Quá trình hình thành và đặc trưng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu
Từ cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn phát triển mới, được gọi là thời kỳ chủ nghĩa tư bản toàn cầu (global capitalism) với những đặc trưng mang tính toàn cầu; là sản phẩm của xu thế toàn cầu hóa gắn với lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất có trình độ xã hội hóa ở quy mô toàn cầu; mặt khác, sự bùng nổ mạng lưới các công ty xuyên quốc gia và internet tạo ra nền tảng to lớn để chủ nghĩa tư bản thực hiện tham vọng lũng đoạn, khống chế toàn cầu(1). Bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản toàn cầu ra đời còn dựa trên sự hậu thuẫn từ nhiều biến cố chính trị, như sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, sự sụp đổ của bức tường Béc-lin, sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa Liên Xô và các nước Đông Âu; sự phá sản của các phương án, mô hình phát triển kinh tế – xã hội do các chính quyền cánh tả, tiến bộ, cách mạng triển khai ở đông đảo các nước thuộc Thế giới thứ ba,…
Năm 1989, chương trình Đồng thuận Oa-sinh-tơn (Washington Concensus) được ký kết giữa Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Mỹ nhằm thống nhất 10 chính sách kinh tế vĩ mô áp dụng trên phạm vi toàn cầu, trong đó nhấn mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư, thả nổi tỷ giá tiền tệ, tư nhân hóa, giảm can thiệp của nhà nước quốc gia,… Đến năm 1995, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời, thay thế Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), chính thức xác lập thị trường tự do toàn cầu đối với sự lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ, hình thành chuỗi giá trị toàn cầu. Đây được xem như những sự kiện đánh dấu bước chuyển của chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa tư bản toàn cầu, với những đặc trưng là tư bản xuyên quốc gia, quyền lực nhà nước tư bản xuyên quốc gia và giai cấp tư sản toàn cầu(3); đồng thời, quá trình quốc tế hóa, toàn cầu hóa kinh tế kéo theo sự ra đời của hàng loạt công ty độc quyền xuyên quốc gia hoạt động như hệ thống quyền lực kiểm soát nền sản xuất, kinh doanh toàn cầu.
Xem thêm : Hồ Chí Minh
Mặt khác, điều kiện tiên quyết để tư bản xuyên quốc gia hoạt động thuận lợi là hạn chế, bãi bỏ mọi hàng rào, ranh giới trong hệ thống thị trường toàn cầu; bởi vậy, họ luôn giương cao lá cờ tự do hóa kinh tế, thương mại, đầu tư, phi điều tiết nhà nước. Những thập niên qua, tư bản xuyên quốc gia ngày càng lan rộng, trở thành yếu tố hữu cơ trong nền kinh tế của nhiều nước phát triển, đang phát triển và chậm phát triển; có đóng góp không thể phủ nhận cho sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia, dân tộc.
Đến cuối năm 1998, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, đại diện của hơn 600 tập đoàn xuyên quốc gia đến từ 67 nước đã ký Hiệp định Đầu tư đa phương (MAI), chính thức tạo lập khung khổ thể chế mở đường cho tư bản xuyên quốc gia hoạt động trên phạm vi toàn thế giới. Đến nay, hàng loạt hệ thống hiệp định tự do thương mại, đầu tư do chính phủ các nước ban hành, nhất là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới tạo ra nhiều thuận lợi cho tư bản nước ngoài xuất hiện tràn ngập thị trường quốc nội; từ đó, nền kinh tế thế giới dần chuyển mình thành nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ không chỉ được mở rộng về lượng, mà còn biến đổi về chất theo hướng hội nhập, nhất thể hóa xuyên quốc gia, hình thành chuỗi giá trị toàn cầu mang đặc điểm mới của toàn bộ nền sản xuất, kinh doanh trên thế giới ngày nay.
Về quyền lực nhà nước tư bản xuyên quốc gia:
Nhà nước tư bản xuyên quốc gia là loại hình và phương thức thực hiện quyền lực nhà nước tư bản vượt qua biên giới quốc gia (dù không thành lập chính phủ xuyên quốc gia), chi phối các quá trình an ninh và phát triển trên thế giới. Trong nhiều trường hợp, quyền lực nhà nước tư bản xuyên quốc gia được thực hiện dưới vỏ bọc các hoạt động quản trị toàn cầu (global governance) trong bối cảnh không có chính phủ toàn cầu (global government), biểu hiện ở hệ thống định chế, thể chế, luật pháp quốc tế cùng các chuẩn mực, tiêu chuẩn, tiêu chí ngày càng chặt chẽ, tinh vi được thực hiện trên phạm vi toàn cầu thông qua hàng loạt công ước, hiệp định, hiệp ước quốc tế,… Những năm gần đây, các thế lực tư bản toàn cầu chủ động đề xướng khung khổ chung cho nguồn hàng hóa công toàn cầu (global public good), chính sách công toàn cầu (global public policy), xã hội dân sự toàn cầu (global civil society), xã hội quốc tế (international society),…
Xem thêm : Gà cúng giao thừa và cúng gia tiên quay đầu ra hay vào?
Về giai cấp tư sản toàn cầu:
Hệ quả tất yếu của sự phát triển, lớn mạnh của hệ thống tư bản xuyên quốc gia là giai cấp tư sản toàn cầu. Họ không còn là sản phẩm thuần túy của nền sản xuất quốc gia, mà trở thành một giai cấp mang tính toàn cầu, đánh dấu bước tiến mới từ giai cấp “tự nó” thành giai cấp “vì nó” trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn chung, giai đoạn phát triển mới mang lại cho chủ nghĩa tư bản nhiều thành công, sức mạnh và vị thế, như sự tăng trưởng trong sản xuất, ngoại thương, đầu tư toàn cầu, phát triển khoa học – công nghệ hiện đại, sức mạnh hệ thống được củng cố trước các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, phiên bản “chủ nghĩa tư bản toàn cầu” đang làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn nội tại trong lòng chủ nghĩa tư bản mà trong suốt trên dưới 300 năm qua vẫn là những hạn chế lịch sử không thể vượt qua! Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã sáng suốt nhận định: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”(4).
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp