frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video đập thủy điện lớn nhất việt nam

1. Giới thiệu chung

Nhà máy thủy điện Sơn La là dự án trọng điểm Quốc gia được khởi công xây dựng ngày 2 tháng 12 năm 2005 khánh thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2012, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Công trình thủy điện Sơn La được thiết kế và thi công theo công nghệ mới – Bê tông đầm lăn với nhiều ưu điểm về khống chế ứng suất nhiệt trong bê tông khối lớn và đẩy nhanh tiến độ thi công nên công trình này đã vượt tiến độ 3 năm so với Nghị quyết Quốc hội, đã làm lợi cho đất nước hàng nghìn tỷ đồng, sớm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực Tây Bắc [1], [2].

Nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La có công suất lắp máy 2.400 MW, với 6 tổ máy [3]. Cụm công trình đầu mối gồm đập chính bằng bê tông đầm lăn, tràn xả lũ bằng bê tông cốt thép thông thường và nhà máy thủy điện (Hình 1) [3].

dap thuy dien lon nhat viet nam 1

Hình 1. Cụm công trình đầu mối Thủy điện Sơn La

Về quy mô, Nhà máy thủy điện Sơn La là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á với công suất lắp máy 2.400 MW, gồm 6 tổ máy (6 tổ x 400 MW), điện lượng trung bình năm: 10,246 tỷ kWh. Đập chính có chiêu fcao lớn nhất Việt Nam được thiết kế và thi công theo công nghệ bê tông đầm lăn thay thế công nghệ bê tông khối lớn thông thường là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng các công trình thủy công ở Việt Nam. Việc lựa chọn thiết kế kết cấu đập dâng được thay đổi từ sử dụng công nghệ bê tông thông thường sang bê tông đầm lăn đã góp phần quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành tuyến đập sớm hơn so với tiến độ ban đầu. Công trình có các thông số chính như sau [2]:

(1)- Hồ chứa (Hình 1):

– Diện tích lưu vực: 43.760 km2

– Mực nước kiểm tra (ứng với lũ PMF): 231,43 m

– Mực nước gia cường (P = 0,01%): 218,45 m

– Mực nước dâng bình thường: 215,00 m

– Dung tích hữu ích: 5,97. 109 m3

– Dung tích phòng lũ: 7,00. 109 m3

– Dung tích hồ: 9,26. 109 m3

(2)- Đập chính (Hình 1):

– Loại đập: Đập bê tông đầm lăn

– Cao trình đỉnh đập: 228,10 m

– Chiều cao đập lớn nhất: 138,10 m

– Chiều dài đập: 961,60 m

(3)- Nhà máy thủy điện (Hình 2):

– Số tổ máy: 06 tổ

– Công suất một tổ máy: 400 MW

vt2thumb

Hình 2. Các tổ máy phát điện

Về nhiệm vụ, công trình được phê duyệt thiết kế với 03 nhiệm vụ chính [3]:

– Cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

– Góp phần chống lũ vào mùa mưa và cung cấp nước mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ.

– Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc.

2. Những đóng góp của giảng viên và cựu sinh viên khoa công trình

Công trình Nhà máy thủy điện Sơn La là một công trình Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á do Việt Nam làm chủ trong quản lý dự án, thiết kế và thi công với sự đóng góp rất lớn của nhiều thế hệ giảng viên, cựu sinh viên Khoa công trình, Trường Đại học Thủy lợi từ khi chuẩn bị dự án đầu tư đến khi hoàn thành công trình.

Trong công tác quản lý dự án: Ban Quản lý dự án Nhà máy thủy điện Sơn La (nay là Ban Quản lý dự án Điện 1) trực tiếp quản lý dự án và tự giám sát thi công công trình. Lãnh đạo Ban QLDA là cựu sinh viên Khoa công trình (Nguyễn Mạnh Hà – 23T: Cố Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiêm Giám đốc Ban QLDA, Giám đốc Ban điều hành xây dựng công trình; Nguyễn Đình Thảo – 23C: Phó giám đốc Ban QLDA, Nguyên Phó giám đốc Ban điều hành xây dựng công trình. Ngoài ra, nhiều vị trí quan trọng thuộc Ban QLDA là cựu sinh viên Khoa công trình như Bùi Phương Nam 36D – Giám đốc Ban QLDA, Nguyên Phó giám đốc Ban điều hành xây dựng công trình; Phạm Thanh Hoài 31C- Phó giám đốc Ban QLDA, Nguyên Trưởng phòng thí nghiệm bê tông đầm lăn và vật liệu.

Đơn vị tư vấn thiết kế chính là Công ty Cổ phần Tư vân Xây dựng Điện 1 là đơn vị tư vấn thiết kế có đóng góp rất lớn trong việc áp dụng công nghệ mới vào công trình trọng điểm Quốc gia với sự đóng góp rất lớn của cựu sịnh viên Khoa công trình như Giám đốc kiêm Chủ nhiệm thiết kế Lê Bá Nhung – cựu sinh viên Khóa 6, Vũ Văn Diên – cựu sinh viên Khóa 26 đảm nhiệm vai trò Chủ trì thủy công và Công trình đầu mối. Ngoài ra, còn rất nhiều cựu sinh viên Khoa công trình là cán bộ của Công ty Cổ phần Tư vân Xây dựng Điện 1 tham gia thiết kế công trình này.

Tổng Công ty Sông Đà tổng thầu cùng với Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty LICOGI, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam và Tổng Công ty lắp máy Việt Nam thực hiện thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị cho toàn bộ các hạng mục công trình chính với sự đóng góp của hàng trăm cựu sinh viên Khoa công trình.

Về sự đóng góp của giảng viên Khoa công trình, Trường Đại học Thủy lợi: GS.TS Vũ Thanh Te – Nguyên Phó hiệu trưởng, Nguyên Phó trưởng Khoa công trình và GS.TS Nguyễn Chiến – Nguyên Trưởng Khoa công trình tham gia với vai trò là 02 thành viên của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng công trình. Trong quá trình chuẩn bị khởi công, Khoa công trình đóng góp tích cực trong công tác thẩm định thiết kế đê quai ngăn dòng đợt 1 với sự tham gia của nhiều Bộ môn trong Khoa do cố GS.TS Nguyễn Văn Mạo – Nguyên Trưởng Khoa công trình làm chủ nhiệm; tham gia chính gồm có GS.TS Trịnh Minh Thụ – Hiệu trưởng Nhà trường, Nguyên Phó trưởng Khoa công trình, PGS.TS Lê Văn Hùng – Nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và QLXD, PGS.TS Nguyễn Quang Hùng – Phó trưởng Bộ môn Thủy công, TS Trương Quốc Bình – Nguyên Phó trưởng Bộ môn Kết cấu công trình cùng nhiều thầy cô của Bộ môn Công nghệ và QLXD và các Bộ môn khác.

Như vậy, với những đống góp to lơn của nhiều thế hệ cựu sinh viên và giảng viên Khoa công trình cho công trình trọng điểm Quốc gia trong các giai đoạn của dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La, thế hệ sinh viên chúng em sẽ cố gắng rèn luyện, học tập kiến thức trong Nhà trường và kinh nghiệm từ những cựu sinh viên để tiếp nối những truyền thống của các thế hệ giảng viên và cựu sinh viên Khoa công trình trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Quốc hội Khóa X (2001), Nghị quyết số 44/2001/QH10 ngày 29/06/2001 về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La;

[2]. Quốc hội Khóa XI (2002), Nghị quyết số 13/2002/QH11 ngày 16/12/2002 về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La;

[3]. Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 92/2004/QĐ-TTG ngày 15/01/2004 phê duyệt dự án đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La.

Nguyễn Văn Thông – 62CT