Bình đẳng dân tộc là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong cương lĩnh dân tộc. V.I.Lênin đã đưa ra nhiều nội dung về bình đẳng dân tộc trong một quốc gia đa tộc người như: bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, bình đẳng trên tất cả mọi lĩnh vực và phải được bảo đảm bằng pháp luật; xây dựng chế độ tự trị khu vực dân tộc ở những nơi có điều kiện và ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số. Bài viết nêu những tư tưởng có giá trị bền vững, đồng thời chỉ ra những nội dung cần bổ sung, phát triển trong quan điểm của V.I.Lênin về bình đẳng dân tộc nhằm phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam hiện nay.
1. Quan điểm V.I.Lênin về bình đẳng giữa các dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc
Bạn đang xem: Giới thiệu Giới thiệu
V.I.Lênin luôn tuyến bố và khẳng định dứt khoát việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc trong một quốc gia trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Bình đẳng dân tộc là bình đẳng về mặt quyền lợi và nghĩa vụ, trong đó, V.I.Lênin nhấn mạnh việc bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc ít người: “Chúng ta đòi hỏi một sự bình đẳng tuyệt đối về mặt quyền lợi cho tất cả các dân tộc trong quốc gia và sự bảo vệ vô điều kiện các quyền lợi của mọi dân tộc ít người”(1). Như vậy, bình đẳng dân tộc gắn với việc bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số trong một quốc gia. Để bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi cho các dân tộc, đặc biệt là dân tộc ít người, V.I.Lênin phản đối bất cứ một đặc quyền dành cho một dân tộc nào: “Không có một đặc quyền nào cho bất cứ dân tộc nào, mà là quyền bình đẳng hoàn toàn của các dân tộc”(2); “Tất cả các dân tộc trong nước đều tuyệt đối bình đẳng và mọi đặc quyền của bất cứ dân tộc nào hoặc ngôn ngữ nào đều bị coi là không thể dung thứ và trái với hiến pháp”(3). Về nội dung của bình đẳng giữa các dân tộc, theo V.I.Lênin phải bảo đảm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: “Một Nhà nước dân chủ không thể dung thứ một tình trạng áp bức, kiềm chế của một dân tộc này đối với bất cứ dân tộc nào khác trong bất cứ lĩnh vực nào, trong bất cứ ngành hoạt động xã hội nào”(4). Bình đẳng dân tộc gắn với việc bảo đảm quyền lợi của dân tộc thiểu số phải được thể hiện trong mọi lĩnh vực. Bình đẳng trong kinh tế là bảo đảm quyền lợi, lợi ích kinh tế, quyền được phân phối công bằng tư liệu sản xuất cũng như thành quả của sự phát triển cho tất cả các dân tộc. Bình đẳng trong chính trị là bảo đảm quyền của các dân tộc trong tham gia vào đời sống chính trị, hệ thống chính trị của đất nước. Bình đẳng trong văn hóa, xã hội là bảo đảm quyền hưởng các thành quả phát triển văn hóa, xã hội của đất nước, quyền được bảo vệ bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Trong khi khẳng định sự toàn diện, đầy đủ trong thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc, V.I.Lênin nhấn mạnh đến việc thực hiện bình đẳng dân tộc trong lĩnh vực văn hóa: “Một Nhà nước dân chủ phải thừa nhận vô điều kiện quyền tự do hoàn toàn của các ngôn ngữ dân tộc khác nhau và gạt bỏ bất cứ đặc quyền nào của một trong những ngôn ngữ đó”(5). Văn hóa của một dân tộc tộc người thể hiện ở phong tục, tập quán, tín ngưỡng và các sinh hoạt hằng ngày, trong đó thể hiện rõ nét ở ngôn ngữ riêng của tộc người đó. Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa, đồng thời là phương tiện truyền tải các giá trị, sinh hoạt văn hóa của tộc người đó. V.I.Lênin khẳng định quyền tự do sử dụng ngôn ngữ riêng của các tộc người chính là quyền bình đẳng về văn hóa giữa các dân tộc. Quyền này thể hiện ở chỗ không có ngôn ngữ quốc gia nào có tính chất bắt buộc, các dân tộc được học ngôn ngữ của mình trong trường học, được sử dụng ngôn ngữ của mình trong mọi trường hợp ví dụ như tòa án… “Đảm bảo sự bình đẳng hoàn toàn giữa các dân tộc và không có một ngôn ngữ quốc gia có tính chất bắt buộc, đảm bảo cho dân cư có các trường học dạy bằng tất cả các ngôn ngữ địa phương”(6). Theo V.I.Lênin, bình đẳng dân tộc về mặt văn hóa không chỉ là việc các dân tộc được tự do sử dụng ngôn ngữ của mình, được bảo vệ bản sắc văn hóa riêng của mình mà còn là được hưởng công bằng các giá trị, thành tựu phát triển văn hóa chung của đất nước: “Tỷ lệ kinh phí chi tiêu cho nhu cầu văn hóa – giáo dục của các dân tộc ít người của một địa phương không thể thấp hơn tỷ lệ mà dân tộc ít người đó chiếm so với toàn bộ dân số của địa phương đó”(7).
Theo V.I.Lênin, để bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc, trước hết phải bằng việc ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó ghi nhận đầy đủ sự bình đẳng trước hết là về quyền lợi giữa các dân tộc: “Vấn đề bảo vệ quyền của một dân tộc thiểu số chỉ có thể được giải quyết bằng cách ban bố một đạo luật chung của Nhà nước, trong một nước dân chủ triệt để, không xa rời nguyên tắc bình quyền”(8). Pháp luật chính là cơ sở chắc chắn và có hiệu quả nhất để bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, thừa nhận sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các dân tộc trong mọi lĩnh vực là yêu cầu đầu tiên để bảo đảm bình đẳng dân tộc. Theo V.I.Lênin, không chỉ pháp luật trên mọi lĩnh vực đều phải thừa nhận sự bình đẳng giữa các dân tộc mà cần phải có một đạo luật riêng về vấn đề dân tộc, thừa nhận sự bình đẳng giữa các dân tộc. Pháp luật đó còn phải bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả cao, có chế tài loại bỏ những bất bình đẳng quyền lợi giữa các dân tộc. “Đảng dân chủ – xã hội đòi ban bố một đạo luật chung cho cả nước để bảo vệ các quyền của mọi dân tộc ít người ở bất kỳ nơi nào trong nước. Theo đạo luật đó, mọi biện pháp mà thông qua đó dân tộc nhiều người định tạo ra cho mình một đặc quyền dân tộc hoặc giảm bớt quyền của dân tộc ít người (trong lĩnh vực giáo dục, sử dụng một tiếng nói nào, trong ngân sách) đều phải được tuyên bố là không có hiệu lực, và kẻ nào thi hành biện pháp ấy sẽ bị trừng trị”(9). Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, nguyên tắc bình đẳng dân tộc được nêu lên trong tuyên ngôn dân quyền của nước Nga, sau đó được ghi vào Hiến pháp Liên Xô, quy định quyền bình đẳng của công dân Xô Viết, không phụ thuộc dân tộc, trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa.
Theo V.I.Lênin, việc xây dựng vùng tự trị dân tộc ở một số nơi trong quốc gia cũng là để bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc: “Hiển nhiên là người ta không thể quan niệm được một quốc gia hiện đại thật sự dân chủ mà lại không có một quyền tự trị cho mọi vùng có những đặc điểm quan trọng đôi chút về kinh tế hoặc về lối sinh sống và có một thành phần dân tộc riêng trong dân cư”(10). Thực hiện quyền tự trị ở một số vùng là để bảo đảm cho những chính sách là phù hợp với dân tộc đó, song không phải chỗ nào cũng có thể thiết lập quyền tự trị dân tộc mà V.I.Lênin đã đưa ra điều kiện để thành lập quyền tự trị là những vùng phải có những đặc thù riêng biệt về kinh tế, văn hóa hoặc một vùng rộng lớn chỉ có một thành phần dân tộc: “Một vùng gồm nhiều địa phương có những điều kiện địa lý, sinh hoạt hay kinh tế riêng hoặc có thành phần dân tộc đặc biệt, có quyền thành lập một khu tự trị với một nghị viện tự trị của khu”(11). Như vậy, không nhất thiết phải thành lập những vùng tự trị ở những nơi không có những điều kiện trên. Thí dụ như ở Việt Nam, các dân tộc cư trú phân tán và xen kẽ, số xã chỉ có một dân tộc sinh sống là rất ít, không có một vùng rộng lớn nào mà chỉ có một dân tộc sinh sống, do đó không có điều kiện để thành lập các vùng tự trị như V.I.Lênin khẳng định. Việc thực hiện vùng tự trị cũng phải diễn ra một cách hòa bình và theo ý kiến của nhân dân vùng đó: “chỉ có dân cư địa phương mới có thể có ý kiến một cách hoàn toàn chính xác về tất cả những điều kiện ấy, và chính dựa vào ý kiến đó mà nghị viện trung ương của Nhà nước sẽ quy định biên giới của những khu tự trị và quyền hạn của các xây mơ tự trị”(12). Theo V.I.Lênin, quyền tự trị này không mâu thuẫn và phá hoại tính thống nhất quốc gia: “Một nhà nước dân chủ phải thừa nhận quyền tự trị của các vùng khác nhau, nhất là những vùng và những khu có thành phần dân tộc khác nhau. Quyền tự trị đó không hề mâu thuẫn với chế độ tập trung dân chủ; trái lại, chỉ có nhờ quyền tự trị của các vùng mới có thể thực hiện được chế độ tập trung dân chủ thực sự ở một quốc gia lớn có nhiều thành phần dân tộc khác nhau”(13). Trên cơ sở luật pháp chung thống nhất, các vùng tự trị có thể xây dựng những biện pháp phù hợp với đặc thù dân tộc mình để bảo đảm tốt hơn quyền lợi của họ, thực hiện bình đẳng dân tộc.
V.I.Lênin còn đưa ra một vấn đề có tính nhân văn trong việc thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc tộc người, đó là việc thực hiện chính sách ưu tiên, ưu ái hơn đối với một dân tộc nhỏ hơn, kém phát triển. Bình đẳng dân tộc không có nghĩa là bình quân chủ nghĩa, cào bằng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các dân tộc, nhất là khi các dân tộc đang có sự chênh lệch lớn trên thực tế. Khi các dân tộc có trình độ phát triển không đều nhau, đòi hỏi chia đều về nghĩa vụ sẽ ngày càng làm gia tăng khoảng cách giữa các dân tộc. V.I.Lênin chỉ rõ cần có sự ưu tiên đối với các dân tộc kém phát triển hơn trong thực hiện một số nghĩa vụ hoặc trong phân bổ quyền lợi: “Không chỉ là ở chỗ tôn trọng quyền bình đẳng về hình thức của các dân tộc, mà còn ở chỗ phải chịu đựng sự không bình đẳng mà các dân tộc đi áp bức, dân tộc lớn phải chịu, để bù lại cho sự không bình đẳng đang hình thành thực tế trong cuộc sống. Người nào không hiểu điều đó, thì người đó không hiểu thái độ vô sản thực sự đối với vấn đề dân tộc, người đó về thực chất vẫn đứng trên quan điểm tiểu tư sản và do đó không thể không từng giờ từng phút trượt xuống quan điểm tư sản”(14). V.I.Lênin chỉ rõ, khi sự bất bình đẳng đang tồn tại trên thực tế, khi giữa các dân tộc, tộc người có sự phát triển không đồng đều thì việc ưu tiên cho dân tộc kém phát triển hơn (là sự không bình đẳng đối với dân tộc phát triển hơn) cũng chính là thực hiện bình đẳng dân tộc. Đây là một giá trị mà các Đảng Cộng sản cần nhận thức rõ trong hoạch định chính sách dân tộc trong một quốc gia dân tộc.
2. Sự vận dụng của Việt Nam và những vấn đề cần tiếp tục, bổ sung về thực hiện bình đẳng dân tộc trong bối cảnh mới hiện nay
Quán triệt tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin về bình đẳng dân tộc, Đảng ta đặc biệt quan tâm việc thực hiện bình đẳng dân tộc ở Việt Nam. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là ở miền núi, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt, nên có sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc ở nước ta. Vì vậy, trước hết, Đảng ta khẳng định vấn đề then chốt và quan trọng nhất trong thực hiện bình đẳng dân tộc ở Việt Nam chính là thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc hiện nay. “Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa dân tộc ít người và dân tộc đông người, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đều phát triển về mọi mặt, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(15). Trên cơ sở kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã chủ trương: “Để thực hiện trên thực tế quyền bình đẳng giữa các dân tộc, một mặt, pháp luật phải bảo đảm quyền bình đẳng đó, mặt khác, phải có chính sách và tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc miền núi vươn lên mạnh mẽ, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, coi trọng đào tạo cán bộ người dân tộc, tôn trọng và phát huy những phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc”(16). Đảng ta khẳng định xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ghi nhận đầy đủ quyền của đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy bình đẳng dân tộc. Bên cạnh đó, việc quan tâm, ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số cũng là giải pháp để thực hiện bình đẳng dân tộc: “Vấn đề xây dựng kinh tế miền núi là một bộ phận khăng khít của chính sách dân tộc của Đảng ta trong giai đoạn mới của cách mạng. Nó bảo đảm cho miền núi dần dần tiến kịp miền xuôi, cho các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc Kinh, thực hiện đầy đủ sự bình đẳng và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc. Nó phù hợp với lợi ích thiết thân của các dân tộc miền núi, đồng thời cũng phù hợp với lợi ích thiết thân của toàn thể nhân dân lao động miền Bắc”(17). Khi miền núi còn kém phát triển thì chỉ có sự ưu tiên, quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số mới tạo ra sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc để đuổi kịp đồng bào dân tộc đa số, thực hiện mục tiêu tất cả các dân tộc đều được ấm no, hạnh phúc. Tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện bình đẳng dân tộc, điều này tiếp tục được Đảng ta khẳng định trong văn kiện Đại hội XII: “tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung”(18).
Đảng ta cũng đã nhận thức được việc thực hiện bình đẳng dân tộc phải toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực cụ thể. Bình đẳng trong chính trị là tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia chính quyền và các cơ quan quyền lực nhà nước để họ có đại diện của mình. “Để thực hiện đẩy đủ nguyên tắc các dân tộc bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, chính quyền ở xã phải gồm đủ đại biểu các dân tộc trong xã. Từ xã đến tỉnh, tùy theo nhân số các dân tộc ở địa phương nhiều hay ít mà định số đại biểu các dân tộc đó tham gia chính quyền (Nhưng cũng có khi ở địa phương có một dân tộc nào đó, tính nhân số thì rất ít, song cũng nên có đại biểu trong chính quyền để bảo đảm đoàn kết và thi hành chính sách cho khỏi thiên lệch). Đặt nghĩa vụ đóng góp công bằng cho các dân tộc, tuy nhiên không nên máy móc đặt mức nhất loạt mà phải châm chước đối với các dân tộc trình độ sinh hoạt và giác ngộ còn thấp kém quá”(19). Đảng ta cũng chỉ ra những nội dung của bình đẳng dân tộc về mặt kinh tế được xác định là “Mở mang kinh tế các vùng thiểu số, cải thiện đời sống cho họ, chú trọng tiếp tế những thứ cần thiết cho đời sống hàng ngày của họ”(20). Bảo đảm những lợi ích kinh tế và nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số là nội dung cốt lõi của bình đẳng dân tộc về mặt kinh tế. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc về mặt văn hóa là các dân tộc được tự do bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, chữ viết của mình, được hưởng các thành quả phát triển văn hóa chung của đất nước “Văn hóa của mỗi dân tộc sẽ được tự do phát triển, tồn tại, tiếng mẹ đẻ của các dân tộc sẽ được tự do phát triển tồn tại và được bảo đảm”(21); “Phát triển bình dân học vụ và phát triển văn nghệ dân tộc ở các vùng thiểu số, phổ biến việc la tinh hóa tiếng nói của các dân tộc chưa có chữ và bảo đảm việc dạy học bằng các thứ tiếng đó trong các trường của dân tộc thiểu số (nhất là ở các lớp dưới)”(22).
Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về thực hiện tự trị dân tộc, Đảng ta cũng đã chủ trương thực hiện tự trị dân tộc: “Cần quan niệm cho đúng vấn đề thành lập khu tự trị là để làm cho các dân tộc được bình đẳng trong một quốc gia thống nhất”(23). Thực tế chúng ta cũng đã từng thành lập khu tự trị Việt Bắc và khu tự trị Thái Mèo. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh những khu tự trị này không tạo sự thống nhất quốc gia và việc thành lập các khu tự trị là sự vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin một cách vội vàng, chưa xem xét kỹ các điều kiện để thành lập. Vì vậy, hiện nay, chúng ta không tiếp tục thực hiện khu tự trị dân tộc nữa.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về bình đẳng dân tộc, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chương trình, dự án để phát triển kinh tế – xã hội vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như chương trình 134, 135, 30a… Kết cấu hạ tầng miền núi đã có bước phát triển, đời sống của đồng bào ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Việc quan tâm quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số được các cấp ủy chú ý; số lượng, chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị các cấp ngày càng tăng. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vùng miền núi được thực hiện thực chất hơn. Qua đó, quyền bình đẳng về chính trị giữa các dân tộc được bảo đảm. Chúng ta cũng tạo điều kiện và hỗ trợ vật chất, nguồn lực để giúp đồng bào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của mình. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Đời sống vật chất của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thấp hơn mặt bằng chung, người nghèo đa số là người dân tộc thiểu số, cứ hai người nghèo có một người dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số cũng thấp hơn nhiều so với đồng bào Kinh. Vì vậy, để thực hiện tốt bình đẳng dân tộc, chúng ta cần vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và bổ sung một số quan điểm phù hợp với thực tiễn nước ta.
Xem thêm : Top 13 người sống thọ nhất thế giới hiện nay và bí quyết sống lâu
Thứ nhất, cần bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc. Chúng ta cần hết sức tránh tư tưởng “dân tộc lớn” trong xây dựng, hoạch định các chính sách liên quan đến vấn đề dân tộc. Bởi lẽ, áp đặt tư tưởng, quan điểm của người dân tộc đa số cho dân tộc thiểu số dù với mong muốn tốt đẹp cũng là bất bình đẳng dân tộc.
Thứ hai, tăng cường sự giúp đỡ của dân tộc phát triển hơn cho những dân tộc kém phát triển hơn. Ở Việt Nam, để bảo đảm quyền lợi của người dân tộc thiểu số cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của dân tộc Kinh và các dân tộc khác phát triển hơn. Điều này đã được Hồ Chí Minh bổ sung, phát triển và thực tiễn đang khẳng định tính đúng đắn.
Thứ ba, phát huy vai trò của chính đồng bào dân tộc thiểu số, sự tự thân nỗ lực, cố gắng phấn đấu; khắc phục tâm lý tự ty, ỷ lại trông chờ trong thực hiện bình đẳng dân tộc. Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh đây là nội dung rất quan trọng để đồng bào thiểu số tiến kịp đồng bào đa số, thực hiện bình đẳng dân tộc, tất cả các dân tộc đều no ấm, hạnh phúc. Đảng và Nhà nước cần có những chính sách tránh cho không mà có điều kiện để động viên họ, đồng thời cần giáo dục, vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức vươn lên của đồng bào.
Thứ tư, cần làm rõ hơn vai trò của Nhà nước, chính quyền và cán bộ địa phương trong thực hiện bình đẳng dân tộc. Nhà nước cần ban hành những chính sách, cơ chế phát triển mạnh mẽ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó khắc phục khoảng cách chênh lệch, thực hiện bình đẳng dân tộc. Chính quyền và cán bộ địa phương khi triển khai các chính sách cần gắn bó với nhân dân để đưa ra những kế hoạch, biện pháp, đầu tư các nguồn lực có hiệu quả, có tính khả thi nhằm phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số.
–
Ghi chú:
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.266.
(2), (3), (4), (5), (7), (11), (13) V.I.Lênin: Toàn tập, t.25, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.84, 157-158, 86, 86, 159, 157, 85-86.
(6), (8), (10), (12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.24, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.74, 182, 185, 190.
(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.399.
(14) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.410
Xem thêm : QUYỀN BẤT KHẢ XÂM PHẠM VỀ CHỖ Ở CỦA CÔNG DÂN
(15) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.536.
(16) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.49, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.847.
(17) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tr.585.
(18) ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016. tr.164.
(19) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.269.
(20), (22) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.140, 140.
(21) Văn kiện Đảng 1930-1945, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội, 1977, tr.196.
(23) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.22, tr.503.
TS Hà Thị Thùy Dương, Học viện Chính trị khu vực IV
TS Đinh Đức Duy, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương
Theo: lyluanchinhtri.vn
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp