1. Nguyên nhân gây rạn nứt xương là gì?
1.1. Chấn thương do tai nạn
Chấn thương do tai nạn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rạn nứt xương. Tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc các hoạt động thể thao có thể dẫn đến tình trạng này. Khi có một lực mạnh tác động lên xương có thể làm nứt xương hoặc gãy xương, đặc biệt là ở những vùng có xác suất chịu lực cao như xương đùi, xương cổ chân, xương cổ tay,…
Tai nạn khi lao động có thể là nguyên nhân gây nứt xương
1.2. Thiếu canxi, suy dinh dưỡng
Sự thiếu hụt canxi và các khoáng chất là một yếu tố quan trọng làm giảm độ cứng của xương từ đó tăng nguy cơ nứt xương. Các vi chất dinh dưỡng này cần thiết cho việc xây dựng và duy trì sức khỏe của xương. Người già, phụ nữ mang thai và người già yếu nếu thường xuyên trong chế độ dinh dưỡng thiếu cân đối có thể gặp tình trạng này.
1.3. Loãng xương
Đây có thể là một nguyên nhân khác gây nứt xương. Loãng xương do thiếu canxi khiến xương trở nên mỏng và yếu nên khi có lực mạnh tác động rất dễ bị rạn nứt. Người lớn tuổi và phụ nữ sau mãn kinh thường là nhóm người có nguy cơ cao với bệnh loãng xương.
1.4. Quá trình lão hóa
Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể cũng làm suy giảm chất lượng xương. Các tế bào xương kém hoạt động hơn, sức mạnh và độ cứng của xương bị giảm xuống. Đây là yếu tố góp phần khiến cho xương dễ bị rạn nứt khi phải chịu lực nào đó tác động vào.
1.5. Các tình trạng y tế khác
Các tình trạng y tế như viêm khớp, bệnh thận và một số loại ung thư có thể làm suy giảm sức khỏe của xương, tăng khả năng xuất hiện tình trạng rạn nứt xương.
2. Dấu hiệu nhận biết xương bị rạn nứt
Khi xương bị rạn nứt, tùy thuộc vào vị trí và mức độ nứt xương mà có thể gây nên các triệu chứng như:
– Đau nhức: cơn đau có thể xuất hiện ngay sau khi gặp phải tai nạn gây rạn nứt xương hoặc một thời gian sau đó. Đối với những vết nứt nhỏ, cảm giác đau thường nhẹ và dễ bị nhầm lẫn với các vết thương khác.
– Khả năng vận động giảm: nứt xương xảy ra ở khớp hoặc khu vực quan trọng trong quá trình vận động thì có thể làm giảm khả năng, phạm vi chuyển động.
– Đau khi chạm vào và đau mạnh về đêm: khi chạm vào vùng bị nứt xương thường cảm thấy đau. Cảm giác đau thường trở nên dữ dội hơn vào buổi tối, đặc biệt là khi bệnh nhân nằm ngủ.
Sưng đỏ, đau ở khu vực mới xảy ra va chạm là dấu hiệu cảnh báo bị rạn nứt xương
3. Điều trị rạn nứt xương như thế nào?
3.1. Phương pháp điều trị rạn nứt xương
Có nhiều phương pháp trị rạn nứt xương, bác sĩ sẽ lựa chọn phương án phù hợp dựa trên mức độ, vị trí rạn nứt. Các phương pháp điều trị có thể được áp dụng gồm:
– Dùng thuốc
Các loại thuốc thường được dùng để điều trị nứt xương mức độ nhẹ gồm:
+ Thuốc giảm đau chứa thành phần paracetamol hoặc ibuprofen để kiểm soát cơn đau và giảm sưng.
+ Thuốc kháng viêm giúp ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng.
– Bó bột
Trường hợp cần thiết, để ổn định xương và giữ cho xương trong tư thế đúng, đẩy nhanh tốc độ lành, bác sẽ sẽ chỉ định nẹp cố định và bó bột. Nếu bị rạn xương ở cẳng hoặc bàn chân, người bệnh sẽ được hướng dẫn dùng nạng để giảm tạo lực dồn lên khu vực này.
– Phẫu thuật
Khi rạn nứt xương với mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để điều chỉnh và đảm bảo xương được hồi phục tốt nhất.
3.2. Chăm sóc, phục hồi sau điều trị
Sau điều trị, khi đã đủ điều kiện cho phép, người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện vật lý trị liệu để cải thiện sự linh hoạt và sức mạnh của xương. Các hình thức vật lý trị liệu thường được áp dụng như:
– Massage giảm căng thẳng và cải thiện lưu thông tuần hoàn máu, giảm sưng và tăng khả năng di chuyển của khớp xung quanh vùng bị tổn thương.
– Chườm ấm giúp kiểm soát cơn đau, giảm viêm và kích thích quá trình lành của xương.
– Thực hiện các bài tập vận động phù hợp để cải thiện sức mạnh cơ bản, khả năng linh hoạt của xương. Điều này giúp bệnh nhân phục hồi nứt xương nhanh hơn và ngăn chặn nguy cơ suy giảm khả năng vận động sau rạn nứt xương.
Vật lý trị liệu giúp hồi phục vận động sau điều trị rạn nứt xương
Ngoài ra, việc duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, đặc biệt chú trọng bổ sung vitamin D và canxi trong bữa ăn hàng ngày rất cần để đẩy nhanh tốc độ lành của xương.
Trong thời gian điều trị nứt xương, khi nằm, người bệnh cần kê cao vùng bị thương, nhất là trường hợp tổn thương ở chân, mắt cá chân và bàn chân. Người bệnh cũng nên dùng giày bảo hộ để giảm áp lực lên cẳng chân và bàn chân.
Quá trình hồi phục sau điều trị rạn nứt xương cần có sự theo dõi, tái khám định kỳ. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra, đánh giá tiến triển của xương và điều chỉnh kế hoạch điều trị khi cần thiết.
Chăm sóc sau điều trị không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giảm nguy cơ tái phát và phát triển vấn đề xương trong tương lai, tạo điều kiện cho bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường một cách an toàn và hiệu quả.
Quá trình điều trị và phục hồi đóng vai trò quan trọng để giúp xương được tái tạo hiệu quả, tránh được nguy cơ suy giảm khả năng vận động. Vì thế, ngay khi nghi ngờ bị rạn nứt xương, người bệnh cần sớm đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn điều trị tích cực.
Nếu còn thắc mắc nào khác liên quan đến hiện tượng nứt xương, quý khách hàng có thể liên hệ hotline của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được giải đáp và có được những thông tin hữu ích.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp