Đề bài: Nhân dân ta thường khuyên nhau:

“Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

Em hãy giải thích ý nghĩa câu ca dao trên.

10+ Giải thích Anh em như thể tay chân (điểm cao)

Dàn ý Giải thích Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần

1. Mở bài

Giới thiệu về câu ca dao và nội dung khái quát: Giữa những con người có chung huyết thống và cùng mang trong mình một dòng máu luôn có mốt sợi dây liên kết được tạo nên bởi tình thân, tình yêu thương và đồng cảm sâu sắc, đặc biệt là về tình cảm giữa những anh chị em ruột thịt. Câu ca dao sau đã thể hiện rõ tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp này:

“Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

2. Thân bài

Giải thích nội dung câu ca dao

+ “Anh em”: những người cùng chung một dòng máu.

+ “Tay chân”: hình ảnh mang tính trực quan

– chỉ những bộ phận quan trọng trên cơ thể người.

– cùng nhau gắn bó và hỗ trợ nhau để con người tồn tại một cách hoàn chỉnh và trọn vẹn hơn.

Lối ví von so sánh, độc đáo.

+ “Rách” chỉ sự không lành lặn, vì thế nó trở thành hình ảnh biểu tượng cho sự nghèo khổ thiếu thốn, khó khăn hoạn nạn.

+ “lành” chỉ sự ấm no, đủ đầy và biểu trưng cho cuộc sống đủ đầy.

→ Câu ca dao trên đã thể hiện một bài học đạo đức về tình cảm anh em: anh em ruột thịt phải luôn gắn bó keo sơn như tay chân.

– Tại sao anh chị em ruột thịt cần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau

+ Gia đình luôn là một điều thiêng liêng và gắn với những ý niệm cao cả, thể hiện qua quan hệ tình nghĩa như “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Máu chảy ruột mềm”,…

+ Anh em ruột thịt yêu thương nhau để hoàn thiện bức tranh chỉnh thể về gai đình và tạo nên sự ấm cúng, yên vui.

+ Giữa anh em không chỉ có sợi dây liên kết về huyết thống và còn có sự gắn bó qua những năm tháng lớn lên, trưởng thành bên nhau.

+ Yêu thương, đùm bọc anh chị em trong gia đình để nhân rộng tình yêu thương đùm bọc giữa người với người.

– Rút ra bài học kinh nghiệm

+ Gìn giữ, bảo vệ tình cảm này, luôn yêu thương và che chở cho anh chị em trong gia đình

+ Không được để cho sự ích kỉ và lòng tham của bản thân chiến thắng tình cảm anh em.

3. Kết bài

Khái quát nội dung, ý nghĩa của câu ca dao: Bằng cách nói giản dị và lối ví von so sánh độc đáo, câu ca dao trên đã thể hiện một bài học đạo đức về giá trị của tình thân: anh chị em ruột trong cùng một gia đình cần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau dù trong lúc đủ đầy hay khó khăn hoạn nạn. “Gia đình là tế bào của xã hội”, bởi vậy chúng ta cần gìn giữ tình cảm gia đình để tạo nên một xã hội đầy tình thương và lòng bác ái.

Giải thích Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần – mẫu 1

Tình cảm gia đình là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý mà bất cứ ai trong mỗi chúng ta cũng cần nâng niu, trân trọng. Bên cạnh tình cảm mẫu tử, phụ tử, tình cảm anh em ruột thịt cũng có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời mỗi người. Để khẳng định vị trí, ý nghĩa của tình cảm anh em, ông cha ta đã có câu ca dao:

Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần

Chỉ bằng những hình ảnh hết sức giản dị, gần gũi, nhưng ông cha ta đã đem đến những bài học sâu sắc cho thế hệ sau. Sử dụng hình ảnh tay chân – vốn là hai bộ phận trên cơ thể mỗi người để nói lên sự gắn bó, hòa quyện khăng khít giữa hai người. Lối so sánh ngang bằng này khiến người đọc vừa dễ hình dung, đồng thời lại rất chính xác, giàu ý nghĩa. Ở câu bát, ông cha ta tiếp tục dùng hình thức ẩn dụ, rách để chỉ khi hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, lành là khi được sống trong sự đầm ấm hạnh phúc. Cả câu bát muốn nhắn nhủ chúng ta, đã là anh em trong một nhà phải biết nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau.

Bằng hình ảnh so sánh và ẩn dụ đặc sắc, câu ca dao đã mang đến những bài học nhân sinh, ứng xử sâu sắc. Khi đã là anh em, cùng chung một dòng máu chúng ta phải yêu thương, đùm bọc giúp đỡ lẫn nháu nhất là trong những lúc gặp khó khăn, nguy khốn, thì tình cảm anh em càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Đúng như những gì ông cha ta đã từng răn dạy:

Anh em nào phải người xa

Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân

Yêu nhau như thể tay chân

Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.

Truyền thống đạo lí tốt đẹp này của ông cha ta đã lưu giữ hàng nghìn năm nay và đến giờ vẫn còn nguyên giá trị của nó. Rộng ra, câu ca dao ấy còn nhắc nhở chúng ta sống trong một đất nước, cùng sinh ra từ mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, chúng ta cùng chung dòng máu lạc hồng bởi vậy phải luôn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau:

Một giọt máu đào hơn ao nước lã

Hay:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Chỉ khi biết yêu thương, đoàn kết với nhau chúng ta mới tạo nên sức mạnh to lớn, có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Không chỉ vậy, tình yêu thương, sự đùm bọc, san sẻ còn làm cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên gắn bó, mật thiết và gần gũi hơn. Đó cũng chính là cơ sở để tạo nên một xã hội hòa bình, tốt đẹp.

Anh em là mối quan hệ mật thiết, gắn bó. Bởi vậy mỗi chúng ta cần luôn yêu thương những người anh, người em của mình. Sẵn sàng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, không toan tính thiệt hơn, khi ấy cuộc sống gia đình sẽ trở nên đầm ấm, hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Giải thích Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần – mẫu 2

Người Việt Nam đã từ lâu đời rất coi trọng tình gia tộc. Anh em trong nhà phải sống hòa thuận, yêu thương nhau. Đó là đạo đức, là tình cảm mà ai cũng phải quan tâm. Từ xưa đã có bao lời khuyên dạy, lời ca, điệu ru của người đi trước nhằm xây dựng cuộc sống, gia đình đầm ấm, thuận hòa đó. Một trong những câu ca dao thề hiện lời răn dạy trên là:

Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần

Câu ca dao đã dùng hình ảnh so sánh để khẳng định tình cảm khắng khít giữa anh và em trong gia đình. Vật được đem ra so sánh là tay và chân trong cơ thể con người. Tay và chân là hai bộ phận của một cơ thể có quan hệ khắng khít với nhau, hỗ trợ cho nhau. Tay và chấn giúp con người có khả năng lao động để làm ra của cải vật chất. Nếu mất một trong hai bộ phận trên thì con người khó hoạt động và khả năng hoạt động bị giảm bớt. Điều này rõ ràng cho thấy sự cần thiết của cả tay lẫn chân đối với cơ thể của con người. Anh em trong gia đình cũng vậy, đều sống chung trong một mái nhà, cùng lớn lên có quan hệ tình cảm gắn bó với nhau. Anh có thể giúp em và ngược lại, em có thể giúp anh. Mối quan hệ đó giống như mối quan hệ giữa tay và chân.

Qua hình ảnh so sánh Anh em như thể tay chân nhân dân ta muốn nêu lên tình cảm khăng khít giữa anh em, giữa những người trong gia đình. Chính tình cảm đó sẽ là cơ sở xây dựng môi quan hệ thuận hòa, cách cư xử giữa anh em với nhau. Nếu ở câu trên là hình ảnh so sánh thì câu dưới Rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần là hình ảnh tượng trưng mang nhiều ý nghĩa biểu cảm. “Rách”, “lành” chỉ hai hoàn cảnh sông khác nhau. “Rách” tượng trưng cho cuộc sống khó khăn, khổ sở. “Lành” tượng trưng cho hoàn cảnh sống thuận lợi, sung túc. ơ đây dù trong hoàn cảnh nào “rách” hay “lành” cũng đều phải đùm bọc lấy nhau. Đó là lời khuyên về cách cư xử của anh em trong một gia đình, trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Lúc đói, khi no, lúc sung sướng, khi thiếu thốn… hoàn cảnh có thể thay đổi nhưng đã là anh. em thì lúc nào cũng phải yêu thương nhau đùm bọc lẫn nhau. Tình cảm thiêng liêng này không có lí do nào, tình huống nào làm thay đổi được. Tình anh em mãi mãi thắm thiết.

