Lời chào – nét đẹp đặc trưng trong văn hoá của người Việt

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video cách chào hỏi của người việt nam

“Dao năng liếc thì sắc/

Người năng chào thì quen”

“Một chào, hai dạ, ba thưa/

Tưởng chừng là dễ, mấy ai tận tường”

PGS.TS Trương Thị Nhàn – giảng viên Chuyên ngành Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Huế chia sẻ về “Lời chào trong tiếng Việt”.

PGS.TS Trương Thị Nhàn

Ứng xử phải phép trong lời chào cũng là góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Sự trong sáng của tiếng Việt thể qua rất nhiều khía cạnh, khía cạnh đầu tiên là cần sử dụng tiếng Việt đúng, chuẩn về mặt văn hóa và chuẩn về mặt giao tiếp. Trong các tình huống giao tiếp khác nhau, chúng ta sẽ lựa chọn sử dụng các cách chào khác nhau. Thân mật, suồng sã có cách chào riêng; trang trọng lễ phép cần dùng những lời chào riêng. “Chính việc sử dụng lời chào đúng tình huống giao tiếp cũng là một cách để chúng ta giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, PGS.TS Trương Thị Nhàn nhấn mạnh.

Lời chào trong tiếng Việt rất phong phú về hình thức. Chào là một hành vi ngôn ngữ phần nào mang tính nghi thức, thể hiện phép lịch sự xã giao giữa những người giao tiếp, tại thời điểm gặp mặt (chào gặp mặt) hay chia tay (chào chia tay). Tuy nhiên, với tiếng Việt, tiếng chào còn là dịp để người nói thể hiện tình cảm, thái độ, sự quan tâm của những người tham gia giao tiếp. Hình thức chào do đó cũng rất phong phú, tùy thuộc vào mức độ tình cảm, sự quan tâm lẫn nhau và cũng có một chút sự phân biệt nhất định về mặt vùng miền.

Lời chào trong tiếng Việt hết sức phong phú

Về kiểu chào trực tiếp và đơn giản nhất là “Xin chào!”, “Chào nhé!”, “Chào anh!”, “Chào chị!”. Khi tạm biệt chào là “Tạm biệt!”, “Tạm biệt nhé!”. Nhưng ngay trong tiếng chào tưởng đơn giản này cũng có thể chứa những mối quan hệ thân thuộc như trong một gia đình: với anh, với chị, với ông bà, chú bác, cô dì. Người Việt rất ưa thích lối xưng hô theo quan hệ thân tộc mà ít thấy chào theo kiểu chức vụ như là “Chào chủ tịch!”, “Chào giám đốc!”, “Chào trưởng phòng!”. Bởi vậy, ngay trong tiếng chào chúng ta đã thấy mối quan hệ thân quen rất là tình cảm. Người ta có thể mở rộng lời chào ra để thể hiện mức độ lễ phép cao hơn, ví dụ thay vì “chào ông!” có thể nói là “Chào ông ạ!”, “Cháu chào ông ạ!” “Dạ, cháu chào ông ạ!”…các cấp độ, mức độ lễ phép và cách mà chúng ta dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất để chào rất phổ biến và quen thuộc với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Về kiểu chào gián tiếp, thú vị nhất là chào bằng hỏi, cũng là một hình thức chào hỏi nhưng chỉ sử dụng câu hỏi, thường trong các tình huống gặp gỡ thân mật. Ví dụ “Đi đâu đấy?”, thấy rõ ràng người ta đang mang một túi thức ăn vẫn hỏi là “Đi chợ à?” hay “Mới về à?”, “Về bao giờ?”, “Dạ, bác mới qua chơi ạ?”… Thời trước ở nhiều nơi còn phổ biến lời chào “Ăn cơm chưa?”, rõ ràng đó không phải câu hỏi chỉ để hỏi.

Tuy nhiên, khi dùng câu hỏi để chào, cần cân nhắc mối quan hệ, những câu hỏi thân mật sẽ trở nên suồng sã. Nếu như đối tượng giao tiếp của mình là người hơn tuổi hoặc là có mối quan hệ không thân mật cần phải lưu ý. Khi gặp 1 người lớn tuổi mình không nên hỏi “Bác đi đâu đấy?”, như vậy là không lịch sự. Cũng không nên hỏi vào vấn đề riêng tư. Người nghe thường sẽ không thích những “lời chào” kiểu “Sao trông bác gầy hẳn đi thế?” trong bối cảnh là người ta đang bị bệnh, hay “Sao trông cậu xanh xao thế?” trong khi cái người ta muốn hướng đến là sự khỏe mạnh.

Ở Bắc Bộ lời chào “Mời bác xơi cơm”, đây là lời chào khi người nói đang trong một bữa cơm mà gặp hoặc nhìn thấy khách. Nếu như ở vùng khác, người ta có thể hiểu rằng chủ nhà muốn mời cơm khách và có thể vô tình sẽ hồi đáp bằng cách là nhận lời mời hoặc từ chối bữa cơm. Như vậy, rõ ràng lời chào cũng có tính địa phương và phổ biến vùng Bắc Bộ cách chào này.

Ở phía Nam và từ Huế trở vào còn lưu giữ một lối chào rất lễ phép và mang tính truyền thống, đó là chào bằng “thưa”, “dạ thưa”. Ví dụ “Dạ thưa mẹ, con mới đi học về!”. Người Huế nổi tiếng với lời “dạ thưa”. Nhà thơ Bùi Giáng cũng từng viết: “Dạ thưa xứ Huế bây chừ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.

Lời chào dùng tiếng nước ngoài chỉ nên dùng trong tình huống thân mật, vui vẻ

Cân nhắc khi dùng lời chào bằng tiếng nước ngoài

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, lời chào của tiếng Việt cũng đang phong phú hơn với lời chào mang tính ngoại lai. Ví dụ dùng tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung…để chêm xen vào trong lời chào hoặc là để thay thế lời chào nhưng chủ yếu trong các tình huống vui vẻ, thân mật và thường là giữa những người trẻ. Ví dụ: “Hello!”, “Hi!”.

Hoặc chào tạm biệt có thể dùng những câu chào tiếng Anh, ví dụ “Bye!”, “Bye bye!”, “Good bye!”, “See you soon!”, “See you late!” và thậm chí còn kết hợp Anh – Việt rất là vui vẻ: “Bye nhé!”, “Good bye đã nhé!”…Điều này cũng làm phong phú hơn lời chào tiếng Việt. Tuy nhiên, đây là lời chào trong tình huống thật là thân tình vui vẻ, nên hạn chế dùng.

“Lời chào cao hơn mâm cỗ”

Trong thực tế giao tiếp, chúng ta có thể chào nhau phát đi tín hiệu gặp nhau bằng những hành động “phi lời” như nhìn nhau mỉm cười, gật đầu, bắt tay… Tuy nhiên, người Việt vốn trọng tình. Văn hóa trọng tình thể hiện rõ qua cách người Việt lựa chọn và sử dụng lời chào, qua lời chào mà “nói với nhau” về tình cảm, thái độ, sự tôn trọng, quan tâm với nhau trong cộng đồng. Gặp nhau, chia tay nhau vẫn cần nói với nhau một lời. “Lời chào cao hơn mâm cỗ” chính là như thế.