Khoai lang mọc mầm có ăn được không? Xử lý khoai lang mọc mầm

Khoai lang là loại củ mọc dưới đất, chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể con người. Nếu khoai lang để lâu không ăn kịp, gặp điều kiện thuận lợi thì chúng sẽ mọc mầm. Không ít chị em thắc mắc rằng khoai lang mọc mầm có ăn được không và có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không. Những chia sẻ trong bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về khoai lang mọc mầm.

Giải đáp: Khoai lang mọc mầm có ăn được không?

Bạn đã bao giờ nghe đến thông tin không được ăn khoai tây mọc mầm chưa? Đây là một thông tin hoàn toàn chính xác bởi khi mọc mầm, trong mầm xanh lá của khoai tây có chứa chất độc solanine cao hơn 50 lần so với mức bình thường. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không thể áp dụng đối với khoai lang, bởi thành phần dinh dưỡng của chúng là khác nhau.

Khoai lang là loại củ có họ hàng với rau muống trong khi khoai tây lại thuộc loại thân dày, có họ hàng với cà chua, cà tím. Chính vì thế, bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì khoai lang mọc mầm không hề chứa độc tố nguy hiểm như khoai tây. Nếu sở hữu củ khoai lang mọc mầm, bạn hoàn toàn có thể ăn chúng như bình thường.

Việc khoai lang mọc mầm có ăn được không là tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng chúng ta không nên ăn khoai lang mọc mầm vì những nguyên nhân sau:

  • Khoai lang mọc mầm không còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất như khi còn tươi.
  • Củ khoai để lâu dẫn đến mọc mầm thường kèm theo những tình trạng như đốm đen ăn rất đắng, bị sùng. Nếu bạn vẫn mang đi chế biến thì món ăn có thể bị hỏng. Khoai lang đắng còn là hiện tượng do loại củ này tiết chất độc mang tên Terpenes để chống lại con bọ hà, tên khoa học là Cylas spp.
  • Tuy không chứa độc tố nhưng củ khoai mọc mầm vẫn có thể chứa nấm mốc gây hại sức khỏe.
  • Củ khoai mọc mầm là do quá thời gian bảo quản hoặc do quá trình bảo quản không đúng cách, khoai bị cất giữ ở nơi độ ẩm cao, có nấm mốc nên ăn không an toàn.

Tóm lại, nếu muốn ăn khoai lang mọc mầm thì bạn không nên ăn củ đã mọc mầm dài, có đốm đen hoặc nâu. Dù chúng không chứa nhiều độc tố nhưng vẫn nguy hiểm cho sức khỏe. Cơ thể bạn có thể bị ngộ độc nếu ăn phải. Trong trường hợp vẫn muốn tiêu thụ khoai lang mọc mầm, bạn chỉ nên chọn những củ mới mọc mầm, không xuất hiện đốm đen hoặc nâu để tránh bị ngộ độc.

Vì sao khoai lang mọc mầm?

Nguyên nhân khiến khoai lang mọc mầm cũng làm nhiều người thắc mắc không kém bên cạnh câu hỏi khoai lang mọc mầm có ăn được không. Các nhà nghiên cứu cho biết, sau vài tuần được lưu trữ ở nhiệt độ khoảng 21 độ C, đồng hồ sinh học của củ khoai lang sẽ báo cho chúng biết rằng đã đến thời gian nảy mầm. Nếu nằm trong nhiệt độ cao hơn thì quá trình chúng mọc mầm còn xảy ra nhanh hơn.

Nếu một củ khoai lang được bảo quản trong nhiệt độ từ 12 đến 14 độ C thì chúng sẽ không mọc mầm. Đây là nhiệt độ mà nếu tự bảo quản khoai lang tại nhà thì chúng ta khó có thể đạt được. Một lời khuyên là bạn không nên cho khoai lang vào tủ lạnh để tránh làm mất mùi vị và kết cấu của loại củ này. Món ngon của bạn cũng vì thế mà bị ảnh hưởng theo.

Nếu củ khoai lang bị mọc mầm quá lâu, phần nấm mốc trên củ khoai sẽ biến chất. Củ khoai lúc này trở thành nơi tích tụ độc tố dẫn đến nhiều hiểm họa khôn lường gây hại cho sức khỏe. Các vi khuẩn nấm mốc trên củ khoai sẽ tấn công trên lớp vỏ làm hình thành các đốm đen hoặc nâu. Trong trường hợp bạn quan sát thấy hiện tượng này nghĩa là độc tố nhiều, khoai có vị đắng, ăn không ngon và không còn dưỡng chất.

Ngoài ra, các đốm đen trên củ khoai mọc mầm còn sản sinh chất độc ipomeamarone. Nếu bạn mang đi chế biến, nhiệt độ cũng không thể phá hủy được hoạt tính sinh vật của chất độc này. Khi ăn phải, chất độc đi vào cơ thể gây nôn mửa, đau bụng dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Khoai lang mọc mầm còn chứa nhiều chất độc gây hại hệ thần kinh trung ương. Khi ăn phải liều lượng nhất định, bạn sẽ bị đau bụng, đau đầu, nôn mửa, hoa mắt…

Tương tự khoai tây, hàm lượng glycoalkaloid cũng có trong củ khoai lang mọc mầm. Đây là chất độc gây căng thẳng cực độ, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là tử vong. Tuy vậy, một điều may mắn là mức độ độc hại trong khoai lang mọc mầm không cao như khoai tây mọc mầm nhưng chúng sẽ tích tụ dần, đến một thời điểm nhất định sẽ bộc phát.

Khi thấy các củ khoai lang bắt đầu mọc mầm, bạn nên dùng ngay, không nên bảo quản lâu hơn. Thêm vào đó, bạn chỉ nên trữ khoai lang với một lượng vừa đủ dùng trong vài ngày. Khoai sẽ không bị hư, mọc mầm hay nhiễm nấm mốc.

Biện pháp xử lý khi khoai lang mọc mầm

Nếu lựa chọn ăn khoai lang mọc mầm, bạn sẽ cần biết cách chế biến chúng. Không chỉ có thể ăn được củ khoai mà bạn hoàn toàn có thể tận dụng mầm cây để chế biến thức ăn. Sau khi cắt mầm cây từ củ khoai lang, bạn hãy cắt nhỏ các sợi màu tím. Kế đó, bạn trộn chúng vào món salad hoặc xào chung cùng các loại rau củ khác. Điều quan trọng là khi chế biến, mầm vẫn còn mềm.

Nếu khoai lang mọc mầm quá lớn, củ khoai sẽ bị hút hết chất dinh dưỡng, đường và nước. Củ khoai lang lúc này sẽ bị mủn và khô, không thể ăn được nữa. Chưa kể, lớp mầm phát triển sẽ trở nên cứng hơn, rất khó nhai. Đối với những củ khoai lang này, bạn có thể tận dụng để trang trí bàn ăn, bàn làm việc, góc học tập… để căn nhà thêm xinh xắn và mang lại sức sống.

Mong rằng những chia sẻ trên từ nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về vấn đề khoai lang mọc mầm có ăn được không. Không chỉ khoai lang mà những loại củ khác như khoai tây, đậu phộng, củ sắn khi mọc mầm thì bạn cũng tuyệt đối không nên ăn. Chúng sẽ tạo thành chất độc tố khiến bạn bị ngộ độc, thậm chí là mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm. Do đó, bạn hãy kiểm tra các loại củ cẩn thận trước khi chế biến nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp