Quan điểm, giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo khoa học “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả – Những vấn đề đặt ra đối với đội ngũ công chức trong bộ máy hành chính nhà nước” thuộc Chương trình khoa học trọng điểm cấp Bộ “Tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”.

BỐI CẢNH VÀ YÊU CẦU ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Qua gần 40 năm đổi mới, bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy hành chính nhà nước nói riêng được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều đổi mới cả về cấu trúc tổ chức bộ máy cũng như phương thức hoạt động trong thực tiễn; góp phần đắc lực, trực tiếp vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bối cảnh mới của đất nước, với sự phát triển năng động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), gắn liền với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện nên dân chủ XHCN và đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, cũng như tăng cường mở cửa, hội nhập quốc tế và dưới sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước (HCNN), trong đó có đổi mới phương thức hoạt động, như một tất yếu khách quan, một đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn.

Phát triển nền kinh tế thị trường gắn với xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước

Nền kinh tế thị trường nói chung, cũng như nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta được vận hành theo các quy luật vốn có của nó (quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh…) có tác động trực tiếp đến phương thức hoạt động của cơ quan hành chính (kể cả cách thức tổ chức và quy chế hoạt động cũng như các phương pháp quản lý được sử dụng) với các yêu cầu về dân chủ, bình đẳng, tự do là những đặc tính vốn có của kinh tế thị trường và lan tỏa trở thành yêu cầu chung của đời sống xã hội, đặt ra yêu cầu phải xây dựng một nền HCNN dân chủ, hiệu quả, năng động, minh bạch, trong đó về phương thức hoạt động của bộ máy HCNN cần phải đổi mới mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp theo hướng phục vụ, coi doanh nghiệp là khách hàng, vận dụng cơ chế cạnh tranh, coi trọng hiệu quả, kết quả đầu ra; phải coi trọng phương pháp kinh tế thay vì chỉ nhấn mạnh phương pháp hành chính, cưỡng chế trong việc tác động đến đối tượng quản lý (doanh nghiệp, người dân), phải đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu;… Điều đó tác động trực tiếp đến việc đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy HCNN trên cơ sở vận dụng các phương pháp, cơ chế của thị trường như cạnh trạnh, coi người dân, tổ chức là khách hàng, giảm chi phí, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài chính, ngân sách công, có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi…

Đi liền với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng ta chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN với mục tiêu: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân…; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”(2).

Nhà nước pháp quyền đòi hỏi phương thức hoạt động của bộ máy HCNN phải được thể chế hóa (luật hóa) đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, cũng như các cơ quan và cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước phải thực thi công vụ đúng pháp luật, đúng bổn phận, trách nhiệm, phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, coi pháp luật là “tối thượng”. Nhà nước pháp quyền cũng đòi hỏi phải đổi mới, hoàn thiện các mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường và xã hội dựa trên cơ sở phân biệt rạch ròi vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng khu vực và mối quan hệ tác động qua lại giữa ba khu vực này trong đời sống xã hội của đất nước.

Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước

Dân chủ XHCN đã được chỉ ra trong Cương lĩnh chính trị của Đảng là: “1. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực… 2. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(3).

Điều đó đòi hỏi bộ máy HCNN phải đổi mới phương thức hoạt động của mình phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của nền dân chủ XHCN, phải đổi mới theo hướng đảm bảo cho nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động quản trị quốc gia và thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình đối với hoạt động của bộ máy nhà nước; phải công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, tôn trọng quyền công dân, quyền con người, phải đảm bảo điều kiện, biện pháp cụ thể, đồng bộ để người dân dễ tiếp cận, dễ đối thoại, dễ kiểm tra, giám sát; để huy động được trí tuệ, sáng kiến và sự đóng góp của người dân, để bộ máy thật sự gần dân, biết lắng nghe nhân dân, biết biến ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành chủ trương, đường lối và luật pháp phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân;…

Cách mạng công nghiệp 4.0 và đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ công nghệ số ngày càng tạo khả năng và đòi hỏi phải ứng dụng rộng rãi, sâu rộng công nghệ số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả trong phương thức hoạt động của Chính phủ và bộ máy HCNN. Công nghệ số giúp Chính phủ thúc đẩy một nền kinh tế mở, linh hoạt, dựa trên tri thức và kỹ năng, thúc đẩy thương mại, cải thiện hiệu quả của các hệ thống an sinh xã hội… Việc ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… trong các hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công sẽ làm thay đổi đáng kể về cơ cấu tổ chức, biên chế nhân lực và phương thức hoạt động của bộ máy HCNN. Nhưng từ đó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy HCNN nói chung và phương thức hoạt động của bộ máy nói riêng.

TS Lê Anh Tuấn chủ trì Hội thảo khoa học “Cơ sở khoa học đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam”.

QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HIỆN NAY

Quan điểm

Đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy HCNN phải đặt trong tổng thể xây dựng nền HCNN phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch.

Đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy HCNN phải phù hợp với vai trò mới của Chính phủ và chính quyền địa phương trong điều kiện đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy HCNN phải đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy của nền HCNN.

Đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy HCNN phải thu hút được sự tham gia rộng rãi của người dân và xã hội, đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình.

Một số giải pháp

Hoàn thiện cơ chế kết hợp giữa chế độ làm việc tập thể của Chính phủ với đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và từng thành viên Chính phủ.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Chính phủ hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng nhất, thông qua các kỳ họp Chính phủ. Đồng thời, pháp luật cũng quy định thẩm quyền riêng của người đứng đầu Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ) trong quyết định một số công việc nhất định; trong đó thẩm quyền quyết định của tập thể Chính phủ rất nhiều, rất lớn đối với các lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước trong khi thẩm quyền và trách nhiệm riêng của Thủ tướng Chính phủ khá hạn hẹp và còn khá chung(4), chủ yếu tập trung vào việc lãnh đạo công tác của Chính phủ và lãnh đạo, chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy HCNN. Mặt khác, trong thực tế hoạt động của Chính phủ vẫn có những công việc còn chưa rõ ràng, rành mạch giữa thẩm quyền lãnh đạo của tập thể Chính phủ với thẩm quyền quản lý điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện phương thức hoạt động của Chính phủ theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu Chính phủ, trên cơ sở xác định rành mạch, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (tập thể Chính phủ) và nhiệm vu, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, theo đó: Thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể Chính phủ chủ yếu tập trung vào các công việc có liên quan đến xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, cơ chế, chiến lược, quy hoạch… thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan hành pháp; Tăng thêm thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong quản lý, điều hành các lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, cần xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ đối với các hoạt động của tập thể Chính phủ theo 02 mảng công việc: mảng công việc chung của Chính phủ và mảng công việc riêng của mỗi thành viên Chính phủ (công việc của bộ, cơ quan ngang bộ) nhằm khắc phục tình trạng các thành viên Chính phủ chủ yếu quan tâm đến mảng công việc của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ hơn là quan tâm đến các công việc chung của Chính phủ. Liên quan đến vấn đề này, nên xác định rõ vị trí, vai trò của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là chính khách, không sa vào các vấn đề quản lý điều hành cụ thể, thuộc trách nhiệm của các Thứ trưởng được phân công theo từng mảng nhiệm vụ.

Áp dụng thiết chế thủ trưởng hành chính thay vì thiết chế ủy ban trong các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Bên cạnh một số ưu điểm, thiết chế điều hành tập thể kiểu ủy ban chứa đựng nhiều bất hợp lý có thể kể đến như: Làm chậm trễ các quyết định hành chính vì phải chờ các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của ủy ban nhân dân (UBND), do đó làm hạn chế tính kịp thời, nhanh nhạy, thông suốt trong quản lý, điều hành các hoạt động của cơ quan HCNN ở địa phương; Cơ cấu thành viên UBND ở nước ta hiện nay rất rộng, gồm tất cả người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của UBND trong đó không phải mọi thành viên đều am hiểu tường tận đầy đủ các lĩnh vực kinh tế – xã hội của địa phương nên việc biểu quyết tập thể các công việc của UBND mang nhiều tính hình thức, chủ yếu dựa trên ý chí và sự chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND;…

Để khắc phục những hạn chế, bất hợp lý của thiết chế ủy ban, cần nghiên cứu áp dụng chế độ thủ trưởng hành chính trong tổ chức, hoạt động của cơ quan HCNN ở địa phương. Theo đó cơ quan HCNN ở địa phương gồm có người đứng đầu (Tỉnh trưởng, Huyện trưởng, Xã trưởng, Thị trưởng), một số cấp phó của người đứng đầu và các cơ quan chuyên môn của người đứng đầu. Theo chế độ thủ trưởng hành chính, người đứng đầu cơ quan HCNN ở địa phương phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước người dân địa phương về các quyết định của mình trong quản lý, điều hành, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy HCNN ở địa phương.

Việc áp dụng thiết chế thủ trưởng hành chính thường đi liền với nguy cơ dẫn đến tình trạng quan liêu, độc đoán, tùy tiện của người đứng đầu cơ quan HCNN ở địa phương và cần phải được khắc phục bởi cơ chế kiểm soát hữu hiệu của cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và của người dân địa phương. Vấn đề ở chỗ là cần phải đổi mới, hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế kiểm tra, kiểm soát của các thiết chế này một cách thực chất, có hiệu lực, hiệu quả.

Hoàn thiện mối quan hệ giữa chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cấp, các cơ quan, tổ chức trong bộ máy HCNN.

Để đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy HCNN, cần phải thiết lập được cơ chế vận hành, mối quan hệ ngang, dọc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy HCNN một cách hợp lý, ăn khớp, đồng bộ, nhịp nhàng. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện các mối quan hệ:

a) Quan hệ giữa cơ quan HCNN cấp trên và cơ quan HCNN cấp dưới.

– Xác định đúng mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Cần phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội; theo đó cần xác định bộ, cơ quan ngang bộ là một thiết chế độc lập, hoạt động theo pháp luật, có chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc mà không phải là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực như trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp trước đây. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải có vai trò như là “tư lệnh” ngành, có đủ thẩm quyền và trách nhiệm cần thiết trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thay vì chủ yếu là báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó khắc phục được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

– Đổi mới mối quan hệ giữa Chính phủ và các thành viên Chính phủ với chính quyền địa phương, theo đó: 1) Cần phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, đứng đầu hành chính đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Với vai trò này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là cấp trên của UBND cấp tỉnh, có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ của quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công đối với các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ. Cần khắc phục nhận thức coi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ là người phối hợp với UBND cấp tỉnh theo quan hệ ngang; chính quyền địa phương chỉ chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ. Từ đó chính quyền địa phương thường muốn trực tiếp báo cáo, xin ý kiến, chờ đợi sự chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thay vì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, mặc dù đây chỉ là những vấn đề thuộc phạm vi của ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội. 2) Trong mối quan hệ giữa các cấp trong hệ thống HCNN, cần phân cấp, phân quyền rành mạch, cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND mỗi cấp theo nguyên tắc: những việc đã phân cấp, phân quyền cho cấp dưới thì cấp trên chỉ hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới, không chỉ đạo, điều hành cấp dưới trong xử lý công việc. Nói cách khác, phải đảm bảo nguyên tắc “công việc của cấp nào do cấp đó thực hiện”.

b) Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong bộ máy HCNN.

Để khắc phục tình trạng hình thức, kém hiệu quả trong mối quan hệ phối hợp ngang giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, cần thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế phối hợp ngang theo hướng rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan/tổ chức chủ trì và cơ quan/tổ chức phối hợp, cũng như phải xác định cụ thể phương pháp, cách thức, quy trình, thủ tục thực hiện phối hợp, theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ địa chỉ của tổ chức, cá nhân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng hoạt động trong quản lý nhà nước (xây dựng thể chế, chính sách, tổ chức thực hiện, kiểm tra, kiểm soát) và trong cung ứng dịch vụ công (hành chính công, sự nghiệp công, công ích).

c) Đổi mới chế độ hội họp của Chính phủ và UBND các cấp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Chính phủ và UBND các cấp họp định kỳ tháng một lần, trong khi các công việc quản lý, điều hành HCNN đòi hỏi Chính phủ, UBND phải giải quyết thường xuyên, hàng ngày, phải phản ứng nhanh nhạy, kịp thời các yêu cầu của thưc tiễn đặt ra. Để khắc phục được bất hợp lý đó cần phải đổi mới chế độ hội họp của Chính phủ và UBND theo hướng tăng thêm số lượng các phiên họp định kỳ, hoặc không quy định cụ thể mà tùy thuộc vào yêu cầu công việc khi cần thiết, do Thủ tướng quyết định triệu tập họp. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng chuẩn bị nội dung kỳ họp (nhất là các đề xuất xây dựng chính sách, chuẩn bị dự án và các nội dung khác đưa ra phiên họp) thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, sở, phòng chuyên môn, trước khi trình ra Chính phủ, UBND. Mặt khác, nên có quy định về mở rộng thành phần phiên họp với các đối tượng có liên quan không phải là thành viên Chính phủ, UBND, khi cần thiết, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các phiên họp Chính phủ, UBND.

d) Đổi mới mối quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giữa UBND với Hội đồng nhân dân (HĐND) và Thường trực HĐND các cấp.

– Xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên giữa Chính phủ và Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng với các cơ quan của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Mục tiêu của cơ chế phối hợp này nhằm trao đổi, phối hợp chỉ đạo cho ý kiến về những vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ, định hướng chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh. Tạo sự đồng thuận giữa Chính phủ với UBTVQH, giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội trước khi trình Quốc hội, UBTVQH hội xem xét, thông qua, trong đó có việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

– Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa UBND và HĐND các cấp trong việc xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan đến việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND và giải quyết các kiến nghị của cử tri, của người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trên địa bàn.

– Đổi mới, tăng cường và đưa mối quan hệ phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan nhà nước ở trung ương đi vào trật tự, nền nếp, thông qua việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Chính phủ với UBTVQH trong hoạt động lập pháp.

Xây dựng mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và người dân.

Trong nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, với đặc trưng đa chủ thể, cả nhà nước và các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò là trung tâm điều hoà, phối hợp các hoạt động của quản trị quốc gia. Điều đó đòi hỏi các cơ quan HCNN phải thiết lập được cơ chế phối hợp, mối quan hệ đối tác, bình đẳng, chặt chẽ, thường xuyên với các chủ thể của thị trường và của xã hội trong các hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện. Đây là điểm khác biệt chủ yếu giữa quản trị quốc gia hiện đại với quản trị quốc gia truyền thống (quản lý nhà nước), trong đó Nhà nước là chủ thể duy nhất của quản lý nhà nước, hoạt động quản lý nhà nước là hoạt động riêng có của bộ máy nhà nước.

Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện mối quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy HCNN các cấp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức/cơ quan, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, “tranh công, đổ lỗi” giữa các tổ chức/cơ quan thuộc hệ thống chính trị các cấp. Trong đó, một vấn đề đặc biệt quan trọng ở đây là cần minh định rõ chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy đảng với của cơ quan HCNN cùng cấp đúng với vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của bộ máy HCNN.

Tăng cường công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Mở rộng các hình thức công khai minh bạch, sao cho tất cả người dân và tổ chức có nhu cầu quan tâm đến một hoạt động, công việc nào đó của Chính phủ đều có cơ hội được tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời, thuận lợi các thông tin cần thiết. Thiết lập mạng lưới truyền thông công cộng rộng khắp và hiện đại với các chức năng chính như: phổ biến những thông tin tin cậy cho người dân; xây dựng lòng tin giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và người dân thông qua sự cởi mở và trung thực trong hoạt động trao đổi thông tin; thường xuyên theo dõi, lắng nghe, thấu hiểu ý kiến của người dân. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền tiếp cận thông tin của người dân, tổ chức.

Bên cạnh việc đảm bảo công khai, minh bạch, cần thực hiện có hiệu quả trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan HCNN. Để tăng cường và nâng cao chất lượng thực hiện giải trình của Chính phủ và chính quyền địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế ràng buộc đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các cấp trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình trước cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, trước các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và trước người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình;…

Đổi mới thể chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương – địa phương

Tiếp tục đổi mới phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước theo hướng: phân cấp, phân quyền nhiều hơn, rộng hơn cho chính quyền địa phương trong xây dựng quyết định chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, các chính sách, cơ chế cụ thể phát triển kinh tế – xã hội, trong quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội mà chính quyền địa phương có khả năng, điều kiện thực hiện được một cách có hiệu quả, kể cả trong hai lĩnh vực tài chính – ngân sách và tổ chức bộ máy – cán bộ, công chức.

Đồng thời, nên nghiên cứu để tiến tới thực hiện phân cấp, phân quyền về thể chế giữa trung ương và địa phương, theo hướng chính quyền địa phương (cấp tỉnh) được quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, trong chừng mực không trái với thể chế, chính sách chung của Nhà nước. Phân quyền về thể chế là xu hướng chung của thế giới hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, gắn với việc xây dựng chính quyền địa phương tự quản.

Đa dạng hóa cơ chế phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc điểm, tính chất, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương. Đổi mới thể chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương không chỉ đơn giản là tăng cường chuyển giao nhiều hơn các công việc từ Chính phủ trung ương xuống cho chính quyền địa phương, mà quan trọng là phải tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của từng ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội; đặc điểm, điều kiện của từng địa phương và của từng cấp chính quyền, cấp hành chính, phù hợp với đô thị và nông thôn, với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước

Việc ứng dụng công nghệ số có ý nghĩa quan trọng, tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến việc đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy HCNN, để ứng dụng rộng rãi công nghệ số trong cơ quan HCNN, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, tập trung vào việc chuyển đổi quy trình nội bộ và chuyển đổi mối quan hệ tương tác giữa các cấp, các cơ quan trong bộ máy HCNN và các chủ thể khác trong xã hội trên cơ sở ứng dụng công nghệ số; xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, trên cơ sở ứng dụng rộng rãi công nghệ số (xây dựng nền công vụ số); nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số (xây dựng đội ngũ công chức số);…

Nâng cao năng lực, phẩm chất, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Bối cảnh mới của đất nước, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong hoạt động thực thi công vụ phải đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm, đúng pháp luật, có hiệu lực, hiệu quả. Mặt khác, còn đòi hỏi CBCCVC trong thực thi công vụ phải tôn trọng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của nhân dân, tôn trọng quyền công dân và quyền con người. Để thực hiện được yêu cầu đó, đòi hỏi CBCCVC trong bộ máy HCNN phải có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ và kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết đáp ứng đúng yêu cầu khung năng lực của từng vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, bộ phận trong bộ máy HCNN. Năng lực của CBCCVC không chỉ dựa trên trình độ bằng cấp đào tạo, bồi dưỡng qua trường, lớp mà còn phải và chủ yếu là quá trình rèn luyện, trau dồi, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn công tác. Do vậy, mỗi CBCCVC phải thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình công tác, cũng như phải thực sự cầu thị, sẵn sàng học hỏi, tiếp thu những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mới, hiện đại để có thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ trong môi trường có nhiều thay đổi như hiện nay./.

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.176.

(2) Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, Hà Nội, tr.84-85.

(4) Điều 28, 29 Luật Tổ chức Chính phủ, 2015.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

2. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

3. Quốc hội (2013), Hiến pháp, Hà Nội.

4. Quốc hội (2015), Luật Tổ chức Chính phủ.

5. Quốc hội (2015), Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

6. TS Lê Anh Tuấn (2023), Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài “Phương thức hoạt động của tổ chức bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Bộ Nội vụ.

7. Kỷ yếu Hội thảo “Cơ sở khoa học đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam”, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, ngày 11/8/2023.

TS Lê Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