Cách làm tan vết bầm cho trẻ và lưu ý các trường hợp cần đi khám

Trong hầu hết trường hợp, các vết bầm tím trên da luôn cần có thời gian để thuyên giảm và biến mất hẳn. Tuy nhiên, vẫn có một số cách làm tan vết bầm cho trẻ tại nhà để giúp con cảm thấy dễ chịu hơn và thúc đẩy vết bầm nhanh khỏi hơn. Sau đây là một số bí quyết mà bạn có thể tham khảo:

Chườm lạnh để làm tan vết bầm

Sử dụng túi chườm lạnh đặt lên vùng bị chấn thương không chỉ giúp vết bầm nhanh tan mà còn có tác dụng giảm đau. Bạn có thể chườm lạnh cho trẻ trong khoảng 15 đến 20 phút mỗi lần. Thực hiện 3 – 4 lần trong vòng 1 – 2 ngày kể từ khi vết bầm mới xuất hiện.

Cách làm tan vết bầm cho trẻ – Nâng cao khu vực bị thương, bầm tím nếu có thể

Trẻ em thường bị bầm tím ở cẳng chân là chủ yếu. Do đó, bạn có thể khuyến khích trẻ nâng cao vị trí có vết bầm để giảm lưu lượng máu đến khu vực này. Qua đó giúp giảm sưng và giảm mức độ bầm trên da. Đối với giải pháp này, trẻ sẽ cần được nghỉ ngơi trên giường và kê vùng bị bầm tím lên gối cao nếu có thể.

Dùng thuốc giảm đau và bổ sung thực phẩm giàu vitamin K

cách làm tan vết bầm cho trẻ

Trong một số trường hợp, nếu vết bầm kèm theo sưng đau thì bạn có thể dùng băng thun co giãn để quấn vết thương của trẻ và cho con dùng thuốc giảm đau acetaminophen nếu cần thiết. Mặc dù đây không phải là cách làm tan vết bầm cho trẻ nhưng có thể giúp con của bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin K vào chế độ ăn uống của trẻ để hỗ trợ chăm sóc cũng như ngăn ngừa tình trạng bầm tím xảy ra.

Chườm ấm sau hai ngày kể từ khi có vết bầm

Việc chườm ấm hoặc tắm nước ấm cũng có thể giúp vết bầm nhanh lành hơn. Tuy nhiên, lưu ý là bạn không nên sử dụng nhiệt đối với vết bầm trong 48 giờ đầu sau khi bị thương vì điều này có thể khiến vết bầm trở nên lớn hơn.