính trị. Ba yếu tố này có tác động qua lại lẫn nhau tạo thành khái niệm hình thức nhà nước, phản ánh bản chất và nội dung của nhà nước. Nhưng trong một số trường hợp, ba yếu tố này có thể không phù hợp với nhau. Ví dụ: chế độ chính trị phát xít, quân phiệt có thể có hình thức chính thể cộng hòa dân chủ. Đây cũng là điều thường gặp trong các nhà nước bóc lột.
Trong các nhà nước xã hội chủ nghĩa, ba yếu tố này phải phù hợp với nhau, phản ảnh đúng bản chất và nội dung của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Xem thêm: Đăng ký bản quyền tác giả
3- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
[a] Bài viết Các kiểu nhà nước và các hình thức nhà nước được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Các kiểu nhà nước và các hình thức nhà nước có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp