Khởi nghĩa Hai Bà Trưng diễn ra vào năm nào?

Tháng 3 năm 40 (sau công nguyên), hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị là con gái lạc tướng Mê Linh, trước cảnh nước mất nhà tan, căm thù quân giặc tàn bạo, đã phất cờ khởi nghĩa. Lời thề “Đền nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng Trắc – Trưng Nhị trên dòng sông Hát đã vang vọng núi sông với hàng vạn dân chúng, tướng lĩnh, nghĩa quân cùng Hai Bà Trưng ào ào xuất trận với khí thế dũng mãnh. Chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà, ngọn cờ chính nghĩa đã tung bay chiến thắng. Nền độc lập được khôi phục, chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương bắc lần thứ nhất (dài 246 năm).

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là kết tinh của một quá trình đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân Việt cổ, làm chấn động cả cõi Nam. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã khắc dấu son đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Dấu ấn này làm vẻ vang, rạng rỡ non song đất nước, tạo dựng truyền thống quý báu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam.

Lên ngôi Vua được 3 năm, quân giặc lại tràn sang. Ngày 6-2 năm Quý Mão, tương truyền sau khi quyết chiến với kẻ thù, Hai Bà đã gieo mình xuống sông Hát Giang tuẫn tiết. Sau khi mất, khí phách anh linh của Hai Bà kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi, tới vùng đất bên dòng sông Cái. Một đêm đầu tháng 2 âm lịch, hai pho tượng tỏa sáng trên dòng sông Nhị, trước bãi Đồng Nhân. Dân làng Đồng Nhân Châu xưa (Nay là bến Bạch Đằng) lấy vải đỏ làm lễ rước tượng vào bờ. Tượng đá có thế hai tay giơ cao như đang rẽ nước tiến lên, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp đỏ với tư thế lẫm liệt của nữ Anh hùng. Vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định 3 (1142) được tin truyền lập đền thờ khang trang ngay tại bờ bãi. Năm Gia Long thứ 18 (1819), do sạt lở bờ sông, đền thờ Hai Bà Trưng được chuyển vào khu vực Võ Miếu, thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng ngày nay.