Vi phạm pháp luật là gì? Cấu thành của vi phạm pháp luật

1. Vi phạm pháp luật là gì?

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ.

Trên cơ sở đó có thể khẳng định vi phạm pháp luật là hiện tượng nguy hiểm, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội và người dân. Bất kỳ Nhà nước nào cũng phải đấu tranh phòng và chống vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm.

Tuy nhiên, một trong các trở ngại đối với các nỗ lực đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật đó là vi phạm pháp luật rất đa dạng, xuất hiện ở nhiều lĩnh vực và các mức độ khác nhau, nó có thể được che giấu rất tinh vi và lẫn vào các hoạt động hợp pháp khác. Việc nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vi phạm pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó không chỉ giúp cho việc nhận diện, đánh giá một hiện tượng xã hội có phải là là vi phạm pháp luật hay không mà còn là cơ sở để truy cứu trách nhiệm pháp lý, từ đó Nhà nước có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu hiện tượng này trong đời sống.

co may yeu to cau thanh vi pham phap luat 1
Hình minh họa. Vi phạm pháp luật là gì? Cấu thành của vi phạm pháp luật

2. Cấu thành vi phạm pháp luật

Vi phạm pháp luật là sự kiện pháp lý, được cấu thành bởi bốn yếu tố: Mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể. Cấu thành vi phạm pháp luật là cơ sở để truy cứu trách nhiệm pháp lý.

2.1. Mặt khách quan của vi phạm pháp luật

Mặt khách quan của vi phạm pháp luật là những biểu hiện ra bên ngoài của vi phạm pháp luật, bao gồm các yếu tố:

2.1.1. Hành vi trái pháp luật

Hành vi trái pháp luật là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của một vi phạm pháp luật. Nếu trong thực tiễn, không tồn tại hành vi trái pháp luật của cá nhân hoặc hoạt động trái pháp luật của tổ chức cụ thể thì sẽ không có vi phạm pháp luật xảy ra. Trong một vi phạm pháp luật có thể chỉ có một hành vi cũng có thể gồm nhiều hành vi trái pháp luật.

2.1.2. Hậu quả (sự thiệt hại) gây ra cho xã hội của hành vi trái pháp luật

Hành vi trái pháp luật ở các mức độ khác nhau đều nguy hiểm cho xã hội, gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại nhất định. Thiệt hại có thể về vật chất như tài sản bị tiêu hủy, thu nhập bị giảm sút… có thể về tinh thần như danh dự bị xâm hại, quyền tự do bị ngăn cản trái phép… hoặc những thiệt hại khác cho xã hội.

Sự thiệt hại là yếu tố rất quan trọng để đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thiệt hại không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của một vi phạm pháp luật. Có những trường hợp xảy ra thiệt hại thực tế nhưng có trường hợp chỉ cần nguy cơ gây hại cũng có thể cấu thành vi phạm, ví dụ: Tội cướp tài sản thì chỉ cần có hành vi dùng vũ lực đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản mà không cần phải chiếm đoạt được cũng đã cấu thành tội cướp.

2.1.3. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả mà nó gây ra cho xã hội

Mối quan hệ này thể hiện ở chỗ hành vi trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự thiệt hại cho xã hội và ngược lại, sự thiệt hại cho xã hội là hậu quả tất yếu của hành vi trái pháp luật. Nếu giữa hành vi trái pháp luật và sự thiệt hại của xã hội không có mối quan hệ nhân quả thì sự thiệt hại đó có thể do những nguyên nhân khác. Vì trên thực tế một hậu quả xảy ra có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau gây ra.

Ngoài các dấu hiệu trên, mặt khách quan còn có các dấu hiệu khác như: thời gian, địa điểm vi phạm; công cụ, phương tiện vi phạm, cách thức vi phạm…

2.2. Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật

Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật là những biểu hiện tâm lý bên trong của chủ thể vi phạm pháp luật, bao gồm các yếu tố:

2.2.1. Lỗi của chủ thể vi phạm pháp luật

Mọi vi phạm pháp luật đều là những hành vi trái pháp luật nhưng không phải tất cả các hành vi trái pháp luật đều là vi phạm pháp luật, chỉ hành vi trái pháp luật nào do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý (tức là có lỗi của chủ thể) mới được coi là vi phạm pháp luật. Lỗi là trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi vi phạm của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Lỗi thể hiện thái độ tiêu cực của chủ thể đối với xã hội, là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả các cấu thành vi phạm pháp luật.

Khoa học pháp lý chia lỗi thành hai loại: lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý được chia thành cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp. Lỗi vô ý được chia thành vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả.

Lỗi cố ý trực tiếp: Chủ thể vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Ví dụ: Người chồng trong cơn ghen tuông tạt axit vợ mình, A vì thù oán với B là đồng nghiệp nên dùng dao đâm trọng thương B…

Lỗi cố ý gián tiếp: Chủ thể vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. Ví dụ: Chăng dây điện lưới quanh vườn để bảo vệ cây trái của mình gây ra hậu quả chết người…

Lỗi vô ý vì quá tự tin: Chủ thể vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra nhưng hi vọng, tin tưởng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Ví dụ: Người lái xe ô tô khi sử dụng ô tô có thiết bị phanh không an toàn có thể nhận thức được khả năng tai nạn nhưng do tin tai nạn không xảy ra nên vẫn sử dụng.

Lỗi vô ý do cẩu thả: Chủ thể vi phạm không nhận thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra mặc dù có thể hoặc cần phải nhận thấy trước hậu quả đó. Ví dụ: Phát nhầm thuốc, truyền nhầm nhóm máu, bỏ quên dụng cụ phẫu thuật trong người bệnh nhân…

2.2.2. Động cơ vi phạm

Động cơ là động lực thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như vụ lợi, trả thù… Ví dụ: Thành lập cơ sở giáo dục hoặc tổ chức hoạt động giáo dục trái phép để trục lợi, tạt axit để trả thù…

2.2.3. Mục đích vi phạm

Mục đích là kết quả cuối cùng mà trong suy nghĩ của mình chủ thể mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mục đích vi phạm thể hiện tính chất nguy hiểm của hành vi. Tuy nhiên, cần phải chú ý là không phải khi nào kết quả mà chủ thể vi phạm đạt được trong thực tế cũng trùng với mục đích ban đầu. Ví dụ: Mục đích của A muốn gây thương tích cho B nhưng kết quả trong thực tế là B chết, X muốn giết Y nhưng Y lại được người khác cứu thoát…

2.3. Chủ thể vi phạm pháp luật

Chủ thể vi phạm pháp luật là cá nhân hoặc tổ chức có năng lực trách nhiệm pháp lý, nghĩa là họ có khả năng tự mình chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với cá nhân, điều kiện để có năng lực trách nhiệm pháp lý phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của cá nhân đó tại thời điểm thực hiện hành vi. Đối với tổ chức, phụ thuộc vào sự tồn tại hợp pháp của tổ chức. Ngoài ra đối với một số vi phạm pháp luật, chủ thể ngoài những điều kiện về tuổi, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, còn phải có một số đặc điểm nhân thân riêng như giới tính, chức vụ…(còn gọi là chủ thể đặc biệt).

2.4. Khách thể vi phạm pháp luật

Khách thể vi phạm pháp luật là những quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ nhưng bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại. Tính chất và tầm quan trọng của khách thể có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật.