NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC KHI GIA TĂNG DÂN SỐ

Hiện nay, vấn đề gia tăng dân số đã và đang là một trong những nguyên nhân tác động mạnh mẽ làm kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội, làm giảm chất lượng hoạt động của các ngành và chất lượng cuộc sống của người dân. Trước hết, nó gây nên áp lực lớn tới hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục cũng như phúc lợi xã hội. Đồng thời, khi chưa đủ điều kiện kinh tế, sinh nhiều con sẽ khiến đứa trẻ không được đáp ứng đủ các nhu cầu cần thiết để có thể phát triển toàn diện. Sự bùng nổ dân số cũng kéo theo nhu cầu sử dụng đất, tài nguyên thiên nhiên lớn hơn, gây ra ô nhiễm môi trường, thiếu nước ngọt trầm trọng cũng như gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở vùng sâu, xa; vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở nước ta, hàng năm xấp xỉ 2 triệu trẻ em ra đời thì đồng thời có thêm một triệu thanh niên vào tuổi lao động chưa có việc làm đầy đủ. Đáng ngại nhất là nông dân ngày nay có xu hướng coi sản xuất nông nghiệp là ít có lãi, nên đưa nhau lên thành thị để tìm việc làm, gây nên áp lực về dân số tại đây. Tình trạng thiếu việc làm đang là một trong những nguyên nhân gia tăng các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, nhất là tội phạm hình sự. Từ đó phát sinh những mặt trái như cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, trộm cắp… Sự gia tăng dân số cũng đang tác động mạnh mẽ đến môi trường sống và tài nguyên rừng bị tàn phá nghiêm trọng do việc di dân tự do từ các nơi khác đến miền núi. Từ đó, phát sinh nạn phá rừng để sản xuất nông nghiệp, mà khi rừng không còn độ bao phủ thì lũ lụt thường xuyên xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Nguyên nhân làm nên tồn tại tình trạng trên là do dân trí chưa được chuyển đổi, nhất là vùng nông thôn. Bên cạnh đó, tâm lý xã hội còn thích đẻ nhiều con trai để có thêm lao động, nhờ cậy lúc tuổi già đã và đang gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính.

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về dân số. Hiện nay, quy mô dân số Việt Nam đã hơn 98 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng dân số tuy đã giảm nhiều, song quy mô dân số còn khá lớn, đồng thời là nước nằm trong nhóm các nước có mật độ dân số cao thế giới, nhưng chất lượng dân số ở mức trung bình. Bên cạnh đó, tốc độ già hóa dân số nhanh; mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng cao; chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên rất còn nhiều bất cập, đáng lo ngại. Vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn nhiều ở một số dân tộc ít người. Sự bất bình đẳng giới vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Trong khi đó, già hóa dân số cũng đang đặt ra thách thức lớn như chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi, trong khi đó tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho họ còn hạn chế như: chưa có Bệnh viện Lão khoa, thiếu nhân lực chuyên khoa về Lão khoa, việc phổ biến kiến thức về Lão khoa còn hạn chế.

Nghị quyết 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới có chỉ rõ: “ Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số. Tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và thực hiện các biện pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế. Đồng thời, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”. Như vậy, ngày nay khi xã hội đã đủ điều kiện, phương tiện khoa học giúp cho người phụ nữ chủ động được việc sinh đẻ theo kế hoạch gia đình. Thì vấn đề đặt ra là làm sao cho mỗi người sớm thay đổi những tâm lý xã hội, tập quán lỗi thời, lạc hậu trong việc sinh đẻ; để đáp ứng kịp theo tình hình mới hiện nay./.

Lê Quốc Thanh – TTYT Tịnh Biên – An Giang