Thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú online 2023 [Mới]

Video đăng ký tạm trú cần giấy to gì 2022

Đăng ký tạm trú, tạm vắng online là gì?

Đăng ký tạm trú online là trình tực thủ tục đăng ký tạm trú trực tuyến thực hiện qua cổng dịch vụ công quốc gia giúp người thực hiện không cần đến trực tiếp cơ quan quản lý cư trú.

Đăng ký tạm trú online người thực hiện truy cập địa chỉ dichvucong.bocongan.gov.vn (Cổng DVC)

  • Từ giao diện màn hình thực hiện thủ tục => Chọn “CƠ QUAN THỰC HIỆN”

Công dân chọn “Tỉnh/ Thành phố (*), Quận/ Huyện (*), Phường/ Xã (*)” của cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân đề nghị thực hiện thủ tục => Chọn trường hợp.

  • Tại mục “THÔNG TIN NGƯỜI ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ”
  1. Công dân điền các thông tin như họ và tên, ngày sinh, giới tính, số CMND/CCCD/ĐDCN…. của người đề nghị đăng ký tạm trú.
  2. Trường hợp người khai báo thông tin (chủ tài khoản cổng DVC) là người đăng ký tạm trú thì tích vào ô “Người khai thông tin là người đăng ký tạm trú (tự động điền các thông tin của chủ tài khoản được lấy từ dữ liệu dân cư).
  3. Trường hợp người khai báo thông tin (chủ tài khoản cổng DVC) không phải người đăng ký tạm trú thì tích vào ô “khai hộ (yêu cầu khai đúng các trường thông tin có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được khai hộ).
  4. Thông tin quốc gia: Đối với trường hợp định cư ở nước ngoài về đăng ký tạm trú thì chọn quốc gia định cư. Trường hợp công dân định cư ở Việt Nam thì chọn quốc gia “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
  5. Thông tin nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại: điền theo thông tin nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trường hợp nơi ở hiện tại là nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú thì tích vào ô tương ứng để hệ thống tự động đồng bộ thông tin nơi ở hiện tại).
  • Tại mục “THÔNG TIN ĐỀ NGHỊ”
  1. Công dân điền đầy đủ thông tin Địa chỉ (số nhà, đường phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc), Họ và tên chủ hộ, Quan hệ với chủ hộ, Số ĐDCN/CMND chủ hộ nơi đến, nội dung đề nghị.
  2. Thông tin những thành viên trong hộ gia đình cùng thay đổi: Ấn nút “chi tiết” để điền thông tin những thành viên trong hộ gia đình hoặc điền trực tiếp vào form.
  3. Trường hợp muốn thêm thành viên hoặc xóa bớt thành viên thì ấn vào nút “+ hoặc -” trên biểu tượng.
  • Tại mục “THÔNG TIN NHẬN THÔNG BÁO TÌNH TRẠNG HỒ SƠ, KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ”

Công dân chọn hình thức nhận thông báo, hình thức nhận kết quả.

  • Tại mục “THÀNH PHẦN HỒ SƠ”
  1. Công dân chọn các mục tương ứng với trường hợp của mình như như “scen File, chọn tệp tin, lấy từ kho” sau đó, ấn vào “chọn tệp tin” => “lấy từ kho” để đính kèm giấy tờ, tài liệu đã lưu vào trong kho trên cổng dịch vụ công; “chọn tệp tin” để đính kèm giấy tờ, tài liệu lưu trên thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại…)
  2. Trường hợp công dân muốn lưu giấy tờ, tài liệu vào kho trên cổng dịch vụ công để tái sử dụng khi thực hiện thủ tục trên cổng dịch vụ công thì ấn vào nút “lưu vào”.
  • Ấn nút “đồng ý và tiếp tục” để chuyển sang bước tiếp theo

Công dân đọc lại các thông tin đã kê khai => nhập mã xác nhận => Ấn vào hộp thoại “tôi xin chịu trước pháp luật về lời khai trên => Ấn nộp hồ sơ để tiến hành nộp hồ sơ.

Đăng ký tạm trú mang lại những lợi ích gì?

  1. Công dân khi đăng ký tạm trú được hưởng các chính sách của nhà nước tại địa phương ví dụ: Người tạm trú được tiêm vaxin covid.
  2. Đăng ký tạm trú giúp Nhà nước biết được nơi cư trú của cá nhân. Việc cư trú của công dân luôn gắn liền với các nhu cầu về học tập, công việc, khám chữa bệnh,… Đăng ký tạm trú là căn cứ để Nhà nước đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp gắn liền với nơi cư trú đó.
  3. Việc đăng ký tạm trú giúp quan hệ giữa Nhà nước và công dân liên quan đến cư trú không bị gián đoạn, công dân có quyền lên tiếng khi lợi ích và các nhu cầu cơ bản của mình bị xâm phạm. Đối với nhà nước, công tác quản lý cư dân có vai trò hết sức quan trọng, có tác dụng to lớn đối với vị trí quản lý xã hội, quản lý dân cư của Nhà nước cũng như đối với công tác nghiệp vụ của lực lượng an ninh nhân dân.
  4. Đăng ký tạm trú để bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân
  • Dựa trên cơ sở nắm bắt được dữ liệu dân cư, cơ quan quản lý còn có các chính sách, kế hoạch đảm đảm an sinh xã hội phù hợp với xây dựng trường học, bệnh viện,.. đáp ứng tình trạng cư trú, tạm trú của công dân.
  • Đối với hoạt động quản lý xã hội, công tác quản lý tạm trú là một biện pháp quản lý hành chính nhằm nắm được việc cư trú của công dân, xác định những thông tin cơ bản nhất về nhân thân của công dân làm tiền đề phục vụ cho hoạch định chính sách xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân, tăng cường chính sách quản lý xã hội của Nhà nước.
  • Đối với việc đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác quản lý tạm trú sẽ góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, hạn chế nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm. Những đối tượng phạm tội ngày nay luôn dùng những chiêu thức tinh vi, lợi dụng sơ hở, bất cập trong công tác quản lý tạm trú để hoạt động phạm tội cũng như là trốn tránh pháp luật.
  • Đối với việc hoạch định chính sách, quản lý xã hội cũng chính là quản lý con người trong tất cả mọi việc của đời sống xã hội. Nắm được những dữ liệu trên tất cả các phương diện sẽ là cơ sở hoạch định chính sách kinh tế – xã hội phát triển một cách toàn diện.

Từ những căn cứ trên, nếu không xác định được tầm quan trọng của việc đăng ký tạm trú, công dân sẽ tự đánh mất quyền lợi của mình, không được hưởng chính sách ưu đãi và nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ chính quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, điều này còn làm gia tăng tệ nạn xã hội không đáng có, ảnh hưởng đến an ninh an toàn xã hội và các hiện tượng tiêu cực khác xảy ra trên địa bàn tạm trú.

Điều kiện đăng ký tạm trú bao gồm:

  1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi hành chính cấp xã, phường, thị trấn nơi để lao động, học tập, làm việc hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì bắt buộc phải thực hiện đăng ký tạm trú.
  2. Thời hạn tạm trú tối đa là không quá 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.
  3. Quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP Hà Nội: Đối với khu vực ngoại thành là 8m/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m/sàn/người.
  4. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở theo các quy định sau:
  • Chỗ ở nằm trong khu vực cấm không được xây dựng hoặc lấn chiếm hành lang quốc phòng – an ninh, giao thông, thủy lợi, các di tích văn hóa – lịch sử đã được xếp hạng, khu vực được cảnh báo gây nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống theo quy định của pháp luật.
  • Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở đều nằm trên diện tích đất xâm chiếm trái phép hoặc trên một khoảng diện tích đất không đủ điều kiện để xây dựng theo quy định của luật đất đai.
  • Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và có quyết định phê duyệt những phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư của cơ quan nhà nước; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp quyền sử dụng đất, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng chưa được giải quyết theo quy định của Pháp luật.
  • Chỗ ở bị tịch thu theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
  • Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

(Điều 27 của Luật Cư trú 2020, hướng dẫn chi tiết bởi thông tư 55/2021)

Đăng ký thường trú cần giấy tờ gì?

Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi ở dài hạn của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó đăng ký thường trú khác với thủ tục đăng ký tạm trú đã nói. Theo Luật cư trú 2020 thì giấy tờ cần có khi đăng ký thường trú của công dân sẽ bao gồm:

  • Hồ sơ đăng ký thường trú với người có chỗ ở thuộc sở hữu của mình
  1. Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
  2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.
  • Hồ sơ đăng ký thường trú về nhà người thân
  1. Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
  2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
  3. Giấy tờ, tài liệu chứng minh là người cao tuổi, người chưa thành niên…
  • Hồ sơ đăng ký thường trú về nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ
  1. Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
  2. Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
  3. Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định (theo Điều 5 Nghị định 62/2021 gồm: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
  • Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp bao gồm:

Theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 62/2021/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết điều luật khi công dân chưa đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ sau:

  1. Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các loại tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp ( trong đó phải có thông tin về nhà ở).
  2. Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng ( đối với những dự án là công trình thì công trình phải được cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
  3. Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý thuộc sở hữu của nhà nước.
  4. Hợp đồng mua nhà hoặc giấy tờ chứng minh đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở từ những doanh nghiệp có chức năng kinh doanh đầu tư xây dựng để bán.
  5. Giấy tờ thuê nhà, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của luật đất đai về nhà ở.
  6. Giấy tờ giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất cá nhân cho hộ gia đình, cá nhân.
  7. Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở và đã có hiệu lực.
  8. Giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và các loại tài sản khác gắn liền với đất nếu không có một trong các giấy từ nêu trên.
  9. Giấy tờ chứng minh đăng ký, đăng kiểm quyền sở hữu, trường hợp nếu chưa có thì cần phải có sự xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã quy định về việc phương tiện được sử dụng để ở;
  10. Giấy tờ chứng minh việc cho thuê, cho mượn nhà ở hợp pháp là các văn bản cho thuê, cho mượn nhà ở của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của Luật đất đai 2013 và Luật nhà ở 2014.
  11. Giấy tờ do chính thủ trưởng, cơ quan tổ chức kế tên, đóng dấu, xác minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, tổ chức giao đất để làm nhà (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

Quy định về tạm trú, thường trú mới nhất

(Điều 20 tới Điều 26 Luật cư trú 2020)

  • Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú

1. Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

4. Công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người hoạt động tôn giáo được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở tôn giáo;

b) Người đại diện cơ sở tín ngưỡng;

c) Người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng;

d) Trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú.

5. Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp được đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội khi được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.

6. Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đó đồng ý cho đăng ký thường trú;

b) Phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật; trường hợp phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở;

c) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc phương tiện đã đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trên địa bàn trong trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ.

7. Việc đăng ký thường trú của người chưa thành niên phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.

8. Công dân không được đăng ký thường trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

  • Điều 21. Hồ sơ đăng ký thường trú

1. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện khác quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 của Luật này.

3. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 3 Điều 20 của Luật này bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;

c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

4. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều 20 của Luật này bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người quy định tại điểm c khoản 4 Điều 20 của Luật này thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh là nhà tu hành, chức sắc, chức việc hoặc người khác hoạt động tôn giáo và được hoạt động tại cơ sở tôn giáo đó theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với người quy định tại điểm a khoản 4 Điều 20 của Luật này; giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đại diện cơ sở tín ngưỡng đối với người quy định tại điểm b khoản 4 Điều 20 của Luật này;

c) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở;

5. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại điểm d khoản 4 Điều 20 của Luật này bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng hay người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người đăng ký thường trú thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này và việc trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở.

6. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 5 Điều 20 của Luật này bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người được cá nhân, hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Văn bản đề nghị của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội đối với người được cơ sở trợ giúp xã hội nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp;

c) Giấy tờ, tài liệu xác nhận về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp.

7. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 6 Điều 20 của Luật này bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký thường trú không phải là chủ phương tiện thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hoặc văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở đối với phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm;

c) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về địa điểm phương tiện đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trong trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ.

8. Trường hợp người đăng ký thường trú quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này là người chưa thành niên thì trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

9. Trường hợp người đăng ký thường trú quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng thì phải có giấy tờ, tài liệu khác chứng minh có quốc tịch Việt Nam và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an.

10. Chính phủ quy định chi tiết về các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp và giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân quy định tại Điều này.

  • Điều 22. Thủ tục đăng ký thường trú

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

  • Điều 23. Địa điểm không được đăng ký thường trú mới

1. Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

2. Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

3. Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

5. Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  • Điều 24. Xóa đăng ký thường trú

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:

a) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

d) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

đ) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

e) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

g) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

h) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

i) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan đã đăng ký thường trú có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú và phải ghi rõ lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

3. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú.

  • Điều 25. Tách hộ

1. Thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó;

c) Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này.

2. Hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

Trường hợp tách hộ sau ly hôn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.

3. Thủ tục tách hộ được thực hiện như sau:

a) Người đăng ký tách hộ nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan đăng ký cư trú;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

  • Điều 26. Điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú

1. Việc điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi chủ hộ;

b) Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

c) Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.

2. Hồ sơ điều chỉnh thông tin về cư trú quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc điều chỉnh thông tin.

3. Thủ tục điều chỉnh thông tin về cư trú được thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, thành viên hộ gia đình nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan đăng ký cư trú. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh thông tin về chủ hộ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho thành viên hộ gia đình về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối điều chỉnh thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;

b) Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thay đổi thông tin về hộ tịch, người có thông tin được điều chỉnh nộp hồ sơ đăng ký điều chỉnh thông tin có liên quan trong Cơ sở dữ liệu về cư trú quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan đăng ký cư trú.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh thông tin về hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối điều chỉnh thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh, cập nhật việc thay đổi thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Quy định về đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng

(Điều 27 tới Điều 31 Luật cư trú 2020)

  • Điều 27. Điều kiện đăng ký tạm trú

1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.

  • Điều 28. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú

1. Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

2. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.

Hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời hạn tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

  • Điều 29. Xóa đăng ký tạm trú

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký tạm trú:

a) Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

b) Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký tạm trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

c) Vắng mặt liên tục tại nơi tạm trú từ 06 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;

d) Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

đ) Đã được đăng ký thường trú tại chính nơi tạm trú;

e) Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;

g) Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục sinh sống tại chỗ ở đó;

h) Người đăng ký tạm trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan đã đăng ký tạm trú có thẩm quyền xóa đăng ký tạm trú và phải ghi rõ lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

3. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký tạm trú.

  • Điều 30. Thông báo lưu trú

1. Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

2. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

3. Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.

4. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

5. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.

  • Điều 31. Khai báo tạm vắng

1. Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:

a) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

b) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

c) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

2. Trước khi đi khỏi nơi cư trú, người quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này phải đến khai báo tạm vắng tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú; khi đến khai báo tạm vắng phải nộp đề nghị khai báo tạm vắng và văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý, giáo dục người đó.

Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra nội dung khai báo. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị khai báo tạm vắng, cơ quan đăng ký cư trú cấp phiếu khai báo tạm vắng cho công dân; trường hợp phức tạp thì thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 02 ngày làm việc.

3. Người quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này có thể đến khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Trường hợp người quy định tại điểm d khoản 1 Điều này là người chưa thành niên thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.

4. Nội dung khai báo tạm vắng bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.

5. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin khai báo tạm vắng của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người khai báo về việc đã cập nhật thông tin khai báo tạm vắng khi có yêu cầu.

Trên đây là chia sẻ của Luật Trí Nam về thủ tục đăng ký tạm trú online, điều kiện và hồ sơ đăng ký thường trú theo Luật cư trú 2020 để mọi người tham khảo và áp dụng trong thực tiễn.

Dịch vụ nổi bật:

+ Dịch vụ thành lập công ty

+ Đăng ký hộ kinh doanh cá thể

+ Đăng ký thương hiệu độc quyền