Dậy thì muộn gây ảnh hưởng như thế nào tới trẻ?

Tuổi dậy thì là lúc cơ thể phát triển từ một đứa trẻ thành người trưởng thành. Dậy thì thường bắt đầu vào độ tuổi 9 – 12 ở con gái và 10 – 13 ở con trai. Biểu hiện dậy thì muộn ở nam và ở nữ khác nhau. Cụ thể là:

1.1 Dậy thì muộn ở nữ giới

Giai đoạn dậy thì ở bé gái bắt đầu khi tuyến yên sản xuất hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). 2 loại hormone này khiến buồng trứng phát triển và bắt đầu sản sinh estrogen. Giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt ở bé gái bắt đầu sau khi ngực phát triển và chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sẽ xuất hiện khoảng 2 – 3 năm sau đó.

Thông thường, con gái bắt đầu dậy thì trong độ tuổi từ 11 – 15 với biểu hiện là sự xuất hiện của lần có kinh đầu tiên cùng một số dấu hiệu sinh dục phụ như chiều cao tăng lên, vú phát triển và xuất hiện lông ở cơ quan sinh dục. Nếu bạn gái không có bất kỳ dấu hiệu phát triển sinh dục nào ở tuổi 14 hoặc không có kinh nguyệt cho tới khi được 16 tuổi thì được gọi là dậy thì muộn.

1.2 Dậy thì muộn ở nam giới

Quá trình dậy thì ở bé trai diễn ra khi tuyến yên bắt đầu tiết ra nhiều hơn hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH) – chất khiến tinh hoàn phát triển và tạo ra hormone nam testosterone. Sự phát triển tăng vọt thường bắt đầu trong vòng 1 năm kể từ thời điểm trẻ có dấu hiệu dậy thì đầu tiên, thường vào lúc 15 tuổi.

Dấu hiệu nhận biết quá trình dậy thì đang diễn ra ở con trai là chiều cao tăng nhanh, nặng cân hơn, vai mở rộng, cơ bắp bắt đầu phát triển, thanh quản (cơ quan phát âm) to rộng ra nên giọng nói trở nên trầm đục. Hệ thống lông của trẻ phát triển, có ria mép và mọc râu, tinh hoàn và dương vật sẽ lớn hơn, có hiện tượng phóng tinh lần đầu.

Nếu trẻ trai đã bước qua tuổi 14 và không có các dấu hiệu kể trên, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra vật lý để đánh giá kích thước của tinh hoàn và dương vật của trẻ. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy dương vật và tinh hoàn không phát triển hơn trước thì chứng tỏ trẻ đã bị dậy thì muộn.