Câu ca dao nêu lên một vấn đề đạo đức đồng thời cũng là vấn đề tình cảm: tình anh em. Trong gia đình, anh em đã từng sống chung với nhau từ thuở bé. Đến lúc lớn lên, dù mỗi người có bận bịu vì cuộc sống, vì gia đình riêng thì cũng phải giữ mãi tình cảm cao đẹp đó. Dù hoàn cảnh có khác nhau, người sống sung sướng, hạnh phúc, người sống nghèo khổ đói nghèo thì anh em vẫn phải quan tâm, săn sóc cho nhau. Giữ mãi tình cảm tốt đẹp ấy là bổn phận của mỗi người con trong gia đình. Yêu thương hòa thuận với nhau là đạo đức, là nhân cách của con người. Gia đình nào có được anh em biết yêu thương, đùm bọc cho nhau là gia đình đó có hạnh phúc.

Ông cha ta khuyên bảo nhắc nhở con cháu phải duy trì tốt tình cảm cao quý đó trong gia đình là vì đây là truyền thống đẹp đẽ của dân tộc. Hơn nữa, trong thực tế cuộc sống cũng như lịch sử đã khẳng định – chính tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa anh em trong gia đình được nhân rộng ra là tình thương yêu đồng loại – đã giúp cho nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn thử thách mà tưởng chừng như nhân dân ta không vượt, qua được. Những thiên tai lũ lụt đã gây biết bao tang thương đói khổ cho dân lành, nếu không có tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau, tình anh em một nhà, một nước, thì liệu đất nước ta, dân tộc ta đứng dậy nổi không? Cũng như trải qua những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dàn ta cần có sự “đùm bọc” đỡ đần như tiếp thêm sức mạnh để chiến thắng kẻ thù.

Tình anh em là một quan hệ tình cảm mà ai ai cũng cần, cũng gặp phải. Vì thế, câu ca dao trên có ý nghĩa to lớn vô cùng. Nó là bài học đạo đức được diễn đạt bằng hình ảnh thật gần gũi và hàm súc. Ngoài việc giáo dục tình cảm anh em trong gia đình, câu ca dao còn khuyên nhủ mọi người trong xã hội phải biết thương yêu nhau, thủy chung với nhau.

Câu ca dao đã nêu lên một vân đề có ý nghĩa lớn đối với mỗi người: phải biết yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau – khi mà cuộc sống ngày càng diễn ra những cảnh tượng đau lòng về mối quan hệ gia đình. Ngày nay, mỗi người đọc câu ca dao trên cần suy gẫm để hiểu cho hết ý nghĩa của nó đế sống đẹp hơn theo như lời khuyên nhủ của cha ông.

Giải thích Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần – mẫu 3

Việt Nam là đất nước mang một nền văn hiến lâu đời và mang trong mình nhiều giá trị văn hóa truyền thống đáng quý. Một trong những giá trị vẫn còn tồn tại đến bây giờ chính là một nền văn học dân gian được ra đời sớm và phát triển kéo dài thành tựu cho tới ngày hôm nay. Bản chất của văn học dân gian là mang tính truyền miệng nên những câu ca dao, tục ngữ với đậm chất tính gần gũi như về gia đình, bạn bè, tình yêu, cuộc sống… dễ dàng đi vào lòng người. Và ca dao, tục ngữ cũng là một trong những lời giáo huấn, khuyên răn giúp cho mỗi người chúng ta tự rèn luyện mình để trở thành những con người có ích cho xã hội. Trong bề dày ca dao dân ca ấy những câu ca dao nói về tình cảm gia đình – thứ tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi con người, lại đáng quý hơn cả. Nói đến gia đình thì đó chính là tấm lòng của những bậc làm cha mẹ nhưng cũng không thể thiếu đi tình cảm anh em yêu thương, quý mến. Một câu ca dao tiêu biểu có thể diễn tả hết được tình anh em ruột thịt mà nhiều người chúng ta đã thuộc nằm lòng là:

“Anh em như thể tay chânRách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

Chỉ với hai câu thơ lục bát đơn giản với mười bốn từ mà lại đựng một đạo lí cao đẹp ngàn đời đầy cao cả. Nêu lên được hết tinh thần yêu thương con người quý trọng tình cảm gia đình của dân tộc ta.

Ở câu đầu “Anh em như thể tay chân” câu ca dao đã khẳng định sự quan trọng của những người anh chị em trong gia đình. Đó là một mối quan hệ không thể tách rời, cùng tồn tài và giúp đỡ lẫn nhau. Chân tay chính là bộ phận trên cùng một cơ thể của con người và đây được xem là nơi giữ chức năng quan trọng nhất của con người sau năm giác quan là thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác. Chân và tay mặt dù nắm giữ hai chức năng khác nhau và nằm ở một vị trí không cân xứng nhưng lại luôn kết hợp chặt chẽ với nhau trong mọi hoạt động và công việc của con người. Nếu mất đi một trong hai thứ là chân hoặc tay thì cuộc sống của con người sẽ trở nên vô cùng khó khăn hay đúng hơn là khuyết tật, thậm chí là tàn tật. Vậy vì sao anh em lại như là tay chân? Đây là sự tượng trưng cho tầm quan trọng giữa tình cảm anh em bởi nó có những điểm tương đồng đến kì lạ. Anh em tuy hai nhưng lại là một, cùng một cha mẹ sinh ra, cùng sống trong một gia đình, cùng nhau lớn lên. Một sự gắn liền với nhau ngay từ thuở thơ bé, mọi chuyện đều đã trải qua cùng nhau, cùng giúp đỡ nhau và đều là những thứ quý giá của mỗi một con người. Câu ca dao muốn khẳng định mối quan hệ của anh em trong gia đình chính là sự gắn kết không thể chia tách được.

Đến câu thứ hai “Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần” lại nói đến sự răn dạy về cách đối xử giữa những người anh em với nhau. Đầu tiên hai cặp từ trái nghĩa “rách lành” và “dở hay” chính là nói lên những hoàn cảnh, tình huống mà ta hay gặp trong cuộc sống. Đã là con người trong cuộc sống này thì không có một ai là hoàn hảo cả và những người anh em của chúng ta cũng vậy. Họ có thể rất “hay”, đôi khi họ có những hoàn cảnh sống đầy giàu sang, “lành lặn”. Nhưng cũng không thể thiếu lúc họ gặp những khó khăn và sai lầm trong cuộc sống, đôi khi đến mức họ làm những việc có lỗi với ta. Nhưng trên tất cả chúng ta cần biết “đỡ đần” và “đùm bọc” lẫn nhau những lúc như vậy. Bởi không thể vì anh ta em ta làm sai hay khó khăn mà chúng ta ruồng rẫy hay vứt bỏ đi thứ tình cảm thiêng liêng ấy. Giống như chúng ta không thể tự chặt bỏ đi tay chân của chính bản thân mình vậy. Như vậy mới là anh em thật sự, là những người biết yêu thương nhau, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh dù giàu sang hay khốn khó. Và chúng ta phải tự ý thức được tầm quan trọng của sự giúp đỡ và sang sẻ lẫn nhau đó giữa những người anh em với nhau trong gia đình.

Qua bài ca dao ta có thể thấy được sự quý giá và tầm quan trọng của những người anh em trong gia đình. Và vì quan trọng như vậy nên mỗi người chúng ta đều phải tự mình gìn giữ và yêu thương nhau, những người anh em của mình. Chỉ hai dòng chữ ngắn như vậy lại hàm súc trong đó giá trị to lớn và kinh nghiệm sống ngàn đời của ông cha làm chúng ta không thể không tự hào về chính cha ông mình. Niềm tự hào đó sẽ theo ta suốt đời, giúp ta vượt qua mọi thử thách và trở thành một người đúng nghĩa. Và điều đầu tiên chúng ta cần phải làm chính là trân trọng tình cảm gia đình và trên hết chính là yêu quý chính những người anh em của chúng ta.

Giải thích Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần – mẫu 4

Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao dân ca. Những câu thuộc chủ đề này là lời ru của mẹ, lời cha mẹ dặn con, lời anh em trong một nhà nói với nhau. Một trong những câu ca dao thuộc chùm ca dao này là:

“Anh em như thể tay chânRách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

Lối so sánh, ví von thường được sử dụng trong ca dao để cụ thể hoá ý nghĩa của câu ca dao đó. Ở đây anh em được so sánh với tay chân- những bộ phận trên cơ thể con người. Ai cũng biết tay chân là những bộ phận không thể thiếu trên một cơ thể thống nhất. Trên cơ thể con người, mỗi bộ phận có một chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ khăng khít. Không thể thiếu đi một trong các bộ phận bởi nếu thiếu đi thì cơ thể con người sẽ không hoạt động được như bình thường. Bộ phận này hỗ trợ bộ phận kia, chúng bổ sung cho nhau. Mượn ý nghĩa đó, tác giả nói đến tình cảm anh em. Anh em trong một gia đình cũng như vậy. Tuy là những con người riêng biệt nhưng ở họ có những cái chung rất thiêng liêng. Chung nhà, chung cha mẹ, chung huyết thống. Tình cảm anh em là sự gắn bó ruột thịt, anh em có quan hệ ruột thịt máu mủ với nhau.

Anh em trong một gia đình, cùng chung cha mẹ phải cư xử sao cho đúng. Câu ca dao đã khuyên nhủ anh em: Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần. Có nghĩa là anh em phải yêu thương, đùm bọc, san sẻ với nhau.

Rách và lành là hai từ tượng trưng cho hai hoàn cảnh sống khác nhau. Rách muốn nói đến cuộc sống khó khăn, nghèo khổ, còn lành là cuộc sống đủ đầy sung túc. Rách lành đùm bọc ý muốn nói rằng cho dù cuộc sống có nghèo khổ khó khăn đến đâu thì anh em cũng phải hòa thuận đùm bọc lấy nhau. Người đủ đầy chia sẻ với người khó khăn giống như sự nhân đạo mà dân gian đã dạy: “ lá lành đùm lá rách”. Khi no hay khi đói, lúc đủ hay lúc thiếu anh em cũng phải thương yêu, hỗ trợ nhau. Cuộc sống có thể thay đổi nhưng tình nghĩa anh em là mãi mãi. Anh em luôn phải giữ tình cảm thắm thiết, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Nếu như tình cảm anh em là tình cảm tự nhiên thì dự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau cũng là việc làm tự nhiên, tất yếu.

Đùm bọc, đỡ đần có nghĩa là chia sẻ với nhau mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, cùng nhau vượt qua những thử thách của cuộc sống. Đùm bọc, đỡ đần là trách nhiệm của người anh, người em trong gia đình. Ta đã từng nghe nhiều câu chuyện trong dân gian kể về tình anh em. Truyện “ Cây khế” đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về tình anh em. Rằng anh em thì phải giúp đỡ, đùm bọc nhau, không tính toán thiệt hơn.

Câu ca dao mang đến cho bạn đọc một bài học đạo đức sâu sắc và đúng đắn. Ngày nay, bài học đó vẫn còn giữ nguyên giá trị khi mà trong cuộc sống diễn ra những cảnh tượng ngang trái giữa anh em trong một gia đình.

Giải thích Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần – mẫu 5

Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất trong đời sống con người. Vì thế trong kho tàng văn học dân gian đã có biết bao tiếng hát, lời ru, câu chuyện… khuyên nhủ mọi người hãy nâng niu tình cảm gia đình đầm ấm, thuận hòa. Một trong những lời khuyên được lưu truyền rộng rãi là:

“Anh em như thể tay chânRách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

Câu ca dao đã dùng hình ảnh so sánh cụ thể, gần gũi để lời khuyên dễ đi vào lòng người. Ai cũng biết tay, chân là những bộ phận trên cùng một cơ thể con người. Tuy mỗi bộ phận có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng giữa chúng luôn có mối quan hệ khăng khít, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Anh em trong gia đình cũng vậy. Tuy mỗi người là một cá nhân riêng biệt nhưng đều cùng cha mẹ sinh ra, cùng chơi, cùng học, cùng lớn lên dưới một mái nhà. Vì thế, quan hệ anh em là quan hệ gắn bó máu thịt với nhau.

Vậy anh em phải cư xử với nhau thế nào cho đúng? Người xưa khuyên nhủ: Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần. Anh em ruột thịt phải thương yêu, giúp đỡ nhau trên mỗi bước đường đời.

Rách, lành là hai hình ảnh tượng trưng cho hai hoàn cảnh sống khác nhau. Rách là cảnh sống khó khăn, khổ sở; còn lành là cảnh sống thuận lợi, sung túc. Hợp nghĩa lại, rách lành chỉ chung mọi cảnh ấm no hay nghèo đói. Khi đói khi no, lúc đủ lúc thiếu, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì anh em ruột thịt cũng phải thương yêu, hỗ trợ lẫn nhau, không so đo tính toán thiệt hơn. Hoàn cảnh sống có thể thay đổi nhưng tình nghĩa anh em lúc nào cũng phải thắm thiết, bền chặt. Nếu như tình cảm anh em là thứ tình cảm tự nhiên thì sự đùm bọc lẫn nhau cũng là việc làm tự nhiên, tất yếu.

Đùm bọc có nghĩa là giúp đỡ, che chở, chia sẻ cho nhau mọi nỗi buồn vui, mọi điều sướng khổ với tất cả tình cảm thương mến chân thành. Câu ca dao đưa ra một cách cư xử hợp tình hợp lí trong quan hệ anh em. Đây cũng là một chuẩn mực đạo đức để đánh giá phẩm chất con người.

Đùm bọc, đỡ đần còn là trách nhiệm mỗi người anh, người em trong gia đình. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện về tình anh em thắm thiết qua Sự tích trầu cau. Hai anh em sinh đôi họ Cao mồ côi cha mẹ, dắt nhau đến học ở nhà thầy đồ họ Lưu. Thấy họ nhường nhau bát cháo duy nhất, cô con gái thầy đồ cảm động và tình nguyện làm vợ người anh. Thế rồi chỉ vì một sự hiểu lầm mà người em xấu hổ phải ra đi. Người anh ân hận bỏ nhà đi tìm em… Tình anh em sâu nặng đã khiến trời đất cảm động, biến anh thành cây cau, em thành hòn đá, mãi mãi bên nhau trong tục ăn trầu của người Việt. Bên cạnh việc ca ngời tình anh em thắm thiết trong truyện Trầu cau, nhân dân ta cũng lên án người anh tham lam độc ác trong truyện Cây khế và dành cho hắn kết cục bi thảm là phải bỏ xác dưới đáy biển sâu.

Bài học đạo đức từ câu ca dao trên thật sâu xa, thấm thía. Ngày nay, bài học đó vẫn giữ nguyên ý nghĩa giáo dục vì trong cuộc sống vẫn còn những cảnh tượng ngang trái, đau lòng, đi ngược lại đạo lí làm người.

Giải thích Anh em như thể tay chân / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần – mẫu 6

Ca dao không chỉ là những câu lục bát trữ tình thể hiện tình yêu đôi lứa muôn màu muôn vẻ mà còn là bài học đạo đức và cách ứng xử mẫu mực mang tính nhân hậu của dân tộc ta. Tiêu biểu là câu:

“Anh em như thể chân tay, Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”

Câu ca dao thật giản dị, gần gũi mà chứa đựng bao điều đáng cho ta suy nghĩ. Trước tiên ta cần hiểu ý nghĩa một số hình ảnh như tay chân và rách lành. Tay và chân là hai bộ phận của con người, hỗ trợ cho nhau. Anh em trong một gia đình cũng vậy, đều cùng cha mẹ sinh ra, đều sống chung trong một mái nhà, cùng lớn lên, có quan hệ tình cảm gắn bó với nhau. Anh giúp em, em giúp anh. Mối quan hệ đó giống như mối quan hệ giữa tay và chân.

Qua hình ảnh so sánh ở câu thứ nhất, nhân dân ta nêu lên tình cảm khăng khít giữa anh em. Chính tình cảm này sẽ là cơ sở cho cách cư xử giữa anh em sau này.

Lành chỉ lúc đầỵ đủ sung sướng, rách chỉ khi nghèo khổ thiếu thốn. Hoàn cảnh có thể thay đổi song anh em vẫn phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau, không hề thay đổi.

Câu ca dao trên đã nêu lên một vấn đề đạo đức, đồng thời cũng là vấn đề tình cảm cơ bản của con người: tình anh em. Anh em do cha mẹ sinh ra, sống trong một gia đình, khi bé, sống chung với nhau, yêu thương nhau đã đành. Lúc lớn lên, cũng phải giữ mãi tình cảm cao quý đó. Dù hoàn cảnh sống sướng, khổ khác nhau, anh em vẫn phải quan tâm, săn sóc giúp đỡ lẫn nhau. Giữ mãi tình anh em thắm thiết là bổn phận của mỗi con người trong gia đình. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được lưu truyền và thể hiện qua câu ca dao trên. Yêu thương, đùm bọc nhau là đạo đức, là nhân cách rất nhân bản của con người nói chung. Do vậy, gia đình nào yêu thương hòa thuận với nhau thi gia đình đó được hạnh phúc, cha mẹ được an vui lúc tuổi già.

Truyền thống cao đẹp và nhân bản đó còn được thể hiện rộng lớn hơn giữa đồng bào trong một đất nước mà đặc biệt, giữa dân tộc này với dân tộc khác mỗi khi có thiên tai như hạn hán, lũ lụt… Tình yêu thương đùm bọc đó đã tạo điều kiện cho người bị nạn vượt qua những khó khăn trước mắt và có niềm an ủi tinh thần để vươn lên.

Tình anh em là tình ruột thịt gắn bó, gần gũi với nhau rất mật thiết như tay và chân của một cơ thể. Ai cũng có cha mẹ và anh em. Do vậy, câu ca dao trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với mọi người. Bài học ứng xử ấy lại thể hiện bằng những hình ảnh đơn giản và gần gũi biết bao. Nếu tay chân không giúp đỡ nhau thì cơ thể sẽ ra sao? Nếu anh em không đùm bọc nhau thì cha mẹ có vui lòng không?

Yêu thương, giúp đỡ nhau là cách sống đẹp của con người có đạo đức trong phạm vi gia đình là tình anh em và trong phạm vi lớn rộng hơn là tình dân tộc và nhân loại.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

  • Giải thích câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” (dàn ý, 30 mẫu)
  • Giải thích câu tục ngữ “Chị ngã em nâng” (dàn ý, 30 mẫu)
  • Ý nghĩa bài ca dao “Trâu ơi ta bảo trâu này …” (dàn ý, 30 mẫu)
  • Ý nghĩa bài ca dao “Cày đồng đang buổi ban trưa …”(dàn ý, 30 mẫu)
  • Giải thích ý kiến “Sự làm việc tránh cho ta ba cái hại lớn …” (dàn ý, 30 mẫu)

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

  • Mục lục Văn phân tích, phát biểu cảm nghĩ, cảm nhận
  • Mục lục Văn biểu cảm
  • Mục lục Văn thuyết minh
  • Mục lục Văn nghị luận

Săn shopee siêu SALE :

  • Sổ lò xo Art of Nature Thiên Long màu xinh xỉu
  • Biti’s ra mẫu mới xinh lắm
  • Tsubaki 199k/3 chai
  • L’Oreal mua 1 tặng 3