Chồng đánh vợ có bị đi tù không, bị đi tù bao nhiêu năm?

1. Đánh vợ có vi phạm pháp luật không?

– Đánh vợ là hành vi bạo lực, mà ở đó, người chồng tác động vật lý lên cơ thể người vợ: Tát, đấm, đá,…khiến người vợ bị tổn thương cả về thể chất và tâm hồn.

– Hiện nay, hành vi bạo lực diễn ra hết sức phổ biến. Nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình là người phụ nữ. Các ông chồng đánh vợ thường xuất phát từ những nguyên nhân sau:

+ Những người chồng bạo lực vợ thường mang tư tưởng gia trưởng, bản tính vũ phu. Họ xem nhẹ việc bạo lực vợ, luôn cho bản thân cái quyền đánh vợ khi vợ làm sai ý muốn chủ quan của bản thân họ.

+ Phụ nữ – chủ thể bị bạo lực, thường là những người bị yếu thế về thể lực. Họ không có sức phản kháng lại khi bị đánh. Thậm chí, vì danh dự, họ không dám lên tiếng về việc bị bạo hành. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến họ bị chồng đánh.

+ Sự thiếu hiểu biết về pháp luật cả ở chồng và ở vợ.

+ Cuộc sống áp lực, dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng ngày càng lớn. Điều này dẫn đến sự ức chế trong cảm xúc, nó đẩy đến hành động đánh vợ của người chồng.

– Hành vi đánh vợ được coi là hành vi bạo lực gia đình căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007:

“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.”

2. Đánh vợ sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Đánh vợ được xem là một trong những hành vi bạo lực gia đình. Ở một số tình huống cụ thể, đánh vợ cũng được xem là hành vi hành hung, cố ý gây ra thương tích. Trường hợp này, đánh vợ hoàn toàn vi phạm pháp luật và người chồng có hành vi bạo hành vợ hoàn toàn bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ, hành vi đánh vợ có thể bị xử phạt với mức khác nhau.

– Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định cụ thể như sau:

“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khoẻ thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”.

Theo quy định tại điều luật này, khi đánh vợ – xâm hại sức khỏe thành viên gia đình, người chồng có thể bị xử phạt hành chính tùy vào mức độ. Nếu hành vi “đánh” đó gây thương tích cho người vợ, thì chồng có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 1 là từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Nếu sử dụng các phương tiện mang tính sát thương nhằm gây thương tích cho vợ, hoặc thấy vợ bị thương tích nặng mà không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị thì sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Như vậy, với hành vi đánh vợ, người chồng hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm sức khỏe thành viên trong gia đình.

3. Đánh vợ bị phạt tù bao nhiêu năm?

– Ngoài ra như đã phân tích ở trên, đánh vợ được xem là hành vi cố ý gây thương tích. Vậy nên, chủ thể vi phạm hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Khoản 1, điều 134, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cụ thể như sau:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

b) Dùng axit sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân…”

Như vậy, trong trường hợp mà người chồng đánh đập người vợ mà gây thương tích thì hoàn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác”. Cụ thể, nếu việc đánh đập vợ của người chồng khiến nạn nhân bị tổn thương cơ thể trên 11% thì người chồng sẽ bị đối mặt với việc bị xử phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù. Kể cả trong trường hợp tỉ lệ tổn thương của người vợ là dưới 11% nhưng người chồng có sử dụng hung khí nguy hiểm, các vật thể độc hại để tác động lên cơ thể người vợ thì hoàn toàn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này với mức phạt thích đáng tương ứng theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Anh C trú tại thành phố Lào Cai, sinh năm 1987, kết hôn với vợ là chị G sinh năm 1988, cùng quê. Sau một khoảng thời gian dài chung sống, 2 năm trở lại đây, anh C thường xuyên có hành vi xúc phạm, chửi bới, thậm chí là đánh đập chị G. Anh đánh chị G không cần lý do. Nhậu say về đánh vợ, làm ăn thua lỗ cũng về kiếm cớ nhục mạ chị G. Bất cứ khi nào chị G lên tiếng phản bác lại ý kiến hay lời anh C nói, anh ta sẽ ra tay đánh đập vợ không thương tiếc. Vì nghĩ cho 2 đứa con, chị G cắn răng chịu đựng. Đỉnh điểm là vào ngày 20/8/2019, anh C đi làm về, kiếm cớ gây sự với chị G. Sau một hồi đôi co, anh ta lấy tay tát chị G, khiến chị bị ngã dúi xuống đất, đập đầu xuống sàn nhà. Thấy vợ ngã, C càng được nước làm tới, anh ta lấy tay đấm vào mặt chị G, khiến chị chảy máu miệng và sưng tấy vùng thái dương. Không chịu đựng được hành vi của chồng nữa, chị G phản kháng lại. Thấy chị G chống trả, anh C lao vào trong bếp, lấy thanh inox dài 1,5 mét đánh tới tấp vào người chị G. Kết quả khiến chị bị ngất tại chỗ. Hàng xóm xung quanh chạy tới, đưa chị G vào viện. Qua giám định, chị G bị thương tích cơ thể là 23%. Thấy có dấu hiệu bạo lực gia đình, nạn nhân là chị G bị thương nghiêm trọng, công an đã triệu tập anh C về cơ quan làm việc. Tại đây, anh C không nhận lỗi sai của mình. Anh cho rằng chồng đánh vợ là chuyện bình thường; mâu thuẫn vợ chồng là không tránh khỏi. Chị G là vợ anh, do đó anh có quyền đánh nếu chị đấy sai.

Phía bên cơ quan công an đã tiến hành khởi tố anh C về hành vi cố ý gây thương tích. Tòa tuyên anh C phải chịu mức phạt 3 năm tù về hành vi của mình.

Như vậy, thông qua những phân tích ở trên, đánh vợ được xem là hành vi bạo lực gia đình, trong một số trường hợp có thể bị xét vào hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Chủ thể vi phạm hoàn toàn có thể bị xử phạt về hành vi của mình theo quy định của pháp luật.

Đánh vợ là hành vi không chỉ vi phạm pháp luật, mà nó còn liên quan đến vấn đề đạo đức. Vợ- chồng là mối quan hệ thiêng liêng, là gốc rễ để xây dựng các mối quan hệ, là nền tảng để xây dựng và phát triển xã hội. Vậy nên, hành vi đánh vợ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của gia đình, tổn hại tinh thần của mọi thành viên. Mặt khác, nó xâm phạm đến những quy phạm pháp luật, kìm hãm sự phát triển văn minh của xã hội. Mỗi người cần trang bị kiến thức cũng như nhận thức đúng đắn, lên án, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, vì sự yên ấm gia đình và văn minh xã hội.

* Căn cứ pháp lý:

– Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007,

– Bộ luật hình sự 2015.