Từ 21/4/2020, lưới điện cao áp là lưới điện có điện áp danh định từ 1.000 V trở lên

luoi dien cao ap, 51/2020/NĐ-CP

Hình minh họa (Nguồn Internet)

Theo Nghị định 51/2020/NĐ-CP, lưới điện cao áp là lưới điện có điện áp danh định từ 1.000 V trở lên (thay vì: “Công trình lưới điện cao áp bao gồm lưới điện cao áp và hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, áp dụng cho lưới điện có điện áp danh định từ 6 kV trở lên” như quy định tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, Nghị định 51 còn bổ sung khoản 5 Điều 2 Nghị định 14 như sau: “Dây bọc là dây dẫn điện được bọc lớp cách điện có mức cách điện tối thiểu bằng điện áp pha của đường dây”

Bên cạnh đó, Nghị định 51/2020/NĐ-CPNghị định 14/2014/NĐ-CP quy định các yêu cầu chung về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như sau:

– Đối với các nhà máy điện, trạm điện, đường dây dẫn điện chuẩn bị đưa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư phải bàn giao đầy đủ tài liệu thiết kế, thi công, hoàn công và các tài liệu kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật về xây dựng cho đơn vị quản lý vận hành.

– Đối với đoạn đường dây dẫn điện trên không vượt qua nhà ở, công trình có người sinh sống, làm việc bên trong và nơi thường xuyên tập trung đông người thì các chế độ vận hành của đường dây không được vượt quá tiêu chuẩn, định mức quy định.”

– Có đầy đủ các tài liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn điện; các hướng dẫn như: Quy trình, nội quy và biện pháp tổ chức thực hiện các quy định về an toàn điện tại cơ quan, doanh nghiệp trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện hiện hành. Thiết lập hồ sơ, lý lịch, tài liệu kỹ thuật liên quan đến thiết bị điện và tổ chức quản lý theo quy định.

– Tại các vị trí vận hành phải có đầy đủ các quy trình: Vận hành thiết bị, xử lý sự cố điện; sơ đồ lưới điện, nội quy phòng cháy, chữa cháy, sổ nhật ký vận hành, dụng cụ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, biển cấm, biển báo và các dụng cụ, phương tiện khác theo quy định.

– Bố trí người lao động làm công việc vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây điện hoặc thiết bị điện phải đảm bảo đủ các điều kiện sau: Được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ thuật đúng yêu cầu ngành nghề; Được huấn luyện và cấp thẻ an toàn điện.

– Sử dụng các thiết bị, dụng cụ điện có chứng chỉ chất lượng hoặc nhãn mác đăng ký chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định pháp luật khác có liên quan. Các thiết bị, dụng cụ điện phải được kiểm định an toàn kỹ thuật theo đúng quy định. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về danh mục trang thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định; nội dung kiểm định; hình thức, chu kỳ kiểm định; quy trình kiểm định; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện.

– Xây dựng, ban hành kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn sự cố, tai nạn. Trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn về điện, phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp cần thiết để cấp cứu người bị nạn, giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản; phải tổ chức điều tra xác định, phân tích nguyên nhân; kiểm điểm, xác định trách nhiệm.

– Tổ chức hoặc tham gia tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về công tác an toàn điện.

– Thực hiện việc thống kê, báo cáo tai nạn điện, vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về thống kê, báo cáo tai nạn điện và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.”

Xem thêm tại: Nghị định 51/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 21/4/2020.

Thu Ba

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY