Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, bị xử lý hình sự như thế nào?

co y gay thuong tich cho nguoi khac

Gây thương tích, tổn hại sức khoẻ khi bắt giữ người phạm tội là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm ngày càng nguy hiểm và tinh vi. Việc này là phù hợp, hay vượt quá mức cần thiết là vấn đề mà các cơ quan tố tụng thường xuyên phải xem xét, đánh giá, làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, ranh giới để xác định phạm tội hay không phạm tội là rất mong manh nên dẫn đến nhiều quan điểm và ý kiến trái chiều.

Vì vậy, trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc thông tin về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội và mức chịu trách nhiệm hình sự của người phạm tội này.

1. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là gì?

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã dành Chương XIV để quy định về “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”, trong đó có Điều 136 quy định về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội”. Theo đó, để hiểu rõ về khái niệm của điều luật này cần làm rõ các vấn đề sau:

Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 vẫn chưa đưa ra khái niệm thế nào là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhưng có thể hiểu rằng hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là hành vi cố ý dùng vũ lực hoặc hình thức khác tác động đến thân thể của nạn nhân làm cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại về sức khỏe.

Thứ hai, đối với cụm từ “vượt quá mức cần thiết” thì hiện nay cũng không có bất kỳ văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể về vấn đề này. Để đánh giá thế nào là “vượt quá mức cần thiết”, chúng tôi sẽ trình bày thông qua các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này tại Mục 2 dưới đây. Mời Quý bạn đọc tiếp tục theo dõi.

Thứ ba, việc bắt giữ người phạm tội theo quy định của pháp luật được thực hiện trong các trường hợp sau:

– Giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Khi có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Khi có người tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay để người có hành vi vi phạm không thể bỏ trốn; Khi có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

– Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã (phải có lệnh truy nã). Trường hợp này thì bất kỳ người nào cũng có thể tham gia bắt người và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

– Bắt bị can, bị cáo để tạm giam theo lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo.

Như vậy, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là hành vi cố ý dùng vũ lực hoặc hình thức khác tác động đến thân thể làm cho người bị bắt giữ bị thương, bị tổn hại về sức khỏe, mà Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

Slide1 3
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là gì? – Hình ảnh minh họa

2. Dấu hiệu pháp lý của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

2.1 Khách thể của tội phạm

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội xâm phạm đến khách thể là quyền bất khả xâm phạm, quyền được tôn trọng và quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người.

2.2 Mặt khách quan của tội phạm

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội cấu thành tội phạm chỉ khi đáp ứng các điều kiện sau:

Hành vi khách quan: Để đánh giá hành vi nào đó là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thì phải xác định được:

– Người phạm tội có quyền gây thiệt hại khi bắt giữ nạn nhân theo Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:

+ Nạn nhân là người thực hiện hành vi bị pháp luật coi là tội phạm;

+ Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, họ có quyền bắt giữ nạn nhân: Vấn đề này đã được chúng tôi phân tích tại Mục 1 nêu trên.

+ Để bắt giữ người phạm tội, người bắt giữ không còn cách nào khác phải sử dụng vũ lực hoặc hình thức khác gây thiệt hại cho người bị bắt giữ.

– Trong quá trình thực hiện việc bắt giữ, người bắt giữ đã sử dụng vũ lực “rõ ràng vượt quá mức cần thiết”, không phù hợp với yêu cầu của việc dùng vũ lực khi bắt giữ.

Để đánh giá thế nào là “rõ ràng vượt mức cần thiết”, cần xem xét từng trường hợp cụ thể, nhưng có thể cân nhắc đến các yếu tố như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm pháp; tính chất, mức độ chống trả của người bị bắt giữ; nhân thân người phạm pháp; hoàn cảnh xảy ra việc bắt giữ người; phương tiện, vũ khí sử dụng; diễn biến tâm lý của người bắt giữ;…

Ví dụ: Ông A đang đi xe trên đường thì thấy có tên cướp vừa giật túi xách của một cô gái. Ông A đuổi theo và đạp vào xe khiến tên cướp ngã xuống đường. Thấy tên cướp định bỏ chạy, ông A tiếp tục dùng cây gỗ bên đường đánh liên tiếp vào chân, người của tên cướp. Hậu quả dẫn đến là tên cướp bị thương tích 40%. Trong trường hợp này, ông A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

Hậu quả xảy ra: là nạn nhân bị thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người. Nếu nạn nhân bị thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 31% thì người bắt giữ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Giữa hậu quả nêu trên và hành vi sử dụng vũ lực hoặc hình thức khác tác động đến thân thể nạn nhân của người bắt giữ phải có mối quan hệ nhân quả với nhau. Điều này có nghĩa là thương tích, tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên hoặc cái chết của nạn nhân phải do hành vi sử dụng vũ lực hoặc hình thức khác vượt mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội trực tiếp gây ra.

2.3 Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết được thực hiện với lỗi cố ý với động cơ bắt giữ người phạm tội, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

Đối với trường hợp dẫn đến chết người, người phạm tội cố ý đối với hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân, nhưng lại hoàn toàn vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra, tức hậu quả chết người nằm ngoài ý chí của người phạm tội.

2.4 Chủ thể của tội phạm

Người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

Slide3 1
Dấu hiệu pháp lý của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội – Hình ảnh minh họa

3. Mức hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội sẽ bị xử lý hình sự theo 03 khung hình phạt sau:

– Khung một (khoản 1)

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 31% đến 60%.

– Khung hai (khoản 2)

Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu:

+ Có 02 nạn nhân trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; hoặc

+ Tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 61% trở lên.

– Khung ba (khoản 3)

Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu:

+ Có 02 nạn nhân trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên; hoặc

+ Phạm tội dẫn đến chết người.

Slide4 1
Mức hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội – Hình ảnh minh họa

4. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

– Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021.

Trên đây là bài viết của Công ty Luật Quốc tế DSP bàn về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội bị xử lý hình sự như thế nào? Để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:

Điện thoại: 0236 222 55 88

Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728

Email: info@dsplawfirm.vn

Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn

Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA