Hạ đường huyết khi mang thai và những mối nguy cho mẹ và bé

Biến chứng khi bà bầu bị tụt đường huyết

Bà bầu bị hạ đường huyết có nguy hiểm không? Có một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa nồng độ glucose của mẹ và thai nhi trong cả giai đoạn đầu và cuối quá trình mang thai. Do đó, việc mẹ bị hạ đường huyết trong thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mẹ mà còn ảnh hưởng đến cả thai nhi.

  • Những đợt hạ đường huyết khi mang thai có thể gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó, giảm glucose thần kinh dường như đặc biệt nguy hiểm đối với người mẹ, nhất là khi mẹ đang làm việc quan trọng như lái xe.
  • Hạ đường huyết do insulin gây ra trong 3 tháng cuối ở những mẹ bầu bị tiểu đường có thể làm tăng cử động của thai nhi và giảm sự thay đổi nhịp tim của thai nhi. Không những thế, hạ đường huyết khi mang thai còn có liên quan đến các vấn đề như: u insulin tuyến tụy, sốt rét ác tính, hội chứng HELLP, bệnh gan tối cấp nghiêm trọng và thiếu hụt ACTH và/hoặc hormone tăng trưởng.
  • Hạ đường huyết tương đối, một tình trạng thường xảy ra ở mẹ bầu có huyết áp bình thường nhưng thai nhi chậm phát triển trong tử cung, có thể dẫn đến hạ đường huyết và hạ insulin trong máu của thai nhi, đồng thời khiến thai nhi phát triển kém.
  • Trẻ sơ sinh được sinh ra từ người mẹ bị hạ đường huyết có nguy cơ bị các đợt hạ đường huyết từ khi mới sinh. Em bé cũng có thể có những bất thường về tinh thần hoặc thể chất.
  • Lượng đường trong máu thấp thậm chí có thể gây tử vong cho cả mẹ và bé nếu không được điều trị nhanh chóng.

Cách xử lý hạ đường huyết khi mang thai

hạ đường huyết khi mang thai

Nhiều người thắc mắc bà bầu bị hạ đường huyết phải làm sao? Nếu bị hạ đường huyết khi mang thai, hãy thực hiện những cách khắc phục sau đây:

  • Đầu tiên, khi xuất hiện các dấu hiệu bị hạ đường huyết, bà bầu cần ngồi xuống và nghỉ ngơi. Trong lúc này, hãy kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy thử đường nhanh vì những triệu chứng tăng đường huyết cũng có thể bị nhầm lẫn với tụt đường huyết khi mang thai.
  • Mẹ bầu cần ăn hoặc uống ngay một ít thực phẩm có chứa carbohydrate và có hàm lượng calo cao, nhanh nhất là đồ ngọt, chẳng hạn như một ly nước đường (không phải đường ăn kiêng), một viên kẹo ngọt, một miếng bánh ngọt.
  • Bà bầu bị hạ đường huyết cũng có thể uống một ly nhỏ nước ép trái cây nguyên chất, mặc dù cách này không đem lại hiệu quả nhanh.
  • Không dùng socola hoặc các thực phẩm béo khác, vì đường sẽ được hấp thụ chậm hơn do hàm lượng chất béo.
  • Phụ nữ mang thai bị hạ đường huyết cần kêu gọi sự trợ giúp của người thân hoặc nhân viên y tế ngay khi có thể.
  • Nếu mẹ bầu bất tỉnh hoặc không thể ăn uống gì, hoặc tình hình sau khi sơ cứu không khả quan hơn, những người xung quanh cần đưa thai phụ đến bệnh viện ngay lập tức.
  • Nếu thường xuyên bị hạ đường huyết khi mang thai, mẹ bầu nên khám thai và theo dõi định kỳ với bác sĩ, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.