Khi phong trào đấu tranh đòi xóa bỏ chế độ Apartheid, chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc nhất trong lịch sử thế giới, đang diễn ra rầm rộ ở Nam Phi đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, chị Jabulile Sangweni còn là một sinh viên da đen tuổi đôi mươi đầy hoài bão và khát khao.
- Cập nhật tình hình vé tàu tết 2023 để kịp về nấu bánh chưng cùng gia đình
- Thoa kem chống nắng bị vón cục – Nguyên nhân và cách giải quyết
- Cách tính điểm đại học: 5 cách tính chuẩn nhất 2023
- Sau khi nộp thuế bao lâu thì có sổ đỏ?
- Mẹo đặt bát muối phong thủy thu hút tài lộc, đời phất nhanh như diều gặp gió – Vua Nệm
Sau 30 năm, đối với chị, diễn biến chính trường trong nước, những thay đổi trong cuộc sống của người dân Nam Phi nói chung và của gia đình nói riêng vẫn luôn hiển hiện, rõ nét như một thước phim quay chậm.
Bạn đang xem: Hành trình tới sự bình đẳng, chống lại phân biệt chủng tộc ở Nam Phi
Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pretoria, chị Jabulile – tên gọi thân mật là Jabu, nhớ lại: “Ký ức của tôi về giai đoạn 1990-1994 chắc chắn phải kể đến một ngày tháng 2/1990, khi chính quyền chế độ Apartheid tuyên bố sẽ thả lãnh tụ Nelson Mandela sau 27 năm ông bị giam cầm trong ngục tù ở Đảo Robben.”
Chị Jabu, từng là nhân viên văn phòng tổng thống và đang làm chủ công ty bất động sản tại thủ đô Pretoria, hồi tưởng đầy xúc động: “Dường như cả đất nước này, đặc biệt là những người da đen, đều òa lên trong niềm vui sướng vì chúng tôi đã nghĩ sẽ không còn cơ hội gặp lại ông, thậm chí với một số người dân, đây cũng là lần đầu tiên sẽ được gặp ông.”
Chưa đầy một năm rưỡi sau, ngày 30/6/1991, những đạo luật được đưa ra để củng cố sự thống trị của người da trắng tại Nam Phi – nền tảng pháp lý cuối cùng của chế độ Apartheid, chính thức bị xóa bỏ.
Khoảng khắc lịch sử đáng nhớ thứ hai đối với chị Jabu cùng rất nhiều người da đen và da màu khác ở Nam Phi chính là ngày được cầm lá phiếu bầu cử lần đầu tiên vào bốn năm sau. Chị tâm sự: “Đối với cha mẹ tôi, việc được cầm lá phiếu đó ở tuổi gần đất xa trời giống như một giấc mơ thành hiện thực.”
Cuộc bầu cử lịch sử năm 1994, với việc lần đầu tiên người da đen ở Nam Phi được đi bỏ phiếu, lãnh tụ Nelson Mandela trở thành tổng thống da màu đầu tiên được bầu chọn một cách dân chủ, đã chính thức chấm dứt hoàn toàn chế độ Apartheid, mở ra thời đại “đất nước Cầu Vồng” tại quốc gia cực Nam châu Phi này. Đối với những gia đình người da đen như chị Jabu, cuộc bầu cử ngày 27/4/1994 đem lại cho họ một cuộc sống mới tự do và bình đẳng hơn.
Nhiều người Nam Phi vẫn gọi thời kỳ chế độ Apartheid ở Nam Phi là vết thương từ lịch sử. Trong tiếng Afrikaans (hay còn gọi là tiếng Nam Phi, ngôn ngữ chính của những người thực dân Hà Lan tại Nam Phi), Apartheid có nghĩa là khoảng cách, tách rời, được hiểu là “phân biệt” với những người không cùng màu da. Apartheid đã trở thành chính sách của chính quyền Nam Phi từ năm 1948, khi đảng Quốc gia bảo thủ do người da trắng lãnh đạo lên nắm quyền.
Với việc người da trắng chỉ chiếm chưa tới 20% dân số Nam Phi nhưng lại sở hữu hơn 80% đất đai, mọi quyền kiểm soát về chính trị và kinh tế đều nằm trong tay nhóm người này. Trong khi đó, người da đen phải chịu sự đàn áp và kỳ thị. Họ không được tham gia bầu cử, không có công việc tử tế, không được hưởng nền giáo dục và dịch vụ tốt.
Họ cũng bị đẩy đến sống tại những thị trấn nhỏ lẻ, hoang tàn ở ngoại ô hoặc ở các vùng quê dành riêng cho các sắc tộc thiểu số khác nhau. Họ bị bóc lột sức lao động tại các mỏ khai thác vàng và kim cương, mà nguồn lợi từ ngành công nghiệp khai khoáng này hoàn toàn chảy vào túi của những người da trắng.
Để phản kháng lại sự hà khắc của chế độ Apartheid, đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh và phản kháng đòi quyền lợi cho người da đen nhanh chóng bị chính quyền đàn áp.
Ngày 16/6/1976, lực lượng an ninh đã nổ súng vào các thanh niên da đen tham gia biểu tình ở thị trấn Soweto, ngoại ô Johannesburg nhằm chống lại lệnh áp đặt các trường học chỉ dạy bằng tiếng Afrikaans. Ít nhất 170 người đã thiệt mạng trong vụ việc ở Soweto. Hàng trăm người da đen khác cũng bị thiệt mạng trong các cuộc đàn áp những tháng sau đó.
Nhớ lại lần đầu tiên trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ” của chế độ Apartheid, chị Jabu không khỏi bồi hồi: “Lúc đó tôi mới 2 tuổi và đang chơi ngoài sân nhà mình ở Soweto thì bị chó của cảnh sát đang săn lùng những người biểu tình xông tới cắn vào đầu, khiến tôi phải vào bệnh viện địa phương khâu nhiều mũi.”
[Nguy cơ bài ngoại tái bùng phát ở Nam Phi: “Bóng ma” quá khứ hiện về!]
Kể từ đó, cuộc đấu tranh để xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi còn trải qua nhiều thăng trầm, song phong trào đòi bình đẳng cho người da đen vẫn tiếp tục lan rộng. Bên cạnh đó là sức ép của cộng đồng quốc tế và “động lực” từ thành công của các phong trào giải phóng dân tộc ở các nước láng giềng như Mozambique, Angola và cuối cùng là Zimbabwe, dẫn tới ban lãnh đạo đảng Quốc gia phải đàm phán với ANC, sau đó là sự kiện ngày 30/6/1991.
Chị Jabu chia sẻ, với việc đạo luật phân biệt đối xử được bãi bỏ, bố mẹ chị đã có thể mua nhà ở thành phố Johannesburg vì “tất cả công dân đều có thể mua tài sản ở bất cứ đâu miễn là họ có đủ khả năng chi trả.”
Những người da đen như chị Jabu cũng có thể lựa chọn bất kỳ trường đại học nào. Chị cho biết: “Thế hệ của tôi đã có được sự lựa chọn nơi ở và trường học cho con cái, trong khi đây hoàn toàn là điều xa xỉ đối với thế hệ bố mẹ, ông bà tôi.”
Nhận định thời kỳ “hậu Apartheid” đã mang lại cho thế hệ trẻ da đen tại Nam Phi một tương lại tươi sáng, chị tâm sự: “Điều đáng mừng là cơ hội dành con cái tôi là không giới hạn, giờ chúng có thể đi du học, được tham gia vào các đội tuyển quốc gia, tài năng của chúng được công nhận bình đẳng với người da trắng.”
Chị Jabu hết sức tự hào khi ở tuổi 18 – bằng với tuổi của chị khi chế độ Apartheid đang đi đến hồi kết, con gái chị, Ntando Sgudla, đã trở thành Hoa hậu hoàn vũ tuổi teen của Nam Phi (Miss Teen Universe South Africa). Dự kiến cuối năm nay, cô gái da đen sẽ đại diện cho đất nước Nam Phi tham dự cuộc thi toàn cầu tại Dubai.
Cho đến nay, nỗ lực của Chính phủ Nam Phi nhằm xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc đã gặt hái được những kết quả đáng kể, như khẳng định của chị Jabu: “Đã có rất nhiều thay đổi trong việc đảm bảo rằng tất cả người dân đều cảm thấy họ thuộc về đất nước này, bất kể chủng tộc, màu da.” Luật pháp Nam Phi có những điều khoản xử lý nghiêm các hành vi phân biệt chủng tộc.
Chị Jabu nêu rõ: “Hầu hết người dân nhận thức và rất có ý thức về quyền của họ, về việc bị đối xử tệ bạc và về việc chống lại bất kỳ hình thức phân biệt chủng tộc nào.”
Chính phủ Nam Phi cũng áp dụng hệ thống khen thưởng cho những công ty đi đầu thực hiện quá trình bình đẳng hóa (hay còn gọi là chuyển đổi) trong việc tuyển dụng người da đen hay da màu một cách công bằng như đối với người da trắng.
Xem thêm : Quy định về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2023
Tuy nhiên, con đường để bảo đảm công bằng và bình đẳng cho mọi chủng tộc ở Nam Phi vẫn đối mặt với không ít rào cản.
Theo chị Jabu, mặc dù có thay đổi, nhưng sự thật là quyền lực kinh tế vẫn nằm trong tay người da trắng vì hầu hết đất đai thuộc quyền sở hữu của nhóm người này. Tại Nam Phi vẫn có những ngôi trường do người da trắng thành lập với các quy định nhằm ngăn cản con em người da màu nhập học.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thường niên của người da đen tổ chức hồi đầu tháng 6/2021 tại Johannesburg, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thừa nhận mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc thực hiện chương trình Tăng cường quyền lực kinh tế cho người da đen trên toàn quốc (BBBEE) vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Ramaphosa khẳng định: “Chúng ta cần phải xem xét lại chiến lược BBBEE cũng như có hành động để phát triển một chiến lược mới, bởi chúng ta không thể tiếp tục sống trong một đất nước mà người da đen không sở hữu đòn bẩy kiểm soát nền kinh tế. Điều này cần phải thay đổi.”
Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng tuyên bố hoạt động kinh doanh của người da đen phải là trọng tâm trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 của Nam Phi.
Tuyên bố của ông Ramaphosa được ra trong bối cảnh Cơ quan Thống kê Nam Phi thông báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục 32,6% trong quý đầu tiên của năm 2021, với tỷ lệ thất nghiệp ở người da đen cao hơn nhiều so với các nhóm khác.
Bộ trưởng Lao động và Việc làm Thulas Nxesi cho rằng chính phủ cần đưa ra các quy định mới để đẩy nhanh tốc độ bình đẳng hóa tại các doanh nghiệp ở Nam Phi, bởi những quy định luật pháp liên quan đến việc tạo công ăn việc làm bình đẳng cho người da đen đã không còn phù hợp.
Trên thực tế, Nam Phi hiện là một trong những quốc gia có khoảng cách giàu-nghèo cao nhất thế giới. Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố năm 2019 cho thấy 10% số người giàu nhất Nam Phi nắm giữ 71% tổng lượng của cải đất nước, trong khi nhóm 60% người nghèo nhất chỉ sở hữu vỏn vẹn 7% tài sản.
Theo thống kê, thu nhập trung bình của người da trắng và người gốc Á ở Nam Phi, chiếm tổng cộng 15% dân số, cao gấp ba lần so với thu nhập của người da đen và da màu , chiếm 85% dân số. Tình trạng này đang có xu hướng trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.
“Tôi là người da đen, nhưng tôi muốn được gọi là người Nam Phi” – lời khẳng định của chị Jabu, một trong những phụ nữ da đen thành đạt ở “đất nước Cầu Vồng,” chính là minh chứng cho hành trình dài để bảo đảm bình đẳng chủng tộc ở Nam Phi. Đó là những thành quả to lớn mà người da đen đã được hưởng kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid bị xóa bỏ, song, đó còn là thách thức đối với chính phủ đương nhiệm ở Nam Phi, khi “di sản” của nó – sự chia rẽ xã hội, sự chênh lệch kinh tế và bất bình đẳng giàu nghèo, vẫn còn tồn tại./.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp