Nhà nước Văn Lang được thành lập trên cơ sở thống nhất các bộ lạc Lạc Việt do nhu cầu trị thuỷ, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội và cùng chống ngoại xâm. Trong các bộ lạc Lạc Việt có bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả và thủ lĩnh Văn Lang đã đóng vai trò lịch sử, đứng ra thống nhất các bộ lạc Lạc Việt thành lập nhà nước Văn Lang. Người đứng đầu nhà nước Văn Lang sử cũ gọi là Hùng Vương (Vua Hùng) và các đời vua của nhà nước Văn Lang kế tục đều được mang danh hiệu đó. Lãnh thổ của những cư dân Lạc Việt của nhà nước Văn Lang là miền Bắc Việt Nam. Theo sử cũ và truyền thuyết, bấy giờ có khoảng 15 bộ lạc Lạc Việt sinh sống chủ yếu ở miền trung du và châu thổ. Hàng chục bộ lạc Âu Việt sinh sống chủ yếu ở tại miền Việt Bắc. Ở nhiều nơi, người Âu Việt và Lạc Việt sống xem kẻ với nhau và sống cạnh những thành phần dân cư khác”.
Theo sự phân chia bộ lạc dưới thời kỳ Văn Lang, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường, một bộ ở phía nam trong 15 bộ lạc của Nhà nước Văn lang.
Bạn đang xem: Thực đơn
Những cư dân của Nhà nước Văn Lang sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt đặc biệt là nghề trồng lúa nước. Do yêu cầu của việc canh tác lúa nước các công trình trị thuỷ, các công trình tưới tiêu được quan tâm xây dựng. Cùng với nghề trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm và chăn nuôi, nghề thủ công cũng hình thành và phát triển, đặc biệt là nghề luyện kim đồng thau. Điển hình của thời đại đồng thau, gắn với việc hình thành Nhà nước Văn Lang là thời đại đồng Đông Sơn. Đồ đồng Đông Sơn rất phong phú về thể loại và chủng loại, bao gồm công cụ, vũ khí, đồ trang sức, dụng cụ gia đình với nhiều hoa văn trang trí độc đáo.
Bấy giờ, cư dân Văn Lang ở Quảng Bình đã biết kế thừa, phát huy những thành tựu văn hoá của các thời kỳ trước để bước vào thời kỳ đồng thau nhằm mục đích phát triển kinh tế trồng trọt. Sau thời kỳ đồ đá mới, bước vào giai đoạn sơ kỳ kim khí, những di tích khảo cổ học ở Khương Hà, Cổ Giang, Quảng Lưu, Long Đại, Thanh Trạch… chứng tỏ sự kế tiếp của các thời kỳ văn hoá khá rõ nét. Người ta tìm thấy đồ đồng Đông Sơn ở Quảng Bình với nhiều loại mũi tên đồng, rìu đồng, lưỡi giáo, cán dao găm, thố đồng, đồ trang sức bằng đồng và cả trống đồng ở nhiều di chỉ khảo cổ học khác nhau.
Dấu tích đồ đồng đã phát hiện tại di chỉ Cồn Nền (Quảng Trạch) chứng tỏ kỹ thuật đúc đồng của cư dân Văn Lang ở Quảng Bình lúc này là phát triển ở trình độ cao. Trống đồng Phù Lưu (Quảng Trạch) và một số trống đồng mới phát hiện trên địa bàn Quảng Bình là loại trống đồng được đúc bằng những chiếc khuôn kín hai hay nhiều mang, một kỹ thuật đặc trưng của trống đồng Đông Sơn. Đặc biệt, khuôn đúc rìu đồng lưỡi lệch (lưới xéo) tìm thấy ở Hoá Hợp (Minh Hoá) có hai mang làm bằng đá sa thạch với kỹ thuật tinh xảo, chứng tỏ những dụng cụ, vũ khí đồ đồng Đồng Sơn của Quảng Bình đã được đúc tại chỗ.
Công việc luyện kim và đúc đồng đòi hỏi phải có trình độ tổ chức và kỹ thuật cao, nhất là đối với những hiện vật phức tạp như trống đồng Phù Lưu, thố đồng Thanh Trạch. Việc tổ chức luyện kim là một quá trình phức tạp đòi hỏi phải được chuyên môn hoá và phân công lao động. Chính vì vậy cùng với sự ra đời của việc luyện kim và đúc đồng nghề này đã trở thành một nghề sản xuất độc lập, tách khỏi nông nghiệp. Do nhu cầu cuộc sống đòi hỏi và dưới tác động trực tiếp của nghề luyện kim, đúc đồng các nghề thủ công khác như làm đồ gốm, đồ gỗ, đan lát, đệt vải, làm đồ trang sức đều có sự phát triển so với giai đoạn trước. Đặc biệt ở Quảng Bình vào thời kỳ này nghề làm đồ trang sức phát triển. Nhiều loại hạt chuỗi vòng tay bằng đá quý bên cạnh vòng tay, vòng nhẫn làm bằng đồng được phát hiện ở nhiều địa điểm Văn hoá Đông Sơn ở Quảng Bình. Ở Quảng Bình còn tìm được nhiều đồ trang sức làm bằng thuỷ tinh như các loại vòng tay, hạt chuỗi và khuyên tai có mấu.
Xem thêm : Nhâm ngọ là sinh năm bao nhiêu và tất tần tật nhâm ngọ
Nhờ có kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, đời sống của các cư dân Văn Lang trên đất Quảng Bình được cải thiện, đời sống tinh thần của cư dân phong phú hơn. Với các loại trang sức phong phú về thể loại, chất liệu, chứng tỏ cư dân ở đây đã chú ý đến cuộc sống tinh thần, thị hiếu thẩm mỹ. Những hoa văn, hình ảnh trên bình gốm, rìu đồng, thố đồng Bàu Khê, trống đồng Phù Lưu đã phản ảnh tư duy, khả năng thẩm mỹ, trình độ hội hoạ và điêu khắc của người dân ở đây không thua kém cư dân Văn Lang ở các nơi khác.
Đời sống tinh thần còn phản ánh trên những hình ảnh sinh hoạt văn hoá, sinh hoạt chung của tập thể cộng đồng. Các phong tục tập quán như tục ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình được lưu giữ trong một thời gian dài ở Quảng Bình, chứng tỏ cư dân ở đây cũng như nhiều nơi khác của nước Văn Lang có chung một bản sắc văn hoá truyền thống của thời đại. Tuy vậy, do điều kiện địa lý đặc thù, bộ Việt Thường ở phía nam của nước Văn Lang, nên cư dân Văn Lang ở trên mảnh đất này có những sắc thái riêng biệt.
Trên lãnh thổ của miền Bắc Việt Nam ngày nay bên cạnh bộ tộc Lạc Việt của nhà nước Văn Lang còn có bộ tộc Âu Việt cùng chung sống. Nước Văn Lang vào cuối thế kỷ thứ III trước công nguyên, kinh tế đã phát triển hơn trước, dân số đông hơn, lãnh thổ được mở rộng. Đó cũng là thời kỳ phong kiến phương bắc có những bước phát triển mới. Thời Chiến quốc (481 – 221 trước công nguyên) kết thúc và nhà Tần đã thống nhất được toàn Trung Quốc. Tần Doanh Chính lên ngôi hoàng đế (Tần Thuỷ Hoàng). Với tư tưởng “bình thiên hạ”, chủ nghĩa bành trướng phát triển, nhà Tần âm mưu mở rộng các cuộc chiến tranh xâm lược xuống phía nam.
Trước tình hình đó, sự tồn tại riêng lẻ của một bộ tộc không đủ sức đối phó với nạn ngoại xâm. Trên cơ sở nền tảng kinh tế đã phát triển và do nhu cầu chống xâm lược, sự hợp nhất giữa những bộ tộc gần nhau về địa vực, về dòng máu, về trình độ phát triển kinh tế, văn hoá là một nhu cầu lịch sử, tất yếu khách quan. Đó là cơ sở của sự hợp nhất giữa hai bộ tộc Lạc Việt và Âu Việc dẫn đến sự ra đời của nhà nước Âu Lạc.
Vào cuối thế kỷ III trước công nguyên, nhân việc suy yếu của triều đại Hùng Vương cuối cùng, Thục Phán, một thủ lĩnh của Âu Việt ở miền núi đã tiến đánh kinh đô Văn Lang (miền Lâm Thao, Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Phú) dựng nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương và dời đô về Cổ Loa. Nước Âu lạc ra đời là sự kế tục và phát triển cao hơn của quốc gia Việt Nam đầu tiên là nước Văn Lang – trên cơ sở ý thức dân tộc đã phát triển ở tầm cao mới. Hai thành phần dân tộc Lạc Việt và Âu Việt được thống nhất, hai lãnh thổ của người Âu Việt ở miền núi và Lạc Việt ở miền xuôi được hợp nhất. Sự thống nhất đó làm cho Âu Lạc mạnh hơn.
Kinh tế văn hoá của nhà nước Âu Lạc tiếp tục phát triển trên cơ sở những thành quả của hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt và của nền văn hoá Văn Lang. Nông nghiệp được phát triển trên miền châu thổ Bắc Bộ phì nhiêu, trù phú. Thủ công nghiệp có bước phát triển, trên cơ sở đồ đồng Đông Sơn cùng với kỹ thuật đồng thau, người Âu Lạc đã bắt đầu có kỹ thuật rèn sắt. Ngoài nghề luyện kim, nghề gốm, nghề dệt, nghề mộc phát triển thêm, người Âu Lạc đã có thêm nghề làm gạch, ngói. Việc giao lưu kinh tế phát triển mạnh theo các đường sông và đường biển. Đời sống văn hoá của cư dân Âu Lạc đã có bước phát triển mới.
Xem thêm : Di sản văn hóa là gì? Các đặc trưng, phân loại và ý nghĩa?
Trên cơ sở phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, kỹ thuật quốc phòng của người Âu Lạc đã có bước phát triển nhảy vọt với các loại vũ khí, điển hình là loại vũ khí được thần thánh hoá trong truyền thuyết “Nỏ thần”. Thục Phán cũng đã cố gắng tăng cường khả năng phòng thủ. Ông đã cho xây dựng kinh đô – thành Cổ Loa và tăng cường quân đội thường trực của nhà nước Âu Lạc để chuẩn bị đối phó với các cuộc xâm lược từ phương bắc.
Thực hiện ý đồ bành trướng xâm lược, Nhà Tần đã tổ chức nhiều cuộc chiến tranh đánh phá xuống phía nam. Khi quân Tần đánh vào đất Việt đã bị người Âu Việt và Lạc Việt anh dũng đánh trả. Người Âu Lạc đã tổ chức cuộc kháng chiến bền bỉ, lâu dài hàng chục năm chống quân xâm lược Tần. Hàng chục vạn quân Tần bị tiêu diệt, chủ tướng Tần là Đồ Thư bị giết. Trong cuộc kháng chiến đó nhân dân các bộ tộc của nước Âu Lạc đã đoàn kết tập hợp dưới ngọn cờ của An Dương Vương cùng chống kẻ thù chung.
Năm 207 trước công nguyên, Triệu Đà, một viên quan của nhà Tần chiếm ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng lập nên nước Nam Việt và xưng vương. Sau khi Nhà Tần sụp đổ, nhà Hán nắm quyền thống trị ở Trung Quốc, Triệu Đà quy phục triều Hán.
Sau khi lập nước Nam Việt, Triệu Đà, đã nhiều lần phát động cuộc chiến tranh xâm lược Âu Lạc. Nhưng với ý chí quật cường, và tinh thần thượng võ của người Âu Việt và Lạc Việt, với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển, nhân dân Âu Lạc đã đánh bại các cuộc tiến công xâm lược của kẻ thù.
Triệu Đà biết không thể thắng được Âu Lạc về quân sự đã xin cầu hoà với An Dương Vương. Triệu Đà cho con là Trọng Thuỷ cầu hôn với Mỵ Châu, con gái của An Dương Vương và ở rể tại nước Âu Lạc. Chính trong thời gian đó Trọng Thuỷ đã học cách chế nỏ và phá nỏ, một loại vũ khí lợi hại của người Âu Lạc; do thám tình hình quân sự rồi về nước báo cho Triệu Đà đem quân tiến đánh. Nước Âu Lạc mất vào tay Triệu Đà vào khoảng năm 179 trước công nguyên.
Theo Địa chí Quảng Bình
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp