Bầu ăn mắm nêm được không? Những lợi ích và tác hại khi mẹ bầu ăn mắm nêm

Mắm nêm vừa là loại gia vị tuyệt vời, vừa cung cấp một số dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Vậy, mẹ bầu ăn mắm nêm được không? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu giải đáp câu hỏi này qua bài viết dưới đây.

Bầu ăn mắm nêm được không?

Mắm nêm (hay còn được gọi là mắm cái) là một loại mắm của miền Trung Việt Nam. Loại mắm này được làm từ cá, xác cá được đem ướp muối, sau đó tiến hành lên men. Tùy vào khẩu vị của từng vùng miền hoặc khẩu vị của mỗi người mà mắm nêm được pha trộn thêm một số phụ liệu như thính, đường, ớt… để tạo vị đặc trưng.

Do nguyên liệu chủ yếu để làm mắm nêm là từ cá nên mắm nêm có chứa một số chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, điển hình như protein, sắt, omega-3 và một số loại vitamin. Chính vì vậy, mẹ bầu vẫn có thể sử dụng mắm nêm trong suốt quãng thời gian mang thai của mình, tuy nhiên cần sử dụng đúng cách để tránh gây các tác dụng phụ cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.

Lợi ích của mắm nêm đối với bà bầu

Như đã giải đáp thắc mắc: “Bầu ăn mắm nêm được không?” ở trên, mẹ bầu vẫn có thể sử dụng mắm nêm nếu loại thực phẩm này được chế biến đúng cách, bởi trong mắm nêm có chứa nhiều thành phần như DHA, sắt… giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh và tăng cường sức khỏe cho mẹ bầu. Cụ thể:

Mắm nêm cung cấp sắt: Trong mắm nêm chứa lượng sắt cần thiết cho cơ thể giúp mẹ bầu ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, sinh non, đồng thời băng huyết hiệu quả. Ngoài ra, sắt giúp phòng ngừa dị tật ống thần kinh ở trẻ, ngăn ngừa thai chết lưu.

Mắm nêm cung cấp omega-3: DHA và EPA có trong mắm nêm giúp làm giảm mỡ máu, bảo vệ tim mạch, cũng như giúp thai nhi phát triển não bộ và thị lực tốt. Đối với mẹ bầu, omega-3 giúp mẹ bầu giảm chứng trầm cảm sau sinh và tăng cường hệ miễn dịch tốt hơn.

Mắm nêm cung cấp một số acid amin quan trọng cho cơ thể: Mắm nêm chứa một lượng acid amin nhất định như valine, isoleucine, phenylalanine, lysine… giúp hình thành kháng thể và thay thế, sửa chữa các mô bị hư hỏng.

Mắm nêm cung cấp vitamin B12: Vitamin B12 góp phần tham gia vào quá trình tăng trưởng của trẻ, đồng thời kích thích quá trình tạo máu của mẹ bầu.

Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi mẹ bầu ăn mắm nêm

Mặc dù mắm nêm có nhiều dưỡng chất như vậy nhưng mẹ bầu cần chú ý không nên sử dụng quá nhiều. Mắm nêm được làm từ cá chưa được nấu chín nên có thể chứa rất nhiều loại vi khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, đặc biệt là loại vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus khi tấn công cơ thể gây đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và cảm lạnh cho người mẹ. Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều mắm nêm hoặc sử dụng mắm nêm không đúng cách có thể gặp một số tác dụng phụ khác như sau:

Làm tăng nguy cơ sinh non ở mẹ và dị tật bẩm sinh ở bé: Như đã nói ở trên, nguyên liệu để làm mắm nêm là cá biển chưa qua nấu chín, có nhiều nguy cơ nhiễm chì hoặc thủy ngân. Chất này đi vào cơ thể người mẹ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Mẹ bầu có khả năng bị phù nề, tăng huyết áp, tiền sản giật: Mắm nêm được làm từ cá được ướp với một lượng muối rất lớn. Khi dung nạp quá nhiều muối vào cơ thể, mẹ bầu dễ bị phù nề, tăng huyết áp, tiền sản giật trong quá trình sinh nở.

Hệ thần kinh bào thai bị tổn thương: Lượng chì và thủy ngân ở mắm nêm khi đi vào cơ thể người mẹ sẽ gây tổn thương rất lớn đến hệ thần kinh bào thai.

Cách ăn mắm nêm đúng và an toàn ở mẹ bầu

Cách xử lý mắm nêm đúng cách cho mẹ bầu

Để mắm nêm phát huy công dụng một cách tốt nhất, đồng thời hạn chế tác hại của mắm nêm, mẹ bầu cần có cách ăn hợp lý, cụ thể như sau:

Mỗi tháng mẹ bầu chỉ nên sử dụng mắm nêm 1 – 2 lần để cơ thể có thời gian đào thải các độc tố từ lần ăn mắm nêm trước đó.

Khi sử dụng mắm nêm, mẹ bầu cần đun chín, nấu sôi để đảm bảo vi khuẩn bên trong mắm bị tiêu diệt hoàn toàn.

Sau khi chế biến mắm nêm, đảm bảo đồ dùng nấu ăn như bát, đũa, thìa… phải được rửa sạch.

Không nên ăn mắm nêm ở những quán vỉa hè, bởi đa số những quán này không thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chế biến, dễ dàng dẫn đến ngộ độc.

Nếu mẹ có thói quen sử dụng mắm nêm pha với nước dứa thì cần lưu ý bởi dứa có khả năng làm mềm, đồng thời co bóp tử cung mạnh, điều này có thể gây sảy thai.

Một số món ăn làm từ mắm nêm dành cho mẹ bầu

Bún thịt luộc mắm nêm

Nguyên liệu:

  • 300 gram thịt ba chỉ.
  • Nửa chai mắm nêm (300ml)
  • Gia vị: Đường, ớt, tỏi, hạt nêm, giấm.
  • 1 củ cà rốt.
  • Rau xà lách, rau diếp cá, rau húng, rau răm, rau mùi…
  • Lạc rang vàng, giã nhuyễn.
  • Bún tươi.

Các bước thực hiện:

  • Luộc thịt, thêm vào nồi luộc nửa thìa muối/bột canh và chút xíu hạt nêm.
  • Đun sôi trong vòng 8 – 10 phút tùy vào độ dày của miếng thịt, sau đó tắt bếp và đậy kín nắp nồi.
  • Thịt chín lấy ra thái lát vừa ăn rồi xếp lên đĩa.
  • Vắt chanh vào mắm nêm cho đến khi vừa với khẩu vị của bạn. Giã nhuyễn tỏi ớt rồi trộn thêm với mắm nêm.
  • Rửa sạch các loại rau rồi để lên rổ cho ráo nước.
  • Bào sợi cà rốt, ngâm cà rốt với ít nước lọc cùng giấm, muối, đường.
  • Khi sử dụng món ăn, bạn thái mỏng rau để ở phía dưới bát, sau đó thêm bún và xếp lên trên cùng vài lát thịt. Cuối cùng chan mắm nêm, thêm ít lạc rang và cà rốt rồi thưởng thức.

Gỏi cuốn tôm thịt

Nguyên liệu:

  • 600 gram bún rối.
  • 300 tôm sú loại vừa.
  • 300 gram thịt ba chỉ.
  • 1 củ cà rốt.
  • 1 quả dưa chuột.
  • 100ml mắm nêm.
  • Tỏi, ớt, đường, bột, ngọt, dầu ăn.
  • 1 quả chanh.
  • Rau bạc hà, rau xà lách, rau mùi, cải non.
  • 1 gói bánh đa nem.

Cách thực hiện:

  • Sơ chế sạch tôm sú rồi cho vào nồi hấp. Đến khi chín, bỏ riêng ra tô rồi để nguội dần.
  • Rửa sạch thịt ba chỉ rồi bỏ vào nồi luộc cho đến khi chín, ngâm với nước lọc cùng đá lạnh, sau đó thái thành từng lát mỏng.
  • Rửa sạch và thái lát cà rốt, dưa chuột.
  • Nhặt rau, sau đó rửa sạch, vẩy khô rau.
  • Trộn mắm nêm với đường và nước cốt chanh, thêm ít tỏi, ớt.
  • Cho hai thìa dầu vào chảo đã làm nóng sẵn, sau đó cho vào chảo hỗn hợp trên, khuấy đều lên một lát là xong.
  • Cuốn bánh tráng và thưởng thức.

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Bầu ăn mắm nêm được không?”, đồng thời đưa ra một số món ăn cùng mắm nêm phù hợp với mẹ bầu. Chúc mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh và đừng quên theo dõi những bài viết sắp tới trên trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Mediplus, Hellobacsi