Học tập, làm theo giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên hiện nay

Từ khóa: Hồ Chí Minh, giá trị cốt lõi, tư tưởng, đạo đức, phong cách.

1. Giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh cần học tập và làm theo đối với cán bộ, đảng viên hiện nay

Năm 1946, khi trả lời các phóng viên nước ngoài, Hồ Chí Minh khẳng định rõ mục tiêu, lý tưởng của mình: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Từ đó có thể thấy, giải phóng dân tộc để đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Chính vì vậy, nếu dùng một từ khái quát tư tưởng của Hồ Chí Minh thì đó là từ Dân, Dân ở đây trước hết là nhân nhân và dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam nuôi dưỡng nhân dân Việt Nam, nhân dân Việt Nam gây dựng nên dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam là chủ nhân của dân tộc Việt Nam, nên dân tộc Việt Nam thống nhất với nhân dân Việt Nam và ngược lại, nhân dân Việt Nam thống nhất với dân tộc Việt Nam. Hay nói một cách khác, nước và dân thống nhất với nhau, vì dân cũng là vì nước và ngược lại vì nước cũng là vì dân. Dân theo Hồ Chí Minh bao hàm trong đó nhiều nội dung như dân sinh, dân quyền, dân chủ, dân trí, dân hạnh phúc, dân phát triển… Các nội dung này có mối quan hệ mật thiết với nhau, làm điều kiện, tiền đề cho nhau, ví dụ như muốn có dân hạnh phúc, dân phát triển thì phải có dân sinh, dân quyền, dân chủ… và ngược lại, dân hạnh phúc, dân phát triển lại thúc đẩy sự phát triển, sự tiến bộ của dân quyền, dân chủ… Chính vì vậy, các nội dung dân sinh, dân quyền, dân chủ, dân trí, dân hạnh phúc, dân phát triển… thống nhất chặt chẽ với nhau trong khái niệm Dân của Hồ Chí Minh. Do đó, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc cũng là nhằm giải phóng nhân dân khỏi thân phận nô lệ, khỏi áp bức, bất công, bởi dân tộc có độc lập thì dân sinh mới được tự do, dân quyền, dân chủ, dân trí, dân phát triển, dân hạnh phúc… mới được đảm bảo. Giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc là điều kiện cần cho dân sinh tự do, hạnh phúc, dân quyền, dân chủ, dân trí, dân phát triển… Điều kiện đủ là CNXH, bởi chỉ có phát triển lên CNXH mới xóa bỏ được áp bức bất công, mới có điều kiện vật chất để thực hiện dân sinh hạnh phúc, dân trí phát triển, mới đảm bảo được dân quyền, dân chủ một cách thực chất và triệt để. Do đó, trong tư tưởng Hồ Chí Minh độc lập dân tộc và CNXH gắn liền với nhau và cũng vì mục tiêu tốt đẹp là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, dân chủ… cho nhân dân. Mục tiêu lý tưởng đó luôn đau đáu trong tâm khảm Hồ Chí Minh, và thể hiện nhất quán trong tư tưởng, hành động của Người trong những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước cho đến tận cuối đời, chính vì vậy mà tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính nhân văn cao cả, mang tính nhân bản sâu sắc và đó cũng là giá trị cốt lõi nhất quán trong tư tưởng của Người.

Mục tiêu giải phóng nhân dân khỏi áp bức bất công, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân của Hồ Chí Minh được Đảng ta kiên định trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng ta đề ra hiện nay thống nhất với giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, đối với cán bộ, đảng viên hiện nay, quán triệt, học tập và làm theo giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là quán triệt và thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Để làm được điều đó cán bộ, đảng viên cần tập trung vào mấy vấn đề sau đây:

Một là, trong công việc, cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm tận lực đối với Đảng, điều đó cũng có nghĩa là nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm tận lực đối với nhân dân, bởi vì “không có cái lợi ích nào của Đảng mà không phải là lợi ích của nhân dân, hay ngược lại không có lợi ích nào của nhân dân mà không phải là lợi ích của Đảng”(2). Nhiệm vụ của Đảng là phục vụ nhân dân, nên việc gì có lợi cho Đảng thì phải gắng sức thực hiện, việc gì có hại cho Đảng thì phải hết sức tránh. Phải luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa lợi ích riêng của cá nhân cán bộ, đảng viên với lợi ích của Đảng thì phải ưu tiên lợi ích chung của Đảng.

Để làm được như vậy, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nhiệm vụ, chức trách theo tinh thần tất cả vì hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan đơn vị, việc của cơ quan đơn vị chính là việc của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể (tức của hệ thống chính trị). Nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, đoàn thể cũng là phục vụ nhân dân. Do đó, công việc của mỗi cán bộ đều quan trọng, không được phân biệt việc sang, việc hèn, về vấn đề này Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: “không có việc sang, việc hèn, mọi việc đều quan trọng. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Tất cả mọi ngành và tất cả mọi người phải đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ, như tay với chân, thì công việc mới dễ dàng thành công”(3). Quán triệt tinh thần đó, không phân biệt sang hèn trong công việc, cán bộ đảng viên sẽ tận tâm, tận lực để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, khắc phục được tình trạng chỉ biết việc của mình, từ đó dẫn tới tệ nạn “cục bộ”, mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo bằng hình ảnh sinh động là “cua cậy càng, cá cậy vây”(4). Bên cạnh đó, quán triệt tinh thần không phân biệt sang hèn trong công việc sẽ hạn chế được những biểu hiện suy thoái đạo đức, vi phạm kỷ cương, kỷ luật như chạy vị trí, chạy chức, chạy quyền… của một số cán bộ, đảng viên.

Hai là, cán bộ phải làm tròn vai trò cầu nối giữa Đảng và dân, góp phần quan trọng để thống nhất giữa Ý Đảng và Lòng Dân.

Cán bộ là cán bộ của Đảng mà mục tiêu lý tưởng của Đảng thống nhất với mục tiêu, lý tưởng của nhân dân, của dân tộc Việt Nam; nhiệm vụ của Đảng là phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc Việt Nam. Đảng phục vụ nhân dân thông qua đội ngũ cán bộ của mình. Điều này đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải làm cho mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân luôn luôn thông suốt cả hai chiều. Chiều thứ nhất, cán bộ là những người đem chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước giải thích cho dân chúng hiểu rõ và triển khai thực hiện, muốn vậy cán bộ phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chính sách liên quan đến công tác của mình, liên quan đến điều này Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Nếu cán bộ không nắm vững chính sách, không đi đúng đường lối quần chúng, thì chính sách hay cũng hóa dở, tốt cũng hóa xấu”. Ngoài việc nắm vững chính sách, cán bộ phải biết dân vận để nhân dân tích cực tham gia, ủng hộ. Chính sách hay nhưng cán bộ yếu kém không làm cho dân hiểu dân tin, không huy động được nhân dân thực hiện thì cũng không phát huy được tác dụng… Chiều thứ hai, cán bộ phải đem tình hình của quần chúng nhân dân báo cáo trung thực với Đảng và Nhà nước, để Đảng, Nhà nước nắm bắt một cách đúng đắn chân thực tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó đề ra được chủ trương, chính sách đúng, trúng và kịp thời nhằm đem lại lợi ích chính đáng, thiết thực cho nhân dân, cho đất nước. Trong thời gian vừa qua, do nhiều nguyên nhân, trong đó có bệnh quan liêu, bệnh thành tích mà có tình trạng báo cáo không trung thực gây nguy hại đối với Đảng và nhân dân. Tình trạng tiêu cực, tham nhũng, mất dân chủ… kéo dài ở một số bộ ngành, địa phương trong những năm qua có liên quan đến việc báo cáo không trung thực. Do đó, báo cáo không trung thực cũng rất nguy hiểm, như Hồ Chí Minh đã khuyến cáo: “báo cáo không thật thà cũng là một bệnh rất nguy hiểm”(5).

2. Giá trị cốt lõi của đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần học tập và làm theo đối với cán bộ, đảng viên hiện nay

Giá trị cốt lõi trong đạo đức Hồ Chí Minh chính là đạo đức cách mạng, cụ thể là phải bao gồm các phẩm chất: Trí – Tín – Nhân – Dũng – Liêm. Trong đó, Trí là biết phân biệt địch – ta, tốt – xấu, chính – tà, phải trái… biết nhận thức ưu điểm, khuyết điểm của bản thân để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm… nhằm phục vụ tốt hơn cho Đảng cho dân; Tín là “ngôn tất tín, hành tất quả” tức nói phải tin, làm phải có hiệu quả cho dân, cho nước, và nói đi đôi với làm; Nhân là phải có lòng yêu thương đồng loại, yêu thương nhân dân, yêu thương đồng bào, đồng chí, phải có lòng khoan dung độ lượng…; Dũng là phải mạnh dạn, quả quyết nhưng không phải làm liều, dám làm dám chịu, không ngại hiểm nguy trong công việc, kiên trì, nhẫn nại để hoàn thành công việc vì nước, vì dân; Liêm là không tham quyền cố vị, không tham sắc tham tài, trọng nghĩa khinh tài, giữ vững sự trong sạch, chính trực trong công việc để phục nhân dân, phục vụ Tổ quốc được tốt nhất(6)… Tất cả các phẩm chất này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Những phẩm chất đó không chỉ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau mà còn thống nhất với nhau và nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân được tốt nhất, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Hay nói một cách khác, đạo đức cách mạng là nhằm thực hiện sự nghiệp cách mạng đó là độc lập dân tộc và CNXH cho dân tộc Việt Nam, bởi vì chỉ có độc lập dân tộc và CNXH mới có thể đem lại dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, dân trí phát triển, dân chủ triệt để cho nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, có đạo đức cách mạng thì sự nghiệp cách mạng (độc lập dân tộc và CNXH) mới thành công, hay nói một cách khác, đạo đức cách mạng là tiền đề để thực hiện mục tiêu đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, dân quyền, dân chủ cho nhân dân. Đối với cán bộ, đảng viên hiện nay, quán triệt, học tập, làm theo đạo đức Hồ Chí Minh trước hết phải dĩ công vi thượng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương của Đảng và sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời phải không ngừng tu dưỡng, hoàn thiện bản thân mình một cách toàn diện, không thiên lệch về một phẩm chất nào. Để hoàn thiện bản thân mình một cách toàn diện phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập trên cơ sở thống nhất nhiều phẩm chất, năng lực. Như thống nhất giữa đức và tài, thống nhất giữa hồng và chuyên, thống nhất giữa nói với làm, thống nhất giữa học với hành, thống nhất giữa xây với chống, thống nhất giữa nâng cao đạo đức cách mạng với quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, thống nhất giữa tăng gia sản xuất với thực hành tiết kiệm, thống nhất giữa đổi mới sáng tạo với kỷ luật kỷ cương… Nếu không hội đủ và thống nhất các phẩm chất, năng lực như vậy thì chưa phải là cán bộ toàn diện như Hồ Chí Minh mong muốn, ví dụ như: có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó; lý luận mà không gắn với thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận dẫn đường là thực tiễn mù quáng…

Bên cạnh đó, để quán triệt, học tập và làm theo giá trị cốt lõi của đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải quyết tâm cao độ trong việc chống lại các bệnh như: bệnh quan liêu xa dân, bệnh chủ nghĩa cá nhân, bệnh lãng phí, bệnh hình thức, bệnh hủ hóa… Đây là những căn bệnh đi ngược lại với giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; đây là những căn bệnh mà nếu cán bộ, đảng viên mắc phải sẽ làm tổn hại đến lợi ích của Đảng, của nhân dân, đi ngược lại với tinh thần nhân văn nhân bản trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, để quán triệt, học tập và làm theo giá trị cốt lõi của đạo đức Hồ Chí Minh phải tuyệt đối tuân thủ những Văn kiện, Nghị quyết, Quy định… của Đảng, đặc biệt là những Nghị quyết, Quy định liên quan đến đạo đức cán bộ đảng viên như: Quy định 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Những điều đảng viên không được làm (19 điều); Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ (27 biểu hiện)… Ngoài ra, mỗi cán bộ, đảng viên còn cần phải tích cực giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để các cán bộ, đảng viên khác thực hiện tốt các Nghị quyết, Quy định của Đảng, trên cơ sở đó hiện thực hóa một cách tốt nhất, triệt để nhất chủ trương, đường lối của Đảng nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Phong cách Hồ Chí Minh là những giá trị đặc trưng, mang đậm nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như yêu nước, thương dân, tương thân tương ái… đồng thời phong cách Hồ Chí Minh mang hơi thở của thời đại, của nhân loại như mang tính khoa học, hiện đại, tiến bộ… Đó là phong cách của một anh hùng “mong manh áo vải” nhưng “hồn muôn trượng” như nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa trong bài thơ Bác ơi; đó là phong cách của một danh nhân văn hóa của thế giới, với tâm đức trong sáng, trí tuệ mẫn tiệp, gần gũi, gắn bó với nhân dân, và luôn luôn vì sự tiến bộ của nhân loại. Phong cách Hồ Chí Minh cũng có mối quan hệ hết sức mật thiết với tư tưởng và đạo đức của Người. Nếu như đạo đức Hồ Chí Minh nhằm thực hiện tư tưởng của Người thì phong cách Hồ Chí Minh vừa nhằm thực hiện tư tưởng, vừa là biểu hiện sinh động của đạo đức cách mạng của Người, có thể nói phong cách Hồ Chí Minh là một trong những phương thức cơ bản thể hiện đạo đức cách mạng của Người. Do đó, phong cách Hồ Chí Minh thống nhất với tư tưởng và đạo đức của Người. Giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mang tính nhân văn nhân bản, thể hiện ở chỗ tất cả vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, quyền làm chủ… của nhân dân nên giá trị cốt lõi trong phong cách Hồ Chí Minh xét cho cùng cũng là vì dân, đó là phong cách nhằm “tận trung với nước, tận hiếu với dân”; đó là phong cách hướng tới phục vụ tốt nhất cho nước, cho dân; đó là phong cách gần dân, thân dân, tôn trọng nhân dân; đó là phong các kết hợp giữa đại chúng và khoa học, kết hợp giữa bản sắc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc với giá trị tinh hoa của thế giới… Phong cách Hồ Chí Minh là nhằm thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất, triệt để nhất tinh thần nhân văn, nhân bản của Người… Vì phong cách Hồ Chí Minh thống nhất với tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh nên để việc quán triệt, học tập và làm theo giá trị cốt lõi của phong cách Hồ Chí Minh có hiệu quả, cán bộ, đảng viên phải biết đặt việc quán triệt, học tập và làm theo giá trị cốt lõi của phong cách Hồ Chí Minh trong mối quan hệ chặt chẽ với việc quán triệt, học tập, làm theo giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Việc quán triệt, học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh phải được thể hiện trên nhiều phương diện như tư duy, diễn đạt, làm việc, ứng xử, sinh hoạt… dù trên phương diện nào cũng hướng tới phục vụ nhân dân được tốt nhất, nhằm đem lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân, đoàn kết với nhân dân để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, đồng thời có trách nhiệm với nhân loại tiến bộ. Theo đó, đối với cán bộ, đảng viên hiện nay, tư duy phải độc lập tự chủ, năng động, sáng tạo; diễn đạt (nói, viết) phải ngắn gọn, cô đọng, rõ ràng, mạch lạc để người đọc, người nghe dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; làm việc phải khoa học, đem lại hiệu quả thiết thực cho Đảng cho dân, tránh quan liêu, nhũng nhiễu, tham nhũng, hối lộ; ứng xử phải chân tình, nhân ái, khiêm tốn, cầu thị, tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng nhân dân; sinh hoạt phải điều độ, tiết kiệm, chống lãng phí…

Đối với cán bộ là lãnh đạo, quản lý, ngoài việc quán triệt, học tập, làm theo phong cách Hồ Chí Minh ở những nội dung như trên còn cần phải quán triệt, học tập và làm theo phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, đó là: Phong cách lãnh đạo dân chủ, biết lắng nghe nhân dân, “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”(7), lãnh đạo dân chủ, biết lắng nghe nhân dân nhưng không được theo đuôi quần chúng, bởi vì “Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”(8); Phong cách lãnh đạo sâu sát, nắm chắc tình hình của địa hạt mình lãnh đạo cũng như những địa hạt liên quan trực tiếp, do đó, cán bộ lãnh đạo “Phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ”(9), tức là cán bộ lãnh đạo không phải chỉ ngồi bàn giấy nghe báo cáo, mà còn phải thông qua nhiều cách thức khác nhau để nắm bắt tình hình một cách đầy đủ, chân thực và kịp thời nhất; Phong cách lãnh đạo khoa học, giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt trong hành động với tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” để đem lại chất lượng và hiệu quả cao nhất cho cơ quan, đơn vị nói riêng, cho đất nước, cho nhân dân nói chung; Phong cách lãnh đạo nêu gương, theo tinh thần cán bộ lãnh đạo đi trước, cấp dưới và làng nước theo sau, để nêu gương đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải có đạo đức, bản lĩnh, tài năng, trí tuệ, tầm nhìn… ở một mức độ nhất định; Phong cách lãnh đạo quyết đoán trên cơ sở bàn bạc dân chủ, đưa ra quyết định phải đúng, trúng và kịp thời, dám làm dám chịu; Phong cách lãnh đạo thấm đẫm tình người nhưng không phải là tùy tiện, vô nguyên tắc, tức là lãnh đạo phải thấu tình đạt lý; Lãnh đạo phải khéo dùng người, biết chiêu hiền đãi sỹ, trọng dụng người tài đức, bởi vì theo Hồ Chí Minh, người tài đức “có thể làm được những việc ích nước lợi dân”(10), để thu hút được người tài đức thì người lãnh đạo phải tài đức, hay nói cách khác là dùng người tài đức để thu hút và sử dụng người tài đức; Lãnh đạo phải phát huy được các loại tài năng khác nhau của cấp dưới, theo Hồ Chí Minh, “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng”(11), nên người lãnh đạo trong quá trình sử dụng cán bộ, cần phát huy cá tính, sở trường của mọi cá nhân, phải tránh tư tưởng cho rằng, cứ giống mình mới là tốt, khác mình là không tốt, dễ sinh bệnh “Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”(12). Nếu mắc bệnh này sẽ không phát huy được, thậm chí làm thui chột tài năng của những người tính tình không hợp với mình, khi đó sẽ làm lãng phí nhân tài, lãng phí “tài sản” của nhân dân, mà nhân tài là nguồn lực quan trọng nhất trong các nguồn lực, vì có nguồn lực nhân tài thì các nguồn lực khác như đất đai, tài nguyên, tài chính… mới có thể phát huy tốt được. Có nhân tài thì mới hiện thực hóa được sự nghiệp cách mạng đầy nhân văn, nhân bản mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.

Việc quán triệt, học tập, làm theo giá trị cốt lõi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực gắn với chức trách, công việc của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị trên tinh thần vì sự phát triển của đất nước và vì tự do, ấm no, hạnh phúc… của nhân dân. Trong bối cảnh đất nước ta hiện nay, cán bộ, đảng viên quán triệt, học tập, làm theo giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ góp phần vô cùng quan trọng vào việc triển khai thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó thực hiện thành công công cuộc đổi mới và tiến tới hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của Hồ Chí Minh cũng như của Đảng ta.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2020

(1), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.187, 504.

(2), (3), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.370, 408, 249.

(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-chon-nhan-su-khoa-13-tranh-cua-cay-cang-ca-cay-vay-636682.html.

(5), (6), (7), (8), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.297, 259-260, 325, 336, 318.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.610.

TS Đinh Văn Thụy

Học viện Chính trị khu vực IV