Hoàn cảnh sáng tác là một trong những yếu tố quyết định đến nội dung và giá trị tư tưởng của một tác phẩm phẩm văn học, do đó, việc tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác trong khi tìm hiểu về một tác phẩm văn học rất quan trọng.
Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những thông tin chia sẻ giúp Quý độc giả, đặc biệt là các bạn học sinh hiểu hơn về hoàn cảnh sáng tác Chiếc thuyền ngoài xa – một trong những tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12.
Bạn đang xem: Hoàn cảnh sáng tác Chiếc thuyền ngoài xa
Một vài nét về tác giả Nguyễn Minh Châu
Thứ nhất: Về cuộc đời
Nhà văn Nguyễn Minh Châu sinh ngày 20 tháng 10 năm 1930. Quê gốc của ông tại làng Thôi, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trước Cách mạng tháng Tám, ông từng tốt nghiệp bậc Thành Chung tại trường Kỹ nghệ Huế năm 1944-1945.Sau đó, ông tiếp tục học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng tại Hà Tĩnh. Đến tháng 1 năm 1950, ông gia nhập quân đội, học ở trường sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến 1956, ông công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320.
Từ năm 1956 đến 1958, Nguyễn Minh Châu là trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1961, ông theo học trường Văn hóa Lạng Sơn. Năm 1962, Nguyễn Minh Châu về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 1972.Ông mất ngày 23 tháng l năm 1989 tại Hà Nội.
Thứ hai: Về sự nghiệp
Hành trình văn học của Nguyễn Minh Châu khởi đầu bằng truyện ngắn Sau một buổi tập (1960) và khép lại với truyện vừa Phiên chợ Giát (1989). Ba thập kỷ – một hành trình không phải là dài so với những đồng nghiệp, đồng lứa như: Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Hồ Phương… , song với mười ba tập văn xuôi, một tập tiểu luận phê bình, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã để lại một sự nghiệp văn chương đủ sức vượt qua thời gian. Trong đó, đặc biệt phải kể đến các tác phẩm chính:
– Cửa sông (tiểu thuyết, 1966);
– Những vùng trời khác nhau (truyện ngắn, 1970);
– Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972);
Xem thêm : Đun cách thủy là gì? Có bao nhiêu cách hấp cách thủy tại nhà
– Miền cháy (tiểu thuyết, 1977);
– Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977);
– Những người đi từ trong rừng ra (tiểu thuyết, 1982),
– Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983);
– Bến quê (truyện ngắn, 1985);
– Mảnh dất tình yêu (tiểu thuyết, 1987);
– Cỏ lau (truyện vứa, 1989).
Nhà văn Nguyễn Minh Châu là nhà văn thuộc thế hệ sau, nhưng chỉ thông qua những sáng tác văn chương của ông, người đọc sẽ không quên nhắc đến một nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nói như nhà văn Nguyễn Khải: “Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này”.
Hoàn cảnh sáng tác Chiếc thuyền ngoài xa
“Chiếc thuyền ngoài xa”của Nguyễn Minh Châu được sáng tác vào tháng 8/1983, lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau đó có vinh dự được nhà văn dùng để đặt tên cho cả tập truyện ngắn, xuất bản năm 1987. Năm 1983, đó là một thời điểm khá đặc biệt khi cuộc chiến tranh chống Mĩ và tay sai đã kết thúc thắng lợi, chúng ta trở về muôn mặt của đời thường. Và cũng trong thời điểm này, cả dân tộc đang bước vào giai đoạn đổi mới, cho nên cuộc sống có nhiều điều bất ngờ thú vị, có sức hút đối với văn nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Minh Châu.
Xem thêm : Địa bàn cư trú chủ yếu của cư dân Chăm-Pa cổ thuộc khu vực nào trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay?
“Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn xuất sắc thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Trong giai đoạn này, qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn đã bộc lộ sự chuyển biến quan trọng trong sáng tác: từ phong cách mang đậm tính chiến đấu, chuyển sang cảm hứng thế sự, cảm hứng nhân sinh, ngòi bút của nhà văn hướng vào thể hiện con người trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và bình yên. “Chiếc thuyền ngoài xa” thực sự là một tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Đồng thời giúp nhà văn gửi gắm được những thông điệp nghệ thuật quan trọng.
Ý nghĩa nhan đề chiếc thuyền ngoài xa
“Chiếc thuyền ngoài xa” là một nhan đề mang tính biểu tượng, hé mở tình huống truyện, thể hiện chủ đề của tác phẩm. Nhan đề bao gồm đối tượng quan sát là “Chiếc thuyền”, cự li quan sát là “ngoài xa”, người quan sát là nghệ sỹ nhiếp ảnh Phùng. Cùng một người quan sát, cùng một đối tượng quan sát, nhưng ở các cự li khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau, dẫn đến nhận thức khác nhau.
Chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện trong truyện ngắn trước hết hướng người đọc về một hình ảnh tuyệt đẹp, đó là con thuyền thu lưới trong biển sớm mờ sương, nó toàn bích như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Vẻ đẹp ấy khiến cho người nghệ sỹ bối rối, xúc động, cảm thấy “khám phá thấy chân lí của cái toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng khi con thuyền tới gần, phía sau vẻ đẹp toàn bích ấy là bao ngang trái, đau khổ, phũ phàng. Cuộc sống của những người dân chài bị giam cầm bởi đói nghèo tăm tối và bạo lực gia đình.
Vậy là qua mâu thuẫn giữa cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh với hiện thực phũ phàng của cuộc sống, nhà văn mang đến cho người đọc một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống con người: phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, tránh cái nhìn giản đơn, sơ lược, hời hợt, nhìn hình thức, phát hiện ra bản chất thực sự sau bề ngoài của sự vật, hiện tượng.
Nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” là một khái quát giản dị về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật đích thực luôn gắn bó khăng khít với hiện thực cuộc sống, người nghệ sỹ phải có bản lĩnh trung thực để khám phá những hiện thực, dẫu là tàn nhẫn của cuộc sống con người. Nguyễn Minh Châu đã khẳng định về trách nhiệm của người nghệ sĩ: “nhà văn không có quyền nhìn sự việc một cách đơn giản mà nhân vật cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”. Chỉ khi nào người nghệ sĩ có trách nhiệm trong cái nhìn hiện thực cuộc sống, có “mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh” thì khi ấy tác phẩm nghệ thuật mới đạt được giá trị cao nhất. Ấy là “giá trị nhân đạo”.
“Chiếc thuyền ngoài xa” đã trở thành tấm ảnh đẹp treo ở nhiều nơi, nhất là ở trong các gia đình sành nghệ thuật, nhưng có ai hiểu được câu chuyện con người trên chiếc thuyền ấy. Chỉ có nghệ sĩ Phùng, mỗi khi ngắm nhìn tấm ảnh bao giờ cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”, một người đàn bà lam lũ, cam chịu, giàu tình thương và lòng vị tha. Đó cũng là thông điệp tác giả gửi tới người đọc: nghệ thuật luôn gắn liền với cuộc đời.
Tóm tắt Chiếc thuyền ngoài xa
Để hoàn thành bộ lịch có cảnh biển ngày Tết theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đã trở về vùng biển miền Trung nơi mình đã chiến đấu khi xưa để tác nghiệp. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng Phùng cũng bắt gặp cảnh tượng trời cho, anh đã bấm máy liên tục để ghi lại những bức ảnh đáng giá. Khi đang say mê sáng tạo nghệ thuật, Phùng vô tình bắt gặp cảnh bạo lực của gia đình người hàng chài. Không chỉ lao vào bảo vệ người đàn bà đáng thương trước trận đòn roi của chồng, Phùng còn quyết định ở lại vùng biển vài ngày để cùng chánh án Đẩu giúp đỡ người đàn bà li hôn chồng. Trước sự ngạc nhiên của Phùng và Đẩu, người đàn bà đã từ chối sự giúp đỡ, thậm chí còn quỳ lạy để không phải bỏ chồng. Hành động của người đàn bà hàng chài khiến Phùng và Đẩu không sao hiểu được. Thế nhưng sau khi người đàn bà giải thích, hai người bỗng nhận ra nhiều góc khuất của cuộc sống. Phùng nhận ra rằng cần có cái nhìn sâu sắc, nhiều chiều về cuộc sống chứ không phải cái nhìn phiến diện, cảm quan qua vẻ bề ngoài của nó.
Mong rằng những thông tin liên quan đến hoàn cảnh sáng tác Chiếc thuyền ngoài xa trên đây đã giúp Quý độc giả có thêm những gợi ý khi tìm hiểu về tác phẩm này, các bạn học sinh có thêm thông tin để soạn bài, những định hướng để thực hiện phân tích tác phẩm.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp