“Khoảnh khắc đơn cực”
- Sự khác nhau giữa thời hạn đóng phí bảo hiểm và thời hạn hợp đồng
- Hướng dẫn cung đường cao tốc từ Hà Nội đi Quảng Ninh. Cập nhật phí cao tốc mới nhất năm 2023
- Nam sinh năm 1993 hợp tuổi gì để cưới vợ mua nhà?
- Mẹ có nên uống bia khi cho con bú?
- Bột mì có bao nhiêu calo? Ăn bột mì có béo không?
Trong thập niên cuối của thế kỷ XX, sau khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã, rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng, khủng hoảng niềm tin nặng nề. Mỹ và các nước phương Tây giành chiến thắng trong Chiến tranh lạnh, một “chiến thắng không cần chiến tranh”, “không cần thuốc súng”. Trong suốt thập niên đầu tiên sau khi Liên Xô không còn trên bản đồ thế giới, nước Nga – nước kế thừa Liên Xô trải qua một “thập niên bị đánh mất”, chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội toàn diện, tiến gần tới bờ vực của sự phá sản. Đây là thời cơ để Mỹ – siêu cường duy nhất với sức mạnh toàn diện, áp đảo về kinh tế, quân sự và chính trị, thiết lập trật tự thế giới đơn cực do Mỹ “lãnh đạo”, thay thế cho trật tự thế giới hai cực. Chính sách đối ngoại của Mỹ theo tư duy chiến lược mới được thể hiện trong các văn kiện, như “Hướng dẫn hoạch định quốc phòng (Defense Planning Guidance), sau đó được viết lại dưới tên gọi “Chiến lược quốc phòng cho những năm 1990” (Defense Strategy For the 1990’s) vào năm 1991; “Từ ngăn chặn đến lãnh đạo toàn cầu” (From Containment to Global Leadership) nhằm mục tiêu chiến lược là củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống kinh tế, chính trị toàn cầu, đồng thời sẵn sàng sử dụng vũ lực để ngăn chặn bất kỳ một hay một nhóm quốc gia nào toan tính cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ…
Bạn đang xem: Thế giới 25 năm sau Chiến tranh lạnh: Một số nét nổi bật – Tạp chí Cộng sản
Các căn cứ quân sự của Mỹ hiện diện dày đặc ở mọi châu lục, trừ Nam Cực, với số lượng khổng lồ. Theo Tạp chí The Diplomat, Mỹ hiện có khoảng 800 căn cứ quân sự trên khắp thế giới, còn theo tờ World Bulletin, con số này là 850. Nếu tính cả các căn cứ nằm trong lãnh thổ của mình thì Mỹ có khoảng 5.300 căn cứ. Lực lượng quân sự của Mỹ chỉ không có sự hiện diện tại 43 quốc gia trên thế giới.
Cùng với sức mạnh quân sự là sức mạnh kinh tế của Mỹ: chiếm 1/3 GDP toàn cầu; nắm hầu hết các công ty xuyên quốc gia lớn nhất thế giới; có vai trò chi phối đối với các tổ chức kinh tế tài chính – tiền tệ và thương mại quốc tế lớn nhất hành tinh; đồng USD được sử dụng như một công cụ trao đổi, thanh toán, dự trữ chủ yếu trên toàn thế giới; nắm giữ đa số các ngành công nghệ mũi nhọn, sở hữu phần lớn các phát minh sáng chế khoa học, bí quyết công nghệ cao… Bên cạnh đó là sức mạnh của Mỹ được thế giới thừa nhận trên các lĩnh vực, như giáo dục – đào tạo, truyền thông, công nghệ… “Xét về tổng thể các nguồn lực, rõ ràng Mỹ là một hiện tượng trong lịch sử các cường quốc thế giới, mà nhiều học giả xem đấy là một đế chế toàn cầu đầu tiên trong trường sử loài người”(1).
Lợi dụng thời cơ và ưu thế không còn đối trọng, “đơn phương” lãnh đạo thế giới, Mỹ triển khai “cuộc thập tự chinh” áp đặt “các giá trị Mỹ”, như “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “mô hình phát triển kiểu Mỹ”… ra khắp thế giới, nhằm biến quá trình toàn cầu hóa thành quá trình “Mỹ hóa toàn cầu”. Vì thế, mặc dù Khối Quân sự Vác-sa-va – khối đối trọng trong thời kỳ trật tự thế giới hai cực không còn, nhưng Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ chi phối vẫn tiếp tục mở rộng, từ 15 nước thành viên tăng lên 28 nước (trong đó có nhiều nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây, như Ba Lan, Séc, Hung-ga-ry,…), tiến mạnh về phía Đông, áp sát biên giới Nga. Trên phạm vi toàn cầu, Mỹ xác lập vị trí là người bảo đảm an ninh ở châu Âu, Trung Đông, Trung Á, Đông Bắc Á, Nam Mỹ; đơn phương thực hiện những biện pháp trừng phạt, can thiệp vào công việc nội bộ, trong đó bao gồm cả biện pháp quân sự đối với các quốc gia độc lập có chủ quyền núp dưới chiêu bài bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”,… (chiến tranh vùng Vịnh Péc-xích năm 1991, chiến tranh tại Nam Tư năm 1999, chiến tranh Áp-ga-ni-xtan năm 2001, chiến tranh I-rắc năm 2003, triển khai kế hoạch phòng thủ tên lửa quốc gia…).
Tuy nhiên, khoảng thời gian mà vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ không có đối thủ cạnh tranh, chiếm “ưu thế áp đảo đối với phần còn lại của thế giới”, kéo dài không lâu. Nhiều biến động lớn đã diễn ra trên thế giới và ngay chính tại nước Mỹ khiến người ta bắt đầu nói tới sự suy yếu tương đối của Mỹ cả về kinh tế, chính trị,… trên trường quốc tế trong vị thế siêu cường lãnh đạo toàn cầu. Nhà báo S. Krau-tham-mơ (Charles Krauthammer), nhà bình luận được đánh giá là có ảnh hưởng lớn nhất ở nước Mỹ, người đoạt giải Pulitzer năm 1987, đã đề cập tới cụm từ “khoảnh khắc đơn cực” và đưa ra dự báo rằng, trật tự thế giới đơn cực sẽ chấm dứt sau khoảng 15 – 20 năm bởi ba lý do. Thứ nhất, đây là xu thế chung tất yếu của lịch sử. Các nước trên thế giới sẽ phát triển nhanh chóng và sự trỗi dậy này là tất yếu, không thể ngăn chặn được, sẽ gia tăng ảnh hưởng ở khu vực và trên toàn cầu, đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ. Thứ hai, chính sách sai lầm của Mỹ tạo điều kiện cho các trung tâm sức mạnh khác trỗi dậy, song song với quá trình suy yếu của chính nước Mỹ. Thứ ba, hậu quả của quá trình toàn cầu hóa cũng tác động tiêu cực tới vị thế siêu cường của Mỹ.
Xu thế toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập quốc tế
Cùng với sự chấm dứt của trật tự thế giới hai cực, đa số các nước theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp từng bước chuyển sang việc thừa nhận và xây dựng nền kinh tế thị trường theo lộ trình, điều kiện cụ thể và định hướng phát triển của mỗi nước. Ở một mức độ nhất định, có thể nói kinh tế thị trường đã trở thành mẫu số chung trong lộ trình phát triển kinh tế của đa số các quốc gia trên thế giới. Và đó cũng được coi là chất xúc tác tạo xung lực mới thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế phát triển mạnh mẽ cả về tốc độ, quy mô, bề rộng và chiều sâu, trở thành xu thế khách quan, tất yếu. Xu thế hợp tác bên cạnh sự cạnh tranh giữa các nước, các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau được đẩy mạnh. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương, khu vực,… gia tăng với các thành viên tham gia rất đa dạng về mô hình, định hướng phát triển. Thành viên của các tổ chức kinh tế – tài chính quốc tế tăng lên nhanh chóng, các tổ chức khu vực có sự biển đổi trong cơ cấu thành viên, nhiều diễn đàn hợp tác khu vực, liên châu lục được hình thành,…
Xem thêm : Mất bao lâu để bệnh dại khởi phát trên chó, mèo?
Một trong những sự kiện nổi bật trong thập niên cuối của thế kỷ XX về mức độ liên kết và hội nhập sâu là sự ra đời của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1-11-1993 khi Hiệp ước Ma-xtrích (Maastricht) hay còn gọi là Hiệp ước Liên minh châu Âu (Treaty of European Union) bắt đầu có hiệu lực. Hiệp ước này được soạn thảo vào đúng năm Liên Xô sụp đổ – năm 1991, được ký vào năm 1992. Mức độ hội nhập sâu của EU thể hiện ở chỗ: Một là, cho đến nay, EU đã trải qua sáu đợt mở rộng, nâng số thành viên từ 6 quốc gia ban đầu lên 28 thành viên, trong đó lần mở rộng lớn nhất diễn ra vào năm 2004: kết nạp 10 thành viên mới. Mức độ liên kết của các thành viên trong EU ngày càng chặt chẽ trên các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, đó là EU hoạt động thông qua một hệ thống chính trị siêu quốc gia và liên chính phủ hỗn hợp gồm các thể chế chính trị, như Nghị viện châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu, Tòa án Kiểm toán châu Âu. Hai là, sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu – đồng ơ-rô, nhằm mục đích tạo sự lưu hành dễ dàng trong một châu Âu thống nhất và có giá trị ổn định. Năm 1999, đồng ơ-rô bắt đầu được sử dụng trên thị trường tài chính, ngày 1-1-2002, đồng ơ-rô dưới dạng tiền giấy và tiền xu chính thức được lưu hành ở 12 quốc gia, và gần 10 năm sau – giữa năm 2011, đồng ơ-rô được lưu hành tại 17 quốc gia và hiện nay là 19 quốc gia, tạo nên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ba là, sự tự do đi lại giữa các nước thông qua Hiệp ước Schengen. Ý tưởng này được bắt nguồn từ Hiệp định do 5 nước thuộc Cộng đồng châu Âu (EC) là Pháp, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua và Đức ký tại thị trấn Schengen (Lúc-xăm-bua) cho phép công dân các nước này tự do đi lại trong vùng lãnh thổ chung của 5 nước này. Ngày 27-11-1990, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua, Đức cùng với I-ta-li-a chính thức ký Hiệp ước Schengen, tiếp đó ký với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào ngày 25-6-1991. “Hiệp ước Schengen” bắt đầu có hiệu lực từ năm 1995. Sau đợt mở rộng vào năm 2001, khu vực Schengen có thêm 7 thành viên nữa là Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Ai-xơ-len, Hy Lạp, Na Uy và Thụy Điển. Sáu năm sau, ngày 21-12-2007, khu vực Schengen đón thêm 9 thành viên mới, trong đó ngoài Man-ta, các nước còn lại hoặc thuộc Liên Xô trước đây (E-xtô-ni-a, Lát-vi, Lít-va) hoặc thuộc khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu (Séc, Hung-ga-ry, Ba Lan, Xlô-va-ki-a và Xlô-ve-ni-a). Hiện nay, khu vực Schengen gồm 26 nước, trong đó có 22 nước thuộc EU và 4 nước ngoài EU (Na Uy, Thụy Sĩ, Ai-xơ-len và Lích-ten-xtanh). Như vậy, biên giới của khu vực Schengen được mở rộng kéo từ phía bắc là Et-xtô-ni-a đến phía nam là Bồ Đào Nha, trải rộng sang phía đông là Hung-ga-ry và tiến sát tới các nước U-crai-na, Bê-la-rút và Nga. Có thể nói, khu vực Schengen là niềm tự hào của châu Âu, thể hiện sự tin tưởng và gắn kết rất cao giữa các thành viên trong Khối, trở thành một trụ cột trong sự phát triển của châu lục, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế phát triển mạnh mẽ. EU nổi lên như một trung tâm kinh tế có sức cạnh tranh rất cao, có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, là hình mẫu để nhiều cộng đồng các quốc gia khác ở các khu vực khác nhau trên thế giới tham khảo, thắp lên niềm hy vọng về sự phát triển của nhân loại trên con đường tiến tới một “thế giới phẳng” trên thực tế – không còn biên giới địa lý ngăn trở sự đi lại giữa các quốc gia.
Hướng tới một trật tự thế giới mới
Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến những chấn động lớn được đánh giá là có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hình thành một trật tự thế giới mới, trong đó có những sự kiện diễn ra ngay tại nước Mỹ.
Thứ nhất, vụ khủng bố tấn công Trung tâm Thương mại tại Mỹ vào ngày 11-9-2001. Kể từ thời nội chiến, đó là lần đầu tiên nước Mỹ bị tấn công, phải chịu cảnh chiến tranh. Tổng thống Mỹ khi đó, ông G.W.Bu-sơ, tuyên bố nước Mỹ sẽ triển khai chiến dịch toàn cầu chống khủng bố, kêu gọi quân đội Mỹ “sẵn sàng chiến đấu” và sẽ tấn công bất kỳ quốc gia nào chứa chấp trùm khủng bố. I-rắc là quốc gia đầu tiên mà chiến dịch này nhắm tới do bị cho là “sở hữu vũ khí giết người hàng loạt” và “có liên quan đến mạng lưới khủng bố An Kê-đa”. Thế nhưng, thực tế không diễn ra như điều siêu cường này sắp đặt. Bị sa lầy ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, Mỹ không những không giành được chiến thắng trong “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” mà khủng bố đang có xu hướng lan rộng, đe dọa an ninh quốc gia của cả Mỹ và thế giới. Năm 2011, mặc dù trùm khủng bố Bin La-đen bị tiêu diệt, tinh thần của tổ chức khủng bố khét tiếng An Kê-đa và các phong trào vũ trang Hồi giáo cực đoan bị giáng một đòn nặng nề, nhưng một nhánh của An Kê-đa, một biến thể sinh ra từ tổ chức này – cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra đời vào tháng 6-2014 còn cực đoan hơn, nguy hiểm hơn, tinh vi hơn, có tổ chức hơn, trở thành một dạng khủng bố kiểu mới, chưa từng có tiền lệ. Nhiều lực lượng khủng bố nhỏ hơn, nhưng không kém phần tàn bạo đã liên kết với An Kê-đa và IS kết thành mạng lưới khủng bố lớn nhất thế giới. Với sự xuất hiện của IS, “khủng bố hiện nay mang diện mạo một quốc gia (dù không được ai công nhận), có lãnh thổ, có dân cư, có tổ chức chính quyền” và có các nguồn thu lớn từ bán dầu mỏ, quyên góp, bắt cóc tống tiền, bán đồ cổ… Các vụ khủng bố đánh bom liều chết đã vượt ra khỏi Trung Đông, lan rộng khắp các châu lục. Mỹ, nhiều nước châu Á, châu Âu (đặc biệt là Pháp) liên tiếp hứng chịu các cuộc khủng bố khiến nhiều dân thường bị thiệt mạng. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, tính từ năm 2001 đến 2015, trên thế giới đã xảy ra trên 5.770 vụ khủng bố ở các quy mô khác nhau. Điều đáng nói nữa là, IS lại sinh sôi tại chính quốc gia Trung Đông, nơi Mỹ lựa chọn là tuyến đầu để tấn công, tiêu diệt khủng bố.
Điểm lại những “vùng nóng” trên thế giới có sự can thiệp của Mỹ và cách tiếp cận của Mỹ đối với thế giới sau Chiến tranh lạnh, nhiều chuyên gia nghiên cứu ở Mỹ đánh giá Mỹ đã phạm sai lầm căn bản là lấy sức mạnh để áp đặt ý chí của mình với các nước khác, và đó là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ trật tự thế giới đơn cực do Mỹ “lãnh đạo” trong thập niên đầu thế kỷ XXI.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát tại Mỹ vào năm 2008, sau đó nhanh chóng tác động tới các nước công nghiệp phát triển rồi lan rộng ra toàn cầu khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm mạnh, nhiều nước phát triển trải qua mức tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng. Nếu như vào đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, người Mỹ tin rằng, Mỹ ở đỉnh cao của sự phát triển kinh tế và thịnh vượng, không một quốc gia nào khác trên thế giới, ngoài Mỹ, biết nên làm gì và làm như thế nào, thì đến nay niềm tin đó đã bị lung lay. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khi bước sang thế kỷ XXI, nước Mỹ chiếm 32% GDP của thế giới thì đến cuối thập niên đầu của thế kỷ này, con số đó chỉ còn 24%; thu nhập trung bình của mỗi hộ dân Mỹ năm 2000 là 52.500 USD, đến năm 2008 giảm xuống mức 50.303 USD; năm 2000, có 11,3% số dân Mỹ sống dưới mức đói nghèo, đến năm 2008, tỷ lệ đó tăng lên 13,2%; thu nhập trung bình của các gia đình Mỹ thấp hơn mức năm 1999; có tới 45% số người mua nhà trả góp đã không còn đủ khả năng trả nợ ngân hàng. Đầu thế kỷ XXI, ngân sách của Mỹ không bị thâm hụt, sau 10 năm, thâm hụt ngân sách chiếm 10% GDP; “đội quân” thất nghiệp chiếm tới 10% lực lượng lao động, thêm vào đó là 7% lực lượng lao động không có đủ việc để làm trọn ngày công lao động, hoặc phải bỏ việc để đi tìm việc khác; Tờ Thời báo Niu Oóc (The New York Times) đăng bài viết của Giáo sư P. Crúc-man (Paul Krugman), người đạt giải Nô-ben về kinh tế năm 2008, trong đó nhận định “nhưng điều ấn tượng nhất trong thập niên qua lại chính là nước Mỹ không muốn rút ra bài học từ chính những sai lầm của họ”.
Liên minh châu Âu cũng trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến kinh tế suy thoái. Nhiều quốc gia EU, trong đó nặng nề nhất là Hy Lạp, cho đến nay vẫn đối mặt với tăng trưởng thấp, tăng trưởng không ổn định, khủng hoảng nợ công, thất nghiệp, bất ổn xã hội. Vấn đề nợ công và xử lý nợ công của các thành viên đã khiến EU bị rạn nứt. Trong khó khăn, những bất đồng, mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện. Thí dụ cụ thể nhất là trường hợp Hy Lạp. Nợ công của nước này và vấn đề xử lý nợ công đã từng đặt châu Âu trước hai lựa chọn, hoặc cố giữ Hy Lạp ở lại trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu, hoặc để Hy Lạp rời khỏi EU (Grexit). Và cuối cùng, sau rất nhiều tranh cãi, thuyết phục, các nhà lãnh đạo của EU đã nỗ lực giữ Hy Lạp ở lại nhằm bảo vệ sự toàn vẹn của Khối, hình ảnh của EU, đồng thời ngăn hiện tượng đô-mi-nô có thể xảy ra nếu Hy Lạp chia tay Khu vực đồng tiền chung. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã đến với EU là kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh (tháng 6-2016) đã nghiêng về việc Anh rời khỏi EU (Brexit). Sự kiện này tác động rất mạnh tới EU, tới niềm tin của người dân, sự gắn kết và hình ảnh của Khối.
Thứ ba, sự nổi lên của các nước lớn đang phát triển, thế giới “hướng về phía Đông” với sự phát triển năng động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là sự trỗi dậy ngoạn mục của Trung Quốc. Sau ba thập niên tăng trưởng ấn tượng, quy mô nền kinh tế của nước này đã vượt Đức, Pháp, Anh và đến năm 2010 vượt Nhật Bản, chiếm vị trí thứ hai thế giới. Nếu như đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, GDP của Mỹ vượt GDP của Trung Quốc hơn 8 lần, thì đến cuối thập niên đó, con số này chỉ còn 4 lần. Các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước lớn có nền kinh tế mới nổi đã duy trì được đà tăng trưởng khá cao của mình ngay cả trong giai đoạn thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế, trở thành trụ đỡ để ngăn tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới không giảm quá sâu. Những biến động trên bản đồ kinh tế thế giới khiến Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 (gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, I-ta-li-a, Ca-na-đa) tỏ ra không đủ sức giải quyết các vấn đề của nền kinh tế thế giới, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới – G20 (gồm G7, EU, Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Mê-hi-cô, Nga, A-rập Xê-út, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ) được đánh giá là trung tâm điều phối các nỗ lực quốc tế nhằm tạo ra sự phục hồi bền vững. Thế giới sau thập niên đầu của thế kỷ XXI đang chứng kiến quá trình hình thành trật tự kinh tế mới, trong đó tiếng nói của nhiều nền kinh tế lớn mới nổi ngày càng có trọng lượng hơn trong các vấn đề quốc tế.
Xem thêm : Cà gai leo có tác dụng gì? Uống nhiều cà gai leo có tốt không?
Nước Nga bắt đầu có diện mạo mới vào cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI. Hệ thống chính trị được củng cố, nền kinh tế Nga được vực dậy, uy thế quân sự phục hồi. Nước Nga đã phục hưng tiềm lực quân sự ở mức đủ răn đe các nguy cơ đối với nền an ninh của Nga, bảo đảm ổn định chiến lược và toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Cuộc chiến tranh kéo dài 5 ngày đầu tháng 8-2008 tại Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a giữa một bên là Gru-di-a được Mỹ và NATO hậu thuẫn và bên kia là Nga đưa tới kết cục nghiêng về phía Nga, được dư luận quốc tế đánh giá là đặt dấu chấm hết cho “trật tự thế giới đơn cực” do Mỹ “lãnh đạo”. R. Ki-gân (Robert Keagan), đại biểu của phái bảo thủ trong Đảng Cộng hoà Mỹ cho rằng, đây là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới không kém gì sự kiện dỡ bỏ bức tường Béc-lin ngày 9-11-1989.
Bên cạnh Trung Quốc, Nga, thế giới còn chứng kiến sự nổi lên đầy ấn tượng của Ấn Độ, được mệnh danh là “quốc gia có thị trường bán lẻ lớn nhất hành tinh”; “cái nôi của cuộc cách mạng xanh”; “siêu cường quốc phần mềm” của thế giới… GDP của Ấn Độ liên tục tăng trưởng trung bình 6%/năm. Dự báo, nếu tiếp tục duy trì nhịp độ đó, đến năm 2025, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.
Thứ tư, xung đột, bạo loạn có xu hướng lan rộng gây bất ổn, chia rẽ. “Mùa xuân A-rập” bắt đầu từ Tuy-ni-di tràn qua một số quốc gia và để lại hậu quả nặng nề. Chẳng hạn, tại Li-bi với sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây, Tổng thống M. Ca-đa-phi của nước này đã bị lật đổ, đất nước Bắc Phi này rơi vào đổ nát, trở thành nơi đặt căn cứ huấn luyện của nhiều tổ chức khủng bố và đầu mối vận chuyển người vượt biển trái phép sang châu Âu. Xung đột kéo dài và ngày càng phức tạp, đẫm máu ở Xy-ri bắt đầu từ phong trào của lực lượng chống đối Chính phủ được Mỹ ủng hộ, đòi lật đổ chế độ của Tổng thống B. An Át-xát, đẩy đất nước vốn phát triển nhất ở Trung Đông vào cuộc xung đột đẫm máu kéo dài chưa có hồi kết…
Chiến tranh, xung đột, nghèo đói… đã tạo nên làn sóng di cư lớn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tràn vào châu Âu, các nước EU. Chưa thoát khỏi những vấn đề kinh tế – xã hội nặng nề do tác động cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ công của một số thành viên, EU lại phải gồng lên không chỉ để chống chọi với làn sóng người nhập cư trái phép mà còn để vượt qua những mâu thuẫn chia rẽ về quan điểm giữa các nước thành viên trong việc đối phó với dòng người tị nạn này. Hiệp ước Schengen đứng trước nguy cơ phá sản bởi nhiều nước dựng lên các hàng rào, kiểm soát biên giới, ngăn dòng người tị nạn vào nước mình cũng như để nâng cao hiệu quả các biện pháp chống khủng bố.
Như vậy, trong 25 năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đã diễn ra những biến chuyển lớn tác động rất mạnh mẽ tới chiều hướng phát triển trên thế giới. Sự suy giảm vị thế tương đối về kinh tế, chính trị và quân sự của Mỹ cùng sự cạnh tranh quyết liệt, tập hợp lực lượng, phân ngôi giữa các cường quốc, cho thấy thế giới có thể sẽ tiếp tục chứng kiến những thay đổi lớn diễn ra trong nhiều lĩnh vực chính trị – quân sự và kinh tế – xã hội trên quy mô toàn cầu. Nếu như thập niên cuối của thế kỷ XX là thập niên huy hoàng của Mỹ và là “thập niên bị đánh mất” của Nga, thì thập niên đầu thế kỷ XXI được nhiều nhà phân tích phương Tây gọi là “một thập niên đánh mất của Mỹ”, còn Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ với quyết tâm lấy lại vị thế quốc tế đã mất của mình.
Trong bài phát biểu nổi tiếng của mình tại Diễn đàn an ninh quốc tế ở Mu-ních (Đức) năm 2007, Tổng thống Nga V. Pu-tin tuyên bố, Mát-xcơ-va không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo và nước Nga sẽ đi đầu cùng với các quốc gia khác xây dựng một trật tự thế giới mới, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, đều được tôn trọng và được lắng nghe như nhau.
Nhiều chuyên gia dự báo rằng, câu trả lời về sơ đồ của một trật tự thế giới mới sẽ tiếp tục là đơn cực, hay đa cực, đa tầng hay vô cực trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh phân ngôi thứ và hội nhập quốc tế hiện nay có thể sẽ rõ hơn vào cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI./.-
(1) Nguyễn Viết Thảo: Trật tự thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, http://tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=3688&print=true
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp