Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), chính quyền cách mạng mới được thành lập đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Cùng một lúc cách mạng nước ta phải đương đầu với nhiều kẻ thù, nhiều đội quân xâm lược có tiềm lực mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Tuy mỗi kẻ thù toan tính một kế hoạch riêng nhưng chúng đều thống nhất một mục tiêu là tiêu diệt quân đội và chính quyền cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tư tưởng khởi nghĩa vũ trang toàn dân đã được Hồ Chí Minh phát triển thành tư tưởng CTND. Có thể hiểu khái niệm CTND theo tư tưởng Hồ Chí Minh theo hai góc độ: Đây là cuộc chiến tranh được tiến hành bởi toàn thể nhân dân và là cuộc chiến tranh nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân, mang lại cho nhân dân độc lập, tự do, hạnh phúc, thống nhất, hòa bình… Theo Hồ Chí Minh, CTND ở một nước vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa nửa phong kiến với nền kinh tế kém phát triển, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của các nước tư bản phát triển phải thực hiện theo phương châm: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”.

Toàn dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, giới tính… Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nên phải dựa chắc vào dân, coi dân là gốc, là cội nguồn của sức mạnh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, phải động viên toàn dân và vũ trang toàn dân. Vì thế, “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”; thực hiện đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, phương tiện với tinh thần “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác Hồ kêu gọi: “31 triệu đồng bào ta ở cả hai miền… phải là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ”.

Dân quân xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) huấn luyện bắn súng. Ảnh: DƯƠNG HÀ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn đánh thắng những kẻ địch hung bạo, mạnh hơn ta gấp bội về kinh tế, quân sự, khoa học và công nghệ, chúng ta phải tiến hành chiến tranh toàn diện, trong đó mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ đều phải trở thành chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, lấy đấu tranh quân sự là chủ yếu, là trực tiếp quyết định. Trong cuộc chiến tranh toàn diện, các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hóa… không bao giờ tách rời nhau mà luôn tác động, hỗ trợ lẫn nhau.

Nắm vững quy luật của chiến tranh cách mạng và kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kháng chiến phải trường kỳ, vì đất ta hẹp, dân ta ít, nước ta nghèo, ta phải chuẩn bị lâu dài”. Đánh lâu dài là do tương quan so sánh lực lượng ban đầu giữa ta và địch, địch dựa vào thế mạnh về quân sự, kinh tế để thực hiện đánh nhanh, thắng nhanh; ta phải trường kỳ kháng chiến để tránh thế mạnh ban đầu của địch và có thời gian chuyển hóa lực lượng từ yếu thành mạnh để thắng địch.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng nói chung và chỉ đạo chiến tranh nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm chắc tình hình để phân tích cục diện trong nước và trên thế giới, đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch trong từng giai đoạn của cách mạng và chiến tranh, từ đó đề ra chiến lược, sách lược đúng đắn để chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ, tranh thủ thời cơ giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương trường kỳ kháng chiến, vừa chiến đấu vừa phát triển lực lượng, tích lũy kinh nghiệm để đủ sức đánh bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của địch. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta một lần nữa lại đề ra chiến lược đánh lâu dài với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Trong các cuộc kháng chiến, Hồ Chí Minh luôn chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, đó là: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đây là hình thức tổ chức sáng tạo, thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, phù hợp với nghệ thuật quân sự và cách đánh của CTND Việt Nam, nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân tộc cho chiến tranh.

Bộ đội chủ lực là lực lượng giữ vị trí chiến lược quan trọng trong đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, là lực lượng cơ động đánh địch trên chiến trường cả nước, “lo đánh những trận to để tiêu diệt chủ lực của địch. Phải giúp đỡ tổ chức và huấn luyện bộ đội địa phương và dân quân du kích”. Bộ đội địa phương là một bộ phận của quân đội thường trực, lực lượng nòng cốt trong đấu tranh vũ trang và CTND ở địa phương; cùng với bộ đội chủ lực và dân quân, tự vệ tiêu diệt, tiêu hao lực lượng địch, bảo vệ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương. Dân quân du kích, tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng rộng khắp, tham gia đánh địch tại chỗ, bảo vệ xóm làng, đường phố, góp phần tiêu hao lực lượng địch, giam chân, phân tán, chia cắt địch, làm cho chúng mệt mỏi, đui mù, đói khát và suy yếu.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quan trọng của hậu phương chiến tranh-nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của hậu phương trong CTND ở Việt Nam. Hậu phương là nơi đứng chân của lực lượng cách mạng trong buổi đầu, nơi giữ gìn và phát triển lực lượng, nơi cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh, nơi xây dựng và phát triển chế độ mới, là cơ sở chính trị vững chắc trong chiến tranh. Trong xây dựng hậu phương chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu xây dựng toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa… trong đó, Người đặc biệt coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Xây dựng hậu phương gắn liền với xây dựng chế độ mới, làm cho nhân dân thấy rõ tính ưu việt của chế độ mới, qua đó càng khơi dậy lòng nhiệt tình cách mạng, ý thức tự giác và niềm tin tuyệt đối của nhân dân với Đảng, với cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tự lực cánh sinh, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, giữ vững chủ động trong chiến tranh. Tự lực cánh sinh là dựa vào sức mình là chính, cả sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn thể dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Trong quan hệ quốc tế, sự giúp đỡ của nước khác thường kèm theo điều kiện nhất định, nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến sự phụ thuộc. Tuy nhiên, tự lực cánh sinh theo Hồ Chí Minh không đồng nghĩa với tự cô lập mình mà vẫn tìm mọi sự giúp đỡ, hợp tác với nước khác trên tinh thần độc lập, tự chủ.

Những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về CTND là cơ sở, nền tảng hình thành đường lối, nghệ thuật quân sự của Đảng-một trong những nhân tố quyết định thắng lợi quân sự to lớn của cách mạng Việt Nam. Trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước cùng những phát triển mới của hình thái chiến tranh tương lai, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về CTND, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá VŨ HỒNG KHANH