Hướng dẫn sơ cứu dập ngón tay đúng cách

Bàn tay có nhiều cấu trúc giải phẫu tinh tế như cơ, gân, xương, mạch máu, thần kinh… Dù vết thương thường nhỏ nhưng rất khó khăn trong xử lý cấp cứu và rất phức tạp trong điều trị các di chứng về sau. Bởi vậy, việc sơ cứu các tổn thương bàn tay đúng cách ở giai đoạn đầu góp phần lớn vào hiệu quả điều trị. Cùng Nhà thuốc Long Châu ghi nhớ các bước sơ cứu dập ngón tay bạn nhé!

Hướng dẫn sơ cứu dập ngón tay đúng cách

Ngón tay bị đụng dập có thể xuất hiện tình trạng đau bầm tím tại vị trí đụng dập, có thể kèm theo chảy máu, gãy xương nếu đụng dập mạnh. Tùy theo mức độ chấn thương, trường hợp có chảy máu kết hợp gãy xương là tai nạn nặng cần chuyển cấp cứu ngay lập tức. Sơ cứu bệnh nhân dập ngón tay tùy thuộc vào mức độ tổn thương:

Đối với sơ cứu dập ngón tay có chảy máu

Là khi có đứt mạch máu, máu chảy nhiều do đụng dập vào vật sắc nhọn.

  • Nâng bàn tay bị đụng dập cao hơn ngực.
  • Dùng một tấm vải sạch (có sẵn bông gạc y tế càng tốt) ấn chặt lên vết thương để cầm máu khoảng 5 phút, nên nhấc nhẹ tấm gạc ấy xem đã cầm máu chưa, nếu thấy vẫn còn rươm rướm máu thì lấy lớp vải (gạc) đó ra và thay bằng lớp mới.

Đối với những trường hợp đụng dập ngón tay không chảy máu

  • Chườm với đá lạnh:

Bạn cho đá vào 1 túi vải hoặc dùng khăn bọc lại (lưu ý không chườm trực tiếp đá lên vết thương để tránh bỏng lạnh). Chườm đá có tác dụng làm giảm sưng đau hiệu quả tại vùng ngón đụng dập. Chườm đá 10 đến 15 phút một lần, mỗi lần cách nhau 10 phút. Không nên chườm quá lâu một lần, vì chườm lâu sẽ gây tê cóng bàn tay. Chườm đá 1 đến 2 giờ trong 24 giờ đầu, tiếp tục làm sang ngày thứ hai nếu không đỡ sưng đau.

  • Kê tay cao :

Nâng cao tay giúp máu dễ luân chuyển nên vùng đụng dập ngón tay sẽ bớt sưng và giảm đau.

  • Cử động thử các ngón tay tổn thương:

Một vùng bàn tay chứa rất nhiều gân, cơ, mạch máu và thần kinh đảm bảo chức năng bàn tay. Vì vậy, tổn thương nhỏ cũng làm ảnh hưởng đến bộ phận này. Bạn hãy thử co duỗi nhẹ nhàng các ngón tay, bàn tay để xác định xem vùng đụng dập có gây ảnh hưởng không, nếu bạn không co, duỗi hoặc mất cảm giác dù chỉ 1 ngón thì cũng cần đến khám bác sĩ ngay lập tức.

  • Kiểm tra gãy xương:

Một số trường hợp có thể thấy xương lộ ra ngoài là dấu hiệu chắc chắn của gãy xương, tuy nhiên trường hợp này ít gặp. Đa số nếu có gãy xương thì bạn thường đau chói ở một điểm, hoặc có thể biến dạng bàn tay. Nếu có những dấu hiệu này bạn nên đến khám bác sĩ ngay. Có những trường hợp gãy nhỏ không đau chói nhưng sau tổn thương rất lâu vẫn thấy đau ngón tay.

  • Kiểm tra móng tay:

Có thể vùng đụng dập lớn sẽ gây bong móng tay hoặc tụ máu dưới móng với biểu hiện tím tái móng.

  • Dùng các thuốc giảm đau:

Bạn có thể dễ dàng mua được các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol tại các hiệu thuốc, tuy nhiên không nên lạm dụng nhiều thuốc giảm đau và nên được tư vấn kĩ bởi nhân viên nhà thuốc vì paracetamol dùng ko đúng cách có thể gây suy gan cấp.

Lưu ý với những vết thương bẩn nên rửa sạch bằng nước ấm hoặc tốt nhất là nước muối sinh lý nếu sẵn có và nên đến các cơ sở y tế để được tiêm dự phòng uốn ván. Không nên băng bó vùng đụng dập ngón tay, vì băng bó sẽ gây cản trở dòng máu đến nuôi dưỡng vết thương làm chậm quá trình liền vết thương.

Dập ngón tay có nguy hiểm không?

Bàn tay có nhiều cấu trúc giải phẫu tinh tế: Cơ, gân, xương, mạch máu, thần kinh. Đặc điểm của vết thương đụng dập bàn tay:

  • Cơ ở bàn tay thường là cơ nhỏ và ít màng liên kết che phủ.
  • Chức năng bàn tay là cầm nắm nên rất bẩn.
  • Các bao hoạt dịch gân gấp thông với nhau nên có thể viêm tấy lan tỏa, từ bao hoạt dịch các ngón lan ra cả bàn tay.
  • Vết thương đụng dập tay sẽ gây hoại tử gân, lộ xương nếu vết thương lớn, mất nhiều da, gân xương không được che phủ sẽ dẫn đến hoại tử.

Vết thương đụng dập bàn tay rất dễ gây tàn phế do:

  • Nhiễm khuẩn bàn tay: Nếu vết thương ban đầu không được xử lý đúng cách sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn bàn tay, đặc biệt là nhiễm khuẩn bao hoạt dịch.
  • Tổn thương gân sẽ dẫn đến di chứng dính gân làm mất chức năng của bàn tay, không thể cầm nắm được vật.
  • Can lệch xương, cứng khớp: Nếu vết thương đụng dập có gãy xương mà không phát hiện ra hoặc xử trí sai cách như đắp lá,… thì sẽ dẫn đến can lệch xương nghĩa là xương không nằm đúng vị trí giải phẫu, như vậy sẽ ảnh hưởng đến biên độ vận động khớp, tay không cử động được hết tầm.
  • Tổn thương thần kinh: Thường hay gặp tổn thương thần kinh giữa và thần kinh quay, biểu hiện bằng mất cảm giác tinh tế đầu ngón hoặc liệt vận động các ngón.

Với những đặc điểm trên, ta thấy rằng vết thương đụng dập ngón tay thực sự rất nguy hiểm vì có thể để lại biến chứng lâu dài. Bạn nên đến khám bác sĩ khi có những dấu hiệu sau:

  • Có dấu hiệu gãy xương: Ngón tay sẽ sưng to, biến dạng, đau rất nhiều, đau chói thì nhiều khả năng là gãy xương. Bạn nên đến cơ sở y tế để được chụp X-quang kịp thời phát hiện tổn thương.
  • Không cầm được máu: Thường thì các vết thương đụng dập nhẹ sẽ tự cầm máu, tuy nhiên nếu tổn thương mạch lớn thì sẽ không tự cầm được, cầm máu với cách ở trên trong 20 phút, nếu máu vẫn chảy nhiều thì nên đi bác sĩ khám.
  • Biểu hiện nhiễm trùng: Khoảng 1-2 ngày sau nếu sốt trên 37.5 độ C, mệt mỏi , bạn thấy dịch mủ chảy ra từ vết thương, vết thương mùi hôi thối thì nên đi khám để được xử trí đúng đắn.
  • Tình trạng sưng đau ngày càng tăng dù bạn đã chườm đá và uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ.
  • Vết thương đụng dập nếu bẩn nhiều như dính đất cát,… thì nên đi tiêm phòng uốn ván.

Dập ngón tay là tổn thương hay gặp trong cuộc sống hàng ngày. Những tổn thương nhẹ thì với những bước sơ cứu dập ngón tay như trên sẽ giúp vết thương liền lại nhanh chóng. Nhưng với những vết thương nặng, cần gặp bác sỹ thì bạn nên đến các cơ sở y tế thăm khám để tránh bỏ sót các tổn thương, nếu không sẽ để lại di chứng về sau. Hy vọng với những kiến thức bổ ích mà nhà thuốc Long Châu cung cấp sẽ giúp đỡ bạn nhiều trong cuộc sống của mình.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp