Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn là một nghĩa vụ pháp lý mà cha hoặc mẹ bắt buộc phải làm đối với con, nếu con là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, khi không là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi đã chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng việc đóng góp tiền hoặc hiện vật tương ứng với nhu cầu thiết yếu của con đồng thời phù hợp với khả năng thực tế của mình để bù đắp những tổn thất về mặt vất chất cho con khi con không được chung sống đồng thời với cha và mẹ.
1. Cơ sở pháp lý và vướng mắc trong thực tiễn
Bạn đang xem: Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật hiện hành, vướng mắc và kiến nghị
1.1. Đối tượng được cấp dưỡng
Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Đối tượng được cấp dưỡng gồm: Con chưa thành niên và con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 BLDS năm 2015 thì người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Trường hợp cha, mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền lợi cho con cho đến khi con trưởng thành.
Tuy nhiên Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 cũng như Luật Trẻ em năm 2016, được sửa đổi, bổ sung năm 2018, không đưa ra khái niệm cụ thể về “nuôi dưỡng” cũng như các tiêu chí để xác định một đứa trẻ sẽ được đảm bảo nuôi dưỡng như thế nào để đáp ứng các điều kiện vật chất tối thiểu, phát triển bình thường. Do đó, trên thực tế, mặc dù có nhiều cha, mẹ có hành vi vi phạm nghĩa vụ “nuôi dưỡng” khi đang sống chung với con nhưng cũng không bị buộc phải cấp dưỡng do không có căn cứ.
Đối với con đã thành niên, cha, mẹ vẫn có trách nhiệm phải cấp dưỡng nếu thuộc các trường hợp sau: Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Không có khả năng lao động có thể là do sức khỏe yếu, mất sức lao động, bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự… Tuy nhiên, không có khả năng lao động phải đi kèm với điều kiện không có tài sản để tự nuôi mình. Thực tế, có rất nhiều trường hợp con không có khả năng lao động nhưng vẫn có tài sản để tự nuôi mình. Vậy khi nào thì một người được coi là “không có khả năng lao động” và “không có tài sản để tự nuôi mình”. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Thực tế hiện nay, việc nhận định “không có khả năng lao động” tùy thuộc vào sự đánh giá của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong từng vụ án cụ thể.
Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có đề cập đến tiêu chí đánh giá về “mất khả năng lao động”, cụ thể là: Người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên…). Từ đó, có ý kiến cho rằng, khi xác định nếu người thành niên mà thường xuyên cần phải có người chăm sóc và rơi vào những trường hợp như đã liệt kê thì mới xác định họ “không còn khả năng lao động”.
Ý kiến khác lại cho rằng, tại tiểu mục 3.1.6 mục I phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính quy định: “Người tàn tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn nêu trên là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người tàn tật, cụ thể như sau: Người tàn tật không có khả năng lao động là người bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc người bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh không có khả năng tự phục vụ bản thân được cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận hoặc bản tự khai có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động”. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang sống xác nhận những biểu hiện cụ thể về sự tàn tật của người phụ thuộc.
Tuy nhiên, khái niệm này chỉ nhằm phân biệt về người tàn tật không có khả năng lao động với người tàn tật vẫn có khả năng lao động. Chúng tôi không đồng ý với các ý kiến nêu trên. Không có tài sản để tự nuôi mình có thể là tài sản gốc nhưng nó không sinh lợi hoặc có sinh lợi và đã được khai thác nhưng vẫn không đủ để đáp ứng các nhu cầu sống thiết yếu, hay có thể có thu nhập nhưng không đáp ứng được các khoản chi tiêu tối thiểu cho cuộc sống. Còn yếu tố “không có khả năng lao động” có thể được đánh giá trên cơ sở họ có thể lao động hay không? Người thất nghiệp có được coi là không khả năng lao động không?
Một vấn đề mà chúng tôi đặt ra, đó là đối với con đã thành niên nhưng các con đang là sinh viên của các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học… thì vấn đề cấp dưỡng đối với các con như thế nào? Trong khi các con đang đi học thì thời gian đâu để các con tự lao động nuôi sống bản thân, mặc dù các con đủ khả năng lao động (ở đây tác giả để cập đến điều kiện sức khỏe đủ khả năng lao động của các con thành niên).
1.2 Mức cấp dưỡng
Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Như vậy mức cấp dưỡng có thể được thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó. Tức là người không trực tiếp nuôi con có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng với con hoặc với người đang trực tiếp nuôi con. Mức cấp dưỡng được xác định căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, nếu các bên không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Bên cạnh đó, mức cấp dưỡng này cũng có thể thay đổi do thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trước đây, Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hướng dẫn như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.
Thực tiễn giải quyết tại các Tòa án trước đây và hiện tại thường vận dụng quy định tại khoản 2, phần III của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của TANDTC, cụ thể là “Toà án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con”.
Xem thêm : Câu tục ngữ nhất tự vi sư bán tự vi sư nói đến điều gì?
Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định cụ thể mức cấp dưỡng cho con sau khi bố mẹ ly hôn nên để xác định mức cấp dưỡng cụ thể, Tòa án thường căn cứ vào chứng từ, hóa đơn… liên quan đến chi phí hợp lý để nuôi dưỡng, chăm sóc con và thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Tuy nhiên, chúng tôi đã đọc và nghiên cứu khá nhiều Bản án, Quyết định của nhiều Tòa án ở các địa phương khác nhau về phần mức cấp dưỡng cho con và thấy rằng các đương sự thỏa thuận và Tòa ấn định mức cấp dưỡng nói chung còn rất thấp, chủ yếu thỏa thuận và ấn định mức cấp dưỡng 500.000đ/tháng/con chung, 1.000.000đ/tháng/con chung hoặc bằng một tháng lương tối thiểu là 1.490.000đ/tháng/con chung … Với mức cấp dưỡng như vậy thì có đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng hay không trong bối cảnh kinh tế xã hội như hiện nay. Tác giả đặt ra giả thiết với mức cấp dưỡng như vậy mà người được cấp dưỡng đang sống tại các địa phương có đời sống “đắt đỏ” như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… thì sẽ ra sao?
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc khi xác định mức cấp dưỡng cho con chưa tương xứng với khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tòa án ấn định mức cấp dưỡng chỉ xem xét thu nhập, khả năng của người có nghĩa vụ mà không xem xét tới nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, trẻ em rất cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, đúng lúc. Hiện nay Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tập trung bảo đảm quyền được sống còn và quyền được phát triển của trẻ em: Bao gồm quyền của trẻ em được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe. Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi ra đời; Những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm việc học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ để có thể phát triển hài hòa. Theo tác giả, khi giải quyết Tòa án nên mạnh dạn ấn định mức cấp dưỡng nuôi con phù hợp với mức đáp ứng nhu cầu thiết yếu để con có điều kiện vật chất, tinh thần tốt hơn phù hợp với xu thế phát triển của tình hình kinh tế chính trị đất nước Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung.
1.3. Phương thức cấp dưỡng
Việc cấp dưỡng được thực hiện theo các phương thức quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, cấp dưỡng được thực hiện theo hai phương thức sau đây:
Cấp dưỡng theo định kỳ: Đây là phương thức ưu tiên và thường được sử dụng trên thực tế. Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình được quy định rất mềm dẻo, linh hoạt được quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tạo điều kiện cho các bên lựa chọn phương thức dễ dàng, thuận lợi, phù hợp nhất trong việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Các bên được thỏa thuận về nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản theo phương thức định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm. Việc lựa chọn phương thức nào trước hết dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, nếu các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết căn cứ vào mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như chi phí cho các nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng trừ trường hợp cấp dưỡng cho con sau khi cha mẹ li hôn theo Nghị quyết 02/2000 của HĐTPTANDTC, khi các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
Cấp dưỡng một lần: Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần được quy định rất cụ thể tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 70/2001 của Chính phủ. Theo đó việc nghĩa vụ cấp dưỡng một lần được thực hiện trong 4 trường hợp:
Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế và được người cấp dưỡng đồng ý;
Theo yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và được Tòa án đồng ý;
Theo yêu cầu của người được cấp dưỡng (hoặc người giám hộ) trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có các hành vi phá tán tài sản hoặc cố tính trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần và được tòa án chấp nhận;
Theo yêu cầu của người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà có thể trích phần tài sản được chia của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì có thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần.
Khoản cấp dưỡng một lần có thể gửi tại ngân hàng hoặc giao cho người được cấp dưỡng (hoặc người giám hộ) quản lí theo yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Người được quản lí có nhiệm vụ bảo quản tài sản và chỉ được trích ra để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Thông thường cấp dưỡng một lần được thực hiện xong thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, người được cấp dưỡng để đảm bảo cuộc sống của mình trong những điều kiện đặc biệt khó khăn vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng tiếp như trong trường hợp người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần có khả năng thực tế để cấp dưỡng ở mức cao hơn thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng.
Ngoài ra Điều 117 còn quy định về thay đổi phương thức cấp dưỡng và tạm ngừng cấp dưỡng. Theo đó, “Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Tình trạng khó khăn về kinh tế ở đây phải có thật và vì những lí do chính đáng: mất mùa, thiên tai, tai nạn, ốm đau…
Pháp luật hiện hành chưa có quy định về thời hạn tạm ngừng cấp dưỡng. Theo tác giả, về thời hạn tạm ngừng cấp dưỡng lấy mốc thời hạn 06 tháng sẽ là một khoảng thời gian phù hợp để người có nghĩa vụ có thể khắc phục những khó khăn đồng thời cũng là khoảng thời gian không dài đủ để không ảnh hưởng quá lớn tới nhu cầu của người được cấp dưỡng. Sau thời hạn 06 tháng, theo yêu cầu của người được cấp dưỡng Tòa án sẽ xem xét đánh giá khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu có lý do thỏa đáng và tùy từng trường hợp cụ thể có thể gia hạn thêm thời gian. Các bên sẽ tự thỏa thuận về việc cấp dưỡng bù cho thời gian đã tạm ngừng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
1.4. Thời hạn cấp dưỡng
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định về thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 114 mà không quy định thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi vợ chồng ly hôn là bắt đầu từ lúc nào. Vậy Tòa án có ghi thời điểm buộc người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng nuôi con vào quyết định, bản án của Tòa án không. Nếu có thì thời điểm cấp dưỡng nuôi con tính từ lúc nào. Vấn đề này hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên thực tiễn đang có nhiều quan điểm khác nhau.
Xem thêm : Bật móng tay sau thời gian bao lâu sẽ phục hồi lại?
Quan điểm thứ nhất: Cho rằng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ có quy định về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng nuôi con do vợ chồng thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì pháp luật không có quy định cụ thể thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn từ lúc nào nên Tòa án không cần phải ghi thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con vào quyết định, bản án của Tòa án. Cho nên thời điểm cấp dưỡng nuôi con được tính từ ngày vợ hoặc chồng gửi đơn yêu cầu thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự để yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Quan điểm thứ hai: Cho rằng mặc dù chưa có quy định cụ thể trường hợp vợ chồng ly hôn có tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con thì thời điểm cấp dưỡng nuôi con được tính từ lúc nào, tuy nhiên theo khoản 1 Điều 482 của BLTTDS năm 2015 thì “Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị: a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng…”. Từ quy định này có thể hiểu nghĩa vụ cấp dưỡng phải được thực hiện ngay khi Tòa án ban hành bản án hoặc quyết định về cấp dưỡng. Vì vậy, khi ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự hoặc ra bản án thì Tòa án cần thiết phải ghi rõ thời điểm cấp dưỡng nuôi con. Thời điểm cấp dưỡng nuôi con tính từ ngày Tòa án lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành hoặc tính từ ngày tuyên án. Cách tính thời điểm như trên sẽ đảm bảo quyền lợi của con hơn là tính từ ngày bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc tính từ ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án như quan điểm thứ nhất.
1.5. Bảo đảm thực hiện
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được cấp dưỡng, pháp luật cũng đã ghi nhận một số biện pháp và chế tài xử lý nhằm cưỡng chế, răn đe người có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, đảm bảo cho nghĩa vụ cấp dưỡng được thực thi hiệu quả hơn trên thực tế.
Một là, ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thi hành án cấp dưỡng cho con phải thực hiện nghĩa vụ. Quyền này được quy định cụ thể tại Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Hai là, ghi nhận biện pháp trừ vào thu nhập của người có nghĩa vụ tại Điều 78 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014.
Ba là, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, tại Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2 của Chính phủ thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Bốn là, chế tài xử lý hình sự được cụ thể tại Điều 186 BLHS năm 2015 quy định “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”.
2. Một số kiến nghị
Thứ nhất: Bổ sung giải thích cho hai cụm từ con đã thành niên “không có khả năng lao động” và “không có tài sản để tự nuôi mình” quy định tại Điều 110 Luật Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo tác giả, cần bổ sung giải thích như sau:
– Con đã thành niên “không có khả năng lao động” là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng có khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần; bị bệnh tật thường xuyên đau ốm; dành toàn bộ thời gian tham gia học tập tại các cơ sở đạo tạo như trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề… dẫn đến không thể tham gia vào các quan hệ lao động tạo thu nhập đủ để nuôi sống bản thân.
– Con đã thành niên “không có tài sản để tự nuôi mình” là con từ đủ 18 tuổi trở lên, thực tế không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó không sinh lợi hoặc có sinh lợi và đã khai thác theo khả năng của chủ sở hữu nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của mình.
Thứ hai: Cần quy định về thời điểm thực hiện việc cấp dưỡng cho con như sau: Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của họ thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thời điểm đó được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.
Thứ ba: Trường hợp đương sự không thỏa thuận được mức cấp dưỡng thì Tòa án căn cứ vào thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú mà quyết định mức cấp dưỡng nhưng mức cấp dưỡng không thấp hơn hoặc bằng 01 tháng lương cơ bản hoặc không thấp hơn 1/3 mức thu nhận bình quân trong 03 tháng liền kề với tháng mà Tòa án ra bản án hoặc quyết định của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thứ tư: Theo ý kiến của tác giả, nên bãi bỏ khoản 2 Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và giữ lại quy định tại điểm a khoản 3 điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP. Bởi lẽ, mức xử phạt trong khoản 2 Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng là quá nhẹ không đủ sức răn đe, trong khi đó mức xử phạt tại điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Mức phạt này tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta hiện nay cũng như đủ sức răn đe người có hành vi vi phạm tránh tình trạng tái diễn hành vi vi phạm nhiều lần trên thực tế.
Qua học tập, nghiên cứu và thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua qua, tác giả nhận thấy còn một vài vướng mắc nêu trên. Qua bài viết này tác giả rất mong sớm nhận được sự phản hồi của các đọc giả và mong thời gian tới sẽ có những hướng dẫn, bổ sung kịp thời để công tác xét xử được thống nhất./.
TAND huyện Trần Đề, Sóc Trăng xét xử vụ án dân sự “Về thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn” – Ảnh: Lý Thị Thanh Hoa
ĐINH THỊ THUỲ (Toà án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), ĐẬU THỊ HIỀN (Tòa án nhân dân tp Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp