✴️ Mần tưới

Mần tưới là loại cây thân thảo, mọc hoang dại ở bìa rừng, ruộng đồng và ven đường. Nhân dân thường dùng để làm rau ăn sống hoặc dùng để làm gia vị. Bên cạnh đó, thảo dược này còn có tác dụng hoạt huyết, phá huyết ứ, điều kinh, giải nhiệt và được dùng để trị chứng thống kinh, chậm kinh, cảm do nắng nóng,…

Cây mần tưới có tác dụng gì? Sử dụng như thế nào?

  • Tên gọi khác: Trạch lan, Hương thảo, Co phất phứ, Bội lan.
  • Tên dược: Herbal Eupatoria
  • Tên khoa học: Eupatorium fortunei Turez
  • Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae)

Mô tả dược liệu Mần tưới

1. Đặc điểm thực vật

Mần tưới là cây thân thảo sống nhiều năm, cây có chiều cao từ 30 – 100cm. Thân và cành có màu tím, rãnh chạy dọc và được phủ một lớp lông tơ.

Lá hình dải rộng, mọc đối xứng, đầu lá thường nhọn còn gốc thường thon và tròn. Lá có mép răng cưa đều, rộng khoảng 2.5 – 4.5cm và dài khoảng 5 – 12cm. Gân lá hình lông chim, bề mặt lá nhẵn. Hoa mọc thành cụm, màu tím nhạt. Quả bế, có 5 cạnh và màu đen. Cây ra hoa vào tháng 7 – 11 và sai quả vào tháng 9 – 12.

– Một số hình ảnh nhận biết cây mần tưới:

Cây mần tưới là loài thực vật thân thảo cao khoảng 30 – 100cm, thường mọc hoang ở ruộng đồng

Lá cây mọc so le, có hình dải rộng, cành và thân có màu tím và được phủ lông tơ

2. Bộ phận dùng

Toàn cây được dùng để làm thuốc.

3. Phân bố

Cây mọc hoang ở ven đường, ruộng đồng và bìa rừng.

4. Thu hái – sơ chế

Thu hái chủ yếu vào mùa hạ – thời điểm cây vừa ra hoa. Sau đó có thể dùng tươi hoặc phơi khô trong mát để sử dụng dần.

5. Bảo quản

Nơi khô ráo, tránh độ ẩm và ánh nắng trực tiếp.

6. Thành phần hóa học

Cây mần tưới có chứa thành phần hóa học chủ yếu là tinh dầu, trong tinh dầu có chứa methyl thymol ether neryl aceatate, O-coumaric acid, p-cymene, lindelofine, taraxasteryl palminate,…

Vị thuốc Mần tưới

1. Tính vị

Vị cay, hơi đắng, tính ấm và có mùi thơm.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Tỳ và Can.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Thông kinh, lợi tiểu, phá ứ huyết và hoạt huyết.
  • Chủ trị: Mất ngủ, phụ nữ sau sinh ăn uống kém, mệt mỏi, kinh nguyệt không đều, giảm mụn nhọt và xua đuổi muỗi.
  • Ngoài ra, tinh dầu từ cây mần tưới còn được dùng để trị bọ và các loài ký sinh trùng ở động vật như chấy rận, rệp, mọt, bọ chét, bọ gà,…
  • Một số nơi dùng như một loại gia vị hoặc được dùng sống làm rau thơm.
  • Nhân dân Trung Hoa dùng dược liệu làm thuốc điều kinh, hạ sốt, lợi tiểu và bồi bổ dạ dày.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Thân và lá có tác dụng hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.

4. Cách dùng – liều lượng

Mần tưới được dùng ở dạng thuốc sắc và dùng ngoài. Nếu dùng dược liệu tươi, sử dụng từ 12 – 20g/ ngày, dược liệu khô dùng từ 6 – 12g/ ngày.

11 bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc mần tưới

Dược liệu mần tưới được dùng để điều trị chứng kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, cảm sốt,…

1. Bài thuốc điều trị rong kinh

  • Chuẩn bị: Mã đề, ké hoa vàng và chỉ thiên mỗi vị 15g, mần tưới 20g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống đều đặn.

2. Bài thuốc trị thống kinh (đau bụng kinh) và kinh nguyệt không đều

  • Chuẩn bị: Hương phụ, mần tưới, ngải cứu, nhọ nồi và ích mẫu mỗi vị 15g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống.

3. Bài thuốc chữa chứng chậm kinh, máu kinh xấu, thường ra màu nâu đen

  • Chuẩn bị: Nghệ xanh, ngưu tất, ích mẫu và hương phụ (tứ chế) mỗi vị 16g, chỉ xác, tô mộc và mần tưới mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

4. Bài thuốc trị tỳ vị hư yếu khiến tiêu hóa kém, bụng đầy trướng và đau tức ngực

  • Chuẩn bị: Trần bì 6g, lá sen và hậu phác mỗi vị 8g, bán hạ chế, mần tưới, đại phúc bì và hoắc hương mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

5. Bài thuốc trị người nóng vào buổi chiều, miệng đắng, đi tiểu vàng, rêu lưỡi nhờn hơi vàng

  • Chuẩn bị: Hoàng cầm, hoắc hương và bán hạ chế mỗi vị 12g, ý dĩ nhân, hoạt thạch mỗi vị 16g, hoàng liên 6g, mần tưới, chỉ thực, hậu phác mỗi vị 8g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

6. Bài thuốc chữa mụn nhọt sưng chưa sinh mủ, da sưng tấy, bầm tím do chấn thương

  • Chuẩn bị: 1 nắm mần tưới tươi khoảng 50g.
  • Thực hiện: Rửa sạch, để ráo và giã nát với 1 ít muối, sau đó đắp lên chỗ sưng đau.

7. Bài thuốc giải cảm do nắng nóng

  • Chuẩn bị: 100g lá mần tưới non.
  • Thực hiện: Đem nấu canh ăn trong ngày, nên dùng khi canh còn nóng. Sử dụng liên tục trong vòng 3 ngày.

8. Bài thuốc giúp kích thích tiêu hóa và giải nhiệt cơ thể

  • Chuẩn bị: Mần tưới 20g (hái trước khi cây có hoa, thái nhỏ rồi sấy khô).
  • Thực hiện: Sắc với 300ml nước, còn lại 100ml dùng uống hằng ngày.

9. Bài thuốc trị chứng mất ngủ, mệt mỏi và ăn uống kém ở phụ nữ sau khi sinh

  • Chuẩn bị: Rẻ quạt 4g, nhân trần 6g, ngải cứu 10g, vỏ quả bưởi đào khô 4g, mạch môn và mần tưới mỗi vị 20g.
  • Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang, nên dùng liên tục trong vòng 10 ngày.

10. Bài thuốc giúp giảm gàu ở da đầu

  • Chuẩn bị: Lá bưởi 20g, bồ kết 3 – 5 quả và mần tưới tươi 25g.
  • Thực hiện: Đun dược liệu rồi lấy nước gội đầu. Nên gội 2 lần/ tuần.

11. Bài thuốc giúp xua đuỗi muỗi

  • Chuẩn bị: Lá mần tưới tươi 20g.
  • Thực hiện: Rửa sạch, giã nát và xát trực tiếp lên chân tay để xua đuỗi muỗi. Cách này có hiệu quả trong vòng 2 – 3 giờ. Có thể xát lại nếu cần thiết.

Lưu ý – Kiêng kỵ khi dùng dược liệu mần tưới

  • Không dùng cho người có thể âm hư và huyết nhiệt
  • Người huyết hư nhưng không có ứ trệ không nên dùng.
  • Nên dùng bài thuốc từ mần tưới cho người bị chậm kinh. Người có kinh nguyệt đến sớm hơn không nên sử dụng dược liệu này.

Mần tưới là vị thuốc Nam quý hiếm, có tác dụng chính là hoạt huyết và phá huyết ứ. Tuy nhiên nếu có các vấn đề sức khỏe đặc biệt (mang thai, tim mạch, tiểu đường), bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng vị thuốc này để chữa bệnh trong thời gian dài.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp