Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Video chiến tranh the giới thứ nhất (1914 đến 1918)

Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất là cuộc chiến tranh có chiến trường chính bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng ra toàn thế giới, lôi kéo tất cả các cường quốc châu Âu và Bắc Mỹ vào vòng chiến, sự tàn phá và ảnh hưởng của nó về vật chất tinh thần cho nhân loại rất sâu sắc và lâu dài.

Nguyên nhân của đại chiến khi đầu thế kỷ XX chủ nghĩa tư bản đã phát triển tới giai đoạn mới – giai đoạn Đế quốc chủ nghĩa, vì quy luật phát triển không đều giữa các nước đã tác động mạnh mẽ vào mặt đời sống xã hội và những bước phát triển của các nước cần phải có thị trường, trong khi những nước đi trước đã có một số lớn thuộc địa nhưng vẫn muốn chiếm thêm thị trường. Sự tranh giành thị trường và thuộc địa giữa các nước đế quốc tất yếu dẫn đến gây chiến tranh với nhau để chia lại đất đai trên thế giới. Đế quốc Đức là hung hăng nhất vì Đức có tiềm lực kinh tế và quân sự nhưng lại có ít thuộc địa.

Mục đích của cuộc “Đại chiến” này là nhằm phân chia lại thị trường và thuộc địa của các nước đế quốc, ngoài ra còn có âm mưu khác là do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1900 ở châu Âu và cuộc cách mạng năm 1905 ở Nga làm cho những mâu thuẫn xã hội trong các nước tư bản trở lên gay gắt, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng phát triển. Các nước đế quốc tư bản gây ra chiến tranh nhằm đánh lạc hướng chú ý của công nhân đối với các vấn đề chính trị và xã hội trong nước, tuyên truyền chủ nghĩa sô-vanh để ngăn cản sự phát triển của phong trào cách mạng; đàn áp giai cấp vô sản; chia rẽ phong trào công nhân thế giới và phong trào giải phóng dân tộc. Tính chất cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa mang tính chất phi nghĩa, phản động.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand (1863-1914) bị ám sát tại Sarajevo, Bosnia ngày 28/6/1914. Vụ ám sát này được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nổ ra cuộc Đại chiến thế giới lần thứ Nhất.

Thời gian này châu Âu bị phân chia thành hai tập đoàn đế quốc, một bên là các nước Hiệp Ước gồm nước Anh, Pháp, Nga sau thêm Nhật, Ý và một bên là phe Liên Minh gồm nước Đức, Áo – Hung, sau thêm Thổ Nhĩ Kỳ, Bun ga ri. Các cuộc khủng hoảng về vấn đề Marốc ở Bắc Phi (1905-1906, 1911) và chiến tranh ở Ban Căng (1912-1913) là những tiếng súng báo hiệu khả năng nổ ra chiến tranh thế giới đang đến gần và khó tránh khỏi. Năm 1914 sự chuẩn bị chiến tranh của hai phe đế quốc chủ nghĩa trên cơ bản đã xong.

Ngày 28 tháng 6 năm 1914 chính phủ Áo – Hung tổ chức một cuộc tập trận ở Bôxnia. Thái tử Áo là Phơranxơ Phécđinan khi đến thủ đô Xaragiêvô để tham quan cuộc tập trận thì bị những người thuộc tổ chức “Bàn tay đen” ám sát. Đó là một tổ chức yêu nước Sécbi chống ách thống trị của đế quốc Áo – Hung. Vụ ám sát này khiến đế quốc Đức có được cái cớ mà họ mong mỏi từ lâu. Đức lợi dụng ngay cớ đó đòi Áo phải lập tức tuyên chiến với Sécbi. Đức và Nga cùng một lúc đều động viên để viện trợ lực lượng đồng minh của mình, Đức viện trợ Áo – Hung. Nga giúp đỡ Sécbi.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chiến hào mặt trận phía Tây, nơi xảy ra cuộc chiến giữa Đức và Pháp.

Ngày 1 tháng 8 năm 1914 Đức tuyên chiến với Nga. Ngày 3 tháng 8 năm 1914 Đức tuyên chiến với Pháp. Đức phải chiến đấu trên hai mặt trận.

Kế hoạch tác chiến của Đức do tổng tham mưu trưởng Sơliphen đặt ra sẽ đánh bại Pháp chớp nhoáng trong vòng nửa tháng rồi sẽ điều chỉnh chủ lực sang mặt trận Nga. Ngày 4 tháng 8 năm 1914 Anh đã tuyên chiến với Đức còn Nga thì hoàn thành việc động viên một cách nhanh chóng. Khi quân chủ lực của Đức xâm nhập vào Pháp thì bị quân Nga tấn công để ủng hộ đồng minh của mình là Pháp. Trận kịch chiến trên sông Mácnơ, quân Đức đã thất bại vì một bộ phận chủ lực phải điều sang phía đông nên Pari được cứu thoát. Tình hình chung trong mấy tháng đầu làm cho kế hoạch Sơliphen của Đức bị phá sản, kế hoạch chiến thắng chớp nhoáng trở thành lâu dài, Đức buộc phải chiến đấu cầm cự ở cả hai mặt trận, các nước đồng minh của Đức tỏ ra yếu đuối.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Quân Đức tiến vào nước Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914-1918)

Chiến tranh đã lan tràn ra khắp thế giới, tháng 5-1915 Ý ra nhập phe các nước Hiệp ước, tháng 10-1915 Bungari ra nhập phe Đức. Nhật Bản thực tế chưa tham chiến nhưng nhân cơ hội cướp lấy thuộc địa của Đức ở Trung Quốc và Thái Bình Dương. Tại châu Phi, Anh và Pháp tiến hành lấy các thuộc địa của Đức chiến sự cũng diễn ra trên mặt biển và Đại Tây Dương. Chiến tranh càng ngày càng lôi cuốn nhiều nước vào vòng chiến đã biến thành cuộc chiến tranh có quy mô thế giới. Giữa năm 1915 bên phe Hiệp Ước có thêm Ý những chẳng giúp gì được mấy, bên phe Liên Minh được thêm Bungarri tham chiến là một thắng lợi quan trọng về ngoại giao và quân sự. Tuy phe Liên Minh đã thắng nhưng không đạt được kết quả hoàn toàn vì không đè bẹp nổi Nga và Đức vẫn không dốc được toàn lực sang phía Tây đánh Pháp như dự tính.

Trong năm 1915-1916 chiến tranh cũng diến ra trên mặt biển, hạm đội Anh và hạm đội Đức đánh nhau quy mô lớn ở gần bờ biển Giutlan và sau này tàu chiến của Đức không dám ra khỏi hải cảng của mình. Cuối năm 1916 Đức bị thiệt hại lớn, Áo cũng bị thiệt hại nặng trước sự tấn công của Nga. Nên cả Đức và Áo từ thế chủ động chuyển sang phòng ngự ở cả hai mặt trận phía Đông và phía Tây. Lúc đó, khả năng quốc phòng của Anh và Pháp càng được tăng cường, ở mặt trận phía đông Anh và Pháp đã lôi kéo được Rumani, Hy lạp. Vậy phe Hiệp Ước đã thắng lợi về mặt ngoại giao. Nhìn chung trong 2 năm 1915 – 1916 cả hai phe đều không đạt được mục đích, nhưng ưu thế nghiêng dần về phe Hiệp Ước.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Phút giải lao của binh sĩ Anh trong chiến hào- chiến trường sông Somme năm 1916.

Mùa xân năm 1917 phe Hiệp Ước định mở một cuộc tấn công vào tất cả các mặt trận châu Âu để đánh bại Đức. Nga không tham gia vì ở trong nước đang bùng nổ cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga (tháng 2 năm 1917). Trong năm 1917 lợi thế nghiêng sang phía phe Hiệp Ước. vòng vây trên biển của hải quân Hoàng gia Anh đã xiết chặt kinh tế Đức. Liên quân Anh, Pháp liên tục mở các cuộc tấn công lớn trên tất cả các mặt trận.

Tàu hàng của Anh trúng ngư lôi của tàu ngầm Đức đang chìm chỉ còn lại phần mũi trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất.

Tháng 2 năm 1917 Đức tiến hành một cuộc chiến tranh tàu ngầm quyết liệt và đó là niềm hi vọng để Đức chiến thắng phe Hiệp Ước. Đức tuyên bố sẽ buộc Anh đầu hàng trong vòng 6 tháng. Chiến tranh tàu ngầm của Đức làm cho phe Hiệp Ước nguy khốn vì bị phong tỏa, cắt đứt đường tiếp tế lương thực nhất là đối với Anh đồng thời cũng làm cho thương nghiệp Mỹ bị đình đốn. Việc phát động chiến tranh tàu ngầm đã tạo cho chính phủ Mỹ lấy cớ để cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức. Tháng 4 năm 1917 Mỹ chính thức tuyên chiến với Đức.

Cuộc chiến kéo dài đã làm cho cả hai bên tham chiến đều kiệt quệ và mệt mỏi. Tháng 10 năm 1917 Cách mạng tháng Mười Nga thành công, giai cấp vô sản Nga lật đổ giai cấp tư sản, thành lập chính quyền Xô Viết do Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo, lịch sử nước Nga bước sang trang mới. Cuộc cách mạng tháng Mười Nga có tác động trực tiếp đến diễn biến của chiến tranh và ảnh hưởng sâu rộng đối với lịch sử thế giới. Nước Nga tuyên bố rút ra khỏi chiến tranh. Ngày 8 tháng 11 năm 1917, Lê-nin đọc sắc lệnh hòa bình kêu gọi các chính phủ tham chiến mở ngay cuộc thương lượng tiến tới ký kết một hòa ước dân chủ và công bằng, không cắt đất và không bồi thường chiến phí, nhưng phe Hiệp Ước đã từ chối vì cho rằng chính quyền Xô Viết không đứng vững được. Ngày 3 tháng 3 năm 1918 Nga phải ký hòa ước Bret Litôpxcơ vì nước Nga muốn có thời gian để chuẩn bị điều kiện đầy đủ để đánh quân Đức ra khỏi nước Nga. Ngày 15 tháng 7 Đức mở cuộc tấn công ở phía Tây nhưng bị thất bại. Phe Hiệp Ước được Mỹ tiếp viện nên đã đánh bại quân Đức.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Rất đông các nhà ngoại giao tụ tập ở Phòng Kính trong cung điện Versailles (Pháp), nơi diễn ra Hội nghị hòa bình kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, năm 1919.

Trong nước Đức, cách mạng bùng nổ, ngày 9 tháng 11 năm 1918 cách mạng tháng lợi ở Berlin thành lập nên cộng hòa tư sản. Theo sau sự thất bại của Đức, các nước đồng minh thua nặng phải lần lượt đầu hàng. Ngày 1 tháng 11 năm 1918, Đức ký hiệp ước đình chiến với phe Hiệp Ước, chính phủ Xô Viết tuyên bố hủy bỏ hòa ước Bret Ltôpxcơ, không trả tiền bồi thường chiến tranh và giải phóng một vùng đất đai rộng lớn. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc bằng sự thất bại của chủ nghĩa đế quốc Đức, Cách mạng xã hội chủ nghĩa đã thắng lợi ở nước Nga, cao trào cách mạng vô sản phát triển, các dân tộc thuộc địa thức tỉnh vùng lên đấu tranh giành độc lập, tư do cho đất nước mình.

Huệ-Chính (Tổng hợp)