Hồ Chí Minh

Nguyễn Quang Hoài

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta. Thế giới biết đến Người như một nhà cách mạng kiệt xuất tầm cỡ quốc tế, một nhà vǎn hóa lớn mà phẩm chất đạo đức trong sáng và tư tưởng nhân vǎn cao cả xuyên qua các thế kỷ, chiếu rọi đến nền vǎn hóa tương lai như những giá trị vĩnh hằng của con người. Hồ Chí Minh không chỉ là chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp lớn lao là giải phóng dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức, mà còn là một nhà giáo dục vĩ đại. Tư tưởng của Người về giáo dục, đặc biệt là tư tưởng về chǎm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, mãi mãi tỏa chiếu và soi sáng sự nghiệp giáo dục của nhân dân ta, là tài sản tinh thần to lớn vô giá của Đảng và dân tộc ta. Trên thế giới ngày nay, không một quốc gia, dân tộc nào lại không quan tâm đến phát triển giáo dục, đầu tư xứng đáng cho giáo dục và coi đó là đầu tư quan trọng nhất, cơ bản nhất. Ngay từ những nǎm 20 của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy ở giáo dục một vai trò và sức mạnh cực kỳ to lớn. Từ một người yêu nước nồng nàn, bôn ba khắp bốn biển nǎm châu để tìm con đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột bạo tàn, dã man của thực dân phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chủ nghĩa “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất” và tìm thấy ở đó con đường cứu nước đúng đắn nhất: con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Và, ngay sau khi tìm ra con đường cứu nước, khát vọng mãnh liệt trong tâm thức Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh là mau chóng được “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(1). Rõ ràng, công việc cách mạng này là sự khởi đầu của một công cuộc giáo dục mang tầm cỡ chiến lược: tuyên truyền và giáo dục để thức tỉnh quần chúng bằng báo chí và bằng nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ lúc bí mật, khi công khai. Nhờ có sự khởi đầu đúng đắn đó mà lớp lớp thanh niên Việt Nam ưu tú được Người tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ đã trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng, thành những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và thành những chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”. Từ đó về sau, trong suốt hành trình cách mạng cho đến khi Người viết bản Di chúc cuối cùng, trong mỗi lời kêu gọi, mỗi cử chỉ giao tiếp thường nhật, mỗi cuộc gặp gỡ thân mật, mỗi buổi nói chuyện bình thường, Hồ Chí Minh đều ân cần thuyết phục, gợi mở, khuyên rǎn, nhắc nhở, dặn dò bằng những lời lẽ giản dị, chân thật, tha thiết, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng cũng rất hàm súc sâu xa, chứa đựng sự khái quát sâu sắc về một nhân sinh quan, một thế giới quan cách mạng và khoa học, một phong cách sống thanh bạch, cao đẹp của con người, một lối sống thấm đẫm chủ nghĩa nhân vǎn cao cả. “Vì lợi ích mười nǎm trồng cây, vì lợi ích trǎm nǎm trồng người” là một tư tưởng nổi bật trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh. Với tư tưởng “trồng người” đó, Hồ Chí Minh đã cần mẫn kiên trì “ươm hạt cho rừng đời xanh” để chuẩn bị cho tương lai của đất nước trường tồn cùng lịch sử và thời đại. Người đã đấu tranh kiên quyết với những thói hư, tật xấu, những tập tục bảo thủ, lạc hậu, khơi dậy truyền thống tốt đẹp, làm sống lại những tinh hoa vǎn hóa, khí phách kiên cường, bất khuất của dân tộc, nâng con người Việt Nam lên một trình độ mới ngang tầm lịch sử trong thời đại mới. Chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đưa xã hội loài người đến một bi kịch nghiệt ngã, cay đắng là người bóc lột người, người ức hiếp đè nén người. Nền vǎn minh hiện đại – với sự phát triển kỳ diệu về khoa học và công nghệ – không hẳn tỷ lệ thuận với sự phát triển của vǎn hóa, của nhân vǎn; trên nhiều mặt, nó đang làm nảy sinh những khủng hoảng tinh thần và đạo đức. Ngay ở các nước tư bản phát triển, nhiều người quay về với lối sống chỉ vì mình và cho mình, một lối sống ngày càng xa nhân vǎn và rất phi nhân bản. Hồ Chí Minh – bằng giáo dục mà trước hết và trên hết là bằng tấm gương mẫu mực sáng ngời của bản thân mình – đã thủy chung như nhất vun trồng một lối sống mới, một đạo đức mới khác về chất so với đạo đức cũ. Đạo đức mới đó là đạo đức của chủ nghĩa nhân vǎn vị tha, vì mọi người và cho mọi người, vì dân tộc mình và các dân tộc khác trên thế giới. Bởi vì, Hồ Chí Minh tin tưởng mãnh liệt vào lương tri của con người, vào sự phục thiện và sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác – cái cǎn cốt vốn là cơ sở tinh thần cho sự tồn tại của bản thân loài người từ khai thiên lập địa cho đến ngày nay và cả mai sau. Đây là cội nguồn tạo nên sức mạnh của giáo dục và là nhân tố tối thượng đưa giáo dục đến thành công. Có thể khẳng định, cái cốt lõi nhất, bao trùm nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là tình thương yêu con người, niềm tin sâu sắc vào bản chất tốt đẹp, vào tính bản thiện của con người; là chủ nghĩa nhân vǎn cao cả và triệt để, giáo dục do mọi người, vì mọi người và cho mọi người, thực sự dân chủ, lấy dân làm gốc; là sự phát triển toàn diện con người, coi trọng cả đức lẫn tài, cả dạy chữ và dạy người, lấy xây dựng đạo đức, phát triển tính thiện làm nền tảng cho xây dựng nhân cách; là giáo dục gắn chặt với thực tiễn, với cuộc sống, chống mọi kinh viện giáo điều, bệnh thuộc làu, mọt sách và thói hợm chữ, huênh hoang bằng nọ bằng kia, không lấy thực tiễn làm mục đích, không dùng học vấn để giúp ích cho đời mà chỉ lo chạy vạy vun vén cho cái tôi cá nhân nhỏ bé, ích kỷ, thấp hèn. Trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh, phương châm “học đi đôi với hành, lý luận đi đôi với thực tế, nhà trường gắn liền với xã hội” có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc. Có thể coi đây là đặc trưng tiêu biểu nhất của phong cách giáo dục Hồ Chí Minh. Do luôn luôn đề cao phương châm này mà Hồ Chí Minh đã nhiều lần nghiêm khắc phê bình lối dạy học lý luận suông, lối dạy sách vở và lối học vẹt. Người thường xuyên nhấn mạnh học là để hành, “học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Chẳng hạn, trong việc học tập lý luận, Người khẳng định: “Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của đất nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”(2). Phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh là phương pháp tiếp cận sâu sắc với con người, vì sự tiến bộ và phát triển của con người. Khi thực hành giáo dục, Hồ Chí Minh coi trọng công bằng và dân chủ, thuyết phục bằng chân lý, lẽ phải để đạt đến tự giác; không dạy đời, không dùng quyền lực, cậy thế, cậy quyền mà luôn chân thành, giản dị, ân cần, thấu tình đạt lý, giảng giải cặn kẽ cho người nghe và tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người; không dung thứ, bao che cái xấu, nhưng khoan dung độ lượng, không khắt khe, định kiến hẹp hòi đối với những người có khuyết điểm, có lỗi lầm; cổ vũ ngợi khen cái tốt, nhưng không khuyến khích tính tự kiêu tự mãn, bệnh giấu dốt, bởi Người cho rằng, dốt nát cũng là một thứ giặc tai hại như giặc đói và giặc ngoại xâm. Đặc biệt, trong phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh, Người luôn luôn đề cao phương pháp lấy phần thiện ngay trong chính từng con người để đẩy lùi và chiến thắng phần ác, làm cho con người ngày càng hoàn thiện, tiến bộ. Ngày nay, những tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, đang hằng ngày hằng giờ soi sáng cho sự nghiệp giáo dục của Đảng và nhân dân ta. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể hiện nay của nước ta, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người – yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tǎng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục; thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”. Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao nǎng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề, đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân…, thực hiện “giáo dục cho mọi người”, “cả nước trở thành một xã hội học tập”. Thực hiện phương châm “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội”(3). Kỷ niệm lần thứ 112 Ngày sinh của Người, thực hiện có hiệu quả những tư tưởng trên đây của Đại hội IX cũng chính là thấm nhuần và quán triệt sâu sắc những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục. Đó cũng là việc làm thiết thực để thực hiện lời di huấn mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trong bản Di chúc bất hủ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(4).

Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb CTQG, H., 1995, tr.192. (2) Sđd, t.9, tr.292. (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Vǎn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H., 2001, tr.108 – 109. (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb CTQG, H., 1996, tr.498.