Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội

cac co quan bao ve phap luat gom 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận

Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát nhân dân quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; nỗ lực triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm, thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân theo luật định, nhất là những nhiệm vụ mới, quy định mới của pháp luật; gắn hoạt động công tố với hoạt động điều tra; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng cao. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các trường hợp oan sai giảm, việc bỏ lọt tội phạm từng bước được hạn chế.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh), trong thành tựu phát triển kinh tế – xã hội nhiệm kỳ qua có đóng góp không nhỏ của hoạt động truy tố, xét xử các cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn xã hội và bình yên cho Nhân dân.

truong trong nghia tp ho chi minh

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh)

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa để đảm bảo công bằng, công lý thì cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện cá nhân, Nhà nước phải đảm bảo thu nhập cho họ ít nhất ở mức trung bình. Ngay cả các nước phát triển nhất, “quan tòa” không thể giàu nhưng nhà nước cũng không để họ thuộc diện đói nghèo. “Năm 1986, GDP đầu người của Việt Nam gần 100 USD (86 USD – NV), đến năm 2020 là 3.500 USD, thử hỏi lương của Thẩm phán, Kiểm sát viên đã tăng lên tương xứng hay chưa?”. Đặt câu hỏi này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nếu Thẩm phán, Kiểm sát viên được đãi ngộ tương xứng cùng với việc thi tuyển chọn, sử dụng nghiêm ngặt, cử tri và Nhân dân sẽ có những điều họ luôn mong ước, đó là người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ, cho dù họ giàu hay nghèo.

Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho rằng, trong nhiệm kỳ tới cần tập trung giám sát, phân tích làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục triệt để, nâng cao chất lượng trong công tác.

nguyen minh son doan dai bieu quoc hoi tinh tien giang 4

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang)

Cuối năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao đã có báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, với trọng tâm là pháp luật có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra các báo cáo và gửi báo cáo cho các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 để nghiên cứu. Kết quả nhận định chung là: “Tuy rằng còn có một số quy định chưa thống nhất hoặc chưa phù hợp trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng cơ bản không ảnh hưởng đến thực tiễn thi hành dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản quy phạm pháp luật. Một số nội dung khác chưa phù hợp là do thực tiễn phát sinh các vấn đề mới nên cần được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Một số nội dung gặp khó khăn trong thực tiễn thi hành là do khâu tổ chức thực hiện hoặc chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn thi hành, không phải vướng mắc của luật, pháp lệnh, nghị quyết”. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có nhận định rõ ràng, chính xác hơn về nội dung này để người dân, doanh nghiệp và chính các cơ quan nhà nước có cách hiểu chính xác. Thời gian tới, VKSND tối cao, TAND tối cao cần tăng cường phối hợp với Quốc hội, Chính phủ để nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

Kết luận một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp; ghi nhận và đánh giá các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, cơ bản phản ánh đầy đủ, toàn diện kết quả các mặt công tác của VKSND, TAND các cấp trong nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế tồn tại, các đại biểu Quốc hội tán thành với các giải pháp kiến nghị được nêu trong các báo cáo của TAND tối cao, VKSND tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Đồng thời nhấn mạnh, đề nghị VKSND tối cao, TAND tối cao tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, tổ chức cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, trong đó có việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của ngành trong nhiệm kỳ tới.