Các yếu tố cấu thành vi phạm hành chính, cho ví dụ

Vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật bị xử phạt hành chính.

>>> Xem thêm:

  • 200 câu nhận định đúng sai môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin có đáp án
  • 200 câu nhận định đúng sai môn Luật Đất đai có đáp án
  • 200 câu nhận định đúng sai môn Luật So sánh có đáp án
  • 200 câu nhận định đúng sai môn Luật Hành chính có đáp án
  • 200 câu nhận định đúng sai Luật tố tụng dân sự có đáp án
  • 200 câu nhận định đúng sai có đáp án môn Luật Thương mại quốc tế
  • 300 câu nhận định đúng sai môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật

Như vậy, hành vi vi phạm hành chính là hành vi trái pháp luật hành chính, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm hành chính thực hiện vi phạm các quy định pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm.

Để xác định một hành vi xảy ra trong thực tế có phải là vi phạm hành chính hay không, cần phải xác định các dấu hiệu pháp lý của các yếu tố cấu thành loại vi phạm pháp luật này. vi phạm hành chính được cấu thành bởi 04 yếu tố gồm mặt khách quan, chủ thể, chủ quan, khách thể.

1. Mặt khách quan

Dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan là hành vi vi phạm hành chính. Khi xem xét đánh giá hành vi của cá nhân hay tổ chức nào đó có phải là hành vi vi phạm hành chính hay không phải dựa vào các căn cứ pháp lý vững chắc xác định hành vi đó phải được pháp luật quy định là sẽ bị xử phạt bằng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Đối với một số loại hành vi vi phạm hành chính không chỉ đơn thuần dựa vào dấu hiệu nội dung trái pháp luật trong hành vi mà còn phải dựa vào các dấu hiệu khác cụ thể:

– Thời gian, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm

– Công cụ, phương tiện vi phạm

– Hậu quả và mối quan hệ nhân quả

Một số trường hợp hành vi của tổ chức, cá nhân được xác định là vi phạm hành chính khi hành vi đó gây ra thiệt hại cụ thể trong thực tế.

2. Mặt chủ quan

Dấu hiệu bắt buộc là yếu tố lỗi của chủ thể vi phạm. Lỗi là trạng thái tâm lý của một người đối với hành vi vi phạm của chính họ. Người nào nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, có hại cho xã hội bị pháp luật cấm mà vẫn thực hiện thì được xác định là vi phạm hành chính.

Có hai hình thức lỗi: Lỗi cố ý, lỗi vô ý.

– Lỗi vô ý là trường hợp người thực hiện hành vi có đầy đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi nhưng do vô tình, hoặc thiếu thận trọng dẫn đến vi phạm hành chính..

– Lỗi cố ý là trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm hành chính biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội bị pháp luật hành chính cấm mà vẫn cố tình thực hiện.

Khi xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, chỉ cần xác định tổ chức đó có hành vi trái pháp luật hành chính và hành vi đó theo quy định của pháp luật bị xử phạt bằng các biện xử phạt vi phạm hành chính là đủ.

3. Chủ thể vi phạm hành chính

Chủ thể thực hiện vi phạm hành chính là các tổ chức, cá nhân có năng lực chịu trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật hành chính.

Cá nhân là chủ thể vi phạm hành chính là người không mắc các bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi và đủ độ tuổi do pháp luật quy định cụ thể:

– Người đủ 14 đến dưới 16 tuổi là chủ thể của vi phạm hành chính trong trường hợp thực hiện hành vi với lỗi cố ý.

– Người từ đủ 16 tuổi trở lên có thể là chủ thể của vi phạm hành chính trong mọi trường hợp.

Tổ chức là chủ thể vi phạm hành chính bao gồm: Các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các đơn vị kinh tế, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng là chủ thể vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

4. Khách thể của vi phạm hành chính

Là trật tự quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

5. Ví dụ về vi phạm hành chính

Ví dụ: Doanh nghiệp A sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng

Các yếu tố cấu thành hành vi vi phạm của Doanh nghiệp A như sau:

– Hành vi có lỗi: Căn cứ theo các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì tổ chức kinh doanh có trách nhiệm cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc đối với sản phẩm đưa ra thị trường. Vì vậy, hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng là hành vi có lỗi (lỗi cố ý).

– Hành vi vi phạm này gây ra những thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội.

– Hành vi trên vi phạm quy định quản lý nhà nước về hoạt động thương mại (buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng).

– Thuộc trường hợp bị xử phạt hành chính: Hành vi này được quy định tại Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt cụ thể sẽ tùy thuộc vào giá trị tài sản vi phạm.