Cách ghi địa chỉ nhà, ngõ, ngách cho đúng

Địa chỉ là một phương tiện quan trọng để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện yêu cầu giao tiếp, tiếp nhận các thông tin, thư tín, liên lạc, giao dịch thương mại, giao dịch dân sự và các giao dịch khác. Nhằm tạo nên sự thuận tiện và thống nhất, pháp luật đã có quy định cụ thể về việc đánh số và gắn biển số nhà. Để tìm hiểu mời quý bạn đọc theo dõi bài viết Cách ghi địa chỉ nhà, ngõ, ngách cho đúng của Luật Hoàng Phi.

Địa chỉ là gì?

Địa chỉ là tập hợp các thông tin nhằm miêu tả vị trí của một tòa nhà, một căn hộ, hay một cấu trúc hoặc một diện tích đất nào đó.

Địa chỉ là căn cứ quan trọng trong việc tìm kiếm, liên lạc, tiếp nhận thông tin, thư tín. Do đó địa chỉ nhà phải luôn luôn được cập nhật chính xác tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình. Bên cạnh đó còn có ý nghĩa quan trọng góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị và điểm dân cư nông thôn, quản lý nhà đất, thông tin liên lạc, hành chính, an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy và quản lý dân cư theo quy định của pháp luật.

cach ghi dia chi nha trong hem 1

Cách ghi địa chỉ nhà, ngõ, ngách cho đúng

Nhằm tạo ra sự thống nhất trong quản lý, Bộ xây dựng đã ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà áp dụng tại khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn trong cả nước.

Để tìm hiểu cách ghi địa chỉ nhà, ngõ, ngách cho đúng, quý bạn đọc cần tìm hiểu ý nghĩa của các thuật ngữ này, cụ thể:

– “Ngôi nhà” là công trình xây dựng có mái và kết cấu bao che, dùng để ở hoặc dùng vào mục đích khác.

– “Ngõ” là lối đi lại trong cụm dân cư, có ít nhất một đầu thông ra đường hoặc phố (nhánh của đường hoặc phố).

– “Ngách” là lối đi lại trong cụm dân cư có một đầu thông ra ngõ, không trực tiếp thông ra đường, phố.

Theo quy chế đánh số và gắn biển số nhà, nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và nhà trong ngõ, trong ngách như sau:

– Đánh số nhà mặt đường và nhà trong ngõ, trong ngách được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3…, n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định tại khoản 2 Điều này. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7…), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8…).

– Chiều đánh số nhà

+ Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc;

+ Trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì lấy chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ. Trường hợp ngõ đặt tên theo đường, phố và ngõ thông ra đường, phố cả hai phía, thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ bên kia.

Trường hợp ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ thì chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu ngách sát với ngõ đến nhà cuối ngách;

+ Đối với ngõ hoặc ngách chưa có tên thì chiều đánh số được áp dụng theo nguyên tắc quy định tại điểm b khoản này và tên ngõ hoặc ngách được lấy theo số nhà mặt đường nằm kề ngay trước đầu ngõ hoặc ngách đó.

Theo đó, địa chỉ bao gồm các bộ phận sau: Phần số nhà và tên đường, phần tên thôn/ấp, xã(phường), huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), tỉnh(thành phố trực thuộc trung ương). Dưới đây là một số ví dụ cụ thể minh họa cách ghi địa chỉ nhà, ngõ, ngách :

– Số 9, ngách 594/2 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

– Số 9, ngách 44/3 Pháo Đài Láng, Phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

– Số 506B, Đường Trần Đăng Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn

– Thôn Bảo Lâm, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

Cách ghi địa chỉ trong văn bản

Có nhiều loại văn bản khác nhau, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin chia sẻ về cách ghi địa danh trong văn bản hành chính.

Văn bản hành chính là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức. Theo Điều 8 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về Công tác văn thư thì:

Như vậy địa danh là một trong những thành phần chính của thể thức văn bản hành chính.

Địa danh ghi trên văn bản do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành là tên gọi chính thức của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan ban hành văn bản đóng trụ sở. Địa danh ghi trên văn bản do cơ quan nhà nước ở địa phương ban hành là tên gọi chính thức của đơn vị hành chính nơi cơ quan ban hành văn bản đóng trụ sở.

Đối với những đơn vị hành chính được đặt theo tên người, bằng chữ số hoặc sự kiện lịch sử thì phải ghi tên gọi đầy đủ của đơn vị hành chính đó.

Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định cụ thể của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Qua nội dung bài viết nêu trên, quý bạn đã hiểu được cách ghi địa chỉ nhà, ngõ, ngách cho đúng. Nếu quý bạn đọc còn bất kỳ thắc mắc nào hoặc muốn biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ Hotline 1900 6557 để được tư vấn.