Các chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri tỉnh Ninh Bình như sau:

Mức hưởng BHYT được quy định cụ thể tại Điều 22 Luật BHYT, theo đó các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận… khi tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Thêm vào đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chi phí chữa bệnh cho bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo như ung thư, bệnh suy thận, bệnh tim đối với hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, hộ gia đình neo đơn đặc biệt khó khăn, cụ thể như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, Chính phủ đã sử dụng ngân sách nhà nước và cả phần ngân sách nhà nước giảm cấp cho bệnh viện để mua và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng như sau:

– Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế – xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100%.

– Đối với người cận nghèo: Được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo tham gia BHYT. Khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 95%, người bệnh phải đồng chi trả 5%.

– Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT: Người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT có quy định “Người thuộc hộ gia đình nghèo; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” được quỹ BHYT thanh toán 100% khi đi khám, chữa bệnh BHYT.

Ngoài ra, tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo quy định đối tượng người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí thì được hỗ trợ thanh toán một phần chi phí khám, chữa bệnh đối với phần người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế của Nhà nước từ 1 triệu đồng trở lên trong trường hợp không có BHYT.

Đối với trường hợp có BHYT thì được hỗ trợ một phần chi phí mà người bệnh phải đồng chi trả từ 100.000 đồng trở lên (UBND cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương).

Chinhphu.vn