XÂY NHÀ TRÊN ĐẤT ĐANG TRANH CHẤP

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Vậy có thể xây nhà trên đất đang có tranh chấp hay không? NPLaw sẽ phân tích một số quy định về việc xây nhà trên đất đang tranh chấp trong bài viết dưới đây.

I. Thực trạng xây nhà trên đất đang tranh chấp hiện nay

Tranh chấp đất đai là vấn đề phức tạp, đặc biệt quan trọng trong quản lý tài sản và sử dụng đất ở. Nhà ở xây dựng trên đất cũng là một bất động sản có giá trị lớn và liên quan mật thiết với quy định về đất đai. Trường hợp xây dựng nhà trên đất đang tranh chấp sẽ dẫn đến nhiều hệ quả pháp lý khác nhau đối với các chủ thể có liên quan. Hiểu rõ về các quy định, biện pháp hòa giải và quy trình giải quyết tranh chấp về xây nhà trên đất đang tranh chấp là hết sức cần thiết giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân, tránh rủi ro pháp lý và mất mát tài sản xảy ra.

II. Quy định pháp luật về xây nhà trên đất đang tranh chấp

1. Thế nào là xây nhà trên đất đang tranh chấp

Khái niệm “tranh chấp đất đai” được hiểu theo khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013 như sau: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.

Trong thực tế, tranh chấp đất đai diễn ra với rất nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Việc xây nhà nhưng không xác định kỹ lưỡng về quyền sở hữu đất đai trước khi xây dựng có thể gây thiệt hại tài chính và pháp lý lớn. Điều này còn có thể xâm phạm quyền hợp pháp của người khác, dẫn đến những tranh cãi phức tạp và kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp, tăng chi phí pháp lý cho những người liên quan.

Xây nhà trên đất đang tranh chấp là gì?

2. Xây nhà trên đất đang tranh chấp có được không?

Theo Điều 93 Luật xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thì đất đang có tranh chấp vẫn được thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, Điều 122 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp như sau: “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó”.

Như vậy, trường hợp đất đai đang tranh chấp và bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp theo quy định pháp luật thì không được phép xây nhà trên phần đất này.

3. Xây nhà trên đất đang tranh chấp có bị xử phạt không?

Trường hợp đất đang có tranh chấp nhưng không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp theo quy định thì vẫn có thể xây dựng trên phần đất đó. Việc xây dựng này cần được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng theo Luật xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Trường hợp xây dựng không có giấy phép thì có thể bị xử phạt theo khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về trật tự xây dựng:

“7. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:

a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

b) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

c) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng”.

Như vậy, xây nhà trên đất đang tranh chấp mà không có giấy phép thì bị xử phạt theo quy định nêu trên.

Quy định về xây nhà trên đất đang tranh chấp

III. Các thắc mắc liên quan đến xây nhà trên đất đang tranh chấp

1. Xây nhà trên đất đang tranh chấp có được cấp Giấy phép xây dựng không?

Theo khoản 1 Điều 93 Luật xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) về điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ gồm:

-Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

-Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;

-Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 79 của Luật này;

-Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 95, Điều 96 và Điều 97 của Luật này.

Như vậy, đất đang có tranh chấp vẫn được thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng. Nhà xây dựng trên đất đang tranh chấp được cấp Giấy phép xây dựng khi có đủ điều kiện nêu trên.

2. Có cần làm thủ tục hợp thức hóa sau khi xây nhà trên đất đang tranh chấp không?

Việc hợp thức hóa nhà ở được thực hiện khi nhà ở xây dựng không đúng quy định và cần thực hiện thủ tục để việc xây dựng đó trở nên hợp pháp. Theo khoản 1 Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP: “…Trong thời hạn 90 ngày đối với dự án đầu tư xây dựng, 30 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh và có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh”.

Như vậy, nhà ở riêng lẻ xây dựng không có Giấy phép xây dựng mà thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng thì chuẩn bị hồ sơ theo quy định để hợp thức hóa công trình, phần công trình đó.

Luật sư tư vấn pháp luật về xây nhà trên đất tranh chấp

3. Không có quyết định cấm thay đổi hiện trạng tài sản của Tòa án thì có xây nhà trên đất đang tranh chấp được không?

Điều 122 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp như sau: “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó”.

Như vậy, không có quyết định cấm thay đổi hiện trạng tài sản của Tòa án thì có thể xây nhà trên phần đất đang tranh chấp khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng theo Luật xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

4. Nếu vẫn cố tình xây nhà trên đất đang tranh chấp thì bị xử lý như thế nào?

Trường hợp xây dựng trên đất đang tranh chấp và không có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền thì người vi phạm có thể bị xử phạt theo khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về trật tự xây dựng.

Ngoài ra, trường hợp đất đang tranh chấp và bị Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp: người không tuân thủ quyết định của Tòa án có thể bị xử lý về hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến xây nhà trên đất đang tranh chấp

Trên đây là bài viết của NPLaw phân tích một số quy định về xây nhà trên đất đang tranh chấp. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho Quý Khách hàng.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn