Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt, dân trí thấp, trong sản xuất, kinh doanh của đồng bào còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, ít có sự giao lưu, trao đổi hàng hóa nên điều kiện hòa nhập gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nền kinh tế của đất nước đã vượt qua khó khăn, giữ được mức tăng trưởng khá, đời sống của nhân dân nhìn chung đã được cải thiện rõ rệt so với trước đây. Theo dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng thì ‘Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 tính theo giá thực tế ước đạt 106 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm 2005; GDP đầu người đạt khoảng 1.200 USD’, nhưng giá trị sản phẩm thặng dư do xã hội làm ra đang tập trung chủ yếu ở các thành phố, trung tâm công nghiệp và các tỉnh đồng bằng, ven biển nên mức sống, mức tiêu dùng và các tiện nghi sinh hoạt cùng với các hưởng thụ văn hóa đang có sự cách biệt lớn giữa đô thị, đồng bằng với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế trên cũng được nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, đó là: ‘Trình độ phát triển giữa các vùng cách biệt lớn và có xu hướng mở rộng… Ðời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo cao. Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo còn khá lớn và ngày càng doãng ra’. Những con số về thu nhập bình quân đầu người ở các địa phương đã minh chứng: Thành phố Hồ Chí Minh hơn 2.500 USD, thành phố Hà Nội: 1.700 USD, tỉnh Bắc Cạn hơn 400 USD, tỉnh Sơn La hơn 500 USD… Trong danh sách 62 huyện nghèo nhất cả nước đều ở địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số. Số huyện nghèo tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Tây Bắc. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện này đều từ 40 đến 50% trở lên.
Thực trạng phát triển không đều dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn về trình độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng, miền; mức sống của người dân giữa các dân tộc ở nước ta ‘ngày càng doãng ra’, đòi hỏi Ðảng và Nhà nước phải có sự quan tâm đặc biệt, với những giải pháp đủ mạnh và những chính sách thật cơ bản để giải quyết kịp thời những vấn đề ‘nóng’, thiết yếu ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhất là trên địa bàn đặc biệt khó khăn. Ðó là, nghèo đói, thất học, thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân… đồng thời bảo đảm cho sự ổn định và phát triển nhanh, toàn diện, bền vững để miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nhập vào sự phát triển chung của đất nước.
Bạn đang xem: Tập trung đầu tư phát triển nhanh, bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Xem thêm : ‘Nước xốt’ hay ‘nước sốt’ đâu mới là cách viết đúng
Để quyết tâm chính trị trên được thực hiện, việc đầu tiên là phải tạo được sự thống nhất trong nhận thức của các cấp, các ngành từ T.Ư đến các địa phương về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Ðảng Khóa IX về công tác dân tộc chỉ ra, đó là: ‘Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị’. Trong dòng chảy sôi động của cơ chế thị trường, cuốn hướng mọi đối tượng vào hoạt động kinh tế, vẫn phải thấy vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng nước ta. Sự ổn định, phát triển ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trực tiếp tác động, chi phối đến sự ổn định về chính trị của đất nước, cũng như sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương. Thực trạng kinh tế – xã hội thấp kém ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi – địa bàn căn cứ cách mạng, kháng chiến trước đây, cùng những hạn chế, yếu kém, những tiêu cực trong thực hiện chính sách dân tộc ở các địa phương đang bị các thế lực thù địch triệt để khai thác, lợi dụng để xuyên tạc, kích động, chia rẽ đoàn kết các dân tộc, gây mất ổn định chính trị.
Phải thấy rõ thực trạng, tiềm năng, thế mạnh của địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi cùng vai trò to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong lịch sử cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Những năm tháng đất nước chịu sự đô hộ của thực dân xâm lược, đồng bào các dân tộc thiểu số đã anh dũng đứng lên kháng chiến. Vùng dân tộc thiểu số, miền núi là cái nôi, là đại bản doanh của cách mạng, của các cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Hiện nay, trong công cuộc CNH, HÐH đất nước cần nhận thức sâu sắc, phát huy đầy đủ vị trí, vai trò cùng tiềm năng, thế mạnh của miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tài nguyên thiên nhiên tập trung ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số phải được khai thác, sử dụng hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn phải hứng chịu lũ ống. lũ quét, sạt lở đất. Hệ thống đường giao thông liên thôn, bản chưa được đầu tư xây dựng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại, sản xuất, giao lưu hàng hóa của người dân, khiến cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn. Thực tế trên ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số phải được các cấp, các ngành và đồng bào cả nước thấy rõ, từ đó có những chia sẻ và sự đầu tư phát triển phù hợp.
Xem thêm : Con bệnh binh có được miễn học phí không?
Ðể phát triển kinh tế – xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần có nguồn lực kinh tế, tài chính mạnh; nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo và hệ thống những cơ chế, chính sách phù hợp giữ vai trò ‘bà đỡ’, tạo môi trường và động lực cho phát triển. Tuy vậy, các yếu tố nêu trên ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số hiện còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế, chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh vốn có. Ðó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém phát triển; làm cho mâu thuẫn trong phát triển ngày càng lớn. Mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội mà Ðảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xã hội: ‘Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;… con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển’. Mục tiêu đó cùng với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh biên giới và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không cho phép để tình trạng kém phát triển ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tồn tại, kéo dài.
Ðịa bàn dân tộc thiểu số, miền núi có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái. Ðồng bào các dân tộc thiểu số là một bộ phận hợp thành động lực của cách mạng, đã và mãi là những người trực tiếp góp phần quan trọng giữ vững biên cương và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy cần tập trung đầu tư phát triển nhanh, bền vững kinh tế – xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số – địa bàn xung yếu hiện khó khăn nhất của cả nước là một tất yếu khách quan cần được cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, 5 năm và nhất là trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 của đất nước.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp