Chuc-mung-ngay-doanh-nhan-viet-nam

Ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu:

– Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trài thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.

– Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Từ đó đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều đạo luật riêng là Luật Doanh nghiệp, điều chỉnh và bảo hộ cho hoạt động của Doanh nhân. Đảng ta đã có nghị quyết riêng về Doanh nhân là Nghị quyết 09-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế (2011).

Mới đây nhất, vào tháng 6/2017, hai nghị quyết của Trung ương đã được ban hành: Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đảng, Nhà nước và nhân dân càng ngày càng nêu cao vai trò và động lực của Doanh nhân trong sự nghiệp chung vì dân chủ, văn minh và tiến bộ xã hội.

Doanh nhân là một danh từ cao quý mà xã hội dùng để gọi những con người có khát vọng và ý chí, biết vượt lên để làm giàu.

Doanh nhân ngày nay, đã được yêu mến và kính trọng như là những con người tinh hoa và có công trạng lớn đối với đất nước.

Doanh nhân đã trở thành một trong những hình mẫu đẹp của giấc mơ nhiều em bé đang ngồi trên ghế trường phổ thông. Doanh nhân đã là lựa chọn trong khởi đầu hành trình lập thân lập nghiệp của nhiều người trẻ tuổi hiện nay.

Chúc mừng Doanh nhân vào Ngày Doanh nhân Việt Nam, là bày tỏ tình cảm yêu mến và lòng biết ơn! Chúc mừng Doanh nhân cũng là thêm một dịp thể hiện sự kỳ vọng vào đội ngũ tinh hoa này sẽ tiếp tục tiến lên, vượt qua những thách thức, đóng góp vào công cuộc chung, đưa đất nước tiến mạnh mẽ về phía phồn vinh và thịnh vượng!

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện hiện có: 2.759 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 28.087 tỷ đồng, trong đó thành lập mới từ đầu năm đến 31/8/2018 là 155 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ đăng ký là 1.091,7 tỷ đồng. Đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Thương mại (chiếm 30,5%), một số còn lại hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, tài nguyên. Gần đây, nhiều doanh nghiệp có xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Thành tựu về kinh tế – xã hội của tinh trong những năm qua có nhiều đóng góp của doanh nhân và doanh nghiệp trong tỉnh. Cụ thể, năm 2018 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 13.443 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 9,28% so với cùng kỳ năm trước và vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước khoảng 2.436,6 tỷ đồng, đạt 112,2% so với dự toán.

Công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh được tăng cường và đạt nhiều kết quả. Tính đến ngày 31/8/2018, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 291 dự án đầu tư (ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế) với tổng vốn đăng ký đầu tư 54.660,951 tỷ đồng. Đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh đã rà soát và ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Hy vọng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với doanh nhân, doanh nghiệp. Doanh nhân và doanh nghiệp trong nền kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng, trong đó chuẩn bị thực thi nhiều cam kết kinh tế quốc tế mới, nhất là các FTA thế hệ mới; các cân đối vĩ mô được duy trì ổn định, nhưng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế./.

Lê Văn Quyền