Câu hỏi, dấu hỏi chấm là gì? Khái niệm, đặc điểm, bài tập vận dụng

Câu hỏi và dấu chấm hỏi là nội dung quan trọng trong môn Tiếng Việt lớp 4. Vậy các bạn biết câu hỏi là gì chưa? Dấu hỏi chấm là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về nội dung này qua những thông tin trong bài viết này nhé.

Câu hỏi là gì?

Câu hỏi còn được gọi là câu nghi vấn, được dùng để hỏi về những điều chưa biết. Câu hỏi dùng để hỏi ai? Phần lớn các câu hỏi được đặt ra là để hỏi người khác, nhưng cũng có những câu hỏi đặt ra để tự hỏi chính mình.

Câu hỏi thường sẽ có các từ nghi vấn như gì, nào, sao, không,… Khi viết, ở cuối câu hỏi thường sẽ có dấu chấm hỏi (?).

Ví dụ câu hỏi là:

– Trời đang mưa to sao?

– Anh ấy có đi không?

– Ai đã ăn cái bánh này vậy?

– Mình đã đến chỗ này chưa nhỉ?

Dấu hỏi chấm là gì?

Dấu hỏi chấm còn được gọi là dấu chấm hỏi hay dấu hỏi, là một trong các dấu kết thúc câu dùng cho câu hỏi. Dấu hỏi chấm được ký hiệu là ?.

Trong các tài liệu, đôi khi dấu hỏi chấm còn được đặt bên trong dấu ngoặc đơn (?) hoặc ngoặc vuông [?] để trỏ đến một lời giải thích.

Trong tiếng Tây Ban Nha, câu hỏi sẽ có một dấu hỏi ngược ở đầu câu ‘¿’ và kết thúc là một dấu hỏi bình thường ‘?’.

Dấu hiệu nhận biết câu hỏi

Sau khi đã tìm hiểu “Câu hỏi là gì? Dấu hỏi chấm là gì?” ở bên trên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về dấu hiệu nhận biết câu hỏi như nào. Câu hỏi có những đặc điểm nhận biết như sau:

– Thường có các từ nghi vấn trong câu, chẳng hạn như ai, gì, nào, sao, không,…

– Khi viết, cuối câu hỏi thường sẽ có dấu hỏi chấm (?).

Ví dụ câu hỏi:

– Ai là người đã đến muộn?

– Sao anh ta không trả lời?

– Đây là con gì?

Bài tập về câu hỏi

Qua những thông tin bên trên, chắc chắn các bạn đã biết rõ câu hỏi là gì và dấu hỏi chấm là gì rồi. Để củng cố kiến thức vững chắc, chúng ta sẽ cùng làm bài tập áp dụng ở bên dưới đây.

Bài 1: Đặt câu hỏi cho các bộ phận câu được in đậm ở dưới đây:

  1. Hăng hái nhất và khỏe nhất là bác Tâm.
  2. Trước giờ học, chúng em thường rủ nhau xem lại bài cũ.
  3. Bến cảng lúc nào cũng đông vui.
  4. Bọn trẻ của xóm em hay thả diều ngoài bờ đê.

Đáp án:

  1. Hăng hái nhất và khỏe nhất là ai?
  2. Trước giờ học, các em thường sẽ làm gì?
  3. Bến cảng như thế nào?
  4. Bọn trẻ của xóm em hay thả diều ở đâu?

Bài 2: Đặt câu hỏi với mỗi từ sau đây: ai, cái gì, làm gì, vì sao, thế nào, bao giờ, ở đâu.

Đáp án:

– Ai: Ai là người học yếu nhất lớp ta?

– Cái gì: Cái gì đã khiến bạn mất tập trung?

– Làm gì: Để cha mẹ vui lòng em cần phải làm gì?

– Vì sao: Vì sao bầu trời lại màu xanh?

– Thế nào: Thời tiết hôm nay sẽ như thế nào?

– Bao giờ: Bao giờ thì hết mùa đông?

– Ở đâu: Nhà ăn ở đâu?

Câu 3: Tìm từ nghi vấn trong những câu hỏi bên dưới đây:

  1. Có phải chú bé Đất đã trở thành chú Đất Nung không?
  2. Chú bé Đất đã trở thành chú Đất Nung có phải không?
  3. Chú bé Đất đã trở thành chú Đất Nung à?

Đáp án:

  1. Các từ nghi vấn trong các câu đề bài đã cho là:
  2. có phải – không
  3. phải không
  4. à

Câu 4. Đặt câu hỏi thể hiện thái độ lịch sự trong những tình huống sau đây:

  1. Hỏi cô giáo khi em còn chưa hiểu bài.
  2. Hỏi mượn bạn cùng lớp quyển truyện mà em thích.
  3. Em muốn được cùng bố mẹ đi chơi vào ngày nghỉ cuối tuần.

Đáp án:

  1. Thưa cô, cô có thể giảng lại giúp em bài này được không ạ?
  2. Hồng ơi, cậu cho tớ mượn quyển truyện này được không?
  3. Bố ơi, cuối tuần này cả nhà mình sẽ đi du lịch cùng nhau chứ nhỉ?

Câu 5: Tìm từ nghi vấn trong các câu hỏi dưới đây:

  1. Bạn thích ăn hồng à?
  2. Có phải sau cơn mưa thì trời sẽ sáng không?
  3. Tám giờ tối mẹ sẽ về nhà phải không?

Đáp án:

Các từ để hỏi có trong các câu đề bài đã cho là:

  1. à
  2. Có phải – không?
  3. phải không?

Câu 6: Trong các câu bên dưới đây, câu nào không phải là câu hỏi và không được dùng dấu hỏi chấm ở cuối câu?

  1. Bạn có thích thả diều không?
  2. Tôi không biết là bạn có thích thả diều không?
  3. Hãy cho tôi biết bạn thích chơi trò nào nhất?
  4. Ai dạy bạn làm đèn ông sao bằng tre đấy?
  5. Thử xem ai khéo tay hơn nào?

Đáp án:

Những câu không phải là câu hỏi và không được sử dụng dấu chấm hỏi là:

– Tôi không biết là bạn có thích thả diều không? (nêu ý kiến của người nói).

– Hãy cho tôi biết bạn thích chơi trò nào nhất? (đưa ra đề nghị)

– Thử xem ai khéo tay hơn nào? (đưa ra lời đề nghị).

Những câu là câu hỏi:

– Bạn có thích thả diều không? (hỏi người khác một điều mà mình đang thắc mắc).

– Ai dạy bạn làm đèn ông sao bằng tre đấy? (hỏi người khác một điều mà mình đang thắc mắc).

Hy vọng bài viết mang đến những thông tin hữu ích để các bạn hiểu rõ câu hỏi là gì? Dấu hỏi chấm là gì? Nếu có vấn đề gì chưa rõ về nội dung trong bài viết, các bạn hãy bình luận bên dưới để chúng tôi trả lời chi tiết nhé.