Chỉ số EF do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) công bố và Chỉ số EF của thế giới và của Bắc Mỹ do Viện Fraser (The Fraser Institute) công bố và đo lường. Các chỉ số này bao gồm các mục như bảo đảm quyền tài sản, gánh nặng các quy định và độ mở của thị trường tài chính, cùng nhiều mục khác(3). Chỉ số này đo lường căn cứ trên 4 trụ cột lớn với 12 tiêu chí quan trọng:
1- Pháp quyền (Rule of Law): Bảo vệ con người và tài sản của họ có được một cách hợp pháp là yếu tố trung tâm. Đây là chức năng quan trọng nhất của Nhà nước, bao gồm các tiêu chí: Quyền sở hữu; hiệu quả tư pháp; chính phủ liêm chính.
2- Quy mô của chính phủ: Khi chi tiêu của chính phủ, thuế và quy mô của các doanh nghiệp do chính phủ kiểm soát tăng lên, việc ra quyết định của chính phủ thay thế cho sự lựa chọn của cá nhân và tự do kinh tế bị giảm đi. Ngược lại, nếu các thất bại không được can thiệp đúng lúc, sự tự do trong thị trường chịu những thiệt hại đáng kể. Quy mô của chính phủ gồm các tiêu chí: Gánh nặng thuế; chi tiêu chính phủ; “Sức khỏe” tài khóa.
3- Hiệu quả của các quy định: Các chính phủ không chỉ sử dụng các công cụ để hạn chế quyền trao đổi quốc tế, họ còn có thể phát triển các quy định hạn chế quyền trao đổi, nhận tín dụng, thuê hoặc tự do điều hành doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trụ cột này gồm các tiêu chí: Quyền tự do kinh doanh; tự do lao động; tự do tiền tệ.
4- Thị trường mở: Quyền tự do trao đổi – theo nghĩa rộng nhất của nó, mua, bán, lập hợp đồng,… là điều cần thiết đối với tự do kinh tế, điều này bị giảm bớt khi quyền tự do trao đổi không bao gồm các doanh nghiệp và cá nhân ở các quốc gia khác. Trụ cột thị trường mở gồm các tiêu chí: Tự do thương mại; tự do đầu tư; tự do tài chính.
Xem thêm : Nói giảm nói tránh là gì?
Chỉ số EF coi mọi tiêu chí thành phần đều quan trọng như nhau trong việc đạt được những lợi ích tích cực của tự do kinh tế. Mỗi quyền tự do đều có trọng số như nhau trong việc xác định điểm số của quốc gia.
Một trong những câu hỏi quan trọng khác cần giải quyết nhằm xác định tiêu chí trong xây dựng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế là: Quy mô và phạm vi tác động của chính phủ tới nền kinh tế thị trường thế nào là tối ưu?.
Các nhà kinh tế học và các nhà hoạch định chính sách đồng ý về việc tồn tại các thất bại của thị trường mà tự nó không thể giải quyết và các can thiệp của chính phủ là cần thiết. Có nhiều thất bại của thị trường khác nhau đã được thảo luận qua hàng thập niên như bất đối xứng thông tin, hàng hóa công, các hiện tượng ngoại ứng,… Một trong những thất bại đó là sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Cụ thể là khoảng cách tài chính (người giàu dễ tiếp cận tài chính hơn) và hiệu ứng tràn (spillovers) hoặc hiệu ứng ngoại tác (externalities) của nó tới sự phát triển bền vững nền kinh tế(4). Do đó, những can thiệp và thiết kế chính sách phù hợp của chính phủ có thể là tác nhân quan trọng để giải quyết vấn đề tạo ra sự tăng trưởng kinh tế và việc làm đều đặn.
Thực tế, các chính phủ trên khắp thế giới đã áp dụng một loạt các chính sách để khuyến khích hoạt động kinh doanh và có tác động tích cực đến sự tự do kinh tế. Các quốc gia đã phát triển với hệ thống kinh tế thị trường tự do mạnh mẽ và tuyên bố mạnh mẽ về thị trường tự do đều đã áp dụng các chính sách can thiệp của chính phủ như chính sách bảo hộ liên quan đến thuế hoặc phi thuế quan trong giai đoạn đầu của sự phát triển(5); chính sách của chính phủ giúp loại bỏ lo lắng của người lao động trong sản xuất thông qua xây dựng hệ thống y tế tốt hơn, hệ thống giáo dục được cải thiện cũng sẽ tạo thêm nguồn lao động chất lượng và giúp doanh nghiệp có thông tin để phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn(6). Bằng chứng thực tế là các quốc gia Bắc Âu, mặc dù đánh thuế cao và bảo đảm phúc lợi lớn của nhà nước nhưng không làm suy giảm động lực phát triển kinh tế thị trường.
Ngược lại với dòng quan điểm trên là những ý kiến cho rằng chính phủ nên hạn chế can thiệp và để các chủ thể kinh tế trên thị trường tự do cạnh tranh(7). Theo đó, thị trường có thể tự giải quyết các vấn đề của chính nó và các can thiệp của chính phủ chỉ phát đi các tín hiệu sai lệch(8). Bằng chứng thực nghiệm cho thấy các chính sách khởi nghiệp theo chủ nghĩa can thiệp có khả năng dẫn đến việc phân bổ các nguồn lực và nỗ lực của doanh nhân hướng tới các hoạt động kém hiệu quả hơn về mặt kinh tế(9). Bằng chứng thực nghiệm khác tại Mỹ chỉ ra rằng chính sách can thiệp của chính phủ có thể làm hạn chế cạnh tranh năng động/liên tục (business dynamism) của doanh nghiệp, mà hệ thống này lại có vai trò kích thích cạnh tranh, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm(10). Nói cách khác, các can thiệp của chính phủ sẽ làm “nhiễu” cách thức vận hành của thị trường năng động trong quá trình ra quyết định của doanh nghiệp để tái phân bổ nguồn lực từ kém hiệu quả hướng đến trạng thái hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự can thiệp của chính phủ còn có những vấn đề cần lưu ý:
Thứ nhất, các chính sách can thiệp để khuyến khích tinh thần kinh doanh có thể làm sai lệch chức năng phi tập trung và tự phát của thị trường, hạn chế tự do kinh tế thông qua việc phân phối lại các nguồn lực cho các doanh nghiệp và lĩnh vực cụ thể bằng quá trình chính trị thay vì thị trường. Điều này có thể dẫn đến việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm, bao gồm cả tài năng kinh doanh, cho các công ty và lĩnh vực kém năng suất hơn(11). Một phân tích gần đây của các công ty Thụy Điển cho thấy những công ty nhận trợ cấp R&D (nghiên cứu và phát triển) của chính phủ có năng suất thấp hơn và lợi nhuận kém hơn(12). Việc trợ cấp cho các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả không chỉ không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn cản trở khả năng phân bổ nguồn lực của cơ chế lựa chọn thị trường cho các mục đích sử dụng có giá trị cao hơn.
Thứ hai, các chương trình của chính phủ cung cấp, trợ cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đặt các quan chức chính phủ vào vị trí có quyền quyết định để xác định công ty hoặc nhà đầu tư nào sẽ nhận được tài trợ. Trong khi đó, thông tin liên quan để thẩm định có thể không căn cứ trên các tiêu chí đơn giản như doanh thu, số năm vận hành, tiềm năng phát triển hiện tại,… chưa kể đến những vấn đề của hệ thống quan liêu liên quan. Nói cách khác, việc thẩm định trợ cấp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp nào của chính phủ có thể không căn cứ trực tiếp trên các tín hiệu thị trường(13). Tồn tại tính không đồng nhất và hạn chế thông tin trong việc xác định các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt nhất để nhận hỗ trợ chính phủ(14).
Thứ ba, liên quan đến các vấn đề lợi ích nhóm. Không thể phủ nhận các bằng chứng chứng minh nhiều quyết định của chính phủ đôi khi không liên quan đến lợi ích kinh tế của quốc gia và được thay bằng các nhóm lợi ích(15). Cuối cùng, các chính sách can thiệp thường cản trở cơ chế thị trường trong việc khen thưởng các doanh nhân làm việc hiệu quả, đồng thời trừng phạt các doanh nghiệp kém hiệu quả trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Các tranh luận về sự can thiệp của chính phủ hiện nay vẫn còn rất gay gắt nhưng hầu hết đều đồng ý về một số nguyên tắc cơ bản: các thể chế và chính sách hỗ trợ thị trường phải nhất quán với các nguyên tắc tự do kinh tế, bao gồm lựa chọn cá nhân, trao đổi tự nguyện, bảo vệ con người và tài sản cũng như tự do tham gia và cạnh tranh trên thị trường; chính phủ có thể tăng cường chi tiêu trong thời kỳ khủng hoảng và hạn chế hơn trong thời kỳ phát triển thịnh vượng; các can thiệp của chính phủ chủ yếu tập trung vào việc khắc phục các khuyết tật của thị trường.
Mức độ phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam thông qua chỉ số tự do kinh tế
Chỉ số EF đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều công bố quốc tế nhằm đánh giá mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường. Hơn nữa, tính đại diện của chỉ số EF trong việc thể hiện mức độ phát triển kinh tế thị trường được thể hiện thông qua sự tương quan của nó tới các chỉ số tăng trưởng kinh tế – xã hội liên quan (các đầu ra sáng tạo, phát triển công nghệ, phát triển kinh tế…). Việt Nam tự do hóa kinh tế bắt đầu vào năm 1986 với đổi mới, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Đến nay, những cải cách theo hướng tự do kinh tế, phát triển kinh tế thị trường đạt được nhiều kết quả.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp