Thực đơn

ThS TRẦN ĐÌNH DUỆ – Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang

Tóm tắt: Những năm 1969-1972, đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa ráo riết thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trên địa bàn Tây Nam Bộ (gồm các tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau), Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực thi chính sách “bình định”, siết chặt hệ thống kìm kẹp hòng biến địa bàn chiến lược quan trọng này thành vùng đệm, căn cứ bảo vệ Sài Gòn từ phía Tây Nam… Cách mạng ở Tây Nam Bộ vô cùng khó khăn. Từ yêu cầu thực tiễn, Khu ủy Tây Nam Bộ đã kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, phát triển đảng viên, kiên trì “bám dân”, “bám địa bàn”, lãnh đạo quân, dân đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ khóa: Khu ủy Tây Nam Bộ; chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; 1969-1972

Ngày nhận: 16-3-2023

Ngày thẩm định, đánh giá: 21-3-2023

Ngày duyệt đăng: 31-3-2023

1. Tình hình Tây Nam Bộ sau “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa”

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ tuy không có những trận đánh lớn, đồng loạt và “không đạt được ý định chỉ đạo của trên về tổng công kích, tổng khởi nghĩa”1 nhưng về mặt chiến lược, quân và dân Tây Nam Bộ cùng quân và dân miền Nam đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ; chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta và rút dần quân viễn chinh cùng lực lượng đồng minh của Mỹ về nước. Song với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến tranh ở Việt Nam với chiến lược mới “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Về cơ cấu lực lượng, lính Mỹ và quân đồng minh của Mỹ từng bước được rút dần nhưng lực lượng cố vấn không ngừng tăng: năm 1969 có 5.300 người, đến năm 1970 lên 13.000 người; đồng thời, tăng cường lực lượng quân Việt Nam Cộng hòa bằng các giải pháp bắt lính, đôn quân; đẩy mạnh kết hợp giữa đàn áp với bình định và chiến tranh tâm lý; mở rộng phạm vi càn quét, chiếm đóng ở vùng nông thôn hòng nắm quyền chủ động về mặt chiến lược. Lợi dụng khó khăn của quân giải phóng, quân đội Việt Nam Cộng hòa nhanh chóng tập hợp lực lượng và tiến hành phản kích, giành lại các khu vực quan trọng ở đô thị, tái chiếm những vùng nông thôn. Đến cuối năm 1968, các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã đóng 1.343 đồn, Trà Vinh 400 đồn, Cà Mau 246 đồn (tăng gấp 6 lần so với đầu năm 1968). Đến đầu năm 1969, dân số vùng bị đối phương kiểm soát chiếm 79% dân số toàn Tây Nam Bộ, trong đó phần lớn thuộc vùng nông thôn trọng yếu2.

Thực hiện âm mưu “phủ kín, lấp đầy U Minh”, từ năm 1969Việt Nam Cộng hòa tiếp tục tăng quân, ráo riết thực hiện kế hoạch “bình định cấp tốc” và điều chỉnh phương thức thực hiện với âm mưu “lấy bình định nông thôn làm cơ sở bắt lính”, ra sức bắt lính trong công nhân lao động, học sinh, sinh viên, thành thị để đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên kỹ thuật để nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng quân đội. Đến giữa năm 1970, tổng số quân Việt Nam cộng hòa là 139.000 quân thường trực và khoảng 200.000 phòng vệ dân sự3.

Về phía cách mạng, năm 1969 vùng giải phóng Tây Nam Bộ bị thu hẹp chỉ còn 32 xã với 700.000 dân, giảm 41 ấp và 527.000 dân so với năm 1968, riêng ở tỉnh Cà Mau cuối năm 1969 còn 13 xã giải phóng, đến cuối 1970 vùng giải phóng còn 8 xã4. Toàn khu có 12.000 cán bộ và chiến sĩ bỏ ngũ về nhà (chưa tính Vĩnh Long và Trà Vinh), có 50 xã trong số 250 xã, đảng viên bỏ chạy khỏi xã, 40 xã có 1, 2 đảng viên, không có chi bộ. Lực lượng du kích toàn khu từ 45.000 đầu năm 1968 chỉ còn 6.200 người vào cuối năm 19695. Thực tế cách mạng ở Tây Nam Bộ ở tình thế vô cùng khó khăn. Với vai trò là cơ quan lãnh đạo cao nhất và trực tiếp của Đảng trên địa bàn, đòi hỏi Khu ủy Tây Nam Bộ phải nhanh chóng đề ra chủ trương, giải pháp hiệu quả để đưa cách mạng vượt qua khó khăn, tiếp tục tiến lên.

2. Kiện toàn tổ chức, phát huy vai trò, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng

Nhằm khắc phục khó khăn từ sau các đợt “tổng công kích”, Khu ủy Tây Nam Bộ nhanh chóng chuyển trọng tâm củng cố và giữ vững vùng nông thôn. Giải quyết khâu trọng yếu, mang tính sống còn là củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong hệ thống các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến; kiện toàn hệ thống tổ chức đảng với cơ chế lãnh đạo, chỉ huy tập trung thống nhất…; khôi phục, củng cố hệ thống chính trị làm cơ sở phát triển mạnh mẽ ba thứ quân, lực lượng vũ trang phải trụ lại và đánh mở ra, dựa trên nguyên tắc “Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết, chỉ huy quân sự do Bộ Tư lệnh Quân khu”6.

Về kiện toàn hệ thống tổ chức lãnh đạo cấp khu, từ đầu năm 1971, được sự tăng cường cán bộ từ Trung ương Cục miền Nam, số lượng Khu ủy viên Khu Tây Nam Bộ có 15 đồng chí, tháng 11-1971 có 26 đồng chí và đến cuối năm 1972 có 32 đồng chí7. Ban Thường vụ Khu ủy chịu trách nhiệm phụ trách/lãnh đạo đảng bộ các tỉnh, các Khu ủy viên phụ trách/ lãnh đạo các lĩnh vực trọng yếu như: tuyên huấn; quân sự, chính quyền, an ninh, tổ chức, kinh tài, phụ vận, nông vận, thanh vận, địch vận8.

Đối với công tác xây dựng Đảng ở các địa phương, Khu ủy chỉ đạo khẩn trương “xây dựng, củng cố chi bộ 4 tốt, đẩy mạnh phát triển đảng viên đều khắp 3 vùng, làm cho đảng viên bám sát địa bàn… ra sức kiện toàn các cấp ủy, các ban, ngành để tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo toàn diện, cụ thể, sâu sát… Xây dựng Đảng về mặt chính trị, tư tưởng là chủ yếu nhưng xây dựng về mặt tổ chức, lề lối làm việc cũng hết sức quan trọng, gắn liền với nhau không thể tách rời” 9. Từng bước xây dựng “chi bộ 4 tốt” ở các vùng nông thôn tranh chấp, vùng đối phương kìm kẹp phải chú trọng xây dựng đội ngũ đảng viên mật, hoạt động đơn tuyến.

Phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng cơ sở trong tập hợp, lãnh đạo quần chúng, tháng 7-1971, Ban Thường vụ Khu ủy ra Chỉ thị số 04/CT-T-71, nêu rõ: “Tổ chức cơ sở đảng phải là nền tảng, là cầu nối liền giữa Đảng và quần chúng. Muốn xác lập quyền lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng, cơ sở đảng phải bám chặt quần chúng, tổ chức tập hợp được quần chúng và “muốn phát huy được vai trò lãnh đạo, cơ sở đảng phải đi vào nền nếp được khéo léo tốt về mọi mặt”10.

Đối với công tác đào tạo, sử dụng cán bộ địa phương trong tình hình mới, Khu ủy yêu cầu đảng bộ các địa phương phải đào tạo nhanh, phù hợp với tình hình và đảm bảo chất lượng. Đồng thời trong “bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ phải hết sức phát huy khả năng cán bộ, bố trí thích hợp sở trường, sở đoản của cán bộ, đúng theo chính sách cán bộ của Đảng, phù hợp từng nơi”11.

Quá trình phát triển hệ thống cơ sở, “nòng cốt”, xây dựng phong trào quần chúng phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đều khắp từ nông thôn đến thành thị, là hạt nhân lãnh đạo trong các đoàn, hội từ cấp tỉnh đến chi bộ. Từng đảng viên phải được “rèn luyện trong thực tế chiến đấu và công tác; rèn luyện trong sinh hoạt của tổ chức đảng; rèn luyện trong tự học tập và rèn luyện trong sinh hoạt với tổ chức quần chúng”12. Cuối năm 1970 toàn Đảng bộ Khu Tây Nam Bộ có 25.280 đảng viên, tháng 3-1972 có 31.104 đảng viên, đến cuối 1972 có 34.023 đảng viên. Trong đó, có 38 xã thành lập được chi ủy, xã ủy; 12 xã có đảng viên; 8 xã có cơ sở (quần chúng được giác ngộ cao, thuộc thành phần “chí cốt” cách mạng); chỉ còn 35 xã chưa có chi bộ (trong đó có 9 xã trắng)13.

Đối với công tác vận động, tập hợp lực lượng, xây dựng cơ sở trong quần chúng, “trong bất cứ tình huống nào, chi bộ, đảng viên cũng phải bám chặt địa bàn, bám chặt quần chúng bằng mọi phương thức… Bằng một quyết tâm sinh tử giành từng người dân, nhất là thanh niên với địch, quyết không để chúng bắt lính hoặc sử dụng có lợi cho chúng, tranh thủ mọi điều kiện đưa quần chúng đấu tranh giành quyền lợi hằng ngày với địch, chăm sóc mọi lợi ích vật chất, tinh thần của quần chúng bằng mọi cách thích hợp nhất”14. Đối với công tác ở thành thị, việc xây dựng bộ máy chỉ đạo phải hết sức bí mật, chặt chẽ, đảm bảo sự ổn định, an toàn. Chú trọng “chuyên môn hóa cán bộ. Phải có ý thức lâu dài… nếu xáo trộn thường sẽ rơi vào bị động chắp vá. Tổ chức sẽ không ổn định, ảnh hưởng lớn đến xây dựng lực lượng và phong trào”15. Đồng thời, trong vận động, giác ngộ, tập hợp lực lượng và phát động đấu tranh ở thành thị phải hết sức chú ý đến lợi ích thiết thân của đông đảo quần chúng để lựa chọn mức độ, hình thức đấu tranh phù hợp, hiệu quả.

Từ chủ trương và sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, sát hợp cho từng vùng, từng địa bàn, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng phát triển. Bằng nhiều hình thức tổ chức khác nhau, các hội, đoàn thể phát triển đều khắp ở vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng đối phương kiểm soát. Năm 1970, toàn Khu phát triển được 58.598 nông hội, 6.127 thanh niên giải phóng và thanh niên xung phong ở cơ sở, tập hợp được 10.661 phụ nữ tham gia các hội, đoàn và 3.130 thiếu niên tiền phong. Đến cuối năm 1972 phát triển được 73.549 nông hội, 6.531 thanh niên giải phóng, 32.329 phụ nữ và 8.312 “nòng cốt” trong vùng đối phương kiểm soát. Đây vừa là lực lượng đông đảo để xây dựng hậu phương kháng chiến, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở địa phương16.

3. Kiên trì “bám dân”, “bám địa bàn”, bẻ gãy các kế hoạch “bình định” của địch, bước đầu đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”

Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy Tây Nam Bộ chuyển trọng tâm về nông thôn, các đơn vị vũ trang nhanh chóng rút về vùng giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến để củng cố lực lượng, gây dựng lại các cơ sở; tổ chức hỗ trợ các lực lượng chính trị và vũ trang chống quân Việt Nam Cộng hòa càn quét, bình định nông thôn. Nguyên tắc hoạt động nhất quán của các lực lượng vũ trang và các cơ sở lúc này là phải kiên trì “bám dân, bám đất, ba mũi bám đánh địch, chống chủ trương bình định, lấn chiếm của địch”17.

Ngày 18-3-1969, Quân Khu ủy Khu 9 ra Nghị quyết về “Nhiệm vụ quân sự đầu năm 1969”. Nghị quyết xác định: Đẩy mạnh tiến công toàn diện của ba thứ quân, nhằm tiêu diệt sinh lực địch; thực hiện công kích liên tục ở nông thôn, diệt các lực lượng bình định và yểm trợ bình định, bảo an, dân vệ, tề điệp ác ôn, do thám gián điệp; phá rã ngụy quyền ở cơ sở và phòng vệ dân sự, đánh bại âm mưu “bình định cấp tốc” của địch, giải phóng và làm chủ phần lớn nông thôn, hỗ trợ cho phong trào đô thị. Phương châm tổ chức tấn công phải kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tác chiến với binh vận; vừa chiến đấu, vừa xây dựng, củng cố lực lượng cả về tổ chức lẫn biên chế và chất lượng chiến đấu; đảm bảo quân số cho các tiểu đoàn của Khu, các tỉnh, các binh chủng chuyên môn như đặc công, biệt động; phát huy mạnh mẽ phong trào du kích ở thị xã, thị trấn và vùng ven18.

Thực hiện Nghị quyết của Khu ủy và Quân Khu ủy Khu 9, các đơn vị vũ trang chủ lực Khu lui về vùng căn cứ, tổ chức lại lực lượng, phối hợp lực lượng vũ trang của các tỉnh và du kích tổ chức chống địch bình định ở các trọng điểm Vĩnh Long, Trà Vinh, trục Lộ Vòng Cung và phía bắc U Minh Thượng (Rạch Giá). Qua các đợt hoạt động Đông – Xuân 1968 – 1969 và Hè 1969, quân và dân Tây Nam Bộ đã tổ chức nhiều trận phục kích, làm thiệt hại nặng và tiêu hao nhiều sinh lực địch, bước đầu ngăn chặn được tham vọng “phủ dày nông thôn” qua kế hoạch “bình định cấp tốc” trên diện rộng của địch.

Trung tuần tháng 8-1969, Thường vụ Khu ủy Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo, công tác phá kìm, phá bình định nông thôn của địch. Nghị quyết tiếp tục khẳng định vấn đề sống còn lúc này chính là giữ đất, giành dân, giữ dân, vì vậy, các cấp ủy Đảng, đặc biệt là các chi ủy cơ sở phải phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, “chi bộ phải bám chặt dân trong mọi tình huống… phải lấy phong trào và lực lượng tại chỗ làm chủ yếu… bất cứ trong tình huống nào, cán bộ cũng phải bám dân, giữ dân, tồn tại trong dân, phát động quần chúng thành lực lượng cách mạng, lãnh đạo quần chúng chiến đấu và sản xuất”19.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu và đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng trên địa bàn, cuối tháng 12-1969, Thường vụ Khu ủy Tây Nam Bộ triệu tập Hội nghị (mở rộng) toàn Khu. Hội nghị hạ quyết tâm phải làm biến chuyển cục diện tình hình trên chiến trường miền Tây, tiến tới giành thắng lợi quyết định20. Phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa lực lượng vũ trang ba thứ quân, thực hiện “ba mũi giáp công” đập tan các kế hoạch vây lấn, càn quét, bình định nông thôn của địch; tiêu hao, tiêu diệt, làm tan rã sinh lực địch, giành quyền làm chủ và mở rộng vùng giải phóng, đánh bại kế hoạch “nhổ cỏ U Minh” của địch. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị, tập hợp quần chúng trong các tổ chức của Đảng; bảo đảm cung cấp nhân lực và vật lực cho cuộc kháng chiến. Củng cố chính quyền cơ sở, xúc tiến thành lập chính quyền cấp huyện, tỉnh khi có điều kiện, thực hiện phương châm “đánh đổ địch đến đâu, nhanh chóng thành lập chánh quyền đến đó, thành lập đến đâu phải kịp thời củng cố vững chắc đến đó”21.

Từ cuối năm 1969, lực lượng chủ lực Khu kết hợp lực lượng vũ trang các tỉnh Rạch Giá và Cà Mau bẻ gãy nhiều đợt càn quét, bình định của địch vào vùng căn cứ U Minh. Trong đợt Đông-Xuân 1969-1970, các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh đã bao vây và tấn công 314 đồn bốt, gỡ 27 đồn, diệt 137 ác ôn, 14 đoàn bình định; các cơ sở huy động 142.000 lượt quần chúng đấu tranh chính trị; lực lượng binh vận các địa phương làm rã 2.400 binh lính địch. Đợt Xuân-Hè năm 1970, toàn Khu tổ chức tấn công phá kìm trên 1.500 ấp, nâng số vùng tranh chấp lên trên 1 triệu dân. Tính chung từ tháng 10-1969 đến tháng 6-1970, lực lượng cách mạng ở Tây Nam Bộ đã làm tiêu hao, tiêu diệt trên 60.000 địch, trong đó làm tan rã trên 20.000 binh lính, sĩ quan, 1.500 tề điệp (có 500 tề điệp ác ôn) và trên 12.000 phòng vệ dân sự 22.

Thực hiện tốt phương châm của Khu ủy đề ra, cán bộ, đảng viên “bám dân, sống trong dân, làm chỗ dựa cho dân, cùng với dân hình thành lực lượng tổng hợp tiến công địch”23, năm 1970 Khu ủy chỉ đạo tiến hành 6.961 cuộc đấu tranh với 335.527 lượt người tham gia, bao gồm công nhân, học sinh, sinh viên, thương binh và gia đình binh sĩ, sư, sãi, tín đồ tôn giáo… góp phần làm lung lay chính quyền cơ sở của địch: trên 700 ban tề tan rã và 123 tên xin thứ tội, trên 110.000 quần chúng “bung” về vườn cũ làm ăn24. Nhận thức chính trị và phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến đầu năm 1971, tại các vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng lõm đã huy động được gần 70.000 lượt quần chúng tham gia xây dựng “ấp chiến đấu” với 70.000 hầm chông, 1.133 bãi chông, 385 bãi lửa, gài trên 10.000 chất nổ, 700 nhà chiến đấu bao quanh các đồn, bót…, tạo điều kiện cho các mũi tấn công tiêu diệt địch.

Từ sự chuyển hướng đúng đắn chỉ đạo đấu tranh của Khu ủy, lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Nam Bộ đã thực hiện tốt phương châm kiên trì bám trụ, từng bước đẩy lùi, làm phá sản các kế hoạch “bình định cấp tốc” (cuối năm 1969) và “bình định đặc biệt” (3-1970) của địch. Đến giữa năm 1971, ta đã xây dựng lại được cơ sở ở 500 ấp trong số 1.000 ấp trắng. Trong 6 tháng đầu năm 1971, phát triển thêm 200 đảng viên, 2.000 du kích, 1000 tân binh nhập ngũ. Phong trào đánh phá “bình định” của quân dân Tây Nam Bộ bước sang một thế tiến công mới, vừa phá lỏng, phá rã hệ thống kìm kẹp của địch trên diện rộng, vừa mở thêm vùng lõm, ấp, xã giải phóng, khôi phục thế làm chủ ở vùng căn cứ, vùng giải phóng25.

Để tăng cường tiềm lực cho cuộc kháng chiến, Khu ủy tiếp tục lãnh đạo thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng ở vùng giải phóng. Tổ chức lại Ban điền địa và Hội đồng cấp đất từ cấp khu đến cấp xã, trong đó chú trọng vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, cán bộ đảng viên26. Riêng trong năm 1970 toàn Khu đã cấp được 319.744 công ruộng, phục hóa 285.266 công đất, đắp 684 đập, 39.500m đê ngăn mặn, thu đảm phụ được 1.910.692 giạ lúa và 330.141.000 đồng. Hoạt động văn hóa, giáo dục vẫn được duy trì, có 165 lớp vỡ lòng với 559 học sinh, 226 lớp phổ thông từ lớp 1 đến lớp 8 với 15.656 học sinh và trên 200 lớp bình dân học vụ với 2.405 người. Cấp ủy đảng các địa phương vùng giải phóng phát động phong trào tương trợ, giúp đỡ các gia đình cán bộ, chiến sĩ, tử sĩ và quần chúng nghèo; hỗ trợ nhau trong xây dựng nhà ở, đào hầm tránh bom, chống càn. Qua đó, tinh thần đoàn kết, sức mạnh nhân dân trong xây dựng “hậu phương tại chỗ” ngày càng được củng cố, sẵn sàng chiến đấu và đóng góp cho kháng chiến27.

Năm 1971, sau khi bố trí lại chiến trường để tạo thế liên hoàn, bảo vệ vững chắc khu căn cứ U Minh, mở rộng hành lang tiếp viện qua Campuchia và chuẩn bị chiến trường để tác chiến tập trung theo chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Tây Nam Bộ hạ quyết tâm đánh mạnh vào quân chủ lực Việt Nam Cộng hòa đang chiếm đóng và bình định U Minh. Tháng 9-1971, lực lượng chủ lực của Quân khu 9 mở đợt phản công làm thiệt hại nặng Sư đoàn 21 – lực lượng cơ động địch ở U Minh (thuộc xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), tiếp đó phát triển tấn công tiêu diệt hệ thống các đồn, bốt thuộc hành lang phía Đông và Bắc U Minh từ Long Mỹ (Cần Thơ) đến Xẻo Rô (Rạch Giá). Phối hợp với chiến trường chính ở U Minh, bộ phận quân chủ lực cùng bộ đội địa phương và du kích các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh tấn công phá rã nhiều đồn bốt, chi khu quân sự. Trong năm 1971, nhân dân và các lực lượng vũ trang Tây Nam Bộ đã tấn công dứt điểm được 163 đồn, vây chặt và khống chế 1.150 đồn, trung lập và cảm hóa 976 đồn. Riêng hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng đã diệt, bắt và gọi hàng, rã ngũ 16.000 địch, tiêu diệt chi khu Thạnh Trị và 29 đồn, bao vây và bức rút 156 đồn, thu 248 súng, bắn rơi và hỏng 57 máy bay, phá hủy 31 xe quân sự28. Cuộc phản công mùa mưa năm 1971 của quân và dân Tây Nam Bộ đã đập tan kế hoạch của đối phương hòng mở rộng đánh chiếm vùng giải phóng của ta, đồng thời, bước đầu làm phá sản các kế hoạch “bình định” của địch, bảo vệ vững chắc các khu căn cứ kháng chiến, vùng giải phóng phía Nam U Minh và Nam Cà Mau, lực lượng cách mạng đã làm chủ một số vùng nông thôn quan trọng. Dù cục diện lực lượng chưa thay đổi hẳn về phía ta nhưng với những kết quả đã đạt được trong năm 1971 cùng với thắng lợi của quân và dân các chiến trường khác đã mở ra một thế trận mới ở Tây Nam Bộ cho phép thực hiện nhiệm vụ phản công giành thắng lợi quyết định.

Bước sang năm 1972, cách mạng miền Nam đã đạt được những thắng lợi to lớn và quan trọng làm thay đổi của cục diện chiến trường, thế và lực của ta ngày càng mạnh, trong khi lực lượng đối phương ngày càng suy yếu. Căn cứ Nghị quyết HNTƯ 20 khóa III Về đẩy mạnh nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, ngày 12-3-1972, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 01/CT72, phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Chỉ thị nêu rõ: “Thời cơ đã chín muồi, nắm vững quyết tâm của Trung ương, khẩn trương phát động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xốc tới giành thắng lợi to lớn nhất”29.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam, phối hợp với đòn tiến công chiến lược trên chiến trường chính, Khu ủy Tây Nam Bộ và Bộ tư lệnh Quân khu 9 quyết định mở chiến dịch tổng hợp dài ngày mang tên “Chiến dịch Nguyễn Huệ II” với hai trọng điểm: Trọng điểm 1 ở Đông Nam Cần Thơ (Chương Thiện), trọng điểm 2 ở Vĩnh – Trà; khu vực ngoại vi có liên quan đến 2 trọng điểm chính gồm hệ thống các đồn, bót, yếu khu, chi khu ở Giồng Riềng (Rạch Giá), Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Long Mỹ (Cần Thơ). Các tỉnh đều chọn trọng điểm riêng của tỉnh và thành lập Ban Chỉ huy để thống nhất lực lượng, kết hợp ba mũi tiến công thành sức mạnh tổng hợp đánh địch.

Để đảm bảo thắng lợi, Khu ủy Tây Nam Bộ và Quân Khu ủy Khu 9 phân công cán bộ phụ trách chuẩn bị chiến trường và công tác hậu cần, xây dựng các phương án tác chiến; chỉ đạo các tỉnh phân công cán bộ xuống cơ sở giúp địa phương xây dựng kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy. Khu ủy đề ra mục tiêu phải càng đánh càng mạnh, giải phóng đến đâu xây dựng ngay chính quyền, các đoàn thể quần chúng ở các xã, ấp đến đó, bảo vệ thành quả giành được, tiến công liên tục. Đêm mùng 6 rạng ngày 7-4-1972, lực lượng vũ trang Tây Nam Bộ đồng loạt nổ súng tại các trọng điểm theo kế hoạch đã định. Ngày 13-4-1972, kết thúc đợt 1 của chiến dịch giành thắng lợi lớn, cách mạng ở Tây Nam Bộ đã chuyển sang thế chủ động tiến công.

Căn cứ vào diễn biến trên chiến trường chung của toàn Miền và những thắng lợi bước đầu của Khu, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 xác định phương án tiếp tục tiến công, mở mảng. Từ ngày 20-4 đến ngày 25-8-1972, Khu ủy Tây Nam Bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tiếp tục chỉ đạo mở thêm 5 đợt cao điểm. Sau 6 đợt cao điểm, quân và dân Tây Nam Bộ đã tiêu diệt, tiêu hao và làm tan rã gần 1 vạn quân đối phương; tiêu diệt 6 tiểu đoàn, 1 liên đội, 1 chi đoàn, 97 đại đội, giải tán và làm tan rã 20.000 phòng vệ dân sự; tiêu diệt 4 chi khu, 2 yếu khu, 6 căn cứ trung đoàn, tiểu đoàn; diệt, bức hàng, bức rút 916 đồn, bốt30, giải phóng hoàn toàn 665 ấp trong tổng 3.353 ấp của 417 xã, với 3.540.000 dân, có 9 xã hoàn toàn giải phóng. Kết thúc năm 1972, toàn Tây Nam Bộ giải phóng được 29 xã, 600 ấp với 500 nghìn dân, tăng thêm 20 xã, 100 ấp so với năm 197131. Cùng với thắng lợi ở các chiến trường, địa phương trên phạm vi toàn Miền, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ đã bị phá sản hoàn toàn.

Giai đoạn 1969-1972, từ thế bị đối phương chiếm gần hết đất, giành dân, Khu ủy Tây Nam Bộ có những quyết định sáng suốt, kịp thời, tạo bước ngoặt xoay chuyển tình thế, từng bước đưa cách mạng ra khỏi khó khăn và giành được những thắng lợi quan trọng về chiến lược. Sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Khu ủy Tây Nam Bộ trước hết đã bám sát và vận dụng đúng đắn đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, và sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam. Khu ủy đã kịp thời chỉ đạo chuyển trọng tâm chỉ đạo về khu vực nông thôn, lấy nông thôn làm điểm tựa; tận dụng mọi khả năng, điều kiện để khôi phục phát triển cơ sở ở đô thị. Đồng thời, với quyết tâm “sinh tử” luôn đảm bảo vai trò, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy đảng trên mọi mặt, lĩnh vực, phong trào cách mạng, trong mọi thời thời điểm, ở mọi địa bàn; kiên trì bám đất, bám dân, giành dân, giữ dân và dưỡng dân để củng cố và xây dựng lực lượng, xây dựng hậu phương tại chỗ, phát triển thực lực của cách mạng và từng bước giành lại thế chủ động, đẩy địch vào thế co cụm, bị động. Với sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Tây Nam Bộ, quân dân trên địa bàn đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân miền Nam và cả nước.

Thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Khu ủy Tây Nam Bộ đã để lại những kinh nghiệm quý về xây dựng Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, vai trò cấp ủy đảng; xây dựng phát triển tổ chức đảng trong các khu vực kinh tế, các địa bàn chiến lược; kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ và đặc biệt là bài học về công tác vận động quần chúng, bài học về “xây dựng thế trận lòng dân”, dựa vào dân, bồi dưỡng sức dân để huy động sức dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Những bài học, kinh nghiệm đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

1, 2, 5, 30. Bộ Tư lệnh Quân khu 9: Quân khu 9 – 30 năm kháng chiến (1945 – 1975), Nxb QĐND, H, 1996, tr. 256, 463-464, 469, 471

3. Bộ Tư lệnh Quân khu 9: Mật điện của 6 Nam gửi: Bộ + Miền; Anh Ba Long; Anh Mười Khang, đồng điện Bộ; Anh Tám Mạnh, Quân ủy Miền + Quân ủy Trung ương; Bộ + R; Bộ Chỉ huy Miền + Quân ủy Trung ương + Trung ương Cục + Trung ương; Trả lời điện của anh Ba hỏi về miền Đông, từ ngày 5-1-1970 đến ngày 18-9-1974, tài liệu lưu tại Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường Quân khu 9, ký hiệu: 154a/1970-QK9, Cần Thơ.

4, 13, 16. Khu ủy Tây Nam Bộ: “Báo cáo Số liệu cơ bản từ cuối năm 1967 đến năm 1972 của toàn Khu của Văn phòng Khu ủy”, tài liệu lưu tại Phòng Lý luận chính trị-Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ký hiệu: 33E/1972, Cần Thơ, tr. 1-3

6. Đảng ủy Quân khu 9: Lịch sử Đảng bộ quân khu 9 (1947-2007), Nxb QĐND, H, 2010, T. 1, tr. 416-417

7, 17, 31. Ban Chỉ đạo và Ban Biên tập truyền thống Tây Nam Bộ: Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến, Cần Thơ, 2000, tr. 615, 674, 194

8. Khu ủy Tây Nam Bộ: “Danh sách phân công KU.T3”, tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng, P42, ML 3, ĐVBQ 71

9, 22. Khu ủy Tây Nam Bộ: “Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Khu ủy”, tài liệu lưu tại Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, ký hiệu: 118a/1970-QK9, tr. 1-2, 39

10, 11. Khu ủy Tây Nam Bộ: Chỉ thị số 04/CT-T.71 của Thường vụ Khu ủy “về Tiếp tục quán triệt chỉ thị 01 nắm vững bước đi do Khu ủy đề ra, thực hiện tốt các Nghị quyết của Tỉnh ủy và các ngành đúng thời gian, tạo khả năng và điều kiện giành thắng lợi có ý nghĩa bước sau”, tài liệu lưu tại Phòng Lý luận chính trị-Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ký hiệu: 10E/1971, tr. 12, 14

12. Khu ủy Tây Nam Bộ: Đề án số 37/BTC-72 của Ban Tổ chức Khu ủy “về Công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 1972”, tài liệu lưu tại Phòng Lý luận chính trị-Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ký hiệu: 45E/1972, tr. 12-13

14. Khu ủy Tây Nam Bộ: “Đề án công tác xây dựng Đảng từ nay đến tháng 6-1971” của Ban Tổ chức Khu ủy (đã được TV-BA thông qua)”, tài liệu lưu tại Phòng Lý luận chính trị-Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ký hiệu: 8E/1971, tr. 2

15. Khu ủy Tây Nam Bộ: “Đảng văn số 520/TV.T.72 ngày 06-9-1972 của Thường vụ Khu ủy Gởi Tỉnh ủy, Thành ủy, Thị xã ủy và Ngành Khu về Tăng cường chỉ đạo công tác thành thị nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 07/71 và Nghị quyết 51/72 của Khu ủy”, tài liệu lưu tại Phòng Lý luận chính trị-Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ký hiệu: 47E/1972, tr. 9

18. Đảng ủy Quân khu 9: Lịch sử Đảng bộ Quân khu 9 (1947 – 2007, Nxb QĐND, H, 2010, T. 1, tr. 408-409

19. Khu ủy Tây Nam Bộ: Nghị quyết số 48/CT-T69 ngày 15-8-1969 của Thường vụ Khu ủy “về Công tác phá kềm phá bình định nông thôn”, Tài liệu lưu tại Phòng Lý luận chính trị-Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ký hiệu: 1E/1969, tr. 3-5

20. Khu ủy Tây Nam Bộ: “Nghị quyết Hội nghị (mở rộng) của Thường vụ Ti” (Ti mật danh của Thường vụ Khu ủy), tài liệu lưu tại Phòng Lý luận chính trị-Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ký hiệu: 4E/1969, tr. 11

21. Khu ủy Tây Nam Bộ: Chỉ thị số 040/CT-68 ngày 21-12-1969 của Thường vụ Ti “về Khẩn trương xây dựng tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của chánh quyền cách mạng các cấp theo kịp với sự phát triển của tình hình”, tài liệu lưu tại Phòng Lý luận chính trị-Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ký hiệu: 19E/1969, Cần Thơ, tr. 10

23. Bộ Tư lệnh Quân khu 9: Những trận đánh của lực lượng vũ trang đồng bằng sông Cửu Long, Nxb QĐND, H, 2003, T. 13, tr. 40

24, 27. Khu ủy Tây Nam Bộ: Thông báo số 26/VF-T.71 ngày 6-5-1971 của Văn phòng Khu ủy về Số liệu chung niên năm 1970 ở T3, tài liệu lưu tại Phòng Lý luận chính trị-Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ký hiệu: 1E/1970, tr. 3-6

25. Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử Biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục Miền Nam (1954-1975), H, 2008, Nxb CTQG, H, 2008, tr. 1088

26. Khu ủy Tây Nam Bộ: Chỉ thị số 26/CT.72 ngày 30-6-1972 của Thường vụ Khu ủy “về việc thi hành chính sách ruộng đất của Đảng ở miền Tây trong tình hình mới”, tài liệu lưu tại Phòng Lý luận chính trị-Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, ký hiệu: 3E/1972, tr. 6

28. Bộ Tổng tham mưu: Tổng kết chiến tranh nhân địa phương, Chuyên đề, “Kết hợp đấu tranh hai chân, ba mũi, giáp công trên cả ba vùng chiến lược trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ tại địa bàn Quân khu 9 (1954 – 1975)”, Nxb QĐND, H, 2001, tr. 205

29. Dẫn theo: Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Lịch sử Biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục Miền Nam (1954-1975), H, 2008, Nxb CTQG, H, 2008, tr. 1.120.

(Bài viết được đăng Tạp chí Lịch sử Đảng số tháng 4/2023)