Ảnh minh họa
Sự ra đời chiến lược “Diễn biến hoà bình” và những nội dung chủ yếu
Bạn đang xem: Nhận diện chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong giai đoạn hiện nay
Cách mạng tháng 10 Nga thành công (năm 1917) đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhà nước xã hội chủ nghĩa được thành lập, phong trào Cộng sản phát triển khắp nơi. Đặc biệt sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bị áp bức trở thành một cao trào cách mạng; chủ nghĩa xã hội (CNXH) trở thành một trào lưu và phát triển thành hệ thống ở Đông Âu, Châu Á. Thuật ngữ “diễn biến hoà bình” xuất hiện lần đầu vào năm 1949 trong sinh hoạt chính trị quốc tế. Trong bức thư gửi Tổng thống Truman, Dean Akison – ngoại trưởng Mỹ lúc đó đã sử dụng khái niệm “diễn biến hoà bình” để chỉ sự chuyển hoá các nước XHCN thành TBCN. Chính vì vậy, từ những năm 50 các nước XHCN đã đề cập đến âm mưu DBHB và coi đấu tranh chống DBHB là một trong những nội dung quan trọng để bảo vệ thành quả, sự nghiệp CNXH.
Bước vào cuộc “chiến tranh lạnh”, bên cạnh việc đẩy mạnh sử dụng sức mạnh quân sự, các thế lực phản động tăng cường sử dụng các biện pháp tiến công về tư tưởng, văn hoá và lối sống bằng con đường tuyên truyền, phát thanh thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; đẩy mạnh xâm nhập sách, báo, phim, ảnh… kích động tâm lý bất mãn trong một bộ phận nhân dân ở các nước XHCN, phổ biến lối sống thực dụng, tự do, ích kỷ cá nhân…; lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” như một thứ vũ khí nhằm tăng thêm những mâu thuẫn, xung đột, phân hoá nội bộ các nước XHCN.
DBHB còn có những tên gọi khác nhau như “Chuyển hoá hoà bình”, “Biến đổi hoà bình”, “Cạnh tranh hoà bình”, “Chiến thắng không cần chiến tranh” … Song cho dù với tên gọi nào đi chăng nữa thì đây là cuộc chiến dựa trên phương thức tiến hành các hoạt động phi vũ trang, phi quân sự nhằm chuyển hoá chế độ CNXH.
Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam đã định nghĩa: “Diễn biến hòa bình” là chiến lược cơ bản của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị – xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự(1). Mục tiêu của chiến lược DBHB là xoá bỏ chế độ CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Mục tiêu cuối cùng là phải xoá bỏ tận gốc CNXH với tư cách là một con đường phát triển chứ không chỉ dừng lại ở một chế độ xã hội.
Bản chất của chiến lược DBHB là quá trình dịch chuyển mâu thuẫn, xung đột từ bên ngoài vào bên trong các nước XHCN; từng bước hình thành những nhân tố chống XHCN từ trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền; kích động các tầng lớp xã hội nổi dậy đấu tranh làm suy yếu, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vào con đường CNXH. Đó là quá trình “tự diễn biến”, “tự sụp đổ, tan rã” của chế độ XHCN mà không cần phải dùng đến chiến tranh quân sự.
Phạm vi của chiến lược DBHB được thực hiện một cách toàn diện trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội và có sự kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, lấy ngoại giao và quân sự làm hậu thuẫn và răn đe. Trong đó, chống phá về tư tưởng được xác định là mũi nhọn hàng đầu, tôn giáo và dân tộc làm ngòi nổ, kinh tế làm đòn bẩy và “mồi nhử” tạo sự ràng buộc, phụ thuộc.
Xem thêm : Tại sao người già không nên ăn nhiều mỡ: 5 lý do nghe là sợ!
Thực chất, chiến lược DBHB là căn cứ vào tình hình, diễn biến từng nước XHCN để tạo nên những nhân tố chống chế độ bên trong mỗi nước để tác động, tấn công một cách thích hợp trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hoá, quân sự, ngoại giao…, trong đó mặt trận tư tưởng nổi lên hàng đầu.
Những điểm mới về chiến lược “Diễn biến hoà bình” hiện nay
Hiện nay, bối cảnh thế giới luôn biến đổi với nhiều thách thức, phức tạp, khó dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ diễn ra dưới nhiều hình thức, quyết liệt tiềm ẩn nhiều bất ổn đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Xu hướng đa cực, đa trung tâm, nổi lên với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, chủ nghĩa nước lớn cường quyền, chủ nghĩa thực dụng…Tác động của đại dịch Covid-19, khiến thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt(2). Với bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp như vậy, chiến lược DBHB ngày càng được các thế lực thù địch, phản động thực hiện một cách tinh vi hơn, khó nhận diện để có thể ứng phó kịp thời.
Về đối tượng của chiến lược DBHB ngày nay không chỉ là các nước XHCN và các nước phát triển theo hướng XHCN mà còn là những nước có chế độ chính trị khác. Trong tính chất đa dạng, phức tạp, đan xen, không đồng nhất hiện nay, đối tượng DBHB cũng thay đổi trên từng lĩnh vực, từng mối quan hệ…, nhưng suy cho cùng, những nước không cùng quỹ đạo, hoặc các quốc gia có vị trí địa lý mang tính chiến lược, thuộc khu vực cạnh tranh nhạy cảm, hoặc có vị thế mang tính nguy cơ, bất lợi ở các diễn đàn quốc tế đều được liệt vào đối tượng của chiến lược DBHB.
Về bản chất, DBHB ngày nay không thay đổi, nhưng tuỳ vào từng đối tượng cụ thể, các thế lực phản động lựa chọn phương thức, thủ đoạn phù hợp để tiến hành chống phá. Nếu như trước đây DBHB coi trọng “dính líu để khuếch trương”, “can dự để mở rộng”, thì hiện nay chúng được khoét sâu vào mâu thuẫn nội bộ các nước XHCN, vào công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội ở các nước này để chống phá.
Hoạt động phá hoại tư tưởng – chính trị diễn ra với nhiều hình thức khác nhau không chỉ dừng ở tuyên truyền, truyền bá các giá trị thù địch; mà còn kích động chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước XHCN.
Hoạt động phá hoại nền kinh tế – xã hội được tiến hành bằng phương thức kích thích, thúc đẩy khuynh hướng phát triển kinh tế thị trường tự do, tách khỏi sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước XHCN. Hoạt động phá hoại văn hoá – xã hội, như xuyên tạc, đả kích bản sắc văn hoá dân tộc, giá trị tinh thần XHCN; truyền bá văn hoá, lối sống thực dụng, vụ lợi cá nhân, tôn thờ đồng tiền…; tìm kiếm, móc nối, mua chuộc, lôi kéo, kích động trí thức, văn nghệ sĩ đối lập, bất mãn, thù địch với chế độ, làm cho hoạt động văn hoá, văn nghệ đi chệch hướng XHCN…
Hoạt động phá hoại an ninh, quốc phòng: phủ định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối đối với lực lượng vũ trang; xuyên tạc chủ trương, đường lối về an ninh, quốc phòng; dùng mọi thủ đoạn phi chính trị hoá và trung lập hoá lực lượng vũ trang, thực chất là tìm cách loại bỏ công cụ trọng yếu bảo vệ Đảng, Nhà nước.
Xem thêm : Công dụng và 10 lưu ý khi đắp mặt nạ trà xanh!
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ với sự bùng nổ các phương tiện truyền thông, sự nhanh nhạy của thông tin trở thành công cụ mới để các thế lực phản động thực hiện chiến lược DBHB. Thông qua các trang mạng xã hội, blog, “live stream”, website…cắt dán hình ảnh, xuyên tạc, tung tin thất thiệt với gán mác “tìm hiểu sự thật”, “sáng tỏ vấn đề” để nhào nặn thông tin, đưa ra những số liệu không kiểm chứng, căn cứ “giả khoa học” để làm sai lệch bản chất các sự kiện, bôi nhọ danh dự, uy tín lãnh tụ, anh hùng dân tộc; nghiêm trọng hoá các vấn đề xã hội nhằm gây tâm lý hoài nghi, dao động, hướng cộng đồng đến suy nghĩ lệch lạc, “tự diễn biến”, tự chuyển hoá”. Do đó, cần nhận diện và có những giải pháp thích hợp, trước hết, cần xác định công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, phải được triển khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp mạnh về số lượng và chất lượng. Thứ ba, xây dựng lực lượng nòng cốt, trình độ cao trong công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Thứ tư, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hoà bình”…
Với tính chất nguy hiểm, chiến lược DBHB cũng là một trong những nhân tố gây nên sự tan rã của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Nhưng không có nghĩa lý tưởng, con đường XHCN đã chấm dứt, vì trên thực tế con đường này đã, đang và vẫn luôn là sự lựa chọn tất yếu của nhân loại khi ngày càng có nhiều nước vẫn tiếp tục đứng vững và phát triển theo khuynh hướng này. Để tiếp tục giữ vững sự lựa chọn này, giữ vững con đường này thì chúng ta phải nhận diện đúng và vạch rõ được bản chất, phương thức mới của chiến lược DBHB, từ đó định ra được phương thức đấu tranh phù hợp./.
–
Ghi chú:
(1) Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam (2004), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, trang 303.
(2) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, trang 30.
ThS. Lê Thị Cẩm Nhung – Học viện Chính trị khu vực III
tcnn.vn
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp