Làm gì khi đầy bụng khó tiêu kéo dài?

1. Đầy bụng khó tiêu là gì?

Đầy bụng khó tiêu là một vấn đề bất thường tại đường tiêu hóa, có thể lành tính do thói quen ăn uống không khoa học hoặc là dấu hiệu của một số bệnh lý tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng… Những người sau ăn hay bị đầy bụng khó tiêu có thể đơn thuần hoặc kèm theo một số triệu chứng khác như đau bụng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn ói, cảm giác khó chịu trong bụng.

Khi gặp tình trạng này, người bệnh trước tiên cần xác định được nguyên nhân và từ đó lựa chọn biện pháp điều trị thích hợp.

2. Nguyên nhân gây bệnh đầy bụng khó tiêu

Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó hay gặp bao gồm các vấn đề sau:

  • Chế độ ăn bổ sung quá nhiều chất đạm, đường, bột và dầu mỡ, dẫn đến quá khả năng tiêu hóa và ứ đọng lại trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, đầy bụng khó tiêu còn hay gặp ở những người có sở thích ăn thức ăn cay nóng, sử dụng nhiều bia rượu, cà phê hoặc chất kích thích hay có thói quen ăn gấp, ăn nhanh, không nhai kỹ hoặc nằm ngay sau ăn… Tất cả vấn đề trên đều dẫn đến quá tải đường tiêu hóa, khiến các cơ quan không xử lý hết thức ăn;
  • Rối loạn tiêu hóa, cổ trướng, táo bón, dị ứng thực phẩm;
  • Sự phát triển quá mức của hệ vi khuẩn ở đường ruột;
  • Một số bệnh lý đường tiêu hóa như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, nhiễm trùng đường ruột, tắc ruột, ung thư đại tràng…;
  • Sử dụng thuốc kháng sinh không theo chỉ định khiến hệ khuẩn có lợi suy giảm còn các vi khuẩn có hại lại phát triển quá mức và gây đầy bụng khó tiêu;

Những người ăn hay bị đầy bụng khó tiêu cần phải loại trừ nguyên nhân do các bệnh lý thực thể, trong đó cần đặc biệt chú ý với những trường hợp trên 45 tuổi vì nguy cơ ung thư dạ dày. Những trường hợp mắc bệnh đầy bụng khó tiêu liên quan đến viêm, loét hoặc trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày… cần được chẩn đoán, theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.